Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chiến hạm Việt Nam và Trung Quốc vờn nhau ở Gạc Ma



ĐÀI BẮC, Đài Loan (NV) - Chiến hạm Việt Nam và Trung Quốc đã vờn nhau quanh đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa. Gạc Ma vốn là bãi đá mà Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1988 và vừa bồi đắp thành đảo nhân tạo.


khutrucham dinhtienhoang vn

Khu trục hạm Đinh Tiên Hoàng của Việt Nam. (Hình: Báo Mới)


Dựa trên những thông tin, hình ảnh được đăng trên Diễn Đàn Nghiên Cứu Nam Hải của Trung Quốc, báo giới Đài Loan công bố tin vừa kể.

Diễn Đàn Nghiên Cứu Nam Hải giới thiệu một tấm ảnh, chụp cảnh chiến hạm mang tên Thương Châu của Hải Quân Trung Quốc và chiến hạm mang tên Đinh Bộ Lĩnh của Hải Quân Việt Nam vờn nhau.

Thương Châu là khu trục hạm lớp 053 của Trung Quốc và Đinh Tiên Hoàng là khu trục hạm lớp Gepard-3.9 do Nga chế tạo.

Khu trục hạm lớp 053, được NATO định danh là lớp Jianghu (Giang Hỗ), do Trung Quốc chế tạo, có chiều ngang khoảng 11 mét, chiều dài 103 mét, trang bị các loại đại bác 37 mm, 100 mm, hệ thống pháo phản lực, hỏa tiễn đối không.

Hải Quân Trung Quốc đang sử dụng khoảng 20 khu trục hạm lớp 053 và đã từng bán khoảng 10 chiếc khu trục hạm lớp này cho Bangladesh, Miến Điện, Ai Cập, và Thái Lan.

Cũng vì vậy, khu trục hạm lớp 053 của Trung Quốc trở thành nổi tiếng vì đáng ngờ về chất lượng. Hệ thống động cơ, hệ thống điện thường xuyên trục trặc, hệ thống kiểm soát rủi ro có nhiều hạn chế, vỏ khu trục hạm không chắc, hay bị rò nước.

Hải Quân Thái Lan từng mua bốn khu trục hạm lớp 053 của Trung Quốc và đã phải nhờ các công ty của Thụy Điển “cải tiến” hai chiếc (dỡ bỏ toàn bộ hệ thống động cơ, hệ thống điện, điện tử để thay mới).

Khu trục hạm lớp Gepard-3.9 do Nga chế tạo, có chiều ngang gần 14 mét, chiều dài 102 mét, trang bị nhiều loại vũ khí phòng vệ và tấn công như đại bác nhiều cỡ, pháo phản lực, hệ thống hỏa tiễn chống chiến hạm, trực thăng săn tàu ngầm.

Tàu này có thể tuần tiễu, hộ tống, rải ngư lôi, hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng đổ bộ. Hồi năm 2006, Việt Nam đã đặt Nga đóng hai khu trục hạm lớp Gepard-3.9. Năm 2011 đã nhận cả hai, một được đặt tên là Đinh Tiên Hoàng, một được đặt tên Lý Thái Tổ. Sau đó, Việt Nam đặt Nga đóng thêm hai chiếc nữa và theo dự kiến Nga sẽ giao hai khu trục hạm lớp Gepard-3.9 đó cho Việt Nam vào các năm 2016 và 2017.

Theo báo giới Đài Loan, cách nay vài ngày, khu trục hạm Thương Châu đến Gạc Ma để bảo vệ việc xây dựng đảo thành một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa.

Sau khi được bồi đắp, Gạc Ma nay trở thành hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa và Trung Quốc đang xây cả phi trường lẫn quân cảng tại đó.

Nếu phi đạo được hoàn tất, các chiến đấu cơ của Trung Quốc có thể cất cánh từ đó để tấn công tất cả các mục tiêu trong khu vực eo biển Malacca.

Nếu hoàn tất việc bồi đắp các bãi đá Ga Ven, Châu Viên, Tư Nghĩa ở quần đảo Trường Sa thành những hòn đảo nhân tạo, Trung Quốc sẽ có một chuỗi căn cứ hỗ trợ việc triển khai lực lượng trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Khoảng cách từ những căn cứ nay đến Sài Gòn chỉ 830 cây số, Manila (thủ đô Philippines) chừng 890 cây số.

Diễn Đàn Nghiên Cứu Nam Hải của Trung Quốc cho biết, Việt Nam cử khu trục hạm Đinh Tiên Hoàng đến theo dõi kế hoạch xây dựng đảo Gạc Ma của Trung Quốc. (G.Đ.)

Switch mode views: