Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-03-2016

 Những đứa con kế thừa được cưng như vàng tại Trung Quốc

thiem tay- damcuoi
Cảnh đám cưới của một gia đình giàu có bậc nhất ở Thiểm Tây. Chi phí ước tính khoảng 1 triệu yuan.Ảnh 21/10/2006
AFP

Những trò ngông cuồng của lứa Phú Nhị Đại (Fuerdai), tức là thế hệ thứ hai rất giàu có của Trung Quốc, khiến người dân Trung Quốc hết sức choáng ngợp nhưng cũng không kém bất bình.

Trong khi những bất công giàu-nghèo trong xã hội ngày càng gia tăng, chủ tịch nước Tập Cận Bình đang kêu gọi đấu tranh chống lại nạn biến chất trong hàng ngũ các lãnh đạo, thì lối phô trương quá mức trên mạng xã hội của lớp người này đang khiến vị lãnh đạo Trung Quốc phải lên tiếng.

Hầu khắp các mặt báo ra hôm này đều ít nhiều nói đến trung Quốc, báo Le Figaro có bài viết với tựa lớn : « Những đứa con kế thừa được cưng như vàng tại Trung Quốc ».

Trong bài viết của mình, tác giả đã chỉ ra rằng các gia đình giàu có của Trung Quốc thường gửi con cái của họ theo học các trường đại học nổi tiếng nhất trên khắp thế giới.
Họ làm như vậy với mục đích chuẩn bị tương lai và sự thừa kế khối tài sản kếch xù cho con cái họ ; đồng thời cũng là chuẩn bị « lối thoát » cho cả gia đình trong trường hợp tình hình chính trị ở Trung Quốc trở nên nặng nề.

Tác giả cho biết, theo một ước tính gần đây, số tiền rò rỉ ra nước ngoài hàng năm của Trung Quốc lên đến 450 tỉ đô la, chủ yếu là trong lĩnh vực bất động sản.
Cũng không có gì đáng ngạc nhiên bởi những cậu ấm cô chiêu trong cái mác sinh viên du học này thường sống trong các căn hộ đáng giá đến hàng chục triệu đô la.

Trong số những khối tiền kếch xù đó, có không ít trường hợp do quen biết hay do tiền đút lót được đổ vào túi các nhà lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc và chính điều đó đang khiến người ta nghi ngờ về phong trào chống tham nhũng đang được hô hào rộng rãi.

Tác giả cũng dẫn ra khá nhiều ví dụ điển hình của lứa Phú Nhị Đại, tức những con cái của các đại gia giàu và siêu giàu Trung Quốc, thích chơi trội và không ngại khoe khoang bản thân mình trên các trang mạng xã hội.

Chẳng hạn như trường hợp của Vương Tư Thông (Wang Sicong) - cậu ấm của ông trùm tư bản trong lĩnh vực bất động sản và phim ảnh Wang Jianlin (Vương Kiện Lâm).

Trong khi người cha của cậu đã phải đi lên từ đói khát, từ bao vất vả, khổ cực trong quân đội, làm viên chức hành chính địa phương để gây dựng được cho mình một cơ ngơi và mạng lưới trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc, thì cậu này, do nghiễm nhiên trở thành người thừa kế khối tài sản khổng lồ của cha mình, đã gây ra nhiều vụ bê bối nhức nhối trên một số trang mạng xã hội.

Đơn cử việc cậu này ngang nhiên tuyên bố trên trang cá nhân của mình trên mạng Vi-Bác về tiêu chuẩn duy nhất để chọn bạn gái của cậu ta là cô gái đó phải có « vóc dáng đại bác », hay việc cậu ta cho đăng tấm ảnh của chú chó thuộc giống Husky xứ Sibéri của mình, mỗi chân trước đeo một chiếc đồng hồ hiệu Apple Watch bằng vàng, trị giá mấy chục ngàn đô la.

Trong bài báo của mình, tác giả còn đề cập đến cuốn sách của Vương Đại Kỳ (Wang Daqi) – con trai của một nhân vật giàu có tại Trung Quốc, có tựa « Gánh nặng cơ đồ », mà trong đó anh này có kể về lối sống xa hoa của lứa thanh niên được ví như « vàng khối » này của Trung Quốc, mà bản thân anh ta cũng là một điển hình.

 Anh ta chia sẻ : « Sau khi học xong, cha mẹ gửi tôi đi thực tập 2 kì tại Sparta Group để trở thành lãnh đạo ở Hawai với giá 500.000 nhân dân tệ (tương đương 70.000 euro) mỗi tuần.

Thời điểm tuyệt nhất trong ngày đó là vào buổi tối. Lần đầu tiên tôi được biết đến những người giàu có thuộc thế hệ thứ hai. Chúng tôi cùng uống whisky và cùng nói về những vấn đề của mình.

 Cha mẹ chúng tôi thường mong đợi rất nhiều vào chúng tôi và đặt rất nhiều áp lực bắt chúng tôi phải thành công. Điều đó là quá sức của chúng tôi.
Họ thường cho rằng chúng tôi không xứng để kế nghiệp họ ».

Mặc dầu vậy, tác giả của cuốn sách này cũng lên tiếng nhận định rằng lối phô trương thái quá trên các mạng xã hội – như đã đề cập ở trên - lại đang được phần lớn các cậu ấm cô chiêu này chọn lựa bởi theo họ đó mới là giá trị duy nhất và việc làm đó đã thực sự trở thành niềm đam mê của họ.

Trong khi đó, những người khác lại phàn nàn rằng « họ đang làm lãng phí cái mà họ đã không tự kiếm ra » hoặc như việc họ khoe khoang một cách lố lăng chính là « liều thuốc độc cho xã hội Trung Quốc ».

Những hành động được cho là khó coi này trong hoàn cảnh đất nước vẫn còn tồn tại nhiều bất công đã trở nên nghiêm trọng đến mức mà nhân vật số một của Trung Quốc, Tập Cận Bình – người đã cam kết đấu tranh chống tham nhũng và hết lời ca ngợi các giá trị của Mao Trạch Đông- đã phải đưa ra lời nhắc nhở nghiêm khắc :
 « Cần khuyến khích giới thanh niên xuất thân trong các gia đình vốn có tập đoàn riêng, phải suy nghĩ về nguồn gốc của khối tài sản của họ và phải sống một cuộc sống tích cực » và đối với các bậc cha mẹ của họ thì phải biết « giữ gìn hình ảnh của họ, bởi lẽ cách hành xử và các tuyên bố của họ có một ảnh hưởng lớn tới xã hội »

Nước Pháp và dự luật lao động sửa đổi

Hình ảnh hoặc tên của thủ tướng Manuel Valls xuất hiện hầu hết trên trang nhất các báo ra hôm nay. Báo Le Figaro chạy tựa « Luật lao động : Tất cả là bước lùi », hay trên Libération : « Luật lao động : Cuối cùng Valls cũng phải linh hoạt », rồi trên Les Echos : « Luật lao động : các doanh nghiệp vừa và nhỏ - nạn nhân của bước lùi của Hollande » và trên tờ báo công giáo La Croix « Công việc, thanh niên lo lắng »

Trước sự phản đối kịch liệt của người dân thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong thời gian vừa qua, tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Manuel Valls cuối cùng đã chấp nhận lùi một bước trong một số điểm khá nhạy cảm được nêu trong luật mang tên bà bộ trưởng Lao động Pháp El Khomri, chẳng hạn như quy định về mức đền bù trong một số trường hợp người lao động bị buộc thôi việc, hoặc các trường hợp doanh nghiệp được quyền cho nhân viên chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc quyền dành cho các đối tượng lao động được đi đào tạo chuyên môn, v .v …

Kinh tế Trung Quốc

Liên quan đến châu Á, Trung Quốc vẫn là quốc gia có tầm ảnh hưởng và tốn nhiều giấy mực của các báo tại Pháp ra hôm nay.

Trên báo Les Echos, có đến hai bài viết đều đề cập đến Trung Quốc. Bài thứ nhất với tựa « Anbang, Trung Quốc đang muốn trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực khách sạn », nói đến việc tập đoàn bảo hiểm Anbang của Trung Quốc, hiện đang là chủ nhân của hệ thống các khách sạng sang trọng Waldorf Astoria ở New York, đề xuất mua lại trên danh nghĩa 11 khách sạn cao cấp ở Blacsktone với giá gần 7 tỉ đô la.

Trong khi các khách sạn cao cấp thuộc hệ thống Starwood và Marriott của Mỹ đang có ý định sáp nhập để trở thành tập đoàn số một thế giới trong lĩnh vực khách sạn thì đề xuất này của tập đoàn Anbang Trung Quốc đang khiến hội đồng cổ đông của Starwood đang phải cân nhắc lại tình hình.

Bài thứ hai « Người Trung Quốc đang ngày càng đầu tư nhiều hơn vào châu Âu ». Trong bài viết này, tác giả đưa ra một vài con số, trong đó đáng chú ý hơn cả là tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc vào tất cả các lĩnh vực nói chung ở nước ngoài năm 2015 là 23 tỉ đô la.

Trong khi đó năm 2014 là 18 tỉ. Các lĩnh vực nhận được nhiều đầu tư hơn cả phải kể đến đó là : sản xuất xe hơi (7,8 tỉ đô la), bất động sản và khách sạn (6,4 tỉ đô la), công nghệ thông tin và truyền thông (2,4 tỉ đô la).

Hồ sơ Syria

Về thời sự quốc tế, một trong những chủ đề nổi bật được các báo Pháp quan tâm là việc tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh rút một phần lớn quân số và thiết bị quân sự ra khỏi Syria.

Báo Le Figaro có bài « Syria : Putin thông báo bắt đầu cho rút quân của Nga », hay trên báo Les Echos có bài « Nga bất ngờ cho rút quân khỏi Syria ».
Trong khi đó, Liberation « giải mã » quyết định của Matxcơva, qua bài « Tại Syria, Vladimir Putin tiến hành sự rút lui của Nga ».

Sau 5 tháng can thiệp để hỗ trợ quân đội của tổng thống Bachar Al Assad, tổng thống Nga, vào tối qua, 14/03/2016, đã gây bất ngờ khi ra lệnh hồi hương phần lớn quân số.
Phải chăng động thái này sẽ giúp tái thúc đẩy hòa đàm ?

Trên vô tuyến truyền hình Nga, trước sự hiện diện của bộ trưởng Quốc Phòng và ngoại trưởng Nga, tổng thống Vladimir Putin tuyên bố : Nhiệm vụ đề ra cho bộ Quốc Phòng và lực lượng vũ trang, nhìn chung, đã hoàn thành, do vậy, tôi ra lệnh cho bộ Quốc Phòng, kể từ ngày mai, (thứ Ba 15/03/2016), tiến hành rút phần lớn số quân ra khỏi nuớc Cộng Hòa Ả Rập Syria.

Báo Liberation đặt câu hỏi : vậy tuyên bố của ông Putin có ý nghĩa gì ?

Theo thỏa thuận được ký kết giữa Matxcơva và Damas, hồi tháng Tám 2015, Nga có quyền triển khai quân đội của mình tại Syria, tại căn cứ Tartous và Lataquié, vô thời hạn.

Đối với ông Putin, việc triển khai máy bay ném bom và tiêm kích sẽ kéo dài chừng nào Nga vẫn cần hỗ trợ cho các hoạt động can thiệp.
 Chính vì thế, nhiều người nghĩ rằng quân đội Nga sẽ hiện diện lâu dài tại Syria.

Thế nhưng, nhà báo Fedor Loukianov, phụ trách tạp chí « Nước Nga trong chính sách toàn cầu », nhắc lại : « Ông Putin ngay từ đầu đã báo trước rằng Nga không tính đến việc hiện diện quân sự thường xuyên tại Syria, vì cũng ý thức được mối nguy hiểm sa lầy tại Trung Đông.
Thế nhưng, lúc đó, không ai tin ông Putin cả ».

Việc rút phần lớn số quân ra khỏi Syria không có nghĩa là rút toàn bộ, đóng cửa các căn cứ quân sự của Nga tại Syria. Theo một thông báo của điện Kremlin, Nga vẫn duy trì sự hiện diện của không quân để kiểm tra việc áp dụng thỏa thuận ngừng bắn.

Và theo nhận định của nhà báo Loukianov, thì khi ra lệnh rút quân, Putin muốn đưa một thông điệp là ông ta không muốn làm tất cả mọi việc thay cho Bachar Al Assad và Nga sẽ không đỡ đầu cho việc tái tổ chức công việc nội bộ của Syria.

Quyết định của Putin tác động ra sao đến tình hình trên thực địa ?

Báo Liberation nhận định : Tất cả sẽ phụ thuộc vào quy mô và tốc độ của việc Nga rút quân.

Lấy danh nghĩa chống khủng bố, hành động can thiệp của Nga có mục đích là bảo đảm an ninh cho một « nước Syria hữu ích », tức là phần lãnh thổ Syria bên bờ Địa Trung Hải, bao gồm thủ đô Damas và thành phố Homs. Matxcơva đã gần như đạt được mục tiêu này.

Liberation điểm lại tình hình các vụ oanh kích của Nga góp phần đẩy lui quân thánh chiến của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, các phần lãnh thổ mà quân đội của Damas chiếm lại được với sự hỗ trợ của Nga.

Tuy nhiên, các kết quả này còn rất mong manh. Quân nổi dậy có thể chiếm lại một số nơi nếu không quân Nga giảm cường độ oanh kích. Trong khi đó, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vẫn cố thủ hoặc kiểm soát chặt chẽ ở Raqqa, Deir El Zor và hiện diện ở nhiều vùng phía bắc và phía tây Syria.

Từ hôm qua, 14/03, các cuộc hòa đàm về hồ sơ Syria đã được nối lại. Vậy việc Nga rút quân sẽ tác động ra sao đến các cuộc thương lượng này ?

Vòng đàm phán đầu tiên tại Geneve hồi tháng Hai vừa qua đã thất bại do Nga tăng cường oanh kích tại Syria và để phản đối, phe đối lập Syria đã rời bàn đàm phán. Lần này, thỏa thuận hưu chiến tại Syria, do Nga và Mỹ đưa ra và được áp dụng từ 27/02, nhìn chung đã được tôn trọng. Tình hình này tạo ra một khuôn khổ mới cho vòng đàm phán và cũng giải thích vì sao, đúng vào ngày nối lại đàm phán thì Matxcơva thông báo rút quân.

Theo Liberation, khi rút quân, cho dù chỉ là một phần, Nga sẽ đòi phải tăng cường các nỗ lực ngoại giao vì ông Putin coi quyết định rút quân là một sự nhượng bộ của Matxcơva. Hiện nay, các cuộc đàm phán tập trung vào việc thành lập một « định chế chuyển tiếp », có tất cả mọi quyền lực, kể cả việc tổ chức bầu cử Quốc Hội và tổng thống trong 12 tháng tới.

Theo đặc phái viên Liên Hiệp Quốc phụ trách hồ sơ Syria thì « định chế chuyển tiếp » này là mẹ đỡ đầu cho mọi giải pháp liên quan đến Syria.
Liberation nhận định, ông Putin lúc thì dùng lá bài quân sự, lúc thì dùng lá bài hòa dịu, để chứng tỏ ông vẫn làm chủ và là người quyết định trong hồ sơ Syria, còn hơn cả Hoa Kỳ.

Paris mở rộng hệ thống tàu điện ngầm

Chuyển sang lĩnh vực kinh tế tại Pháp, 28 tỉ euro là con số mà báo le Figaro đề cập trong bài viết của mình, liên quan đến việc cải tạo, mở rộng hệ thống tàu điện ngầm Paris.

Thủ đô Pháp sẽ có thêm nhiều tuyến tàu điện ngầm mới (tuyến 15, 16, 17, 18), song song với việc một số tuyến cũ sẽ được kéo dài thêm (tuyến 14 và 11). Ước tính con số đầu tư cho xây dựng 200 km đường sắt, 68 trạm dừng mới này sẽ lên đến 28 tỉ euro. Điều đó cũng có nghĩa là sẽ tạo công ăn việc làm cho một số lượng lớn công nhân tại vùng Ile de France.

Vẫn là báo Le Figaro nhưng lần này là bài viết về xu hướng thiết kế các khoảng không gian làm việc dành cho các đối tượng nhân viên thường xuyên phải di chuyển.

Bài báo giới thiệu việc từ một vài năm nay, một số nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản cho thiết kế các khu dành riêng cho các đối tượng người làm công ăn lương đến ngồi và làm việc. Những đối tượng này có thể thuê tùy theo nhu cầu của họ : theo giờ, theo ngày, theo tháng các khoảng không gian đó. Chẳng hạn, một nhân viên có hẹn với khách ở một nơi nào đó.

Giữa hai cuộc hẹn của anh ta, thay vì mất thời gian trở lại cơ quan thì anh này có tìm thuê một khoảng không gian làm việc phù hợp, có kết nối Internet để tranh thủ làm các phần việc khác của mình.

Giáo Hội Pháp và tệ nạn lạm dụng tình dục trẻ em

Chuyển sang mục xã hội. Một tin gây nhiều sửng sốt và phẫn nộ cho xã hội Pháp nói chung và Giáo Hội Pháp nói riêng, đó là tình trạng linh mục lạm dụng tình dục trẻ em.

Tuần này, tại Lourdes, trong khi các giám mục trên toàn nước Pháp đang họp kín trong khuôn khổ đại hội mùa xuân thì những đám mây u ám liên quan đến tình trạng linh mục lạm dụng tình dục trẻ em đang thực sự đe dọa Giáo hội Pháp.

Báo Le Figaro có bài viết với tựa : « Nạn lạm dụng tình dục trẻ em : Giáo Hội Pháp chịu cú sốc lớn ».

Bìa viết đề cập đến việc một nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục trẻ em từ những năm 1980 cuối cùng đã lên tiếng tố cáo linh mục Preynat – trong khi ông này vẫn còn đương chức đến tận năm ngoái, 2015. Việc làm này đã khiến các nạn nhân khác, trước đây vẫn không dám lên tiếng, giờ tập hợp nhau lại, thành lập hội có tên « La parole libérée » (Thốt lên lời) và cùng nhau lên tiếng tố cáo ông ta.

Chuyên gia Pháp kêu gọi khống chế giá thuốc trị ung thư

Trên lĩnh vực khoa học, báo Le Figaro có bài viết với tựa « Lời kêu gọi của 110 nhà nghiên cứu bệnh ung thư phản đối mức giá của các loại thuốc trị ung thư »
Bài báo đề cập đến mức giá vô cùng cao của các loại thuốc điều trị bệnh ung thư tại châu Âu nói chung và tại Pháp nói riêng.

Lí do mà các nhà công nghiệp dược phẩm đưa ra, đó là phải quay vòng được vốn. Tuy nhiên, 110 nhà nghiên cứu bệnh ung thư của Pháp yêu cầu phải có một chế tài quy định mức giá thuốc sao cho dân chủ hơn và rõ ràng hơn, bằng việc cho phép đại diện của các bệnh nhân và các nhà nghiên cứu cũng được tham gia vào việc định giá thuốc.

Switch mode views: