Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội: Trận chiến thực sự bắt đầu


obama state ofthe unionTT Obama đọc diển văn Thông Điệp Liên Bang tối hôm 20/01/2015

Ðúng 6 năm sau ngày nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama hãnh diện cho người dân Hoa Kỳ biết tình trạng kinh tế quốc gia ngày một sáng sủa hơn.

Từng có lúc nước Mỹ đứng bên bờ vực thẳm, bây giờ tình hình đã hoàn toàn đổi khác: 58 tháng liên tiếp tạo được công ăn việc làm cho người dân, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống chỉ còn 5.6% -tức chỉ bằng phân nửa con số được các kinh tế gia dự đoán khi ông mới bước chân vào Tòa Bạch Ốc. Ổn định đó giúp người dân vững tâm hơn, số người có tiền để dành hay tiêu xài cũng tăng lên, đúng như những gì ông đã hứa sẽ thực hiện khi giơ tay tuyên thệ hôm 20 Tháng Giêng 2009 để trở thành vị tổng thống thứ 44 và cũng là vị tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ. Ngay cả chuyện kỹ nghệ xe hơi ngày một phát đạt hơn trước, giá xăng đang tụt rất nhanh cũng được ông xem là thành tích đạt được sau 6 năm trời điều khiển quốc gia.

Những điều nêu trên được Tổng Thống Barack Obama dùng làm chủ đề cho bản Thông Ðiệp Liên Bang vừa đọc tối Thứ Ba, 20 Tháng Giêng 2015, trình bày cho người dân và Quốc Hội biết về tình hình của đất nước.

Như thường lệ, bản thông điệp này được sự cổ võ nồng nhiệt của các vị dân cử cùng đảng Dân Chủ với ông, và cũng gặp sự chống đối không nhỏ của các vị dân cử Cộng Hòa đang tìm cách ngăn chận những gì ông muốn thực hiện.

“Không thể phủ nhận Tổng Thống Obama đã thành công lớn về mặt kinh tế,” phân tích gia Mark Twiller của đảng Dân Chủ nói với mọi người trước khi tổng thống Hoa Kỳ bắt đầu đọc bản Thông Ðiệp Liên Bang 2015. “Ðây là điều ông Obama có quyền tự hào, cả Thượng lẫn Hạ Viện đều đồng ý, vỗ tay tán thưởng ông. Ðây cũng là điều hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa phải công nhận, vì bằng chứng quá rõ rệt, không có gì để phải tranh cãi.”

Ông Twiller nói “không có gì phải tranh cãi,” nhưng cánh Cộng Hòa đang điều khiển cả Thượng lẫn Hạ Viện không nhìn như thế. Kinh tế quả có khá hơn trước “nhưng vẫn chưa vững vàng” như lời trình bày của Dân Biểu Paul Ryan, người đang nắm giữ phần ngân sách và tài chánh của Hạ Viện. Bên Thượng Viện, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Orin Hatch cho rằng “mức độ thâm thủng ngân sách là điều mọi người khi nghĩ đến đều phải giật mình,” đòi hỏi Tòa Bạch Ốc “phải cắt giảm chi tiêu” để cân bằng ngân sách trong thời hạn sớm nhất. “Thời hạn đó,” Thượng Nghị Sĩ Hatch nói tiếp, “là ngay bây giờ, ngay lúc này chứ không thể để lâu hơn được.”

Mặc dù biết trước sẽ gặp sử chống đối của cánh Cộng Hòa, Tổng Thống Dân Chủ Obama vẫn nhất quyết dùng thành quả kinh tế ông gầy dựng được để thúc đẩy lập pháp thông qua một số chương trình ông muốn thực hiện trong những năm tới, như chương trình trợ giúp học phí cho sinh viên theo học ở các trường đại học cộng đồng, và ban hành luật giảm thuế vĩnh viễn cho thành phần trung lưu.

Ðể có tiền thực hiện những chương trình này, Tổng Thống Obama đưa đề nghị tăng mức thuế đánh vào thành phần có mức thu nhập cao, tăng thuế đánh vào khoản tiền cá nhân đầu tư có lời và giảm bớt những quy định khấu trừ thuế mà các đại công ty đang được hưởng. Bên cạnh những điều đó, ông cũng để nghị tăng lệ phí mà các ngân hàng phải đóng cho chính phủ.

Trước khi vị tổng thống Dân Chủ chính thức thông báo những ý kiến này, cánh Cộng Hòa đã lên tiếng cho biết “không bao giờ chấp nhận chuyện tăng thuế.” Ðiều này “hoàn toàn không ngạc nhiên đối với chúng tôi,” như lời ông Cố Vấn Dan Pfeifer nói với giới truyền thông mọi vài ngày trước đây, nhắc lại “trong những năm qua, cứ nói đến tăng thuế là các vị dân cử Cộng Hòa lắc đầu, không đếm xỉa gì tới lý do tại sao cần phải tăng thuế, tăng thuế để làm gì.” Riêng với giới quan sát, những điều Tổng Thống Obama đưa ra trong bản Thông Ðiệp Liên Bang 2015 sẽ giúp ông cơ hội lấy lý do “Quốc Hội không làm” đề ban hành những sắc lệnh thực hiện những điểm ông muốn làm, đồng thời còn đẩy các ứng cử viên Cộng Hòa trang ghế tổng thống 2016 vào thế phải trả lời câu hỏi của cử tri “tại sao không ủng hộ những chương trình dân sinh dân trí mà đảng Dân Chủ đưa ra.”

Người đưa ra nhận xét vừa nêu là ông Robert Lehman, từng giữ vai trò soạn diễn văn cho Phó Tổng Thống Al Gore và hiện đang giảng dạy ở American University. “Những gì Tổng Thống Obama trình bày không nhắm vào mục đích có được Quốc Hội thông qua trong năm nay hay không, mà nhắm thằng vào cuộc bầu cử tổng thống cho nhiệm kỳ tới.”

Ông Lehman đưa thí dụ, nếu ý kiến giúp trả học phí cho các sinh viên trẻ theo học các trường đại học cộng đồng không được Quốc Hội Cộng Hòa ủng hộ, “ý kiến này sẽ tạo lợi thế cho bà Hillary Clinton hoặc bất kỳ ứng cử viên nào đại diện cho đảng Dân Chủ tranh cử tổng thống năm 2016. Người Mỹ nào cũng ủng hộ các chương trình trợ giúp giáo dục, và ứng cử viên Dân Chủ sẽ nhắc đi nhắc lại với cử tri rằng chỉ có đảng Cộng Hòa chống đối thôi.”

Sau cuộc bầu cử giữa kỳ mới diễn ra hồi Tháng Mười Một năm ngoái, đảng Cộng Hòa thành công lớn khi lấy được khối đa số ở Thượng Viện và có thêm ghế dân cử ở Hạ Viện.

Chiến thắng chính trị này giúp đảng Cộng Hòa nắm quyền quyết định những dự luật nào họ muốn đưa ra thảo luận và bỏ phiếu thông qua, “nhưng đồng thời cũng là lợi thế chính trị cho cả Tổng Thống Obama,” theo phân tích của Giáo Sư Richard Kelsey, phụ tá khoa trưởng Luật Khoa của Ðại Học George Mason ở tiểu bang Virginia. Lợi thế đó là “ông ta (Obama) chẳng còn gì để thua nữa, vì thế ông chẳng ngần ngại đối đầu trực tiếp với cánh Cộng Hòa, đưa ra những quyết định đẩy phe đối lập (Cộng Hòa) vào thế khó xử.”

Dẫn chứng được Giáo Sư Kelsey đưa ra: hồi Tháng Mười Một năm ngoái, Tổng Thống Obama đơn phương ký sắc lệnh cho phép khoảng 5 triệu người cư trú bất hợp pháp nhưng có con sinh trưởng ở Mỹ được phép ở lại và đi làm, cho phép những ngườì theo cha mẹ vào Mỹ lúc còn nhỏ được phép ở lại, không lo sợ bị trục xuất, đến Tháng Mười Hai ông lại thông báo quyết định nối lại bang giao với Cuba mà không tham khảo ý kiến của Quốc Hội. Nhưng việc làm đó được Giáo Sư Kelsey ví von “chẳng khác gì ông Obama đặt vào tay đảng Cộng Hòa trái lựu đạn đã rút chốt rồi bảo các anh có ngon thì cứ ném đi.” Kết quả là đảng Cộng Hòa không biết làm gì với trái lựu đạn đang nắm trong tay, và về mặt chính trị “ông Obama đã thành công” chuyển thất bại trở thành chiến thắng, ít nhất, trong lúc này.

Phòng báo chí Tòa Bạch Ốc cho biết sáng Thứ Tư, 21 Tháng Giêng 2015, Tổng Thống Obama sẽ tiếp tục những chuyến đi để tiếp xúc với cử tri toàn quốc. Trạm dừng chân đầu tiên của ông là trường Boise State University ở Ohio, kế đến là University of Kansas, những tiểu bang ông biết đảng Dân Chủ cần phải thắng vào năm tới để tiếp tục giữ chìa khóa mở cửa Tòa Bạch Ốc.

Một viên chức thân cận với ông báo trước trong cả 2 bài nói chuyện với sinh viên tại Ohio và Kansas, “tổng thống sẽ nhấn mạnh tới giáo dục và tuổi trẻ, xem đó là những điều kiện cần phải có để giúp nước Mỹ tiếp tục tiến, tiếp tục vững mạnh trong tương lai.” Viên chức này nói tiếp “để có thể xây dựng tương lai, tổng thống đòi hỏi Quốc Hội thông qua đề nghị hỗ trợ cho sinh viên mà ông vừa đưa ra trong bản thông điệp mới đọc tối Thứ Ba.”

Một lợi thế khác của Tổng Thống Barack Obama: lịch sử Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ người dân ủng hộ vị tổng thống vừa đọc bản thông điệp hàng năm bao giờ cũng tăng. Sau những ngày tháng đứng ở mức thấp nhất, Tổng Thống Obama có thể dùng lợi thế chính trị này làm hành trang lên đường, giúp ông làm việc cho 2 năm cuối cùng của nhiệm kỳ hai, trước khi ông rời Washington D.C., trao quyền lãnh đạo quốc gia cho người kế nhiệm.

Switch mode views: