Đối lập Thái Lan do dự giữa « cách mạng » và bầu cử
- Thứ Hai, 16 tháng Mười Hai năm 2013 20:01
- Tác Giả: Thanh Phương
Lãnh đạo phong trào chống chính phủ, ông Sungthep Thaugsuban (giữa) sau cuộc gặp với chỉ huy quân đội Thái Lan tại Bangkok nhưng không mang lại kết quả gì ngày 14/12/2013.
REUTERS/Athit Perawongmetha
Đảng Dân chủ, đảng đối lập chính ở Thái Lan hiện đang đứng trước một bài toán nan giải : Tiếp tục cuộc « cách mạng nhân dân » hay chấp nhận bầu cử trước thời hạn.
Với hy vọng giải toả khủng hoảng chính trị, thủ tướng Yingluck Shinawatra đã giải tán Quốc hội và loan báo tổ chức bầu cử trước thời hạn ngày 02/02 năm tới.
Nhưng những người cầm đầu phong trào biểu tình chống chính phủ đã bác bỏ sáng kiến của thủ tướng Thái và đòi đình chỉ mọi định chế chính trị, thay vào đó là một « hội đồng nhân dân », với trách nhiệm chủ yếu là sửa đổi luật bầu cử trước khi tiến hành bầu lại Quốc hội.
Đảng Dân chủ đã ủng hộ phong trào biểu tình và toàn bộ các dân biểu Quốc hội của đảng này đã từ chức.
Một số nhân vật lãnh đạo của đảng này, trong đó có cựu thủ tướng Abhisit Vejajiva đã tham gia đoàn người biểu tình trong những ngày qua.
Hôm nay, ban lãnh đạo Đảng Dân chủ bắt đầu họp lại trong hai ngày để quyết định xem họ có nên tham gia bầu cử hay không.
Quyết định này sẽ có tác động phần nào đến tương lai của nền dân chủ còn rất mỏng manh của Thái Lan.
Nếu đảng đối lập tẩy chay, cuộc bầu cử tới sẽ không có tính chính đáng và như vậy tình hình chính trị của Thái Lan sẽ tiếp tục bất ổn.
Nguyên là phát ngôn viên của Đảng Dân chủ, cô Chitpas Bhirombhakdi, được đào tạo ở Anh quốc, là một trong những gương mặt tiêu biểu của « cách mạng nhân dân ».
Tuy nhiên, cô Chitpas khẳng định với hãng tin AFP hôm nay là Đảng Dân chủ không hề chối bỏ nền dân chủ, mà chỉ cần có thêm thời gian để cải tổ đất nước, nhất là diệt trừ những vấn nạn của Thái Lan như tham nhũng và mua phiếu cử tri.
Vấn đề, theo Chitpas, là nhiều người dân Thái Lan chưa thật sự hiểu đúng thế nào là dân chủ, nhất là người dân vùng nông thôn.
Tuyệt đại đa số các đảng viên Đảng Dân chủ, một trong những chính đảng lâu đời nhất ở Thái Lan, là xuất thân từ tầng lớp trung lưu thành thị.
Thành phần này vẫn căm ghét cựu thủ tướng Thaksin, bị quân đội lật đổ năm 2006 và hiện sống lưu vong.
Ông Thaksin thì lại rất được lòng dân nghèo, nhất là người dân vùng nông thôn.
Với sự ủng hộ của thành phần cử tri bình dân, đảng cầm quyền Puea Thai của thủ tướng Yingluck chắc chắc sẽ lại giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 02/02/2014 tới, nếu cuộc bầu cử này diễn ra.
Về phần Đảng Dân chủ thì từ hai thập niên qua chưa hề thắng cử. Đảng này chỉ lên cầm quyền vào năm 2008 nhờ một quyết định của ngành tư pháp giải thể đảng thân Thaksin đang cầm quyền lúc ấy.
Nhưng lãnh đạo của Đảng Dân chủ bị tố cáo đã ra lệnh cho quân đội đàn áp các cuộc biểu tình của những người Áo Đỏ, tức những người trung thành với ông Thaksin, cách đây ba năm.
Nay trở lại ở thế đối lập, Đảng dân chủ vẫn lên án những biện pháp mà họ xem là mang tính chất mị dân của chính phủ Yingluck, như chính sách hỗ trợ các nông gia trồng lúa ở Thái Lan.
Nhưng một số nhà quan sát ở Thái Lan nghi ngờ thực tâm dân chủ của đảng đối lập.
Hãng tin AFP hôm nay trích lời giáo sư Pavin Chachavalpongpun, thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của trường đại học Kyoto, nhận định : « Họ muốn tống khứ Thaksin để lập một thể chế đặc biệt mà không thông qua tiến trình dân chủ ».
Cựu phát ngôn viên của Đảng Dân chủ Chitpas hy vọng là một ngày nào đó sẽ có một chính phủ Thái Lan tồn tại cho đến hết nhiệm kỳ mà không bị quân đội lật đổ hoặc bị tư pháp giải thể.
Nhưng khả năng này có vẻ khó xảy ra sớm tại một quốc gia mà từ năm 1932 đến nay đã xảy ra tổng cộng 18 cuộc đảo chính hoặc mưu toan đảo chính.
Tin mới
- Mỹ cấm vận thêm 3 công ty Miến Điện buôn bán vũ khí với Bắc Triều Tiên - 18/12/2013 19:31
- Cảnh sát Pháp bảo vệ cháu Kim Jong Un - 18/12/2013 00:38
- Mỹ cảnh cáo ý đồ Trung Quốc lập vùng phòng không ở Biển Đông - 18/12/2013 00:15
- Miến Điện: Bom nổ làm ít nhất 3 người thiệt mạng - 18/12/2013 00:07
- Tokyo chủ động hơn trong chiến lược đối đầu với Bắc Kinh - 17/12/2013 23:39
- Cô của Kim Chính Vân vẫn được trọng vọng sau khi chồng bị xử tử - 16/12/2013 23:20
- Quân đội Bắc Hàn tuyên thệ tập thể trung thành với lãnh tụ - 16/12/2013 23:13
- Hoa Kỳ kêu gọi thành lập mặt trận chung đối phó với Kim Jong Un - 16/12/2013 20:47
- Liên Hiệp Quốc : 9 triệu dân Syria cần được cứu trợ nhân đạo - 16/12/2013 20:28
- Renault liên kết với Đông Phong chinh phục thị trường xe hơi Trung Quốc - 16/12/2013 20:18
Các tin khác
- Báo chí Bắc Kinh : Tàu chiến Mỹ đe dọa an ninh Trung Quốc - 16/12/2013 19:53
- Báo động con buôn Trung Quốc phá kinh tế - 16/12/2013 05:04
- Tổng thống Ukraina đang đi nước cờ liều ? - 16/12/2013 04:49
- Trung Quốc bắt hơn 1300 người buôn thuốc giả - 16/12/2013 04:17
- Khoảng 10 ngàn người đối lập Cam Bốt biểu tình đòi bầu lại Quốc hội - 16/12/2013 04:09
- Ngoại trưởng Mỹ Kerry thăm vùng đồng bằng Cửu Long - 16/12/2013 03:43
- Phi thuyền Trung Quốc đáp xuống Mặt trăng - 15/12/2013 03:01
- Phe đối lập Thái Lan gặp quân đội để tìm lối thoát cho khủng hoảng - 15/12/2013 02:55
- Đông Nam Á hưởng lợi từ căng thẳng Nhật-Mỹ-Trung - 15/12/2013 02:46
- Việt Nam có thể thả thêm tù nhân chính trị sau chuyến đi của John Kerry - 15/12/2013 02:01