Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Pháp và châu Âu, « sân chơi » của giới đầu tư Trung Quốc

Servair

Nhân viên công ty Servair cung ứng thức ăn cho các hãng hàng không, tại sân bay Roissy - Charles de Gaulle, Paris, PhápAFP PHOTO / LIONEL BONAVENTURE

 Sau khi đã chinh phục châu Phi và châu Mỹ La Tinh, Trung Quốc đang mở rộng địa bàn hoạt động tại châu Âu.

Các doanh nghiệp Trung Quốc hiện diện ngày càng nhiều trong đời sống kinh tế của Pháp.
Trung Quốc dồn dập đổ vốn vào châu Âu để san sẻ rủi ro và tìm những sân chơi mới khi thị trường nội địa đã « bão hòa » ?

Đầu tháng 6/2016 báo chí Paris đã chú ý đến Trung Quốc qua ba sự kiện : tập đoàn Tô Trữ (Suning) mua lại 70 % cổ phần câu lạc bộ bóng đá Ý Inter Milan với giá 270 triệu euro ; Cẩm Giang (Jin Jiang), đòi tăng mức kiểm soát dây chuyền khách sạn Accor số 1 của Pháp đang từ 15,6 % lên thành 30 % vốn ; tập đoàn hóa chất ChemChina sẵn sàng chi ra 43 tỷ đô la để mua lại công ty Thụy Sĩ Syngenta.
Cả ba hồ sơ nóng bỏng đó đều phản ánh thế tấn công dồn dập của các tập đoàn Trung Quốc đối với Lục địa Già.

60 % đầu tư Trung Quốc hướng về châu Âu

Trong sáu tháng đầu 2016, Trung Quốc đã tung ra hơn 62 tỷ đô la để mua lại các doanh nghiệp tại châu Âu. Để so sánh, khoản vốn nói trên rót vào châu Âu trong nửa đầu năm nay tăng 125 % so với tổng kim ngạch đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu trong cả năm 2015.

Trong thống kê được báo kinh tế Pháp Les Echos trích dẫn từ bản tổng kết của hãng tin Reuters, châu Âu đang là « mảnh đất lành », trong lúc Hoa Kỳ chỉ giành được 25 % các dự án đầu tư của Trung Quốc ở hải ngoại, 15 % hướng về châu Phi, châu Á và châu Mỹ La Tinh.

Châu Âu là tâm điểm, thu hút đến 60 % đầu tư của Trung Quốc ở ngoài lãnh thổ.

Trong cuộc chạy đua tìm kiếm các địa bàn hoạt động đó tại châu Âu, Pháp ngày càng trở nên « hấp dẫn », đặc biệt là trong ngành du lịch, giao thông.
 Club Med, Louvre Hotels Group, Accor … những tên tuổi lớn trong ngành dịch vụ du lịch, nghỉ mát, nhà hàng, khách sạn của Pháp đã lần lượt mở cửa đón các nhà đầu tư Trung Quốc.

Tham vọng của Trung Quốc chen chân vào lĩnh vực mà Pháp đang là cánh chim đầu đàn trên thế giới không dừng lại ở đó.

Hàng loạt các dự án đầu tư khác đang trong quá trình đàm phán : từ hệ thống cho thuê nhà nghỉ mát Pierre et Vacances đến la Compagnie des Alpes chuyên về các hoạt động trong lĩnh vực trượt tuyết đang trở thành những mục tiêu trong chiến lược « quốc tế hóa » của các tập đoàn Trung Quốc.

Gần đây hơn, Servair, công ty bảo đảm dịch vụ ăn uống « catering » cho hãng hàng không quốc gia Pháp Air France-KLM vừa bị tập đoàn HNA mua lại.
Servair là công ty nặng ký thứ ba trên thế giới trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ ăn uống trên máy bay.

Theo các nhà quan sát, bước kế tiếp trên con đường Trung Quốc chinh phục thị trường nghỉ mát với tất cả các dịch vụ kèm theo, Trung Quốc sẽ nhắm tới việc tham gia trực tiếp vào các hãng hàng không quốc tế.

HNA vs Cẩm Giang

Hai cánh tay đắc lực của Bắc Kinh để thâu tóm thị trường nghỉ mát, du lịch, khách sạn, nhà hàng và cả khâu chuyên chở, dịch vụ hàng không là HNA và Cẩm Giang.

HNA là một tập đoàn hàng không Hainan Airlines nhưng đã mở rộng địa bàn sang các lĩnh vực như du lịch, địa ốc.
Trụ sở HNA đặt tại Hải Khẩu tỉnh Hải Nam. Được thành lập năm 1993, tập đoàn nhà nước này tuyển dụng 180.000 nhân viên trên thế giới, doanh thu hàng năm hơn 25 tỷ đô la và là 1 trong số 500 công ty hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của tạp chí Mỹ Fortune Magazine.

Khác với HNA, Cẩm Giang chỉ tập trung vào dịch vụ khách sạn, du lịch, và hiện là hệ thống lớn nhất trên toàn quốc.
Nhờ vốn của thành phố Thượng Hải, Cẩm Giang đã là một trong 10 « đại gia » trong ngành trên thế giới, kiểm soát hơn 1.200 khách sạn, hơn 170.000 phòng tại 280 thành phố trên Hoa Lục.

Ở hải ngoại, cách nay hai năm con chim đầu đàn của ngành khách sạn Trung Quốc này đã mua lại hệ thống khách sạn Mỹ Interstate Hotels & Resorts (IHR).

Năm ngoái, cũng Cẩm Giang đã tung ra 1,3 tỷ euro để mua lại đối thủ nặng ký nhất của Accor là hệ thống Louvre Hotels Group.
Louvre Hotels Group hiện diện tại 51 quốc gia, tuyển dụng 19.000 nhân viên để bảo đảm phòng cho 55.000 khách và 77.000 bữa ăn mỗi ngày.
Doanh thu của hệ thống này trong năm 2014 lên tới 1,6 tỷ euro.

Thế rồi không chỉ hài lòng với hệ thống Louvre Hotels Group, Cẩm Giang đã từng bước mua lại 6 rồi 10 rồi 15 % vốn của hệ thống Accor Hotels.
Đơn giản là vì Accor đang dẫn đầu trên thị trường khách sạn châu Âu với gần 3.900 khách sạn đủ cấp, hiện diện tại 92 quốc gia trên toàn cầu.

Mùa xuân năm nay, chủ tịch tổng giám đốc Cẩm Giang, ông Du Mẫn Lượng còn bắt đầu đàm phán để kiểm soát 29 % vốn của Accor.
Nếu như thủ tục này thành công, tập đoàn có trự sở tại Thượng Hải sẽ trở thành cổ đông số 1 của hệ thống khách sạn Pháp !

Đáng chú ý là đằng sau Cẩm Giang là quỹ đầu tư của thành phố Thượng Hải và tới nay, Thượng Hải vẫn là cổ đông lớn nhất của tập đoàn được thành lập từ giữa thập niên 1990 này

Trước cả HNA và Cẩm Giang, tập đoàn Phục Tinh (Fosun) đã bỏ ra gần một tỷ euro để mua lại dây chuyền Club Med chuyên bảo đảm dịch vụ nghỉ mát trọn gói hạng sang đầu năm 2015 và dự trừ đầu tư thêm hơn 1 tỷ khác để nâng cấp toàn bộ các ngôi làng nghỉ mát của Club Med trong ba năm kết tiếp.

Ngoài lĩnh vực du lịch, nghỉ mát, khách sạn hay các công viên giải trí các tập đoàn Trung Quốc từ nhiều năm qua đã thâm nhập vào những thành trì kiên cố của mạng lưới kinh tế Pháp, như rượu vang hay công nghiệp chế biến thực phẩm.

Nhìn rộng ra hơn, tại châu Âu theo giải thích của Philippe Le Corre, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Brookings Institution và cộng tác viên của Viện nghiên cứu Chiến lược về Quan hệ Quốc Tế Iris, đồng tác giả cuốn « l’Offensive Chinoise en Europe – Thế tấn công của Trung Quốc tại châu Âu », NXB Fayard năm 2015, Pháp tương đối chậm chân trong cuộc chạy đua thu hút tư bản Trung Quốc :

« Trung Quốc cho đến rất gần đây đã tích lũy được gần 4000 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ và dùng khoản tiền này để đầu tư trên khắp thế giới.

Sau khi đã nhắm tới châu Phi và các nước ở châu Mỹ La Tinh để khai thác tài nguyên thiên nhiên, Bắc Kinh đã chuyển hướng, cắm rễ vào châu Âu và kể cả tại Mỹ.

Ở châu Âu, các doanh nghiệp Trung Quốc hiện diện ở hầu hết các mọi nơi. Thực sự mà nói Pháp, khá chậm chân trong việc thu hút đầu tư của Trung Quốc, đứng sau các quốc gia như Ý hay Hy Lạp và kể cả so với Anh và Đức.

Paris thay đổi cách nhìn với các nhà đầu tư Trung Quốc khi thấy là cán cân thương mại của Pháp luôn thâm hụt so với bạn hàng Trung Quốc và cách duy nhất để cân bằng lại, là mở cửa cho các nhà đầu tư Trung Quốc vào lãnh thổ pháp hoạt động.

Có điều là để bảo đảm một sự cạnh tranh bình đẳng, phía Bắc Kinh cũng phải có chính sách đầu tư cởi mở và tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng của Pháp đầu tư vào Trung Quốc. Đó lại là một chuyện khác.

Trở lại với thế tấn công của các doanh nghiệp Trung Quốc trên đất Pháp nói riêng và châu Âu nói chung, rõ ràng là đã có một sự thay đổi trong thời gian gần đây : Trung Quốc không chỉ mở văn phòng đại diện để bán hàng cho dân Pháp, trên thị trường Pháp, mà thực sự là đang tham gia nhiều hơn vào các sinh hoạt, hoạt động kinh tế của nước Pháp.

Điều đó đã được thể thiện qua hàng loạt các dự án đầu tư từ việc mua lại phi trường Toulouse Blagnac ở miền tây nam nước Pháp, cho tới việc tham gia vào tập đoàn Club Med, một thương hiệu lớn trong lĩnh vực du lịch, nghỉ mát cao cấp hay trong lĩnh vực chế biến nông nghiệp và công nghiệp ».

Đức, Ý cũng đau đầu vì vốn Trung Quốc

Ở bên kia bờ sông Rhin, Đức cũng đang đau đầu với dự án Midea, một tập đoàn điện tử Trung Quốc muốn mua lại Kuka, biểu tượng của công nghệ tự động của Đức.

Kuka được thành lập từ năm 1898 và hiện là một trong bốn con chim đầu đàn của ngành công nghệ sản xuất phụ tùng trên thế giới, chuyên cung cấp cho các hãng lớn như Airbus, Tesla, Volkswagen hay Renault và cả Midea.

Midea đã nắm giữ 13,5 % vốn của hãng Đức và đang muốn tăng số vốn đó lên thành hơn 30 % để trở thành cổ đông chính của công ty Đức.

Còn tại Ý, mùa xuân năm ngoái, lợi dụng thời điểm đồng euro mềm giá, tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc ChemChina đã bỏ ra hơn 7 tỷ euro để mua lại hãng chế tạo lốp xe nổi tiếng Pirelli, một biểu tượng của nền công nghiệp Ý.

Theo giới quan sát, với Pirelli, Trung Quốc có một chỗ đứng vững chắc hơn trong ngành công nghiệp chế tạo xe hơi, trong lúc Pirelli nhìn thấy ở đối tác châu Á này một tiềm năng cho phép mình đứng ngang hàng với những tên tuổi khác trong ngành sản xuất lốp xe như Michelin hay Continental tại thị trường xe hơi số 1 thế giới Trung Quốc.

Cũng ChemChina, đầu năm 2016 thông báo đã mua lại hãng phân bón Thụy Sĩ Syngenta với giá 43 tỷ đô la.
Theo hãng tin Bloomberg thì đây là số tiền lớn nhất từ trước tới nay một tập đoàn Trung Quốc chịu chi ra để làm chủ một công ty ngoại quốc.

Phải chăng Trung Quốc cần phân bón của Syngenta để bảo đảm an toàn lương thực cho 20 % dân số trên địa cầu trong lúc chỉ làm chủ 9 % diện tích đất canh tác trên hành tinh và 1/5 trong số đó đã bị ô nhiễm ?

Châu Âu hấp dẫn hơn Hoa Kỳ

Theo như phân tích của chuyên gia Jean François Dufourt, cơ quan tư vấn Montsalvy Consulting, những chuyển biến kinh tế gần đây tại Trung Quốc khiến các tập đoàn nước này tăng tốc tìm kiếm các địa điểm đầu tư ở hải ngoại : một là để tìm những thị trường mới đề phòng rủi ro tăng trưởng của Trung Quốc bị chựng lại, tiêu thụ nội địa sụp đổ.

Lý do thứ hai là để đa dạng hóa các nguồn đầu tư, tránh tập trung quá nhiều vốn vào thị trường nội địa hay một vài quốc gia.
Trong cuộc chạy đua tìm những địa điểm đầu tư tương đối an toàn, thì châu Âu lại có nhiều lợi thế.

Thứ nhất, do dễ vào hoạt động trên các thị trường châu Âu hơn so với Hoa Kỳ, bởi Liên Hiệp Châu Âu còn chưa đồng nhất về luật lệ và do vậy, số dự án của Trung Quốc bị châu Âu khước từ thấp hơn là so với ở bên kia Đại Tây Dương.

Yếu tố thứ nhì giải thích vì sao tổng vố đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đã tăng mạnh trong hai năm gần đây là do các hãng trên Lục địa Già đã quá mệt mỏi với khủng hoảng kéo dài và cần vốn đầu tư mới để phát triển.

Sau cùng, theo chuyên gia Dufourt, châu Âu hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Trung Quốc do Bắc Kinh luôn xem châu Âu là một phương tiện để làm đối trọng với Hoa Kỳ ; đồng thời lại đặt các nước châu Âu vào thế cạnh tranh lẫn với nhau, sao cho có lợi nhất cho các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Các ngân hàng môi giới cho các dịch vụ mua bán công ty cho rằng trong bối cảnh châu Âu gặp khủng hoảng, chỉ có Trung Quốc mới có đủ phương tiện để đổ vốn vào cho các tập đoàn trên Lục Địa Già.

Nhưng liệu rằng, lập luận đó có còn thời sự khi biết rằng nợ công và tư nhân của Trung Quốc gia tăng tới mức báo động, mà các nhà đầu tư Trung Quốc hầu hết là các tập đoàn quốc doanh hay được nhà nước, các Ủy ban nhân dân thành phố yểm trợ : điều gì xảy tới khi các nhà đầu tư Trung Quốc mất khả năng thanh toán hay vì một lý do nào đó mà nguồn vốn từ Trung Quốc đổ vào châu Âu đột ngột bị nghẽn lại ?

Switch mode views: