Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Không khí căng thẳng sau khi Ai Cập mạnh tay dẹp biểu tình

EGYPT-PROTESTS 2


Quân đội Ai Cập dùng chiến xa để dẹp bỏ hàng rào chướng ngại vật của phe thân Morsi - REUTERS /Asmaa Waguih


Theo con số chính thức mới nhất của Bộ Y tế Ai Cập, việc cảnh sát giải tán biểu tình bằng bạo lực hôm qua, 14/08/2013, đã khiến ít nhất 525 người chết, trong đó có 43 cảnh sát, và hơn 3.500 người bị thương.

Trong khi đó, phe Huynh đệ Hồi giáo thì nói đến một « vụ thảm sát » với khoảng 2.200 người chết và hơn 10.000 người bị thương.

Liệu cuộc tắm máu ngày hôm qua có thể tránh được ?

Một giải pháp chính trị và hòa bình còn có thể sau một tháng rưỡi đối đầu giữa phe Hồi giáo cực đoan và chính quyền chuyển tiếp, sau khi các trung gian hòa giải quốc tế không đạt kết quả ?

Thủ tướng Ai Cập Hazem el-Beblaoui khẳng định : Chính quyền đã hết sức nỗ lực, trước khi ra lệnh cho cảnh sát can thiệp và chính sự ngoan cố của lực lượng Huynh đệ Hồi giáo đã dẫn đến bạo lực.

 Về tình hình tại chỗ, thông tín viên Alexandre Buccianti tường trình từ Cairo :

« Thủ tướng Ai Cập ca ngợi lực lượng cảnh sát đã hết sức kiềm chế và Bộ trưởng Nội vụ cũng đưa ra một thông điệp như vậy.
 Người đứng đầu lực lượng bảo vệ trị an giải thích rằng, sở dĩ cảnh sát phải sử dụng vũ lực vì những người biểu tình đã bắn vào họ trước.  

Tướng chỉ huy cảnh sát Mohamed Ibrahim cũng cho rằng lực lượng an ninh đã thể hiện sự kiểm chế, với bằng chứng là 43 cảnh sát đã thiệt mạng ngày hôm qua.

 Đây là con số thương vong nặng nề nhất trong vòng một ngày đối với an ninh Ai Cập, kể từ vụ tấn công của lực lượng Hồi giáo giết chết 100 cảnh sát năm 1981.  

Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập thậm chí lấy làm tiếc là đã không bắt được các lãnh đạo cao cấp của lực lượng Huynh đệ Hồi giáo, đã có mặt tại cuộc tọa kháng ở quảng trường Rabaa al-Adawiya, trước khi cảnh sát can thiệp để giải tán.

Lãnh đạo cảnh sát Ai Cập kết thúc bài phát biểu trên truyền hình, với lời cảnh báo cảnh sát sẽ không cho phép bất cứ một cuộc biểu tình nào khác, bất kể hệ quả như thế nào.  

Sau cuộc tấn công của cảnh sát để giải tán biểu tình, chính quyền tuyên bố thiết lập tình trạng khẩn cấp trong vòng một tháng, vốn đã được dỡ bỏ (5/2012) sau khi chế độ độc tài Moubarak sụp đổ, và áp dụng thiết quân luật tại 11 trên 27 tỉnh thành phố, trong đó có hầu hết các thành phố lớn. Việc áp đặt tình trạng khẩn cấp, được sự hưởng ứng của đông đảo người Ai Cập.  

Trong khi đó, phong trào Huynh đệ Hồi giáo vẫn tiếp tục kêu gọi biểu tình.
Các cuộc biểu tình đi kèm với những cuộc tấn công vào các công sở, các nhà thờ và tín đồ Thiên chúa giáo, là một con dao hai lưỡi.

Phần lớn dân chúng Ai Cập đã mệt mỏi với những hỗn loạn và tình trạng mất an ninh từ ba năm nay.
Những thành phần dễ tổn thương nhất, đang phải khổ sở chịu đựng các hậu quả của sự suy sụp kinh tế, chỉ mong có một điều, đó là sự trở lại cuộc sống bình thường ».  

Sau khi cuộc can thiệt giải tán biểu tình kết thúc với rất nhiều máu đổ, Phó tổng thống Ai Cập Mohamed el-Baradei – giải Nobel hòa bình, người rất có uy tín đối với cộng đồng quốc tế - đã thông báo từ chức để bày tỏ thái độ không chấp nhận phe cứng rắn trong chính quyền sử dụng vũ lực.

Quyết định của el-Baradei cho thấy sự thắng thế của phe cứng rắn trong chính phủ.
 Hiện tại, không có bất cứ bộ trưởng nào quyết định từ chức cùng Phó tổng thống.

Switch mode views: