Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Facebook kiểm duyệt Quân Đội Miến Điện, một cách trừng phạt hữu hiệu

myanmar-facebook-hate
 
Ảnh minh họa: Quảng cáo trước cửa hiệu điện thoại di động ở Yangon, Miến Điện. Ảnh chụp ngày 08/08/2018.
REUTERS/Ann Wang

Áp lực quốc tế trên Quân Đội Miến Điện về vụ thanh lọc người Rohingya càng lúc càng tăng.

Trong lúc ý tưởng đưa một số tướng lãnh bị cáo buộc là thủ phạm ra trước Tòa Án Hình Sự Quốc Tế ngày càng có thêm hậu thuẫn, thì nhiều quốc gia đã và đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt.

Trong tình hình đó, tuần báo Pháp Courrier International mới đây đã ghi nhận rằng mạng xã hội Facebook đã tung ra một đòn mạnh đối với giới tướng lãnh Miến Điện.

Tân Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc bà Michelle Bachelet ngày 10/09/2018 đã lên tiếng kêu gọi thành lập « một cơ chế » mới để điều tra về nghi án diệt chủng người Rohingya tại Miến Điện và đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước tòa án quốc tế để xét xử.

Vào cùng ngày, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch cũng ra một bản phuc trình, kêu gọi thực hiện công lý chống lại các tội ác quốc tế tại Miến Điện.
Trước đó, ngày 06/09, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế La Haye cho biết sẵn sàng thụ lý hồ sơ diệt chủng người Rohingya tại Miến Điện.

Những diễn biến kể trên là hệ quả logic của sự kiện một phái bộ điều tra thực tế độc lập Liên Hiệp Quốc (U.N. Independent International Fact-Finding Mission on Myanmar) do Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thành lập năm 2017, vào tháng 8 vừa qua đã công bố một bản báo cáo khẳng định rằng đã có đủ bằng chứng để truy tố tổng tham mưu trưởng Quân Đội Miến Điện cùng với 5 viên tư lệnh khác về tội ác chống nhân loại và diệt chủng đối với sắc tộc thiểu số Rohingya.

Chính quyền Miến Điện dĩ nhiên là đã bác bỏ mọi cáo buộc của quốc tế, nhưng ngay sau khi báo cáo tóm tắt của phái bộ điều tra Liên Hiệp Quốc được công bố, đã có nhiều quốc gia tuyên bố sẵn sàng đưa các tướng lãnh Miến Điện bị cáo buộc diệt chủng ra trước Tòa Án Hình Sự Quốc Tế.

Trong khi chờ đợi, nhiều nước chủ trương tăng cường các biện pháp trừng phạt nhắm vào các cá nhân và pháp nhân Miến Điện bị buộc vào các tội ác chống nhân loại và diệt chủng.

Facebook ra tay đánh mạnh vào giới tướng lãnh Miến Điện

Trong số các biện pháp đã được áp dụng, tuần báo Courrier International hôm 31/08 vừa qua đã đặc biệt chú ý đến sự kiện Facebook đã mau chóng xóa bỏ tài khoản của lãnh đạo Quân Đội và một số tướng lãnh Miến Điện sau khi những người này bị Liên Hiệp Quốc quy trách nhiệm trong vụ thảm sát người Rohingya.

Trích dịch một bài viết trên tuần báo Miến Điện Frontier Myanmar, xuất bản tại Rangoon bằng hai thứ tiếng Anh và Miến, Courrier International cho rằng dù quyết định của Facebook có muộn màng, nhưng có lẽ đó một trong những biện pháp có hiệu quả hơn hẳn các trừng phạt ngoại giao, kinh tế hay tư pháp khác rất khó thực hiện.
Tính ra, Facebook đã xóa bỏ các trang và tài khoản thuộc 20 nhân vật và tổ chức Miến Điện, đặc biệt là tài khoản của tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, tướng Ming Aung Hlaing.
Facebook cũng đóng cửa trang của kênh truyền hình mới của quân đội, Myawady.

Ngoài ra 46 trang Facebook và 12 tài khoản đội lốt cơ quan truyền thông và chính luận độc lập hầu « phát tán tốt hơn các thông điệp của quân đội Miến Điện » cũng bị Facebook xóa bỏ.
Trong một thông báo, Facebook cho biết là họ quyết định xóa bỏ tổng cộng 18 tài khoản facebook, 1 tài khoản Instagram và 52 trang Fanspage, liên quan đến 12 triệu người theo dõi.

Để biện minh cho biện pháp này, Facebook đã dựa trên báo cáo của của phái bộ điều tra Liên Hiệp Quốc, xác nhận là các cá nhân và tổ chức nói trên đã vi phạm nhân quyền.
Facebook cho biết là muốn « ngăn chặn không để họ sử dụng dịch vụ của Facebook để kích động hận thù, làm tăng thêm căng thẳng chủng tộc hay tôn giáo ».

Báo cáo của phái bộ điều tra Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh sự kiện quân đội Myanmar biến mạng xã hội thành công cụ tuyên truyền hiệu quả cao; trang nhà của tướng Min Aung Hlaing chẳng hạn, đặc biệt sôi nổi với số lượng người theo dõi rất lớn.
Facebook gần đây bị chỉ trích dữ dội là đã trốn tránh trách nhiệm trong việc kiểm tra nội dung bằng tiếng Miến Điện, nhất là những bài kích động hận thù nhắm vào thiểu số người Hồi Giáo.

Tình trạng này đã kéo dài từ nhiều năm qua, và Facebook đã được báo động ngay từ năm 2013 về hiện tượng Facebook bị lạm dụng để gây hại.
Sau đó thì mạng xã hội này cũng nhận được nhiều lời cảnh báo khác, nhưng đã phản ứng quá chậm chạp, một sai lầm giờ đây họ đã phải thừa nhận.

Xóa bỏ các nội dung kích động hận thù: Biện pháp dễ làm nhưng hữu hiệu

Theo Courrier International, việc xóa bỏ các trang kích động hận thù là một biện pháp đơn giản – đơn giản hơn rất nhiều so với việc đào tạo những người kiểm tra nội dung bằng tiếng Miến Điện - nhưng cũng rất táo bạo, vì hẳn sẽ có hệ quả rất lớn.

Facebook phổ biến ở Miến Điện đến mức mà hầu như họ không có đối thủ cạnh tranh.
Mạng này là phương thức được coi như là hàng đầu để tiếp cận quần chúng. Người Miến Điện biết rất rõ điều này.

Những sự kiện bạo lực, trấn áp xẩy ra ở bang Arakan vào năm ngoái, 2017, khiến hơn 700 000 người chạy lánh nạn sang Bangladesh, chẳng những không ảnh hưởng gì đến hình ảnh quân đội Miến Điện mà ngược lại còn được tô bóng thêm nữa là khác.

Facebook đã đóng vai trò rất lớn trong vụ việc, vì đã góp phần đưa lãnh đạo quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing lên vị trí hàng đầu trên truyền thông.
Vào lúc tài khoản Facebook của ông bị khóa, nhân vật này đã có hơn một triệu người theo. Chỉ có bà Aung San Suu Kyi là có thể bằng ông.

Đối với Courrier International, Facebook vốn đã trở thành phương tiện truyền thông độc tôn tại Miến Điện.
Không có mạng xã hội nào khác có thể tranh đua với Facebook ở Miến Điện.
Dĩ nhiên là cũng có báo chí và truyền hình của quân đội, nhưng các kênh truyền thông này không thể thay thế Facebook.
 Hơn nữa người Miến Điện giờ đây đã có thói quen xem tin tức trên điện thoại di động.

Trong bối cảnh đó, việc tước bỏ phương tiện Facebook của tướng Min Aung Hlaing và quân đội, có lẽ là đòn trừng phạt nặng hơn tất những gì mà cộng đồng quốc tế có thể đưa ra nhắm vào họ.

Hiện nay ai cũng nói đến trừng phạt, nhưng kết quả của các biện pháp truyền thống như cấm nhập cảnh hay phong tỏa tài sản ở ngoại quốc chỉ có hiệu quả rất giới hạn : Lãnh đạo quân đội Miến Điện không có tài sản ở Mỹ, và trong ngắn hạn, họ cũng không cần phải đến Mỹ.

Người ta cũng nói nhiều đến việc truy tố, nhưng khả năng này còn xa vời.
Ngay cả như khi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế ban hành lệnh truy bắt, thực hiện lệnh này hầu như là vô khả thi.

Một vố đau cho ảnh hưởng của quân đội

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Facebook có thực hiện chủ trương mới của mình một cách nghiêm ngặt hay không, vì chắc chắn là lãnh đạo quân đội Miến Điện sẽ tiếp tục sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền.
Một bằng chứng là tài khoản Facebook mà tướng Min Aung Hlaing có trước đây vừa bị xóa đi, thì lập tức một cái mới đã xuất hiện, trước khi biến mất.

Bên cạnh đó, không đầy 48 tiếng đồng hồ sau khi tài khoản Facebook của vị tư lệnh quân đội Miến Điện bị khóa, một tài khoản của ông đã được mở trên mạng xã hội Nga VK, một mạng tự nhận là hiện có hơn 500 triệu người sử dụng.
Tính đến ngày 06/09, tài khoản đó đã được khoảng 35.000 người theo.

Đối với Facebook, mạng xã hội này còn phải đưa ra một quyết định nhạy cảm hơn nữa : Đó là tính sao với các tài khoản khác của quân đội Miến Điện, chẳng hạn như của bộ Quốc Phòng, vẫn còn hoạt động.
 Ngoài ra, còn nhiều trang được cho là của các tổ chức dân sự của chính quyền, nhưng cũng có thể bị quân đội sử dụng để phổ biến thông điệp của họ.

Có điều những trang này sẽ không phục vụ hữu hiệu quyền lợi của quân đội Miến Điện như những tài khoản vừa bị xóa, vì không được mang vỏ chính thức.
Hơn nữa, nếu những trang đó có quá nhiều người theo thì sẽ lại rơi vào tầm nhắm của Facebook.
Tóm lại, theo Courrier International, Facebook đã đưa ra một quyết định rất có trọng lượng vào ngày 27/08/2018 khi kiểm duyệt các tướng lãnh Miến Điện.

Ngoài ý nghĩa biểu tượng, đó là một đòn giáng mạnh vào ảnh hưởng của quân đội Miến Điện – và của tướng Min Aung Hlaing nói riêng – trên dư luận Miến Điện.

Switch mode views: