Công dân Pháp có quyền biết tài sản của nghị sĩ
- Thứ Tư, 22 tháng Bảy năm 2015 20:39
- Tác Giả: Trọng Thành
Nối lại niềm tin với chính giới : sứ mạng của HATVP/Cơ quan quốc gia phụ trách minh bạch trong lĩnh vực công Pháp.
Ảnh : HATVP
Kể từ đầu tháng 7/2015, lần đầu tiên tại Pháp, mọi công dân đều được quyền tìm hiểu về tài sản của các đại biểu dân cử.
Thông tin về tài sản của các dân biểu có thể được tham khảo tại các trụ sở chính quyền.
Quyền nói trên được thực thi theo quyết định của Quốc hội Pháp cuối năm 2013, nhằm mang lại nhiều minh bạch hơn cho đời sống chính trị Pháp, vốn bị phê phán là chậm trễ so với các nước Châu Âu khác trong lĩnh vực này.
Theo thông báo của Cơ quan quốc gia phụ trách minh bạch trong lĩnh vực công (Haute autorité pour la transparence de la vie publique) (HATVP), hiện tại đã có sẵn thông tin về tài sản của 735 nghị sĩ, được bầu trước ngày 01/09/2014, gồm 573 dân biểu và 162 thượng nghị sĩ.
Thông tin về các nghị sĩ được bầu sau ngày này sẽ được lần lượt cung cấp.
Việc cung cấp thông tin về tài sản của các nghị sĩ cho công dân có nhu cầu được quy định rất chặt chẽ.
Mọi công dân có mặt trong danh sách cử tri đều có thể lấy hẹn với một trụ sở chính quyền tỉnh, tùy theo lựa chọn, và tham khảo thông tin về tài sản của nghị sĩ đắc cử tại tỉnh này.
Trong quá trình tham khảo thông tin, người xem không được phép chụp hay nhân bản thông tin dưới bất cứ hình thức nào.
Việc công bố một phần hay toàn bộ thông tin về tài sản của các nghị sĩ bị cấm, và có thể bị phạt tới 45.000 euro.
Sau khi tham khảo, nếu nghi ngờ về tính xác thực của thông tin, công dân có quyền khiếu nại lên Cơ quan HATVP.
Việc công bố thông tin về tài sản của các nghị sĩ là kết quả hơn một năm làm việc của HATVP, một tổ chức độc lập, được thành lập để kiểm soát tính chính xác của thông tin về tài sản của các nghị sĩ Pháp, từ khởi đầu cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ của mỗi người.
Theo Chủ tịch HATVP, 97% hồ sơ kê khai không có vấn đề gì lớn, chỉ có sáu hồ sơ phải chuyển sang tư pháp, bên cạnh đó là gần 20 hồ sơ đòi hỏi phải xem xét kỹ hơn.
Công khai, nhưng cấm ghi chép
Nhân dịp quyền tham khảo thông tin về tài sản của nghị sĩ bắt đầu được thực thi, báo Le Monde hôm nay, 22/07/2015, thực hiện một phóng sự với tựa đề hài hước « Kê khai tài sản ‘‘không chính thức’’ ».
Bài viết đi kèm hình ảnh một người đang chìm đến cổ trong khối tài liệu mênh mông như biển, với bình luận « Chúng ta đang bơi trong sự minh bạch hoàn hảo ».
Đằng trước là một chiếc biển báo với hàng chữ « Tham khảo công khai », nhưng phía dưới lại là hai dấu hiệu cấm « chụp ảnh » và cấm « ghi chép ».
Phóng sự của Le Monde đưa công chúng đến với bốn trụ sở chính quyền tỉnh của vùng thủ đô nước Pháp, để tìm hiểu xem quy định mới được thực thi cụ thể như thế nào.
Tại tỉnh Hautes-de-Seine, ở bên kia đầu dây, người trực máy rất ngạc nhiên về yêu cầu của phóng viên. Khoảng chục phút sau, người tìm kiếm thông tin mới tiếp cận được với bộ phận phụ trách bầu cử.
Ngay sau đó, một cuộc hẹn đã được bố trí cho ngày hôm sau.
Theo ghi nhận của phóng viên Le Monde, nhìn chung mỗi cơ quan chính quyền có một cách xử lý khác nhau trước yêu cầu tìm hiểu thông tin về tài sản của dân biểu.
Tại tỉnh Hautes-de-Seine, nhân viên tới nơi để đem toàn bộ tài liệu cho bạn, trong khi tại Essonne và Seine-Saint-Denis, người ta để cho bạn tự đến nơi tra cứu.
Ở Evry, thủ phủ của Essonne, các quy định là nghiêm ngặt nhất : người xem phải ngồi trên một chiếc ghế được chỉ định, cách xa túi xách, điện thoại di động phải bỏ sang một bên, và ngay cả đồng hồ cũng phải tháo ra.
Ngược lại, không khí tại Seine-Saint-Denis có phần nhẹ nhõm, với lời nói đùa của các nhân viên, ví như : thời đại công nghệ hiện nay chúng tôi buộc phải kiểm tra, vì có thể ai đó dấu sẵn camera trong cặp kính…
Một khi có mặt tại phòng tra cứu, người tìm hiểu thông tin sẽ nhận được một tệp tài liệu khoảng mươi trang, mà người phụ trách tải từ mạng xuống, nhờ một mật mã, do cơ quan HATVP cung cấp.
Trong thời gian tham khảo, tối đa một tiếng đồng hồ theo quy định, luôn luôn có một nhân viên túc trực.
Theo quan sát của phóng viên, trong những ngày đầu tiên kể từ khi việc tham khảo chính thức có hiệu lực, dường như không có nhiều người quan tâm tìm hiểu vấn đề này, ngoài một số phóng viên và đối lập chính trị.
Le Monde đặt câu hỏi : trong các điều kiện tiếp cận thông tin ngặt nghèo như vậy (thậm chí không được cả ghi chép), trong trường hợp nghi ngờ, làm thế nào mà một công dân có thể thực thi được quyền « cảnh báo » và khiếu nại lên cơ quan HATVP, như chính phủ kêu gọi ?
Trên thực tế, về mặt thủ tục, cơ quan HATVP đã thực thi trước đó phần kiểm tra, giám sát, phối hợp với ngành thuế.
Ví dụ như, đối với hồ sơ của một nghị sĩ đảng Những người Cộng hòa, HATVP ghi chú « rất đáng ngờ ». Một hồ sơ như vậy sẽ được tư pháp can thiệp. Bên cạnh đó, nếu cần thiết, công dân có thể yêu cầu chính quyền cho một lần hẹn khác để tham khảo tiếp.
Bài phóng sự của Le Monde nhận xét vẫn với vẻ hóm hỉnh : quyết định công bố tài sản của các nghị sĩ nói trên với các điều kiện nghiêm ngặt tỏ ra « không hiệu quả ».
« Khi bỏ phiếu thông qua các biện pháp như vậy, các nghị sĩ từng muốn ngăn ngừa nguy cơ lạc hướng sang ‘‘một nền dân chủ parazizi (hay một xã hội cổ võ cho việc săn lùng thông tin về các nhân vật nổi tiếng)’’, nhưng rút cục, chính các biện pháp này lại cho chúng ta ấn tượng là (các công dân) đang phải nhìn qua lỗ khóa ».
Giải pháp « bán công khai » ?
Quá trình ra đời của luật về minh bạch trong đời sống chính trị được thuật lại trong một bài khác của Le Monde, với tựa đề « Một sự minh bạch được quy định chặt chẽ ».
Sau vụ bê bối của nguyên Bộ trưởng Ngân sách Jerome Cahuzac, sở hữu nhưng không khai báo hàng triệu euro tại một ngân hàng Thụy Sĩ, bị phát lộ hồi đầu 2013, thoạt tiên Tổng thống Pháp đã muốn thực thi « một cách nhanh chóng và đơn giản » việc công bố toàn bộ thông tin về tài sản và thu nhập của các Bộ trưởng và giới dân biểu.
Vấn đề tài sản của các thành viên chính phủ thì khá đơn giản : ngay từ tháng 7/2014, chỉ vài ngày sau quyết định của Tổng thống, các thông tin này đã được công bố trên mạng.
Tuy nhiên, vấn đề (cách thức) công khai tài sản và thu nhập của các nghị sĩ đã vấp phải sự phản đối rất mạnh từ rất nhiều nghị sĩ, đặc biệt với sự lãnh đạo của Chủ tịch Quốc hội Bartolone, đảng Xã hội.
Trong nhiều tháng, một cuộc đọ sức căng thẳng đã diễn ra giữa phía Quốc hội và bên Chính phủ, được sự hậu thuẫn của Thượng viện.
Một giải pháp mang tính thỏa hiệp đã được đưa ra : hàng loạt dân biểu không có mặt trong danh sách phải công bố tài sản (như các nghị sĩ Châu Âu, dân biểu cấp vùng và cấp tỉnh, kể cả thị trưởng của nhiều thành phố…).
Rút cuộc đã ra đời một giải pháp minh bạch, mà bài viết Le Monde tạm gọi là « bán công khai ».
Nhìn sang các nước Châu Âu khác, việc kê khai tài khoản của các giới chức chính quyền và dân biểu là một thực tế rất phổ biến.
Pháp cùng Slovenia được biết đến như là hai quốc gia chậm trễ nhất trong lĩnh vực này, theo một báo cáo của Transparency International.
Cởi mở và công khai nhất là trường hợp Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan, không chỉ các lãnh đạo, mà mọi công dân làm việc trong lĩnh vực công, đều công khai tài sản và thu nhập trên internet.
Minh bạch tài sản và minh bạch lợi ích
Bên cạnh các quốc gia thuộc hàng cởi mở nhất, một số nước khác duy trì một hình thức công khai một phần.
Ví dụ như : đối với Đức, các thành viên chính phủ không phải công khai tài sản, mà là thu nhập ; các nghị sĩ phải đưa lên trang mạng của Quốc hội các khoản thu nhập chủ yếu và các khoản phụ nếu vượt quá 10.000 euro/năm.
Vấn đề mà Đức và nhiều nước khác đặc biệt quan tâm nhiều hơn là « các xung đột lợi ích ».
Cuối năm 2010, dưới thời chính phủ tiền nhiệm, cơ quan minh bạch quốc tế Pháp (Transparency International France), ra một báo cáo với tiêu đề « Cảnh báo xung đột lợi ích trong đời sống chính trị Pháp : một số khuyến cáo của Tổ chức minh bạch Pháp ».
Trang đầu báo cáo dẫn lại một nhận định của nhà xã hội học chính trị Pháp Pierre Rosanvallon : « Phẩm chất được trông đợi của một nhân vật chính trị không phải là việc người đó không bị trừng phạt về mặt pháp lý vì một hành vi biển thủ, mà là con người này không thể bị nghi ngờ.
Nguyên tắc triết lý vì lợi ích công của nền cộng hòa buộc (nhà chính trị) phải gương mẫu.
Không thể hóa thân cho lợi ích chung, nếu không tách biệt hoàn toàn khỏi các lợi ích riêng, và sự tách biệt này phải được toàn thể các công dân nhìn nhận ».
Minh bạch về tài sản và thu nhập, cùng với minh bạch về lợi ích ở những người có chức quyền là các trụ cột chính của đòi hỏi minh bạch trong đời sống chính trị (phụ lục 1 của báo cáo, So sánh giữa một số quốc gia về những quy tắc ngăn ngừa xung đột lợi ích).
Theo báo mạng challenge.fr, hôm nay, Bộ trưởng Tài chính Pháp đã trình bày trước Hội đồng bộ trưởng các định hướng chính của chính phủ về minh bạch trong kinh tế, để chuẩn bị cho một dự luật vào mùa thu này, nhằm gia tăng việc bảo vệ những người tranh đấu và chống tham nhũng.
Tin mới
- Ðộng đất trên đường nứt Hayward có thể xảy ra bất cứ lúc nào - 23/07/2015 14:32
- Lào : Điều tra một mạng lưới buôn cầu thủ thiếu niên châu Phi - 23/07/2015 14:19
- Biển Đông : Trung Quốc kêu gọi Philippines rút đơn kiện - 23/07/2015 14:10
- Miến Điện kết án tù chung thân hơn 150 người Trung Quốc - 23/07/2015 13:53
- Nhật công bố hình ảnh 16 giàn khoan Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp - 23/07/2015 13:46
- Học giả Trung Quốc : Không nên thiết lập vùng phòng không ở Biển Đông - 23/07/2015 13:39
- Nông dân Hoa Kỳ hoan nghênh bang giao với Cuba - 22/07/2015 23:45
- ‘Ả-rập Saudi ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran’ - 22/07/2015 23:30
- Tiềm năng kinh tế châu Phi hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ - 22/07/2015 23:22
- Trung Quốc: Nhân viên bảo tàng trộm các bức danh họa, thay bằng tranh tự vẽ - 22/07/2015 20:48
Các tin khác
- Nổ bom tự sát giết chiết 19 người ở Bắc Afghanistan - 22/07/2015 16:30
- Cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu Khí Petro Vietnam bị khởi tố - 22/07/2015 16:22
- Ấn Độ : Giới mại dâm muốn được hoạt động hợp pháp - 22/07/2015 15:42
- Úc bắt 80 người tị nạn Việt Nam - 22/07/2015 15:32
- Thổi phồng báo cáo tài chính, lãnh đạo Toshiba mất chức - 22/07/2015 00:58
- Châu Âu đạt thỏa thuận phân bổ nhận người tỵ nạn - 22/07/2015 00:52
- Ngân hàng của khối BRICS khai trương tại Thượng Hải - 21/07/2015 18:28
- Hải quân Trung Quốc tập trận quy mô tại Biển Đông - 21/07/2015 14:16
- Úc phải trả lời về số phận một tàu chở thuyền nhân Việt Nam - 21/07/2015 14:08
- Tokyo cực lực tố cáo hành vi cưỡng chế của Bắc Kinh tại Biển Đông - 21/07/2015 13:59