Chiến Thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, Tết Kỷ Dậu 1789
- Chúa Nhật, 10 tháng Hai năm 2013 13:27
- Tác Giả: Phan Khôi
CHIẾN THẮNG NGỌC HỒI – ĐỐNG ĐA, TẾT KỶ DẬU 1789
Dưới đây là một bài báo Phan Khôi đăng hồi đầu năm 1940 trên “Dân báo” ở Sài Gòn về chiến dịch đánh đuổi quân Thanh vào đông xuân 1788-89, tức chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Trong bài có một vài tên riêng nhân vật lịch sử có thể không thật khớp với các tài liệu đang phổ cập hiện nay.
Tài liệu này do bạn Kim Hiền tìm giúp tôi ở Thư viện quốc gia Paris (Pháp). Xin cảm ơn bạn Kim Hiền và trân trọng giới thiệu với độc giả các trang báo mạng bạn bè.
LẠI NGUYÊN ÂN
__________________________________
TẾT VỚI CHIẾN TRANH: ĂN TẾT VÀO NGÀY KHAI HẠ
[bị kiểm duyệt bỏ một đoạn]
…mở lịch sử ra xem, trước đây bờ một trăm sáu chục năm, chúng ta cũng có một lần đánh nhau với quân Tàu giữa ngày nguyên đán, làm cho cái tết phải hoãn lại đến ngày mồng bảy tháng giêng là ngày khai hạ mới ăn được.
Ấy là chuyện ở đời vua Quang Trung nhà Nguyễn Tây Sơn.
Năm đinh vị (1787), Nguyễn Huệ sai Võ Văn Sĩ cầm quân ra Bắc Hà hỏi tội Nguyễn Hữu Chỉnh. Khi Sĩ ra chưa tới Thăng Long thì Hữu Chỉnh đã bỏ Thăng Long chạy sang Kinh Bắc, và vua Chiêu Thống cũng sợ mà đi trốn đâu mất rồi. Lúc Sĩ đến Thăng Long, bắt được Hữu Chỉnh đem hành hình ở đó thì không có mặt vua Chiêu Thống cho nên Sĩ mới lập Lê Duy Cẩn làm giám quốc.
Kế đó Võ Văn Sĩ bị cáo là mưu phản, Nguyễn Huệ đương ở Thuận Hóa vội vàng dẫn binh ra Bắc bắt Sĩ giết đi; người cũng còn để Lê Duy Cẩn làm giám quốc, và sắp đặt xong mọi việc rồi thì kéo binh trở về Thuận Hóa.
Không ngờ, vua Chiêu Thống không phải chạy trốn mà chỉ là đi tránh chỗ kinh đô ra các tỉnh cùng bầy tôi vận động qua Tàu cầu cứu.
Bấy giờ bên Tàu, Tôn Sĩ Nghị đương làm Tổng đốc Lưỡng Quảng, Tôn được thơ xin viện binh của vua Lê thì tâu cùng hoàng đế Càn Long nhà Thanh mà xin nhận lời. Hoàng đế nhà Thanh phê y lời xin của Tôn.
Mùa đông năm mậu thân (1788), hai mươi vạn binh của bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, chia làm hai đạo kéo sang nước An Nam. Đạo thứ nhứt đi do đường Lạng Sơn, Sĩ Nghị cầm đầu; đạo thứ nhì đi do đường Tuyên Quang, một viên Tổng binh cầm đầu nhưng vẫn ở dưới quyền Sĩ Nghị.
Quân Tàu vừa đến Lạng Sơn đã rải ra một tờ hịch, rao có ai bắt sống được hai anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ thì sẽ được thưởng đầu công. Các tướng giữ thành Lạng Sơn của Tây Sơn bấy giờ là Nguyễn Văn Diệm và Phan Khải Đức nghe lời rao, đều sợ hoảng, kẻ thì xin hàng, người thì bỏ đi trốn. Quân Tàu trẩy tới Kinh Bắc (tức Bắc Ninh bây giờ), vua Chiêu Thống đích thân đến rước và chào mừng họ Tôn. Ngày 21 tháng 11 năm mậu thân (1788) Tôn Sĩ Nghị đứng làm lễ tuyên phong cho vua làm An Nam quốc vương, vì từ hồi Tuyên Thống lên ngôi đến giờ bên Tàu chưa kịp làm cái lễ long trọng ấy.
Sau khi Nguyễn Huệ giết Võ Văn Sĩ, cất Ngô Văn Sở lên làm đại tướng, giao binh quyền cho ở giữ Bắc Hà rồi mới đi về miền Nam. Nhưng khi quân Tàu tràn sang đây, Sở liệu bề chống không nổi, đã truyền lịnh cho các đạo binh rút về giữ mặt Ninh Bình, Thanh Hóa, và cho người vào Thuận Hóa cáo cấp cùng chúa mình.
Bấy giờ 20 vạn quân Tàu, trừ ra một số ít chia đi tuần tiễu các nơi, còn thì đóng cả ở trên bãi cát bờ phía nam sông Nhị Hà. Sĩ Nghị sai bắt nhiều chiếc thuyền kết lại làm cái cầu nổi để cho quân lính đi thông sang bờ phía bắc.
Vua Chiêu Thống đã trở về, các quan trước kia chạy tản lạc, bây giờ cũng dần dần họp lại. Họ rủ nhau đến yết kiến Tôn Sĩ Nghị và xin lập tức ra binh kéo về miền Nam đánh anh em nhà Nguyễn Tây Sơn. Sĩ Nghị trả lời: “Ngày hết tết tới rồi, việc gì mà vội vàng dữ vậy? Đây ta không đánh gấp. Giặc nó còn gầy, để ta nuôi nó cho béo rồi khiến nó đem thịt tới dâng ta!” Nói thế rồi Tôn hạ lịnh cho lui quân an nghỉ, đợi đến ngày mồng sáu ra giêng hãy xuất quân.
Ở Thuận Hóa, Nguyễn Huệ được tin cấp báo, nổi giận thét mắng ầm ầm, và hạ lịnh cho cử binh lập tức.
Các tướng xin Huệ trước khi cử binh hãy lên ngôi hoàng đế để buộc chặt lòng người. Huệ làm theo lời. Liền trong ngày 26 tháng 11 ấy lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân, xưng niên hiệu là Quang Trung. Và cũng liền trong ngày ấy, chính mình làm tướng kéo cả thủy quân lục quân ra Bắc.
Ngày 29, quân đi đến Nghệ An thì trú lại đó hơn mười ngày. Lựa thêm tráng đinh xứ Nghệ, cứ ba tên lấy một, thúc vào quân đội. Cộng cả các quân cũ và mới có được hơn mười vạn và mấy trăm con voi. Làm lễ đại duyệt xong, lại bắt đầu tấn phát.
Ngày 20 tháng chạp đến đèo Ba Dội. Ngô Văn Sở chực sẵn bên đường, sập xuống lạy và xin chịu tội. Vua Quang Trung phán: “Các ngươi, tội đã đáng tội rồi, nhưng nghĩ vì Bắc Hà mới yên, lòng dân chưa phụ, mà các ngươi biết giữ trọn binh lực mình để lánh mũi giặc đương hung hăng, cũng không hại gì lắm, thôi thì ta tha cho đái tội lập công”. Rồi nội ngày 20 ấy đãi tiệc quân sĩ, ngài phán cùng họ: “Hôm nay hãy ăn sơ sài một bữa, đợi đến ngày mồng bảy tháng giêng vào thành Thăng Long rồi sẽ bày diên yến mừng xuân cho luôn. Các ngươi hãy ghi lấy lời ta thử có sai không nhỉ?”.
Đêm ba mươi Tết, quân đi qua sông Gián, đánh bại đạo binh của Hoàng Phùng Nghĩa, quan trấn thủ Sơn Nam của nhà Lê. Bao nhiêu quân Tàu đi tuần tiễu ở đó đều bị bắt giết hết, cho nên tuyệt chẳng có tin báo về Thăng Long cho Sĩ Nghị biết.
Đêm mồng ba, quân đến làng Hà Hồi. Ở đó có đồn bảo của quân Tàu, gác súng lớn, chôn ngầm địa lôi, cách phòng thủ rất kiên cố. Quân của vua Quang Trung vây các đồn ấy, lấy ống vọi truyền hô, có tiếng dạ đến mấy vạn người. Trong đồn nghe thấy thế đều run sợ, rồi không giao chiến, quân Tàu tự vỡ tan cả. Hết thảy lương thực khí giới đều bị quân Tây Sơn bắt lấy.
Tảng sáng ngày mồng năm, quân tới sát bên đồn Ngọc Hồi. Trên đồn bắn đạn xuống như mưa. Vua Quang Trung khiến mỗi người lính mang một miếng ván xông vào, còn ngài thì cỡi voi ở đằng sau giục tới. Cửa đồn bị vỡ. Ai nấy đều ném miếng ván xuống đất, cầm dao chặt tứ tung. Quân Tàu không chống lại được, bỏ chạy. Quân Tây Sơn đuổi theo, phá luôn mấy đồn Văn Điển, An Quyết, các quan Tàu, đề đốc Hứa Thế Hanh, tổng binh Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng, tri phủ Sầm Nghi Giản đều tử trận.
Bấy giờ Tôn Sĩ Nghị ở nơi đại đồn trên bãi cát, nghe tin, lật đật lên ngựa chạy về phương Bắc. Rồi quan và lính chạy theo. Họ tranh nhau qua cầu, cầu gãy, rơi xuống sông mà chết không biết bao nhiêu, đến nỗi sông Nhị Hà không chảy được. Vua Chiêu Thống cũng chạy theo Sĩ Nghị về Tàu.
Sáng ngày mồng năm, chính mình vua Quang Trung kéo binh vào thành Thăng Long, cái áo chiến bào của ngài mặc nguyên sắc vàng mà biến ra sắc đen sạm, vì ăn mùi thuốc súng.
Đợi đến ngày mồng bảy mới mở tiệc khao thưởng quân sĩ, ăn Tết nguyên đán năm kỷ dậu, cho đúng với lời vua đã phán cùng họ hôm trước.
Phan Khôi
Dân báo, Sài Gòn, 14 Fevrier 1940
Tin mới
- Trại cải tạo – địa ngục trần gian ở VN - 30/04/2013 05:56
- Nhận định về ý nghĩa lịch sử 30-4-1975, “Quốc Gia Thua Ðể Thắng, Cộng Sản Thắng Ðể Thua” - 17/04/2013 04:58
- Cuối tháng 3/75 tuyến đầu thất thủ - 04/04/2013 06:00
- Phan Châu Trinh: Mười điều bi ai của Dân Tộc Việt Nam - 04/04/2013 05:31
- Ban Mê Thuột, Trận Mở Đầu CSVN Tổng Công Kích 1975 - 15/03/2013 02:04
- Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam: con đường sinh tử của Việt Nam Cộng Hòa - 07/03/2013 00:31
- Xin đừng lên lớp tôi ! - 02/03/2013 16:20
- Nhìn lại đống rác lịch sử “đánh Mỹ cứu nước” của CSVN - 28/02/2013 03:37
- Đại Tướng Cao Văn Viên phân tích các sự kiện quyết định cuộc chiến VN - 22/02/2013 06:42
- Hai bức thư Hồ Chí Minh gởi Stalin - 15/02/2013 16:54
Các tin khác
- Kissinger và Hòa đàm Paris - 31/01/2013 03:47
- Giá trị pháp lý và thực thi của Hiệp Ðịnh Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam ngày 27-1-1973 - 29/01/2013 04:12
- 40 năm hiệp định Paris: Vinh và Nhục - 15/01/2013 07:10
- Hiến Pháp 26.10.1956 và Thực Tại Chính Trị Dân Chủ Miền Nam - 31/10/2012 05:59
- Những sự thật cần phải biết - Việt Nam Cộng Hòa - Nạn nhân của chính sách “Ngậm máu phun người” - 18/10/2012 06:08