Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-09-2014

 Trung Quốc quyến rũ Ấn Độ để ngăn chặn Nhật Bản

INdia-chine



Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (p) tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, New Delhi, 09/09/2014.
Reuters


Về Châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos có bài tổng thuật « Ngoại giao kinh tế : Ấn Độ được cả Nhật Bản và Trung Quốc ve vãn ».

Cuộc đối đầu giữa các đối thủ lớn của Châu Á cũng đồng thời đang được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Bất chấp những tranh chấp về lãnh thổ với New Delhi, Bắc Kinh hy vọng thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ, để đối phó với trục Tokyo-New Delhi đang hình thành, trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc với các láng giềng Đông Nam Á đang xấu đi do nhiều tranh chấp lãnh thổ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến công du đầu tiên tới Ấn Độ trong những ngày tới, để hội kiến tân Thủ tướng Ấn Narendra Modi.

Bắc Kinh muốn gác sang một bên tranh chấp lãnh thổ với cường quốc láng giềng Nam Á (New Delhi cáo buộc Trung Quốc chiếm 38.000 km² đất ở một số bang miền bắc, trong khi đó Bắc Kinh đòi Ấn Độ trả một phần hay toàn bộ 90.000 km² tại bang Arunachal Pradesh).

Chuyến công du của người đứng đầu Trung Quốc diễn ra sau chuyến viếng thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ. Trên thực tế, Ấn Độ và Nhật Bản đã siết chặt các quan hệ quốc phòng và kinh tế.

Hồi năm ngoái, Nhật hoàng đã tới Ấn Độ, Thủ tướng Nhật cũng được mời tham dự ngày Quốc khánh Ấn Độ hồi đầu năm nay.

Tokyo có kế hoạch đầu tư gấp đôi vào Ấn Độ, mặt khác New Delhi hy vọng nhận được các chuyển giao công nghệ hạt nhân từ Nhật Bản.

Les Echos ví các nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc và Nhật Bản với môn cờ vây, khi hai bên nỗ lực tranh giành không gian ảnh hưởng.

Ngay sau khi ông Modi đắc cử Thủ tướng, hồi tháng 7/2014, Bắc Kinh đã cử đặc phái viên để nhắc lại tầm quan trọng của mối quan hệ song phương.

Về vấn đề hợp tác với Bắc Kinh, New Delhi tỏ ra thận trọng, vì hiện tại, Ấn Độ bị thâm hụt đến 34 tỉ đô la trong mậu dịch song phương với Trung Quốc.
Theo chuyên gia về Châu Á tại Viện INALCO Pháp, ông Jean-François Huchet, « Ấn Độ đang tự khẳng định mình và sẽ có vai trò quan trọng trong việc định nghĩa lại bản đồ ngoại giao quốc tế ».

Vì sao các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo lại hành xử man rợ ?

Về điểm nóng toàn cầu hiện tại, Nhà nước Hồi giáo tại Trung Cận Đông, báo Le Figaro có cuộc điều tra rất đáng chú ý, được giới thiệu trên trang nhất với tựa đề « Làm thế nào Nhà nước Hồi giáo lại áp đặt được trật tự man rợ của nó ? ».

Nhận định đầu tiên của Le Figaro là : Nhà nước Hồi giáo dựa trên ý thức tổ chức của các cựu quân nhân chế độ Saddam Hussein và chủ nghĩa cuống tín tôn giáo. Trong lực lượng này, chiến binh thánh chiến cùng chung đội ngũ với các cựu tù binh Syria.

Le Figaro mở đầu phóng sự với lời kể, một khi bị phe thánh chiến bắt giữ, các tù binh phải chịu các bạo hành tình dục, với mục tiêu để « đưa các chiến binh này trở về tình trạng động vật, để họ sẵn sàng thực thi các hành động man rợ nhất.

Và do các cảnh tượng này được quay phim, người bị bạo hành sẽ bị gia đình ruồng rẫy, một khi rời khỏi hàng ngũ ».

Nhà đối lập Syria Haytham Manna đang chuẩn bị công bố một cuốn điều tra về Daech – tên viết tắt tiếng Ả Rập của « Nhà nước Hồi giáo ». Công trình điều tra, kết quả của ba tháng quan sát công phu, vén lộ toàn bộ phương thức tổ chức nội bộ của Nhà nước Hồi giáo.

Đứng đầu Nhà nước Hồi giáo là một cựu giảng viên luật Hồi giáo, 51 tuổi, được coi là nhà tư tưởng của tổ chức này.

Các phụ tá trực tiếp của ông ta là dăm bảy cựu sĩ quan quân đội hay tình báo của Saddam Hussein trước kia. Nhóm chỉ huy này, phần lớn đã trải qua các cuộc chiến với Iran hay từng tra tấn các tù nhân Shia và Kurdistan, mang nỗi hận thù sâu sắc với những người lật đổ chế độ độc tài của Hussein.

Theo nhà đối lập Syria, tất cả đều từng bị lực lượng chiếm đóng Mỹ tra tấn sau khi Hussein bị lật đổ. Đứng đầu mạng lưới phản gián của Nhà nước Hồi giáo là một cựu sĩ quan của an ninh nội bộ của chế độ Hussein.

Trong thời gian bị cầm tù tại miền nam Irak trong những năm 2.000, người này đã cải đạo Hồi… Một trong các chỉ huy hàng đầu của Nhà nước Hồi giáo, mới bị giết gần đây, chính là người đã thực hiện một kế hoạch tấn công kinh hoàng tại Mossoul, thành phố đông dân thứ hai Irak.

Theo nhà văn, nhà đối lập Syria, tác giả cuốn sách sắp công bố, lý tưởng của Nhà nước Hồi giáo là một quốc gia thuần túy của người Hồi giáo hệ phái Sunni, một sự kết hợp giữa « chủ nghĩa dân tộc mang tính phát xít với chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo ».

Mục tiêu của lực lượng này sẽ là tiến về khu vực Địa Trung Hải, thay vì về hướng nam Irak, nơi dân cư chủ yếu theo hệ phái Shia.
Cuộc điều tra của nhà đối lập Syria cũng cho thấy Nhà nước Hồi giáo hiện nay đã tự túc được các nguồn tài chính và lý do vì sao tổ chức này lại nhận được sự ủng hộ của nhiều dân cư địa phương.

Lý do thất bại của chiến dịch giải cứu con tin Mỹ tại Syria

Cũng liên quan đến Nhà nước Hồi giáo, báo Le Figaro có bài phân tích vì sao chiến dịch giải cứu các con tin bị Nhà nước Hồi giáo bắt giữ tại Syria, của lực lượng đặc nhiệm Force Delta Mỹ hồi tháng 8 lại thất bại.

Đặc nhiệm Mỹ đã đột nhập vào căn cứ địa của Nhà nước Hồi giáo trong đêm. Nơi bị tấn công đúng là nhà tù, nơi giam giữ các con tin, nhưng bản thân các con tin đã dời khỏi đây chỉ một ít ngày trước đó.

Theo tin tức giới chức Hoa Kỳ tiết lộ, thất bại của chiến dịch giải cứu được chuẩn bị rất công phu này rõ ràng là do tình báo Mỹ đã không có đủ tin tức cập nhật.

Nhà nước Hồi giáo có thể thể gây ra cả nghìn vụ 11 tháng 9

Chuyên gia Pháp về Hồi giáo đương đại Jean-Pierre Filiu, giáo sư Sciences Po, có bài phỏng vấn đặc biệt dành cho Le Figaro, mang tựa đề “Nhà nước Hồi giáo có khả năng gây ra cả nghìn vụ 11/09”.

Theo ông Jean-Pierre Filiu, Phương Tây đã phản ứng quá chậm trễ trước nguy cơ vô cùng lớn này.

Nhà nước Hồi giáo là một đối thủ hết sức nguy hiểm, hành động giết hại con tin tàn bạo đã được tính toán rất kỹ lưỡng.

Khủng hoảng Libya : Pháp muốn huy động quốc tế

Cùng với hiểm họa Nhà nước Hồi giáo, khủng hoảng tại Libya là mối lo ngại khác được báo chí Pháp rất chú ý. Le Monde dẫn lại cuộc phỏng vấn mà Bộ trưởng Quốc phòng Pháp dành cho Le Figaro về chủ đề này với hàng tựa « Libya : Pháp muốn ‘‘huy động cộng đồng quốc tế’’ ».

Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Drian nhấn mạnh đến tính chất nghiêm trọng của tình hình hiện nay, bốn năm sau khi chế độ Kadhafi sụp đổ.

Theo lãnh đạo Bộ Quốc phòng Pháp, miền Nam Libya đang trở thành một trung tâm của các nhóm khủng bố.
Pháp hy vọng vấn đề này sẽ được đưa ra tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, khai mạc ngày 16/09 tới, sau khi đã được trao đổi giữa các bộ trưởng Quốc phòng Châu Âu vào hôm qua.

Cũng về chủ đề này, báo L’Humanité có bài « Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Drian muốn mở một mặt trận mới », nhằm phá hủy thánh địa của các nhóm thánh chiến. L’Humanité phê bình tính chất chung chung trong tuyên bố của lãnh đạo Quốc phòng, không vạch rõ các kế hoạch hành động cụ thể, một khi đề nghị của Paris thuyết phục được « các đối tác châu Âu » và « Algeri ».

Địa ngục Ebola

Dịch Ebola tiếp tục ngày càng trầm trọng hơn tại Tây Phi là chủ đề chiếm trang nhất của nhiều nhật báo. Dịch Ebola : « Xin mời đến địa ngục » là hàng tựa của Le Monde. « Thủ đô Monrovia bên bờ hỗn loạn y tế », tờ báo nhận định tại Liberia, các ê kíp của MSF - Tổ chức Y sĩ không Biên giới – buộc phải từ chối bệnh nhân, vì không đủ lực.

Trong số hơn 2000 người chết vì Ebola, mà hơn một nửa nạn nhân là cư dân Liberia.

Phóng sự của Le Monde hướng đến trung tâm điều trị, Elwa, nơi từ nhiều tháng nay, tổ chức y tế Pháp MSF làm việc ngày đêm hết sức mình để cứu chữa các bệnh nhân.

Hiện tại Elwa mới có hơn 100 giường bệnh, trong khi đó, tình hình dịch bệnh hiện nay phải 1.000 giường mới đủ, theo một điều phối viên của MSF.

Trong khi đó, bệnh dịch tiếp tục lan truyền với cấp số nhân. Theo Pierre Rollin, một chuyên gia Hoa Kỳ về sốt xuất huyết, tỷ lệ lây nhiễm là 2,4 trường hợp mắc bệnh mới trong số trung bình 10 người mà người bệnh tiếp xúc.

Vẫn theo ông Pierre Rollin, dịch bệnh lần này có thể phải coi là một « thảm họa thiên nhiên », chứ không còn là một dịch bệnh thông thường, không ai có thể giải thích, vì sao số lượng người nhiễm lại tăng nhanh như vậy. Rất có thể, có từ 10.000 đến 20.000 người chết từ đây đến cuối năm. 20.000 người nhiễm Ebola cũng là con số Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra.

Về chủ đề này, l’Humanité có bài « Ebola, sốt xuất huyết, malaria, những căn bệnh bị các phòng bào chế bỏ rơi ». Tờ báo đưa ra con số, chỉ có 1% số thuốc mới là để điều trị các bệnh nhiệt đới, như dịch Ebola, trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến 2004.

Phụ trương Khoa học và Y tế của Le Monde dành phần chính cho chủ đề « Các nỗ lực lớn xung quanh dịch Ebola », với ghi nhận đối mặt với nguy cơ dịch bệnh hoàn toàn thoát khỏi vòng kiểm soát, hiện nay đang có cuộc chạy đua công bố các kết quả khoa học về Ebola và việc các hãng dược phẩm lớn mua lại các công ty kinh doanh mạo hiểm để phát triển các phương thức trị liệu có triển vọng.

Ủy ban Châu Âu mang dáng dấp một chính phủ

Về thời sự Châu Âu, ngoài không khí sôi động trước cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập cho Scotland, báo chí Pháp cũng rất chú ý đến dàn lãnh đạo mới của Ủy ban Châu Âu, sẽ phải chính thức ra mắt hôm nay.

Theo Le Figaro, tân lãnh đạo Ủy ban Jean-Claude Juncker không có ý định bổ nhiệm các nhà kỹ trị đứng đầu các ngành, mà muốn tạo lập một ê kíp mang dáng dấp của một chính phủ Châu Âu, đặc biệt với các cựu Thủ tướng hay các Bộ trưởng dày dạn kinh nghiệm. 5 cựu Thủ tướng và 13 cựu bộ trưởng sẽ có mặt trong ê kíp mới của Châu Âu, theo Les Echos.

Bài « Jean-Claude Juncker cho ra mắt một ê kíp chiến đấu » trên Les Echos cho hay tân lãnh đạo Ủy ban Châu Âu có quan điểm rõ ràng, không lựa chọn các ủy viên theo tiêu chí quốc gia, mà dựa trên chất lượng của từng cá nhân ủy viên. Ví dụ như trường hợp Ủy viên kinh tế được trao cho cựu Bộ trưởng Pháp Pierre Moscovici, bất chấp việc Pháp là nước gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn ngân sách của Châu Âu.

Hay ghế Ủy viên năng lượng sẽ được trao cho một người Ba Lan, trong khi Ba Lan là quốc gia hiện đang cản trở Châu Âu trong tiến trình chuyển sang nền kinh tế ít khí thải.

Marseilles : 20 triệu tấn « bùn đỏ » chảy xuống Địa Trung Hải

Trở lại nước Pháp, quyết định hôm thứ Hai, 08/09, của Công viên quốc gia Marseilles cho phép công ty Alteo de Gardanne, tiếp tục đổ ra biển Địa Trung Hải chất thải « bùn đỏ » trong vòng 30 năm tới được hầu hết báo Pháp đăng tải.

Bài « Bùn đỏ : 30 năm án treo » là tựa đề bài phóng sự của L’Humanité. Tờ báo mở đầu với nhận xét chua chát, lại sẽ phải thêm 30 năm nữa để giải quyết một vấn đề tồn tại từ 50 năm nay.

Theo công viên « Parc National des calanques » của Marseilles, trong nửa thế kỷ qua, khoảng 20 triệu tấn bùn đỏ, chất thải của công nghiệp chế aluminum từ quặng bauxite, đã được đổ thẳng ra Địa Trung Hải.

Trong khi đó, giáo sư Henry Augier, chuyên gia về ô nhiễm (người được mệnh danh là « giáo chủ môi trường ») đưa ra con số gấp mười lần, tức 240 triệu tấn bùn đỏ đã hòa vào nước biển.

Theo tờ báo, quyết định nói trên của công viên quốc gia Marseilles, mới được thành lập từ năm 2012, gây ngạc nhiên, vì sứ mạng của công viên này là phải bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Bài về bùn đỏ ở Marseilles trên tờ Libération cho biết các dân biểu địa phương có nhiều quan điểm rất khác nhau về vấn đề này.

Dân biểu đảng UMP, Didier Réault, giám đốc Công viên quốc gia nói trên, thì khẳng định nên « buộc doanh nghiệp ít gây ô nhiễm hơn, nhưng không nên đẩy doanh nghiệp đến đường cùng phải giải thể ». Trong khi đó, theo dân biểu đảng Xanh François-Michel Lambert, giới chính trị cần gây áp lực để doanh nghiệp triệt để tuân thủ các chuẩn mực về môi trường.


Switch mode views: