Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tổ chức Thương mại Thế giới cần một động lực mới

ROBERTO-AZEVEDO



Roberto Azevedo, nguyên là đại sứ của Brazil tại WTO, sẽ nhậm chức Tổng giám đốc kể từ 01/09/2013 (Flickr)


Lần đầu tiên kể từ khi được thành lập, Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO, sẽ được lãnh đạo bởi một chuyên gia thuộc các nền kinh tế đang trỗi dậy. Đó là ông Roberto Azevedo, đại sứ của Brazil tại tổ chức này và ông sẽ nhậm chức Tổng giám đốc WTO kể từ 01/09/2013.

Câu hỏi được đặt ra là liệu tân lãnh đạo Tổ chức Thương mại Thế giới WTO có khả năng thúc đẩy các cuộc thương lượng về tự do mậu dịch, vốn bị bế tắc, dậm chân tại chỗ từ 12 năm qua hay không ?

Tổ chức Thương mại Thế giới ra đời năm 1995, hậu sinh của tổ chức Hiệp định chung về thuế quan và thương mại – GATT – được thành lập sau Đệ nhị Thế chiến.

Đặt trụ sở tại Geneve, Tổ chức Thương mại Thế giới có nhiệm vụ tiến hành các cuộc thương lượng mở cửa thị trường thương mại và xóa bỏ các hàng rào thuế quan, thúc đẩy tự do trao đổi thương mại, chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, các mức thuế quan và luật lệ được coi là quá thái, tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới.

Mặt khác, Tổ chức Thương mại Thế giới còn giúp đỡ các nước thành viên giải quyết các kiện tụng thương mại, hỗ trợ xuất-nhập khẩu cũng như hoạt động của các nhà sản xuất.

Thất bại của vòng đàm phán Doha về tự do trao đổi mậu dịch, đầu tư, hỗ trợ các nước nghèo nhất, đã làm cho một số chuyên gia dự báo là Tổ chức Thương mại Thế giới đang mất vai trò và có xu hướng tàn lụi.

Khi nhìn lại các vòng đàm phán Doha, dưới sự chủ trì của Tổ chức Thương mại Thế giới, người ta có thể đặt câu hỏi về thiện chí của một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Hoa Kỳ trong việc giúp đỡ các nước nghèo.

Khởi động trở lại các cuộc đàm phán Doha là một trong những nhiệm vụ khó khăn và cấp thiết nhất đối với tân Tổng giám đốc.

Tổ chức Thương mại Thế giới chủ trương phát triển quan hệ thương mại, đầu tư đa phương. Thế nhưng, chiến lược này hiện nay dường như bị lu mờ trước sự nở rộ các hiệp định thương mại song phương và khu vực trong hơn một thập niên qua.

Theo kinh tế gia André Sapir, thuộc trung tâm tư vấn Bruegel, tại Bruxelles, thì các nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới ra những tuyên bố hùng hồn, ủng hộ chiến lược quan hệ kinh tế đa phương, nhưng trong thực tế hàng ngày, họ lại nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương và khu vực.

Ông nói : Đúng là động lực thúc đẩy tự do hóa thương mại thế giới hiện nay không phải là ở Geneve. Thế nhưng, Tổ chức Thương mại Thế giới vẫn là nơi đưa ra các quy định điều chỉnh thương mại quốc tế.

Thách thức quan trọng nhất đối với tân lãnh đạo Tổ chức Thương mại Thế giới là dung hòa được hai quan niệm về tự do trao đổi mậu dịch.

Một trong những hiệp định song phương quan trọng nhất là thỏa thuận tự do trao đổi mậu dịch Mỹ-Liên Hiệp Châu Âu, sẽ được thực hiện trong vòng hai năm tới.

Kinh tế Mỹ và châu Âu gộp lại chiếm tới một nửa tổng giá trị nền kinh tế thế giới và một phần ba trao đổi thương mại toàn cầu.

 Theo một số đánh giá, thì thỏa thuận tự do thương mại Mỹ-Âu vào năm 2027, sẽ giúp châu Âu tăng trưởng thêm 0,5% và tổng sản phẩm quốc nội Hoa Kỳ tăng thêm 0,4%.

Cũng nhờ có thỏa thuận này, mỗi năm, nền kinh tế châu Âu sẽ tăng 86 tỷ euro và Hoa Kỳ là 65 tỷ euro. Đây sẽ là một khu vực tự do trao đổi mậu dịch cực kỳ lớn.

 Theo một số chuyên gia, nếu thỏa thuận Mỹ-Âu được triển khai, thì Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ trở nên vô ích.

Do vậy, theo chuyên gia André Sapir, cuộc đàm phán về thỏa thuận tự do thương mại giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đưa ra một thông điệp rất nguy hiểm, « đó là chứng minh cho phần còn lại của thế giới thấy rằng, chính hai đối tác thành lập ra GATT là châu Âu và Mỹ, cũng không còn thiết tha nữa với Tổ chức Thương mại Thế giới ».

Thế nhưng, một số nhà quan sát lại tỏ ra lạc quan : Sự đe dọa này lại đưa ra một thông điệp khác.

Tổ chức Thương mại Thế giới cần một động lực mới, cần một lịch trình mới.

Trao đổi mậu dịch trên thế giới không thể chỉ dựa trên những ưu tiên của Mỹ và châu Âu, mà còn phải quan tâm đến các nước đang trỗi dậy và các nước đang phát triển.

Theo bà Marie-Françoise Renard, giáo sư kinh tế ở đại học Auvergne, Pháp, thì việc Tổ chức Thương mại Thế giới, lần đầu tiên, có Tổng giám đốc là người thuộc một quốc gia đang trỗi dậy, sẽ mang lại lòng tin đối với tổ chức này trong mắt các nước đang phát triển.

Khác với các nước giàu, phát triển, những quốc gia nghèo, đang phát triển, không có khả năng và phương tiện để đưa các kiện tụng, tranh chấp mậu dịch ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới. Do vậy, Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng.

Chuyên gia Renard giải thích : Trung Quốc là nền kinh tế thứ hai trên thế giới, nhưng luôn luôn tự coi mình là một nền kinh tế đang phát triển.

 Các nước nghèo, đang phát triển, ở phương Nam vẫn coi Trung Quốc là một nước phương Nam. Trung Quốc nên sử dụng lá bài là một quốc gia đang phát triển để ủng hộ lập trường của các quốc gia nghèo nhất và qua đó, vòng đàm phán Doha có thể đạt được những kết quả cụ thể.

Mặt khác, sự phát triển các hiệp định tự do mậu dịch song phương đe dọa tiến trình hội nhập kinh tế thế giới của các nước đang phát triển.

 Trong thời gian qua, nhiều nước đã lo ngại là hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 9 của Tổ chức Thương mại Thế giới, được tổ chức ở Bali, Indonesia, vào tháng 12 năm nay, sẽ lại thất bại.


 

Switch mode views: