Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nhật Bản : Chính sách quốc phòng của Abe bị chống đối ngày càng mạnh

Japan quocphong

Biểu tình tai Tokyo ngày 14/06/2015 chống dự án tăng cường vai trò quân sự của Nhật Bản trên thế giới.
REUTERS/Yuya Shino



Phong trào phản đối chính sách quốc phòng của thủ tướng Shinzo Abe đang gia tăng vào lúc mà một uỷ ban của Quốc hội Nhật hôm nay, 15/07/2015, biểu quyết các dự luật về an ninh do chính phủ của ông đề nghị.

Các dự luật nói trên diễn giải lại Hiến pháp Nhật Bản để có thể cho phép gởi Lực lượng Phòng vệ ( tên chính thức của quân đội Nhật Bản ) ra nước ngoài để trợ giúp một đồng minh, mà trước hết là Hoa Kỳ.

Hiện giờ, quân đội Nhật chỉ có thể hành động để chống lại một cuộc tấn công vào lãnh thổ nước này, chứ không thể tham chiến ở nước ngoài.

Nhưng việc mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội ra nước ngoài, trong khuôn khổ nguyên tắc gọi là « phòng thủ tập thể », khiến dư luận Nhật lo ngại nước này bị lôi kéo vào một cuộc xung đột bên cạnh Hoa Kỳ tại một nơi xa xôi nào đó trên thế giới.

Chính vì vậy đã hình thành một phong trào biểu tình phản đối chính sách quốc phòng của thủ tướng Abe và phong trào này đang ngày càng lớn mạnh, thể hiện qua cuộc biểu tình tối hôm qua tại một công viên của Tokyo, với sự tham gia của 20 ngàn người, theo lời ban tổ chức.
Cũng theo lời ban tổ chức, một cuộc biểu tình khác sẽ diễn ra vào tối nay.

Phong trào biểu tình này không chỉ thu hút giới trẻ, mà cả những người lớn tuổi chưa bao giờ xuống đường hoặc xuống đường trở lại lần đầu tiên kể từ phong trào phản chiến những thập niên 1960-1970.

Mặc dù nhiều người lên tiếng phản đối việc diễn giải lại bản Hiến pháp hòa bình, vì bị nhiều chuyên gia xem là « vi hiến », thủ tướng Shinzo Abe và Đảng Tự do Dân chủ của ông nhất quyết thúc đẩy việc thông qua các dự luật an ninh, lợi dụng thế áp đảo của đảng này ở Hạ viện Nhật.

Theo lịch trình dự kiến, các dự luật an ninh sẽ được thông qua tại Hạ viện trong tuần này, trước khi được chuyển lên Thượng viện xem xét.

Để bảo đảm cho các luật này được thông qua, cho dù phải chuyển tới chuyển lui giữa hai viện Quốc hội, kỳ họp của Quốc hội đã được triển hạn thêm 95 ngày, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử chính trường Nhật Bản.

Thật ra thì đối với thủ tướng Abe, việc mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội Nhật là thiết yếu để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.

Nhưng những dự luật an ninh nói trên khiến uy tín của ông sụt giảm thêm, với tỷ lệ tín nhiệm trong tháng 7 này đã sụt từ 42% xuống còn 39%, theo kết quả một cuộc thăm dò được dăng trên nhật báo Asahi ngày 13/07.
Ngoài ra, có đến 56% người dân Nhật chống các dự luật của thủ tướng Abe về an ninh quốc phòng.

Theo lời một nhà phân tích được hãng tin Reuters trích dẫn hôm nay, một số người đã bắt đầu dự báo rằng ông Shinzo Abe có thể đạt được mục tiêu đề ra, nhưng sẽ phải từ chức, giống như ông nội của ông là Nobusuke Kishi trước đây.

 Cách đây đúng 55 năm, ngày 15/07/1960, ông Kishi đã từ chức thủ tướng sau khi Quốc hội thông qua một hiêp ước hợp tác an ninh mới với Hoa Kỳ, bất chấp phản đối dữ dội của dư luận Nhật lúc đó.

Switch mode views: