Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-09-2014
- Thứ Ba, 09 tháng Chín năm 2014 19:42
- Tác Giả: Minh Anh
Thế giới sẽ kiểm soát được ma túy ?
Hoa Anh Túc, còn gọi là cây a phiến hay cây nàng tiên, được dùng để chế biến nha phiến - Wikimedia Commons
« Nắm lấy kiểm soát » thị trường buôn ma túy thay vì là tiếp tục chịu đựng tình trạng – chợ đen, thanh toán lẫn nhau, mức tăng buôn lậu và tiêu thụ … là nội dung dự án mà nhiều nhà lãnh đạo thế giới sẽ đệ trình lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon ngày hôm nay, 09/09/2014.
Với tấm hình cánh đồng hoa anh túc ở Miến Điện, Libération đề tựa bằng một câu hỏi « Một chính sách quản lý mới của thế giới về chất ma túy ? ».
Tờ báo cho hay dự án này do Ủy ban toàn thể về chính sách kiểm soát chất gây nghiện đề ra.
Cuộc họp của Ủy ban này diễn ra vào ngày hôm nay tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở New York với sự tham gia của nhiều chính khách tiếng tăm như cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Kofi Annan, cựu lãnh đạo Cục dự trữ Liên bang của Hoa Kỳ, ông Paul Volcker và nhiều cựu chính khách khác trên toàn thế giới.
Theo quan điểm của hội đồng các nhân vật cao cấp này, cuộc chiến chống ma túy do nguyên tổng thống Mỹ Richard Nixon đề xướng đã thất bại. Chế độ kiểm soát « không vận hành » bởi vì ma túy lậu vẫn tràn ngập thị trường và số người tiêu thụ mỗi lúc đông hơn.
Ông Fernando Henrique Cardoso, nguyên tổng thống Brazil cho rằng « sự thay đổi không những cần thiết mà phải thực hiện được ».
Các cựu chính khách nhìn nhận các biện pháp đang áp dụng hiện nay như cấm trồng, tịch thu, bắt giữ, kết án tù kẻ tàng trữ không còn phù hợp nữa, vì đã ''không đạt được kết quả khách quan như mong đợi'' .
Không những thế, việc cấm đoán còn gây ra những tác động tai hại : các điều luật trừng phạt « làm phát sinh bạo lực, nhà tù quá tải và làm xói mòn sự quản lý trên toàn thế giới ».
Ông Fernando cũng thừa nhận sẽ chẳng có giải pháp nhiệm mầu nào : « Câu trả lời đơn giản nhất không hề tồn tại » cũng như là « không có một hướng đi duy nhất ». Mà sự tiến bộ sẽ đến từ những trải nghiệm mà những « sai lầm » của chúng là có thể tránh được.
Điểm thuận lợi là cách nhìn của nhân loại về loại chất này đang có những tiến triển. Ở một số quốc gia, các cuộc tranh luận về việc hợp thức hóa công tác quản lý chất cần sa gần như là điều bình thường. Thậm chí nhiều nước đã bắt đầu thực hiện hợp thức hóa các loại chất này.
Theo Ủy ban toàn thể thì việc hợp thức hóa không đồng nghĩa với sự tự do hóa , mà là thiết lập những quy định chặt chẽ dưới sự giám sát của nhà nước. Ủy ban nhấn mạnh : « Chính phủ cần phải quy định cho mọi thứ, từ việc tiêu thụ rượu và thuốc lá cho đến thuốc men, kể cả dây đeo an toàn, pháo hoa, các dụng cụ điện và các môn thể thao có rủi ro cao ».
Một lợi ích khác của việc hợp thức hóa : cho phép đẩy lùi những nguy hiểm cho người sử dụng. Nói một tổng quát, Ủy ban đề xuất cách tiếp cận sức khỏe cộng đồng cho người tiêu thụ. Nghĩa là : Cần phải « chấm dứt kết tội việc sử dụng và sở hữu chất ma túy » và tìm ra « những giải pháp khác ngoài việc giam tù đối với những đối tượng không bạo lực ở mức độ thấp của nạn buôn lậu, như nông dân và kẻ trung chuyển ».
Chấm dứt định chế Lạt Ma hóa thân : Trung Quốc bị « hẫng giò » ?
Thời sự Châu Á khá hiếm hoi trên các báo Pháp hôm nay. Riêng nhật báo Công giáo La Croix quan tâm đến việc « Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố ông sẽ là người cuối cùng trong định chế ». Đây cũng là tựa đề bài viết.
Tờ báo nhắc lại thông báo trên được đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra vào hôm Chủ nhật 07/09/2014, khi trả lời phỏng vấn cho tờ báo Đức Welt am Sonntag. Ngài khẳng định : « Định chế Đạt Lai Lạt Ma tồn tại từ gần năm thế kỷ nay và truyền thống này có thể chấm dứt ở đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 rất được yêu quý ».
La Croix trích dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Trung Quốc học, ông Alain Wang, tác giả của nhiều quyển sách về đức Đạt Lai Lạt Ma, « Thông báo này hoàn toàn hợp lý so với tiến trình dân chủ hóa của hệ thống chính trị Tây Tạng mà Ngài đưa ra vào năm 2011. Hơn nữa, Ngài cũng từng cho rằng định chế Đạt Lai Lạt Ma đã già cỗi và cần phải tiến hóa. Một lời chỉ trích ngầm về hệ thống cộng sản Trung Quốc, đặc biệt quá khắt khe ».
Tuy nhiên tờ báo lấy làm ngờ vực ý đồ chấm dứt định chế Đại Lai Lạt Ma trong phương diện tôn giáo. Vào năm 2011, Ngài đã tuyên bố : « Ở độ tuổi 90, tôi sẽ tham vấn các định chế Phật giáo Tây Tạng tối cao nhất và người dân Tây Tạng, nhằm tái thẩm định tính thích đáng của định chế Đạt Lai Lạt Ma ».
La Croix nhận định đối với người dân Tây Tạng, Ngài sẽ hóa thân, và mọi câu hỏi đổ dồn về việc người ta sẽ tìm kiếm hóa thân cho Ngài hay không. Giờ đây câu trả lời của Đức Lạt Ma là « không ».
Thế nhưng, đối với tờ báo, các tuyên bố trên của Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ sẽ được thấu hiểu dưới ánh sáng cảm nhận về Trung Quốc của Ngài và tầm ảnh hưởng của nó (Bắc Kinh) lên khu tự trị Tây Tạng. « Khi tuyên bố chấm dứt định chế Đạt Lai Lạt Ma, Ngài đang cắt cỏ dưới chân Trung Quốc », theo khẳng định của nhà nghiên cứu Trung Quốc học Alain Wang.
Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ tự mình chỉ định người kế tục đức Đạt Lai Lạt Ma sau khi Ngài ra đi, nhằm có được một đại diện chính thức tại Lhassa, theo cùng cách thức mà chính quyền Trung Quốc đã làm với Ban Thiền Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần thứ hai trong trường phái Phật giáo Tây Tạng.
Nghĩa là Bắc Kinh tự chọn một người kế tục trẻ cho vị Ban Thiền Lạt Ma trước đây, qua đời vào năm 1989, sau khi từ chối hợp tác với chính quyền Trung Quốc. Đức Đạt Lai Lạt Ma thật ra đã chọn một người khác, sinh ra tại Tây Tạng, nhưng Bắc Kinh đã bắt cóc và mất tích luôn từ đó.
Đối với nhà Trung Quốc học, « Đức Đạt Lai Lạt Ma không muốn xảy ra một kịch bản tương tự và đánh cược rằng Bắc Kinh sẽ không dám chọn một vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 cho một định chế mà nó không còn tồn tại nữa ».
Ngăn chặn « Yes Scotland » : Luân Đôn gia tăng các nhượng bộ
Kết quả thăm dò dư luận do nhật báo Anh Sunday Times công bố dự đoán thắng lợi của những nhà đòi độc lập đang là “một cơn địa chấn” tại xứ sở sương mù, theo như tựa đề bài xã luận của báo Le Monde. Đối với tờ báo, Luân Đôn chỉ còn có 10 ngày để cứu Vương quốc không bị vỡ tung.
“Luân Đôn gia tăng các nhượng bộ để ngăn chặn ‘Yes Scotland’ giành thắng lợi”, là tựa đề nhận định đăng trên trang 6 mục Quốc tế của Le Monde.
Vài giờ sau khi Sunday Times công bố kết quả thăm dò dư luận, Bộ trưởng Tài chính George Osborne cam kết sẽ trao thêm nhiều quyền lực cho chính quyền và Nghị viện Scotland nếu như phe nói “không” giành thắng lợi vào ngày tổ chức trưng cầu dân ý 18/09 tới đây.
Chi tiết của những đặc quyền đó sẽ được thông báo trong những ngày sắp đến, liên quan chủ yếu đến các lãnh vực thuế, chi tiêu và các chính sách xã hội”.
Ông Osborne phê phán những hiểm họa kinh tế, tài chính, an ninh nếu giành được độc lập, nhưng lại không đề cập đến cái lợi khi ở lại với Anh quốc.
Le Monde nhận thấy kết quả thăm dò là cú sốc mạnh đối với Luân Đôn, bởi vì nhiều nghị sĩ tả hay hữu có xu hướng cho đó chỉ qua là một hình thức và độc lập chỉ là một điều không tưởng.
Tuy nhiên, Le Monde cho rằng việc trao thêm nhiều quyền hành cho Scotland có thể biến Vương quốc Anh thành một quốc gia liên bang.
Scotland, cũng như xứ Galles, Bắc Ireland và nhiều vùng dân cư lớn khác sẽ được trao quyền tự trị rộng rãi hơn trên phương diện ngân sách. Và như vậy Thượng Nghị viện Vương quốc Anh sẽ bị biến thành Hội đồng các khu vực, theo như giả định của tờ The Observer, đăng ngày chủ nhật 07/09/2014.
Tuy nhiên xu hướng đi này khó có thể đạt được.
Thế nhưng Le Monde cũng tỏ ra hoài nghi tự hỏi “Mặc dù lời hứa có vẻ táo tợn đó, nhưng liệu có đủ sức để mà bẻ gãy được đà ‘Yes Scotland’ hay không?”
Quân đội Kiev không chiếm được niềm tin người dân phía Đông Ukraina
Liên quan đến căng thẳng giữa Nga với Liên Hiệp Châu Âu, báo chí Pháp hầu như đều có bài viết về các lệnh trừng phạt mới của Châu Âu nhắm vào Nga.
“Trừng phạt nặng nhắm vào Nga” tựa trên Libération. “Trừng phạt: 28 nước chấp thuận một thời hạn cho Matxcơva”, bài của Le Figaro. Riêng báo Le Monde có bài viết cho hay “Người dân Đông Ukraina ngày càng ngờ vực quân đội Kiev”.
Tờ báo mô tả lại cuộc sống thường nhật của người dân vùng Louhansk, một thành phố có 500 ngàn dân vào lúc thời bình. Quang cảnh tại đây giờ giống như một thành phố chết sau hai tháng ròng rã dưới những trận oanh kích.
Hàng quán đóng cửa, đường phố vắng tanh. Ở đây, không nước, không nhiên liệu, không điện thoại. Mạng lưới điện thì chập chờn, vận hành theo từng khúc cho chừng vài chục phút.
Người dân phải sống trú ẩn trong một nhà hầm dưới lòng nhà máy sản xuất đầu tàu. Ngủ trên những đệm mà họ may mắn nhặt được, thắp sáng bằng nến và trong những tiếng ầm ĩ của bom đạn.
Vào chủ nhật, 07/09/2014, ngay sau khi có thông báo lệnh ngừng bắn, nhưng người dân vẫn không rời khỏi nơi trú ẩn. “Làm sao chúng ta có thể tin tưởng vào người Ukraina? Họ sẽ lợi dụng lệnh ngừng bắn để tái tổ chức và mọi thứ sẽ lại tiếp tục”.
Một cảm giác cũng được người dân vùng Donbass đồng chia sẻ. Các vụ oanh kích của quân đội Ukraina vào các vùng đông dân cư đã đẩy những người dân ở đây vào vòng tay phe ly khai, kể cả một bộ phận người dân có lập trường “trung lập”.
Le Monde cho rằng đây là một dấu hiệu quá rõ ràng mà mâu thuẫn giữa Kiev và một bộ phận lớn người dân Donbass được thể hiện rõ bởi những vụ dội bom.
Trong con mắt của họ, quân đội Ukraina là quân "xâm lược" và tố cáo họ phạm tội "diệt chủng". Còn quân nổi dậy hay lính Nga là những người "bảo vệ" dân phía Đông. Do đó, những người này có quyền đáp trả lại quân chính phủ.
Còn những ai có lập trường khác, buộc phải ngậm miệng hoặc di tản nơi khác.
Tin mới
- RFI tiếng Việt có website mới - 12/09/2014 18:34
- Nước Mỹ tưởng nhớ nạn nhân khủng bố 11 Tháng 9 - 11/09/2014 23:25
- Triển lãm về 'Cải Cách Ruộng Đất' chết yểu (?) - 11/09/2014 23:11
- Hoa Kỳ sẽ tiêu diệt 'Nhà Nước Hồi Giáo' ISIS - 11/09/2014 23:03
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-09-2014 - 11/09/2014 21:44
- Trung Quốc và Nga xây hải cảng tại Biển Nhật Bản - 11/09/2014 21:17
- Vatican muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam - 11/09/2014 16:01
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-09-2014 - 10/09/2014 21:08
- Thủ tướng Anh đến Scotland để cứu vãn sự toàn vẹn của vương quốc - 10/09/2014 20:36
- ‘Vua bài’ gốc Việt bị bắn chết ở Australia - 10/09/2014 15:54
Các tin khác
- Irak lập chính phủ đoàn kết quốc gia chống Nhà nước Hồi giáo - 09/09/2014 19:25
- Lên án Bắc Kinh: Dân tranh đấu Hồng Kông cạo trọc - 09/09/2014 18:56
- Việt Nam xây dựng lực lượng tàu ngầm để đối đầu với Trung Quốc - 09/09/2014 18:34
- Định chế Lạt Ma hóa thân ‘‘đã hết thời’’ - 08/09/2014 21:46
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-09-2014 - 08/09/2014 21:23
- Đập thủy điện Trung Quốc gây hại môi trường Miến Điện - 07/09/2014 21:44
- Cố vấn an ninh Mỹ đến Trung Quốc - 07/09/2014 21:31
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-09-2014 - 06/09/2014 17:54
- Nhật tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc ở Nam Á - 06/09/2014 16:50
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-09-2014 - 05/09/2014 21:38