Thượng đỉnh Đài-Trung : Ván cờ đầy bất trắc
- Chúa Nhật, 08 tháng Mười Một năm 2015 23:22
- Tác Giả: Thanh Phương
Biểu tình tại Đài Bắc ngày 07/11/2015. Người dân Đài Loan lo sợ trước chính sách thân Bắc Kinh của Quốc dân đảng.
REUTERS/Pichi Chuang
Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan có thể nói là một ván cờ hết sức tế nhị, nhất là đối với Đài Bắc, bởi vì diễn ra ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan tháng 01/2016 - một cuộc bỏ phiếu mà Quốc dân đảng được dự báo là sẽ thất cử do chính sách quá thân Bắc Kinh.
Trên trường quốc tế hiện nay, Đài Loan ngày càng bị lép vế trước thế áp đảo ngày càng mạnh của Trung Quốc. Vốn đã bị mất chiếc ghế ở Liên Hiệp Quốc vào tay Trung Quốc vào năm 1971, nay Đài Bắc chỉ được 22 quốc gia chính thức công nhận.
Tổng thống Mã Anh Cửu đã hy vọng là cuộc gặp gỡ hôm nay tại Singapore sẽ tạo cho Đài Loan một chỗ đứng quan trọng hơn trên bàn cờ thế giới.
Về phía Trung Quốc, cải thiện hơn nữa quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan sẽ kéo Đài Bắc vào trong quỹ đạo ngoại giao và kinh tế của Bắc Kinh, và qua đó có thể cắt đứt quan hệ giữa Đài Loan với Hoa Kỳ, quốc gia đã cam kết sẽ bảo vệ hòn đảo này trong trường hợp Trung Quốc tấn công.
Nhưng cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Đài cũng mang đầy bất trắc đối với cả hai bên. Nó có thể sẽ phản tác dụng, nếu như những cử tri Đài Loan vốn đã nghi ngờ Trung Quốc bây giờ lại nghĩ rằng cuộc gặp gở này là một mưu toan của Bắc Kinh nhằm tác động lên lá phiếu của người dân Đài Loan.
Trong trường hợp đó, họ sẽ dồn phiếu nhiều hơn cho Đảng Dân Tiến, đảng đối lập. Lãnh đạo của đảng này, bà Thái Anh Vân đã cho rằng cuộc họp thượng đỉnh ở Singapore sẽ gây phương hại cho nền dân chủ của Đài Loan.
Ông Rana Mitter, giáo sư về chính trị và lịch sử Trung Quốc tại Đại học Oxford, cho biết : « Cử tri Đài Loan vẫn rất quan ngại về sự can thiệp của chính quyền Hoa lục vào chính trị nội bộ của Đài Loan. Cho nên cuộc gặp gỡ này có thể được coi như là một sự xác nhận chính sách một nước Trung Quốc duy nhất.»
Đối với nhà chính trị học Jean-Pierre Cabestan ở Hồng Kông, Chủ tịch Trung Quốc đã cố thu phục nhân tâm Đài Loan qua cuộc gặp gỡ lịch sử này.
Ông Cabestan nhấn mạnh lợi ích của Bắc Kinh là gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc với Đài Loan, chứ không phải là giảm bớt sự phụ thuộc đó. Cho nên, Bắc Kinh phải cố duy trì càng nhiều kênh liên lạc càng tốt.
Nhưng theo ông Cabestan, mối nguy hiểm nằm ở chỗ là Đài Loan xích gần lại quá nhiều với một chính quyền vẫn đe dọa sự tồn tại của hòn đảo này như là một thực thể độc lập trên thực tế.
Đối với bản thân hai nhà lãnh đạo, cuộc gặp gỡ ở Singapore cũng hết sức tế nhị.
Chủ tịch Tập Cận Bình phải cố tránh đặt ông Mã Anh Cửu ngang hàng với ông, còn Tổng thống Đài Loan thì phải cố tránh tỏ ra khúm núm trước Chủ tịch Trung Quốc.
Để tránh không thừa nhận tính chính đáng của nhau, hai lãnh đạo Trung Đài không dùng danh xưng « Chủ tịch » hay « Tổng thống » mà gọi nhau là « Ngài ».
Và cũng vì hai bên vẫn không chính thức thừa nhận tính chính đáng của nhau, cho nên sau cuộc gặp gỡ tại Singapore hôm nay, đã không có thỏa thuận hay tuyên bố chung nào được công bố.
Kết quả cụ thể duy nhất được Tổng thống Mã Anh Cửu thông báo trong cuộc họp báo chung, đó là ông đã đề nghị thiết lập một đường dây điện thoại đỏ giữa hai bên và ông Tập Cận Bình đã đồng ý với đề nghị này.
Tổng thống Đài Loan cũng bày tỏ hy vọng là thượng đỉnh Singapore sẽ là một bước tiến thêm đến bình thường hóa bang giao song phương.
Nhưng theo ông J. Micheal Cole, cuộc gặp gỡ hôm nay chỉ đề cập những những vấn đề chung chung và sẽ không mang lại thay đổi nào, nhất là vì ông Mã Anh Cửu, do không thể ra tranh cử lần nữa, sẽ rời khỏi chiếc ghế tổng thống vào năm tới.
Ông Cole cho rằng, cuộc gặp gỡ ở Singapore mang tính lịch sử vì là lần đầu tiên, nhưng đây không là một sự kiện rất quan trọng.
Tin mới
- Ngân hàng Thế giới: 100 triệu người có thể bị nghèo khó cùng cực - 09/11/2015 20:28
- Biển Đông: Indonesia lúng túng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc - 09/11/2015 19:27
- Tin đồn lại rộ lên về một vụ thanh trừng mới ở Bắc Triều Tiên - 09/11/2015 19:15
- Trung Quốc: Sương mù ô nhiễm gấp 50 lần chuẩn quốc tế - 09/11/2015 19:05
- Triều Tiên: Nhiều quan chức cấp cao đã bỏ chạy, Kim Jong-un lo sợ bị ám sát - 09/11/2015 17:58
- Smartphone Hoa Vi sắp chinh phục thị trường Cuba - 09/11/2015 01:53
- Thái Lan tái lập chế độ trợ cấp cho nông dân - 09/11/2015 01:43
- Indonesia, lệnh giới nghiêm với các cặp uyên ương - 09/11/2015 01:05
- Nhiều loài cá ở Biển Đông có nguy cơ tuyệt chủng - 09/11/2015 00:43
- Anh và Nga lập cầu không vận để di tản du khách khỏi Ai Cập - 09/11/2015 00:03
Các tin khác
- Miến Điện : 80% cử tri tham gia cuộc Tổng tuyển cử lịch sử - 08/11/2015 21:24
- Đảng cộng sản Trung Quốc cấm đảng viên chơi gôn, sinh hoạt tha hóa - 23/10/2015 02:18
- Hàn Quốc cho bay thử trực thăng không người lái - 23/10/2015 02:10
- Cuba mở cửa đón doanh nghiệp dầu khí Mỹ - 23/10/2015 02:02
- Phó tổng thống Mỹ tuyên bố không chạy đua vào Nhà Trắng - 23/10/2015 01:43
- Dân quân Hồi Giáo do Iran huấn luyện giúp Assad lấy lại lãnh thổ - 23/10/2015 01:34
- Tập Cận Bình đang ngồi trên chảo lửa - 22/10/2015 21:09
- Ba Lan và các nước Baltic cố thoát khỏi lệ thuộc năng lượng vào Nga. - 21/10/2015 21:47
- Anh điều chỉnh chính sách visa để thu hút du khách Trung Quốc - 21/10/2015 16:49
- Chiến đấu cơ Nhật cất cánh 231 lần để nhận dạng máy bay Trung Quốc - 21/10/2015 16:34