Bài học gì từ cuộc chiến Việt Nam?
- Thứ Tư, 29 tháng Tư năm 2015 19:38
- Tác Giả: Hà Mi / BBCVietnamese.com
Đạo diễn/nhà sản xuất Rory Kennedy
Nhân 40 năm ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc, BBC Việt Ngữ đã trò chuyện với bà Rory Kennedy, nữ đạo diễn kiêm nhà sản xuất bộ phim tài liệu Last Days in Việt Nam -
Những ngày cuối tại Việt Nam - với những diễn biến vào thời khắc lịch sử đó qua con mắt của những người Mỹ và các cộng sự người Miền Nam Việt Nam của họ.
Đó là câu chuyện của những sĩ quan Mỹ và Nam Việt Nam trước khi rút đi đã tìm mọi cách di tản hàng ngàn người Việt bất chấp lệnh cấp trên trước khi lực lượng miền Bắc chiếm Sài Gòn.
Bà Rory Kennedy, một đạo diễn phim tài liệu có tiếng từng được giải thưởng điện ảnh Emmy, xuất thân từ một gia đình từng có quyền lực chính trị lớn nhất nước Mỹ và có nhiều liên quan trực tiếp tới cuộc chiến Việt Nam.
Cha bà, cố Thượng nghị sĩ Robert Kennedy (em trai cố Tổng thống John F. Kenneday), ứng viên tranh cử Tổng thống trước khi bị ám sát năm 1968, đã từng đề xuất kế hoạch chấm dứt cuộc chiến này.
Trước tiên nữ đạo diễn Rory Kennedy nói về điều đã khiến bà quyết định làm bộ phim được đề cử giải thưởng điện ảnh Oscar 2015 này.
Rory Kennedy (RK): Tôi cảm thấy Việt Nam là một thời điểm có tính quyết định trong lịch sử nước Mỹ. Tôi cho rằng làm phim về những ngày cuối cùng là đặc biệt quan trọng.
Nhiều người thực sự không biết những gì xảy ra trong những ngày cuối này, và tôi cảm thấy nó liên quan tới ngày nay, khi chúng tôi đang vật lộn tìm cách rút ra khỏi cuộc chiến Iraq và Afghanistan.
Tôi cho rằng những sự kiện này có những điểm chung và chắc chắn có những cái nhìn từ bên trong và những bài học có thể rút ra được từ những gì đã diễn ra cách đây 40 năm tại Việt Nam.
BBC: Vậy bà có nghĩ là đã đạt được mục đích của mình khi thực hiện bộ phim đó?
Tôi rất hài lòng về sự tiếp nhận của khan giả với bộ phim. Ban đầu chúng tôi dự định chiếu tại các rạp ở ba thành phố nhưng vì có nhu cầu cao nên cuối cùng chúng tôi đã chiếu tại 125 thị trường ở Mỹ.
Bộ phim được đề cử giải Oscar cho phim tài liệu. Tôi cho rằng rõ ràng nó đã động chạm tới nhiều người, những người có cảm nhận giống như tôi rằng đây là một câu chuyện vô cùng quan trọng và đây là cơ hội lớn để nhìn lại và hiểu nó một cách đầy đủ.
BBC: Vậy bà có bao giờ nghĩ hay hy vọng phim sẽ được chiếu tại Việt Nam?
Tất nhiên rồi. Tôi đã làm việc này ngay khi hoàn thành bộ phim. Tôi đang liên lạc với Tòa Đại sứ và vẫn hy vọng. Rõ ràng là có chút khúc mắc do phía chính phủ Việt Nam, theo tôi được biết. Nhưng tôi vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ được chiếu phim này tại Việt Nam.
Di tản khỏi Sài Gòn ngày 29/4/1975
Nhân viên CIA giúp người Việt di tản trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến
BBC: Bà nói tới cuộc chiến mà Hoa Kỳ đang tham gia tại Iraq. Theo bà thì đã có được bài học gì từ Việt Nam? Liệu Hoa Kỳ lẽ ra có nên vào Việt Nam hay không?
Tôi nghĩ một trong những bài học lớn ít nhất là về hồi kết của cuộc chiến. Tới thời điểm tháng Tư năm 1975, chính phủ Mỹ có rất ít lựa chọn.
Tôi cho rằng khi tham chiến, sẽ rất dễ bị mất quyền kiểm soát. Vì thế phải hết sức chiến lược về chuyện tham gia cuộc chiến nào hay không.
Còn tôi có cho rằng chúng tôi đáng lẽ có nên vào Việt Nam hay không ư?
Cá nhân tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ nên đưa binh lính tới Việt Nam. Nhưng đó không phải là trọng tâm phim và câu chuyện của chúng tôi.
Đây chỉ là ý kiến cá nhân tôi. Tôi không chắc là chúng tôi được gì từ cuộc chiến đó ngoại trừ mất mát rất nhiều sinh mạng.
BBC: Bà có cho rằng đã có một kết cục khác nếu Tổng thống Kennedy còn sống?
Cá nhân tôi cho rằng đã có thể có một kết cục khác, cũng là từ những sử gia mà tôi đọc và kính trọng. Nhiều người trong số họ tin rằng chủ ý của Tổng thống Kennedy là rút ra khỏi Việt Nam, rằng ông không nhìn thấy có lối thoát hợp lý.
Thực tế là chúng ta sẽ không bao giờ biết được nhưng tôi hiểu rằng có nhiều khả năng ông không gửi binh lính đi.
Như quý vị biết thì khi ông còn sống, ông đã không đưa quân tới Việt Nam. Có 16.500 cố vấn tại Việt Nam nhưng không có sự hiện diện của binh lính.
BBC: Tập trung vào hành động dũng cảm của người Mỹ và người Miền Nam Việt Nam trong thời điểm cuối cùng của cuộc chiến, bà có cho rằng thực tế đó đã không được người Mỹ đánh giá đúng? Và bằng việc làm bộ phim này thì trên một phương diện nào đó nó là một nhắc nhở về điều đó với người Mỹ?
Đó là một thời điểm rất bất ổn trong lịch sử nước Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến với Việt Nam.
Khi cuộc chiến kết thúc, người dân Mỹ muốn bỏ lại quá khứ. Họ đã không thực sự nhìn lại thời điểm đó trong lịch sử.
Điều làm tôi kinh ngạc là rất ít người biết về những sự kiện này. Nhận thức của rất nhiều người là chúng tôi đã thua cuộc và trong tình trạng tuyệt vọng chúng tôi đã bỏ lại phía sau rất nhiều người Việt.
Nhưng những chi tiết hay câu chuyện cụ thể đã xảy ra như thế nào, có những quyết định gì thì phần lớn không được biết đến.
Tôi cho rằng bộ phim này đã giúp lấp vào khoảng trống đó. Việc bộ phim được ưa chuộng chứng tỏ rất nhiều người thực sự quan tâm tới thời điểm đó. Nó là một phần thưởng đối với tôi khi chiếu phim cho cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Tương tự, nhưng có lẽ vì những lý do khác, nhiều người Việt lớn tuổi tại Mỹ không nói về thời điểm lịch sử này. Họ cũng muốn tiếp tục cuộc sống.
Tôi đã chứng kiến nhiều cảm xúc rất cảm động của người xem, những lá thư hay email mà tôi đã nhận được từ thế hệ trẻ hơn nói với tôi rằng đây là lần đầu tiên họ hiểu và cảm nhận những gì mà thế hệ cha ông họ đã trải qua để tới đây.
Đại tá Stuart Herington trong phim Những ngày cuối cùng tại Việt Nam
Nhiều sĩ quan Mỹ và Miền Nam Việt Nam đã chống lệnh để giúp người Việt di tản trong những ngày cuối cùng này.
Với thế hệ của những người đã trải qua thời khắc đó thì đây cũng là lần đầu tiên họ xem lại những hình ảnh này để hiểu những gì đã xảy ra.
Thật tuyệt được chia sẻ hình ảnh cả người miền Nam Việt Nam lẫn người Mỹ, những người đã biết bao điều trong những ngày cuối đó để cứu càng nhiều người miền Nam càng tốt.
Họ đã hành động rất dũng cảm, trong đó có ông Kim Đỗ, người được nói tới trong phim, và cũng là người đã giúp cứu 30 ngàn người.
Đây là câu chuyện về lòng dũng cảm từ cả hai phía và lòng dũng cảm là thật đẹp.
BBC: Có thể bà đã được hỏi câu này, rằng một số người cho rằng bộ phim này phần nào một chiều, chỉ tập trung vào người Mỹ và người miền Nam Việt Nam. Đây có phải là chủ định của bà, và tại sao vậy?
Tôi có ý thức rất rõ ràng khi đặt tên phim, Những ngày cuối cùng tại Việt Nam. Nó là Những ngày cuối cùng của nước Mỹ tại Việt Nam. Nó được kể qua cái nhìn của người Mỹ.
Cách chúng tôi kể chuyện là để các sự kiện trong phim diễn ra đúng như trên thực tế khi đó. Như vậy người xem được thấy những diễn tiến này đúng như chính các nhân vật trong phim đã chứng kiến, và họ không hề có thêm bất cứ thông tin hay kiến thức nào khác.
Phim không phải về phía những người miền Bắc hay chiến lược của họ. Đây là một câu chuyện tách biệt, về những ngày cuối cùng và chủ yếu là từ góc nhìn của người Mỹ.
Có nhiều điều bộ phim này chưa đề cập tới và có nhiều cách tiếp cận cuộc chiến này. Tôi kêu gọi mọi người làm những bộ phim tài liệu khác với những góc độ và cách tiếp cận đó. Còn tôi chọn kể câu chuyện ở một góc hẹp mà tôi cảm thấy nó có ý nghĩa và có giá trị.
BBC: Nếu bà có điều kiện tiếp cận với người của miền Bắc khi làm bộ phim này, những người đã tiến vào và có mặt tại Sài Gòn trong những ngày cuối cùng mà bà miêu tả trong phim thì liệu bà có đưa họ vào phim của mình không hay đó vẫn không phải là chủ định của bà?
Không, đó không phải là ý định của tôi vì đó không phải là góc nhìn của bộ phim. Nó là cái nhìn của nước Mỹ vì thế đưa vào đó cái nhìn của tất cả các bên không phải là chủ định và câu chuyện mà chúng tôi kể. Vì thế tôi sẽ không làm khác như tôi đã làm.
BBC: Điều gì đã để lại ấn tượng cho bà nhiều nhất trong thời gian làm bộ phim này?
Câu chuyện của những người ở tuyến đầu, như câu chuyện của ông Kim Đỗ người thật dũng cảm, đã dám liều mạng sống của mình để cứu giúp càng nhiều người càng tốt trong những ngày cuối cùng đó.
Cá nhân tôi cảm thấy những câu chuyện đó thật cảm động và tạo cảm hứng cho tôi.
BBC: Bà có dự định sẽ làm phim nữa về Việt Nam hay không?
Ngay lúc này thì tôi chưa có dự định nào nhưng chắc chắn tôi tin là có rất nhiều phim về Việt Nam đáng được làm.
Phim Những ngày cuối tại Việt Nam được đề cử giải điện ảnh Oscar 2015
Phim Những ngày cuối tại Việt Nam được đề cử giải điện ảnh Oscar 2015
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-05-2015 - 01/05/2015 22:17
- Nghị sĩ Mỹ đề nghị dự luật gia tăng sức ép về nhân quyền Việt Nam - 01/05/2015 22:02
- Biểu tình tại Baltimore đòi cải cách guồng máy cảnh sát - 01/05/2015 00:14
- Nhật xem xét khả năng tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông - 30/04/2015 23:57
- Kim Jong Un hủy chuyến đi Nga - 30/04/2015 23:48
- Liên Hiệp Quốc kêu gọi quyên góp cho các nạn nhân tại Nepal - 30/04/2015 23:39
- Các lò phản ứng hạt nhân Bắc Triều Tiên hoạt động trở lại - 30/04/2015 23:30
- Trang bị tên lửa cho tàu ngầm, Việt Nam khiêu khích Trung Quốc ? - 30/04/2015 23:22
- Bắc Kinh tố cáo Việt Nam và Philippines lấn chiếm biển đảo của Trung Quốc - 30/04/2015 17:04
- Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày kết thúc chiến tranh - 30/04/2015 16:57
Các tin khác
- Saudi Arabia bắt 93 nghi can thuộc tổ chức ISIS - 29/04/2015 19:14
- Phần Lan bắn cảnh cáo xua đuổi tàu ngầm lạ - 29/04/2015 18:07
- Ả Rập Xê Út trẻ hóa nội các - 29/04/2015 17:44
- Căng thẳng tại Baltimore bất chấp lệnh giới nghiêm - 29/04/2015 17:36
- Thủ tướng Nhật phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện Mỹ - 29/04/2015 17:27
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-04-2015 - 29/04/2015 17:20
- Aquino : Tuyên bố của ASEAN về Biển Đông là một tiến bộ đáng kể. - 29/04/2015 16:36
- Trung Quốc phản đối Tuyên bố của ASEAN về Biển Đông - 29/04/2015 15:54
- Đánh dấu ngày 30/4: Kẻ khóc, người cười - 29/04/2015 04:50
- Tổng thống Obama lên án những kẻ gây bạo loạn ở Baltimore - 29/04/2015 04:38