Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hàng loạt hãng cà phê Việt Nam sập tiệm


ĐẮC LẮC (NV) .- Nợ nần ngập đầu, bỏ vốn đấu tư bừa bãi, lãi suất vay nợ cao, cách kinh doanh chụp giật đã đẩy hàng loạt xí nghiệp kinh doanh cà phê xuống hố.
DoanhNghiepcaPhe


Từng xếp hạng công ty xuất khẩu cà phê hạt đơn lẻ lớn nhất thế giới nhưng Vinacafe Buôn Ma Thuột (quốc doanh) đang nợ quá hạn khoảng 1,600 tỉ đồng. (Hình: Người Lao Động)

 

Một bản phúc trình gần đây của Hiệp Hội Cà Phê Việt Nam (Vicofa) nói rằng trong số hơn 100 xí nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh tập trung phần lớn ở khu vực tây nguyên “đã vỡ nợ hàng ngàn tỉ đồng”.

 Riêng tại tỉnh Đắc Lắc, thủ phủ của kỹ nghệ trồng cà phê Việt Nam, đã có 43 xí nghiệp, đại lý kinh doanh xuất cảng cà phê phá sản hồi năm ngoái.

Gần đây, công ty Trường Ngân nổi tiếng về xuất cảng cà phê ở tỉnh Bình Dương bị 7 ngân hàng siết nợ vì trễ hạn trả nợ các món vay lên “hàng ngàn tỉ đồng”.

Vì không trả nợ, nhiều ngân hàng đã siết nợ hàng hóa bằng cách phong tỏa. Theo Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, có khoảng 200,000 tấn cà phê tồn kho vì bị ngân hàng phong tỏa.
 Có hàng mà không được bán dẫn đến nguy cơ thua lỗ và sập tiệm thêm nhiều công ty nữa.

Bộ Tài Chính CSVN cũng nhìn nhận kỹ nghệ cà phê tại Việt Nam đang đối mặt với khủng hoảng lớn vì thiếu vốn kinh doanh, lãi suất quá cao (trung bình khoảng 17%/năm).

Hiện tổng số “nợ xấu và nguy cơ nợ xấu” của toàn ngành cà phê Việt Nam khoảng 8,000 tỉ đồng (lối $40 triệu USD).

Trước các khó khăn của ngành này, các ngân hàng cũng không tha thiết cho vay vì sợ.

Một mặt, giá cả cà phê trên thị trường thế giới bấp bênh và giảm sút, một mặt bị các công ty lớn ở ngoại quốc đến Việt Nam kinh doanh và sản xuất cà phê ngay tại đây với quy mô bài bản khoa học so với cái lối kinh doanh ăn sổi chụp giật của các công ty nội địa. Hệ quả, các công ty ngoại quốc thì ngày một tiến lên chiếm lĩnh thị trường trong khi các công ty của Việt Nam theo nhau chết dần.

Trong khi đó, theo Cục Xúc Tiến Thương Mại thuộc bộ Công Thương CSVN, phá rừng ào ạt, diện tích trồng cà phê ở Việt Nam “ngày càng được mở rộng trong vài năm trở lại đây”.

Các con số thống kê của  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho thấy diện tích trồng cà phê tăng 8% trong năm 2012, chiếm 616,000 ha đất so với 571,000 ha đất năm 2011.
 Sản lượng cà phê của Việt Nam chiếm khoảng 17% thị phần thế giới.

Ngày Thứ Năm 15-2013, thông tấn Reuters cho hay “Nhiều bàn giấy chẳng có ai ngồi, cả cái văn phòng làm việc thỉnh thoảng chỉ vang lên tiếng nói chuyện vãn của vài người hay ai đó chơi game, gọi điện thoại.
Đây là một ngày “oải” như mọi ngày tại văn phòng kinh doanh của hãng Vinacafe, một đại gia quốc doanh cà phê vốn ăn trùm trong ngành xuất cảng cà phê ở những năm thịnh vượng”.

“Không có ai ở đây để tiếp chuyện ông”, người tiếp viên của Vinacafe, trụ sở ở Sài Gòn, trả lời như vậy khi được phóng viên Reuters hỏi ai là người có thẩm quyền ở đây để nói chuyện.

Theo Reuters, có thể mấy người giám đốc và quản lý của Vinacafe ở Sài Gòn hoặc đã nghỉ việc, hoặc không đi làm ngày đó với nhân số trên nguyên tắc phải khoảng 80 người.

Không phải tới giữa Tháng Tám 2013 mới thấy vậy.
Năm ngoái, ngày 26/3/2012, báo Người Lao Động đã mô tả cái văn phòng đó là “phóng viên Báo Người Lao Động đã đến trụ sở Công ty Cổ phần Đầu tư - XNK Cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột).

Mặc dù là ngày đầu tuần nhưng trụ sở công ty này khá vắng vẻ, một phụ nữ cho biết tất cả lãnh đạo đều đi vắng, chưa biết khi nào đến công ty nên không thể hẹn trước.”

Diện tích trồng thì tăng nhưng xuất cảng cà phê lại giảm, rất nghịch thường. Theo nhận xét của Hiệp Hội Cà Phê Quốc Tế (ICO) cà phê của Việt Nam xuất cảng không phải chỉ giảm trong Tháng 6/2013 và còn giảm trong suốt 9 tháng của niên vụ 2012-2013.
Ước tính, Việt Nam xuất cảng được khoảng 17.32 triệu bao, giảm 5.5% so với cùng thời kỳ này năm ngoái.

“Nợ xấu và nguy cơ nợ xấu tăng, ngân hàng quay lưng, sản lượng giảm... tất cả những khó khăn đang bủa vây ngành cà phê Việt Nam, còn doanh nghiệp cà phê thì đứng trước bờ vực phá sản” báo Giáo Dục Việt Nam ngày 8/8/2013 viết.
 “...Tình hình xuất khẩu cà phê trong 5 tháng đầu năm 2013 của Việt Nam suy giảm mạnh khi tổng lượng xuất ước đạt 600 nghìn tấn, trị giá 1.315 tỷ USD, giảm 24.1% về lượng và giảm 20.1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2012.”

Vì kinh doanh mắc nhiều lầm lỗi, Việt Nam xuất cảng ít đi trong khi Indonesia (nước thứ nhì về xuất cảng cà phê Robusta sau Việt Nam) lại tăng xuất cảng được 30%, chuẩn bị qua mặt.

Không chỉ bị cạnh tranh từ bên ngoài, ngay tại Việt Nam các hãng cà phê từ tư nhân đến đại gia quốc doanh bị một số đại công ty ngoại quốc đến chiếm dần thị trường ngay tại sân nhà của mình.

Theo phúc trình của Vicofa, hiện có 12 xí nghiệp kinh doanh từ ngoại quốc đến Việt Nam thu mua và xuất cảng “khoảng 50% sản lượng cà phê xuất cảng của Việt Nam, khiến cho doanh nghiệp Việt Nam se gặp nhiều khó khăn”.

Hai công ty lớn hàng đầu thế giới là Nescafe và Mondelz International đang mở rộng hoạt động của họ tại Việt Nam từ hợp tác và hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng cây cà phê đến lập nhà máy biến chế cà phê ngay tại Việt Nam.

Nescafe hồi Tháng Bảy đã khánh thành nhà máy biến chế cà phê ở Biên Hòa, vốn đầu tư 238 triệu USD.
Từ năm ngoái, công ty này đã huấn luyện cho 19,600 nông dân trồng cà phê đúng kỹ thuật cho được loại hạt cà phê phẩm chất tốt.

Công ty  Mondelz International cũng đổ ra khoảng 200 triệu USD giúp nông dân trồng và kinh doanh cà phê tới năm 2020. Họ dự trù đào tạo 1,500 nông dân kỹ thuật nâng cao phẩm chất và sản lượng.

Đây là các chương trình kỹ thuật kinh doanh từ gốc tới ngọn mà các đại gia quốc doanh tại Việt Nam không hề đầu tư.

Thời gian gần đây, người ta thấy nhiều bài viết báo động về sự “lao đao” hay “dãy chết” của rất nhiều xí nghiệp cà phê Việt Nam. Một trong những đóng góp vào sự khó khăn của ngành cà phê nội địa Việt Nam, theo bà Joyce Liu của một ngân hàng đầu tư tại Singapore, là sự làm ăn gian dối.

“Cái mà tôi khám phá thấy về thị trường cà phê ở đây là hoàn toàn bẩn thỉu. Các người trung gian thường lừa các nhà xuất cảng bằng cách cân gian, hạt cà phê kém phẩm chất. Họ lại còn bỏ cả đinh vít kim loại vào cho nặng cân thêm”. Bà Liu nói. (NT)

Switch mode views: