Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Iran muốn gì ở Syria ?

syria Iran 3

Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong thượng đỉnh Thổ-Nga-Iran tại Tehran, 7/9/2018.
Kirill Kudryavtsev/Pool via REUTERS

Cuộc xung đột tại Syria đang đi vào giai đoạn cuối với trận đánh được cho là tàn khốc nhất đang diễn ra tại Idleb.

Dường như Mỹ và phương Tây, trước mắt, đành chấp nhận chế độ Damas là bên thắng cuộc và tổng thống Bachar Al Assad tiếp tục tại vị, nhưng áp lực đòi Syria đuổi Iran ngày càng gia tăng.

Thậm chí, Ả Rập Xê Út và một số nước Ả Rập theo hệ phái Sunni còn ngầm bắn tin sẵn sàng tham gia tái thiết Syria, nếu Damas gạt bỏ Teheran.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, khả năng này khó có thể xẩy ra bởi vì Iran là đồng minh gần như là « truyền thống » của Syria và nước này lại có một vị trí chiến lược địa chính trị rất quan trọng trong chiến lược của Iran nhằm mở rộng ảnh hưởng của hệ phái Hồi Giáo Shia trong khu vực Trung Đông.

Về mặt địa lý, Syria bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ, đông và nam giáp với Irak, cũng ở phía nam còn có phần biên giới chung với Jordani và Israel, một phần phía tây được bao bọc bởi Liban và biển Địa Trung Hải. Đây chính là điểm mấu chốt để giải thích cho sự hiện diện của quân đội Iran tại Syria.

Đối với các giáo sĩ Téhéran, Syria là một lá chủ bài trong việc hình thành trục Hồi Giáo Shia bao gồm cả Irak, Liban và Yemen để đối đầu với hệ phái Sunni.
Syria là chìa khóa để Iran có thể tiếp cận trực tiếp với phe Hezbollah tại Liban và dễ dàng đối đầu với Israel, ngay chân cao nguyên Golan, trên lãnh thổ Syria.

Theo nhận định của nhà báo Patrick Saint-Paul trên tờ Le Figaro, nói đến chiến lược này không thể không kể đến vai trò quan trọng của Qassem Soleimani.
Viên chỉ huy lực lượng al-Qods, đơn vị tinh nhuệ của Vệ binh Cách mạng, hiện đang điều hành « trục cách mạng Shia » này.

Dưới sự chỉ đạo của viên tướng này, Iran thật sự cắm rễ sâu vào Syria, vẽ lại bản đồ chiến lược khu vực.
 Cố vấn quân sự của Iran có mặt khắp nơi tại Syria và tham gia trực tiếp trong các trận đánh.

Binh sĩ Iran hiện diện trong các nhóm dân quân tự vệ, nhất là phe Hezbollah ở Liban, đội quân vũ trang có đến 6.000 chiến binh.
Không chỉ hỗ trợ Syria về mặt nhân lực, Iran còn triển khai nhiều loại vũ khí chiến lược : Tên lửa, thiết bị bay điều khiển từ xa có vũ trang hay tàng hình.

Quân đội Iran được quyền sử dụng các căn cứ quân sự, nhất là không quân trên khắp lãnh thổ Syria.
Tuy nhiên, việc Nga quyết định can dự vào cuộc xung đột Syria đã làm thay đổi phần nào cục diện, thế độc quyền của Iran bị lung lay.

Nhưng không vì thế có thể làm cho Iran từ bỏ ý đồ của mình. Theo một nguồn tin phương Tây, dù đã có được sự ủng hộ đông đảo của nhiều nhóm dân quân tự vệ và các binh sĩ trung thành với Soleimani, nhưng Iran vẫn đang tìm cách thương lượng mở một cảng biển tại Tartous.
Và trong dài hạn, cảng biển này có thể nâng cấp thành các cơ sở quân sự.

Trong bối cảnh bị Mỹ gia tăng trừng phạt kinh tế, sau thông báo rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của tổng thống Donald Trump, Syria còn là một lối thoát « thần kỳ » cho phép Iran đi ra Địa Trung Hải, giúp cho ngành xuất khẩu dầu hỏa của Teheran tránh phải đi qua ngả vùng Vịnh Ba Tư và những nước láng giềng thù nghịch.

Tóm lại, như nhận định của một nguồn tình báo phương Tây, « đối với chế độ Iran, việc có mặt tại Trung Đông còn quan trọng hơn cả vấn đề vũ khí hạt nhân.
Điều này cho phép Iran hành động chống lại kẻ thù, nhưng vẫn bảo toàn được lãnh thổ trước các hành động đáp trả.

 Khi gây ra các ung nhọt căng thẳng bên ngoài, Iran đang tự phòng vệ. Đó cũng là một dạng răn đe ».

Switch mode views: