Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt-Nga tăng hợp tác kỹ thuật quân sự

HÀ NỘI (NV) - Việt Nam và Nga vừa đạt được một thỏa thuận, theo đó, hai bên sẽ cùng tăng việc hợp tác kỹ thuật quân sự như một giải pháp thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương.
QuanHeVietNga



Các viên chức dân sự và quân sự của Việt Nam chụp hình lưu niệm trên một trong sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo mà Nga đóng cho Việt Nam tại nhà máy Admiralty ở Saint Petersburg, trong chuyến thăm Nga hồi tháng 5 năm nay. (Hình: ST)



Thỏa thuận này đã được xác định qua cuộc họp thứ 15 của Ủy ban liên Chính phủ Việt - Nga về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự, diễn ra tại Hà Nội cách nay vài ngày.

Đại diện cho phía Việt Nam là một viên thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Phó Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật quân sự của Liên bang Nga.

Viên phó giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật quân sự của Nga đến Viện Nam hôm 9 tháng 10 và ở lại đó cho đến 11 tháng 10.

Theo báo điện tử VietNamNet, trong thỏa thuận vừa nêu, việc đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật quân sự là một phần trong việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược.

Thời gian vừa qua CSVN đã cố gắng đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác về quân sự, tăng cường khả năng quốc phòng với nhiều quốc gia.

Ngoài Nga, Việt Nam còn tìm cách thúc đẩy quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực này với Philippines, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật, Nam Hàn, Ấn Độ.

Riêng với Nga, những thỏa thuận hợp tác về quân sự, tăng cường khả năng quốc phòng đã đạt một số kết quả cụ thể. Chẳng hạn, qua quan hệ này, CSVN sẽ hoàn tất việc xây dựng một công xưởng hải quân ở Cam Ranh vào năm 2015.

Theo tiết lộ của ông Yevgeny Shustikov, Phó Tổng giám đốc Công xưởng Hải quân Zvezdochka (Nga) với hãng tin RIA Novosti (Nga), Nga đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng Công xưởng Hải quân Cam Ranh để sửa chữa và bảo dưỡng toàn bộ các chiến hạm mà Liên Xô (trước đây) và Nga (hiện nay) cung cấp cho Việt Nam.

Trong thập niên vừa qua, Việt Nam đã đặt mua của Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo, 4 chiến hạm phóng hỏa tiễn Gepard để trang bị cho hải quân. Việt Nam còn đặt mua thêm 20 chiến đấu cơ Su-30MK2, hệ thống hỏa tiễn địa - không S-300, hệ thống hỏa tiễn hải – không Bastion và hỏa tiễn địa - không Igla để trang bị cho quân chủng phòng không – không quân.

Ngoài các chiến hạm mới mua của Nga, đến nay, Hải quân Việt Nam vẫn còn sử dụng các chiến hạm loại Svetlyak, Molniya mua từ Nga hồi thập niên 1990.

 Sau khi Liên Xô tan rã, Việt Nam và Nga trở thành “đối tác chiến lược” năm 2001. Đến năm ngoái, quan hệ Nga – Việt đã được nâng lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”.

Tháng trước, Nga và Việt Nam đã thảo luận chi tiết về các nội dung hợp tác chính như: Mở rộng hợp tác hải quân. Xây dựng Công xưởng Hải quân để đóng và sửa tàu cũng như cung cấp các dịch vụ hậu cần cho những con tàu ghé vịnh Cam Ranh.

Lúc đó, tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng CSVN, kể với Thông tấn xã Việt Nam rằng, chế độ Hà Nội và Nga đã đồng ý cùng thành lập một “liên doanh sửa chữa bảo dưỡng” các loại vũ khí, phương tiện mà Liên Xô từng viện trợ cho Việt Nam cũng như các loại vũ khí, phương tiện mà Việt Nam mới mua từ Nga.

Viên bộ trưởng quốc phòng CSVN còn kể thêm là Nga yêu cầu Việt Nam “đơn giản hóa” mọi thứ để họ có thể “vào cảng Cam Ranh sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền, cho quân nhân nghỉ ngơi trong quá trình hành quân” nhưng thay mặt Việt Nam, ông Thanh đã trả lời rằng, “quan điểm nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự với nước ngoài, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam”.

Chế độ Hà Nội liên tục khẳng định mong muốn giữ vị thế trung lập có thể vì điều đó hỗ trợ việc đạt được nhiều kết quả tích cực hơn, trong quá trình tìm kiếm sự hỗ trợ nhằm  tăng cường khả năng quốc phòng, thông qua các thỏa thuận hợp tác về quân sự với những quốc gia khác.

Một mặt, Việt Nam nhấn mạnh mong muốn không để Cam Ranh bị biến thành căn cứ quân sự như trong quá khứ, mặt khác, Cam Ranh đã và đang là địa danh gắn với nhiều sự kiện liên quan tới nỗ lực “tăng cường hợp tác quốc phòng” giữa Việt Nam và các quốc gia khác, cũng như nỗ lực “hiện đại hóa hải quân Việt Nam”.

Ngoài thông tin liên quan tới việc Việt Nam đang xây dựng một Công xưởng Hải quân, Cam Ranh còn được kể tới trong kế hoạch xây dựng “Trung tâm đào tạo nhân lực điều khiển tàu ngầm của dự án Varshavyanka”.

Dự án Varshavyanka là tên gọi kế hoạch trang bị 6 tàu ngầm loại Varshavyanka lớp Kilo của Nga cho Hải quân Việt Nam.

Việt Nam đặt mua lô tàu ngầm này hồi năm 2009, vởi tổng giá trị của cả lô hàng là hai tỉ đô la. Năm nay, Nga bàn giao hai tàu ngầm đầu tiên của lô hàng này và tháng 11 sẽ bắt đầu đào tạo người sử dụng tàu ngầm Kilo cho Hải quân Việt Nam tại Cam Ranh.

Gần đây, Việt Nam còn hỏi mua từ Nga tổ hợp Gefest/Hephaestus của công ty Aqua-Servis.

 Tổ hợp Gefest/Hephaestus là thiết bị mô phỏng để huấn luyện ứng phó trong  các tình huống khẩn cấp trên biển. Theo dự kiến, tổ hợp Gefest/Hephaestus sẽ được Nga giao cho Việt Nam vào cuối năm nay và Hải quân Việt Nam sẽ lắp đặt tổ hợp này tại trung tâm huấn luyện ở Cam Ranh.

Cam Ranh cũng đã trở thành nơi mà một số chiến hạm Hoa Kỳ ghé vào để bảo dưỡng và nhận tiếp liệu.

Lần gần nhất là hôm 1 tháng 5, chiến hạm USNS Amelia Earhart của Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Hoa Kỳ đã vào Cam Ranh để bảo trì.

Đó là lần thứ bảy chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ vào Cam Ranh để bảo trì. Chuyến đầu tiên là hồi tháng 2 năm 2010. (G.Đ.)

Switch mode views: