Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-02-2018

Những hạn chế trong chiến lược Syria của điện Kremlin

syria-congress

"Đại hội đối thoại quốc gia" Syria do Nga tổ chức tại Sotchi, ngày 30/01/2018.
REUTERS/Sergei Karpukhin

Thất bại của « Đại hội đối thoại quốc gia » Syria do điện Kremlin tổ chức tại Sotchi, ngày 30/01/2018 cho thấy Nga bất lực trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho thảm họa Syria.

Về chủ đề này, bài phân tích của tác giả Marc Semo trên báo Le Monde ngày 06/02/2018 điểm ra « Những hạn chế về chiến lược Syria của điện Kremlin ».

Theo tác giả, Matxcơva cũng tỏ ra bất lực trong việc buộc chế độ Damas đối thoại với phe đối lập trong nhiều vòng đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

 Tiến trình ngoại giao bế tắc trong lúc xung đột quân sự đang biến chuyển một cách nguy hiểm.

Việc Nga điều động không quân và triển khai khoảng 5.000 quân nhân tại Syria từ mùa thu năm 2015 đã giúp cứu được chế độ Damas.
Thế nhưng, bất chấp các nỗ lực, điện Kremlin vẫn không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng Syria.

Theo chuyên gia Bruno Tertrais, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, từ 15 năm qua, Nga đã tỏ ra có hiệu quả qua các can thiệp quân sự vào khu vực thuộc ảnh hưởng của Liên Xô cũ, nhưng Matxcơva không thành công về mặt ngoại giao.
 Syria không phải là một cuộc xung đột mà người ta có thể làm « đông cứng lại », do liên quan đến nhiều tác nhân trong khu vực, khác với cuộc xung đột ở Gruzia hay Ukraina.

Nguy cơ bị sa lầy là có thực trong lúc thắng lợi của chế độ Damas có phần mang hình thức bề ngoài, ảo giác, bởi vì đúng là chế độ Damas kiểm soát được một phần lãnh thổ, ở miền trung, được coi là « cần thiết », nhưng chỉ chiếm không quá 50% diện tích đất nước với gần một nửa dân số.
Phần còn lại phải bỏ cửa bỏ nhà ra đi hoặc lưu vong.

Một nhà ngoại giao Pháp phân tích, điều trớ trêu là Nga bị mắc kẹt do sự yếu kém của chế độ Damas.
Nếu Matxcơva không ủng hộ nữa, chế độ Bachar Al Assad lại có nguy cơ sụp đổ và đó sẽ là một thất bại nặng nề đối với Nga.

Đương nhiên, Matxcơva không tính đến khả năng này bởi vì nhờ can thiệp vào Syria, Nga đã tìm lại được vị trí của mình với tư cách là một tác nhân chủ chốt ở Trung Đông.
Thế nhưng, tổng thống Nga Vladimir Putin không có nhiều phương tiện để gây sức ép với chế độ Damas, cho dù khi đi thăm căn cứ không quân Hmeimim, Syria, hồi tháng 12/2017, nguyên thủ Nga đã nhắc lại rằng các điều kiện đã được hội tụ đầy đủ để đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

Vòng đàm phán tại Astana, Kazakhstan, do Nga cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ cũng cho thấy rõ những hạn chế.
Tại Idlib, phía tây bắc Syria, cũng như tại Đông Ghouta, ở cửa ngõ Damas - hai trong số bốn « vùng giảm leo thang » do vòng đàm phán Astana lập ra - quân đội chính phủ Syria đã mở những cuộc tấn công trên quy mô lớn nhắm vào những thành trì cuối cùng của phe đối lập.

Thất bại của Nga trong lĩnh vực ngoại giao tạo cơ hội tái thúc đẩy vòng đàm phán Geneve, trong khuôn khổ nghị quyết 2254 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tháng 12/2015.
Văn bản này vạch ra lộ trình thiết lập một chính quyền trong giai đoạn chuyển tiếp, soạn thảo một Hiến Pháp mới và tổ chức bầu cử dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc.
Không có đầu tư của phương Tây và các nước vùng Vịnh, thì không thể tái thiết được Syria.
Tuy nhiên, theo Le Monde, vấn đề chủ chốt hiện nay là Hoa Kỳ không có lập trường rõ ràng trong hồ sơ Syria, còn Pháp thì tỏ ra bất lực.

Tổng thống Pháp nhiều lần tuyên bố việc sử dụng vũ khí hóa học là vượt qua lằn ranh đỏ.
Thế nhưng, vừa qua, Damas dường như vẫn tiếp tục dùng vũ khí hóa học tại Ghouta và Paris chỉ kêu gọi thành lập một liên minh đối tác quốc tế chống lại việc không trừng phạt sử dụng vũ khí hóa học.

Sự hồi sinh chiến lược của vũ khí hạt nhân

Bộ Quốc Mỹ ngày 02/02/2018 công bố một tài liệu « Đánh giá về khả năng hạt nhân - NPR ».
Báo Le Figaro nhân vụ việc này có bài nhận định của tác giả Renaud Girard đề tựa « Sự hồi sinh chiến lược của vũ khí hạt nhân ».

Khi Chiến tranh lạnh kết thúc, nhiều nước phương Tây nghĩ rằng vũ khí nguyên tử không còn là vấn đề của các siêu cường và lĩnh vực này sẽ dịch chuyển sang các cường quốc tầm trung, chủ trương phát triển loại vũ khí chiến này, như Pakistan, Iran, Bắc Triều Tiên…

Châu Âu cũng tỏ ra yên tâm với một loạt các hiệp định kiểm soát, giảm trừ vũ khí hạt nhân, như Hiệp định về lực lượng hạt nhân tầm trung (IFN), Hiệp định giảm trừ vũ khí chiến lược liên lục địa (START)… và Hiệp định mới về giảm trừ vũ khí chiến lược liên lục địa (NEW START), được Thượng Viện Hoa Kỳ phê chuẩn hồi tháng 12/2010.

Tác giả đặt câu hỏi : Phải chăng châu Âu quá lạc quan, nhất là khi nhìn vào phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc và Nga về tài liệu « Đánh giá về khả năng hạt nhân - NPR » mà bộ Quốc Phòng Mỹ công bố ngày 02/02/2018.

Tài liệu này cho thấy các mục đích và học thuyết sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ, không xóa bỏ các cam kết đã ký, nhưng lại chủ trương thay thế một số đầu đạn hạt nhân lớn, cực mạnh bằng các đầu đạn nhỏ và có sức công phá nhỏ hơn, để có thể trang bị cho tàu ngầm, máy bay hoặc các dàn tên lửa đặt trên đất liền.

 Tài liệu của Mỹ cũng đề nghị lắp đặt đầu đạn hạt nhân có sức công phá nhỏ vào một số tên lửa hành trình trên các tàu chiến của hải quân Hoa Kỳ.
Nghịch lý ở đây là để làm cho kẻ thù sợ hãi thì phải chuyển từ loại vũ khí hạt nhân có sức công phá lớn sang loại đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn.

Tuy gọi là vũ khí hạt nhân loại nhỏ, sức công phá yếu, nhưng đó chính là bom H, có sức công phá bằng một nửa bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Nagasaki, giết chết 70 ngàn người, hồi tháng 08/1948.

Vũ khí nguyên tử truyền thống có sức công phá khủng khiếp không bao giờ được sử dựng trừ phi các bên chấp nhận hủy diệt lẫn nhau toàn bộ.
Do vậy, các chiến lược gia của bộ Quốc Phòng Mỹ cho rằng cần phải có vũ khí hạt nhân tầm trung, để có thể răn đe, ngăn cản đối thủ tiến quân trong khu vực, đe dọa trực tiếp các đồng minh của Hoa Kỳ.

Cụ thể hơn, cần một loại vũ khí nguyên tử rất hiệu quả, khả tín, nhằm răn đe Nga mơ tưởng đến việc đánh chiếm các nước vùng Baltic chẳng hạn, hay răn đe hải quân Trung Quốc tìm cách đánh chiếm quần đảo Senkaku của Nhật Bản, thậm chí đảo quốc Singapore.

Tài liệu NPR ghi rõ là nhằm răn đe Nga nghĩ đến việc dùng vũ khí hạt nhân có công suất thấp tại châu Âu, cũng như Trung Quốc sử dụng loại vũ khí này ở châu Á.
Ngày 03/02, Nga và Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ, tố cáo Mỹ muốn tái khởi động chiến tranh lạnh.

Theo tác giả, Nga và Trung Quốc không hề liên minh với nhau, cho dù quan hệ giữa hai nước, nhìn bề ngoài, tỏ ra tốt đẹp.
Nga trang bị loại vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp với mục tiêu đầu tiên là bảo vệ vùng Siberia (rộng 10 triệu km vuông và chỉ có 10 triệu dân).

Tác giả nhấn mạnh, trái ngược với những khẳng định của các chiến lược gia Nga, Trung Quốc, bản thân việc hiện đại hóa khả năng hạt nhân của Mỹ với kế hoạch mở rộng, phát triển loại vũ khí chiến lược có sức công phá thấp, nhưng khả tín, không phải là một sự khiêu khích.

Chiến lược này chỉ nhằm tăng cường khả năng răn đe. Nhưng để cho có hiệu quả, thì phải có đối thoại thường xuyên và chất lượng.
Rất tiếc là cho đến nay lại thiếu vắng đối thoại.

Người Hồng Kông không tiếc tiền với người quá cố

Trong lĩnh vực xã hội, Libération có bài phóng sự khá thú vị cho biết các dịch vụ chăm lo ma chay mồ mả cho người quá cố tại Hồng Kông đang là một ngành « hốt bạc ».
Libération đề tựa « Tại Hồng Kông, với người quá cố không nên tiếc tiền ».

 Có lẽ chưa có một thành phố nào đắt đỏ như tại Hồng Kông. Đất chôn người chết cũng đắt ngang ngửa như đất nhà ở.
Từ 10 năm nay, do thiếu đất chôn tại các nghĩa trang, hài cốt của người quá cố được xếp chồng chất lên nhau tại các nhà để tro hỏa táng tư nhân.

Một dịch vụ béo bở đến mức đền thờ, nhà giả cổ, tòa nhà công nghiệp hay nơi sinh sống đều được hoán đổi công năng một cách bất hợp pháp, để trở thành nơi cất tro hỏa táng.
 Libération đưa ra ví dụ tại một cửa hàng bán áo quan. Trong một gian phòng nhỏ, tối tăm, ẩm thấp, chỉ có 20m² nhưng lại cất giữ đến hơn 10.000 tro cốt người chết.

Mỗi một hộp có đến 100 túi tro. Hơn 100 hộp như thế được xếp chồng lên nhau ngay trên nền đất.
Mỗi một túi tro cũng có ghi tên, một số hiệu và các sản phẩm hóa học để chống ẩm.
Tất cả tốn hết của gia đình mỗi tháng 15 euro.

 Cao cấp hơn nữa có những nghĩa trang tư nhân để chôn hài cốt, có đài phun nước, tượng Phật và bể nước có cá ba đuôi đỏ… Chi phí dịch vụ dao động từ 2.000 đến 20.000 euro.
Vì sao như vậy ? Theo giải thích của ông Gilbert Leung, lãnh đạo nghiệp đoàn các doanh nghiệp dịch vụ hỏa táng, « tại Hồng Kông, số người chết ngày càng nhiều và chỗ chôn cất ngày càng ít.
 Thị trường dịch vụ mai táng nở rộ một cách bừa bãi » tại vùng lãnh thổ đông dân cư, nhưng ít nhất có đến 1/3 trong số 7,3 triệu cư dân là trên 65 tuổi.

Khan hiếm đất chôn, người dân Hồng Kông đành phải chấp nhận từ bỏ truyền thống « chết có mồ có mả » để chọn giải pháp hỏa thiêu (chiếm đến 93% trong số 46.000 người lìa cõi đời mỗi năm).
Những người hiếm hoi được chôn cất cũng phải nhường chỗ cho người khác sau 6 năm và phải được hỏa thiêu.

Trong hoàn cảnh này, một dịch vụ khác đã nảy sinh một giải pháp khác được cho là « tôn trọng môi trường » và « lý tưởng » để đáp ứng việc khan hiếm chỗ cũng như « không bao giờ bị mất sợi dây liên hệ với người quá cố » :

Biến tro hỏa táng thành các món đồ trang sức. Doanh nghiệp Algordanza tại Thụy Sĩ đề nghị chế biến các loại kim cương tổng hợp từ chất carbon chứa trong tro hỏa táng. Và đương nhiên cái giá cho sự thương tiếc vĩnh hằng này là không hề nhỏ : từ 2.700 đến 18.000 euro.

Trang nhất các báo Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm đảo Corse.
Đây là chủ đề thời sự chính trên hầu hết trang nhất các nhật báo Pháp số ra ngày 06/02/2018.
Ngoài hàng tít lớn « Sức mua của người dân áp đặt lịch trình làm việc của chính phủ », Le Monde thông báo « Macron đối mặt với vấn đề Corse ».

« 20 năm sau vụ Erignac : Thời khắc Corse » là tít lớn của Libération. Bởi vì, ông Macron đến Ajaccio để tưởng niệm vị tỉnh trưởng bị ám sát cách nay 20 năm. Và đồng thời để đáp trả những đòi hỏi « tự quyết » của ban lãnh đạo mới của đảo. Chính vì thế, La Croix phải thốt lên rằng « đảo Corse, một câu chuyện phức tạp ! ».

Về phần mình, Le Figaro chú ý đến thất bại của đảng LREM trong cuộc bầu cử bán phần qua hàng tựa « Macron và phe đa số ở Quốc Hội đối mặt với cảnh báo bầu cử bán phần ».
Nhật báo kinh tế Les Echos có lời « Báo động trên thị trường chứng khoán thế giới ».

Switch mode views: