Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-03-2013 (2)

 Hai năm sau thảm họa sóng thần-hạt nhân, Fukushima hồi sinh chậm chạp

Japon - Fukushima yodo

Làng Otsuchi (vùng Tohoku), nơi bị sóng thần 2011 tàn phá tan hoang.
Reuters

 

Tại Nhật Bản, hai năm sau khi xảy ra thảm họa thiên nhiên – hạt nhân, cuộc sống tại những vùng bị tàn phá đang hồi sinh một cách chậm chạp, một phần do hệ quả của thảm họa để lại quá lớn.Và phần khác do thói quan liêu của thủ tục hành chính gây không ít cản trở cho công việc tái thiết khu vực.

Chủ đề này được hai tờ báo Liberation và Le Figaro số ra hôm nay đồng quan tâm đến.

« Fukushima hồi sinh chậm chạp » là dòng tựa của Le Figaro.

Đặc phái viên tờ báo đến thăm vùng Tohoku, nơi bị tàn phá nặng nề nhất bởi ba thảm họa đồng thời « động đất-sóng thần-hạt nhân ».

Đối với người dân vùng này, sóng thần đã làm cho cuộc sống tại đây bị đảo lộn hoàn toàn. Sự kiện đau buồn nhưng lại khiến cho tình người và tình đoàn kết thêm sâu đậm. Có những người trước đây cảm thấy vô dụng phải đi kiếm việc làm nơi xứ khác thì giờ đây lại thấy mình thêm hữu ích, khi làm được gì đó để xây dựng lại xứ sở. Có những đứa trẻ cảm thấy được hiểu hơn, được bảo vệ hơn khi được chia sẻ những nỗi buồn gia cảnh.

Hay như sóng thần cũng đã làm thay đổi ít nhiều diện mạo kinh tế của khu vực. Nhiều ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp và cũng bắt đầu gặt hái thành công.

Đối với cả nước Nhật, thảm họa đó là một sự thử thách lớn lao. Nghịch cảnh tạo nên anh hùng.

Tohoku giờ đây như là tờ giấy trắng. Đây cũng là cơ hội để cho các kiến trúc sư, các nhà khoa học thiết kế « một thành phố thông minh » được nuôi sống bằng nguồn năng lượng tái tạo như điện quạt gió hay năng lượng mặt trời.

Hiện tại, người dân vẫn còn sống trong cảnh tạm bợ và khối lượng chất thải do thảm họa gây ra cũng chỉ mới được xử lý có hơn phân nửa.

Tại hiện trường, người tham quan như rơi vào cảnh hỗn loạn của công việc tái thiết. Trong đó việc xây dựng các bờ đê bao dọc bờ biển là một ưu tiên hàng đầu nhằm tránh một thảm họa tương tự xảy ra.

Bên cạnh việc gia cố các bờ đê bao, có những khu bờ biển phải được bồi đắp lại hay phải trồng cây để bảo vệ cánh đồng tránh những cơn gió biển như tại thành phố Rikuzen-takata.

Le Figaro ghi nhận đội ngũ công nhân xây dựng tại Tohoku đông đúc cứ như là một đội quân xâm lược. Nhờ vậy mà các ngành dịch vụ như nhà hàng, quán bar, khách sạn hay phòng tiêu khiển hoạt động sôi nổi.

Một mặt, công cuộc tái thiết khu vực đã mang đến việc làm cho rất nhiều người trong ngành xây dựng. Thế nhưng, nó lại đảo lộn nhiều ngành công nghiệp khác nhất là trong ngành ngư và nông nghiệp.

Ngày nay, việc tìm kiếm nhân công trẻ cho hai lãnh vực trên trở nên khan hiếm. Nhu cầu công nhân xây dựng cao gấp ba lần, trong khi lượng cung ứng lao động cho ngư và nông nghiệp giảm gấp hai lần.

Nhắc đến ngư nghiệp, ngư dân ở đây không khỏi chạnh lòng. Trước đây, Tohoku được ví như là « vựa cá của Nhật Bản ».

Giờ đây, kể từ sau thảm họa hạt nhân, hai năm đã trôi qua, dù rất cẩn trọng trong việc lựa chọn cá nhưng ngành nuôi trồng thủy sản vẫn phải chịu mang tiếng xấu tại nhiều tỉnh của Nhật và nhất là ở nước ngoài.

Bởi vì, tâm bệnh của Tohoku chính là Fukushima. Bể làm nguội số 4, nơi yên nghỉ của hơn 1500 thanh nhiên liệu, vẫn luôn là mối đe dọa tiềm ẩn, nếu như lại xảy ra một trận động đất với cường độ mạnh. Và như vậy, xứ sở này lại một lần nữa sẽ bị chìm đắm trong thảm họa.

Tuy vậy, người dân tại đây vẫn tỏ ra rất lạc quan. Họ biết rằng cho dù môi trường tại đây có được khử nhiễm hoàn toàn thì không thể nào trở lại được như trước. Theo họ cần phải học cách sống chung với hiểm họa hạt nhân.

Bài phóng sự của Liberation có cái nhìn nghiêm khắc hơn khi cho rằng « Hai năm sau thảm họa sóng thần, nước Nhật vẫn ngập trong đống đổ nát ».

Bài viết cho hay, thành phố Rikuzentakara, bị sóng thần gần như phá hủy hoàn toàn, cho đến giờ vẫn chưa thể khởi công tái thiết lại.

Người dân tại đây phàn nàn sự chậm chạp của bộ máy hành chính.

Theo bài viết, để có thể thấy được tín hiệu tái thiết đầu tiên, cần phải đi ngược lên phía tây của thành phố.

Trên một ngọn đồi, xe máy ủi và các loại máy móc san bằng đang mở các con lộ, san bằng ngọn đồi và đốn hạ cây thông tùng bách.

Trong vài tháng sắp tới, tại đó sẽ mọc lên một trụ sở phòng cháy chữa cháy, một đồn cảnh sát và một dãy nhà ở.

Thế nhưng, theo lời vị thị trưởng thành phố, ông phải đợi mất đến hơn 14 tháng cho các loại giấy tờ thủ tục mới được phép bổ nhát cuốc khởi công đầu tiên.

Ông lên án thái độ tập trung quan liêu quá cứng nhắc và nặng nề. Để có thể đốn cây mở đường, ông phải đệ trình hồ sơ lên bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp.

Phải thương lượng và cuối cùng phải đợi hàng tháng trời. Tiếp đến, đối với dự án đường xá, cần phải xin ý kiến của Bộ Giao thông và Cơ sở hạ tầng. Lại phải mất thêm mấy tháng chờ đợi. Và cuối cùng là giấy phép xây dựng.

Rikuzentakata sống sót trong tình trạng bấp bênh kéo dài. Hiện tại, duy chỉ có những khu nhà tạm bợ là được nhanh chóng dựng lên trong các khu công viên nằm ở trên cao và trong khuôn viên các trường học. Hơn 5000 người vẫn tạm trú trong các khu nhà này mà không biết ngày nào sẽ thoát được cảnh tạm bợ.

Nhật Bản chuẩn bị tái khởi động các lò hạt nhân

Cũng tại Nhật Bản, nhưng liên quan đến vấn đề điện hạt nhân, phụ san kinh tế tờ Le Figaro cho hay bất chấp sự nghi ngờ của công luận, « Nhật Bản vẫn chuẩn bị khởi động lại các lò hạt nhân ».

Tờ báo nhận định hai năm sau thảm họa Fukushima, chính sách năng lượng của quần đảo vẫn trong tình trạng bất định.

Cho đến giờ không ai đoán được tương lai của ngành hạt nhân dân sự, trong khi giá dầu và khí tăng vùn vụt.

Trước khi xảy ra động đất – sóng thần năm 2011, Nhật Bản sở hữu tổng cộng 54 trung tâm hạt nhân, cung cấp đến hơn ¼ lượng năng lượng tiêu thụ cho cả nước. Sau thảm họa, ngoài bốn trung tâm hạt nhân Fukushima Daichi đã ngưng hoạt động hoàn toàn, chính phủ tiền nhiệm do ông Yoshihiko Noda lãnh đạo cuối cùng đã cho ngưng hoàn toàn số 50 trung tâm hạt nhân còn lại.

Chính phủ tiền nhiệm còn định hướng cho đến năm 2030 – 2040, sẽ từ bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, vào mùa hè năm vừa qua, chính phủ tiền nhiệm Noda đã cho phép tái khởi động lại hai lò phản ứng hạt nhân tại Ohi, vùng bờ biển phía tây đất nước.

Trong bối cảnh giá dầu khí tăng vùn vụt, vào hôm 28/2 vừa qua, thủ tướng Shinzo Abe thông báo trước Nghị viện rằng « Nhật Bản sẽ tái khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân khi nào vấn đề an toàn được xác nhận ».

Theo đánh giá của tổng giám đốc tập đoàn hạt nhân Pháp cũng như là của một quan chức thuộc Cơ quan an tòan hạt nhân độc lập (NRA) của Nhật thì khó có thể tiên đoán được có bao nhiêu trung tâm hạt nhân của Nhật có thể tái khởi động trong năm nay trước khi công bố các biện pháp mới.

Thủ tướng Nhật Bản yêu cầu trong vòng sáu tháng phải ban hành các quy định mới về an toàn hạt nhân. Như vậy, những yêu cầu mới khắt khe hơn có thể khiến cho hơn 1/3 trong số lò phản ứng phải bị đóng cửa hoàn toàn.

Tờ báo trích dẫn nhận định của Tổng giám đốc tập đoàn hạt nhân Pháp cho rằng, người dân Nhật Bản ngày càng mất niềm tin vào ngành công nghiệp hạt nhân. Theo một kết quả thăm dò do hãng Reuteur thực hiện có đến 70% người dân Nhật Bản được hỏi đều nghiêng về việc ra khỏi hạt nhân.

Trên phương diện sản xuất, giới công nghiệp khó có thể mà tìm được lời giải bài toán năng lượng, nếu không duy trì một nguồn cung cấp điện hạt nhân tối thiểu trong vòng nhiều thập niên tới.

Việc đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân đã dẫn đến hệ quả là lượng khí ga tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu tăng vọt lên 35% trong giai đọan 2011-2012.

Lượng dầu hỏa tiêu thụ cho các trung tâm nhiệt điện cũng tăng lên đến 55%. Kết quả là bất chấp các nỗ lực tiết kiệm năng lượng, lần đầu tiên trong vòng 30 năm gần đây, cán cân mậu dịch Nhật Bản bị thâm hụt. Giá điện tăng lên 17% cho ngành công nghiệp và 10% cho các hộ gia đình.

Kim Jong-un khiêu khích tại bán đảo Triều Tiên

Đề tài căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên vẫn là tâm điểm thời sự quốc tế trên hai tờ báo Liberation và Le Figaro.

Hôm thứ năm 07/3/2013, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất loạt thông qua các biện pháp trừng phạt mới chống Bắc Triều Tiên sau vụ thử tên lửa hạt nhân lần thứ ba được thực hiện vào hôm 12/2/2013 vừa qua.

Theo đó, các lệnh trừng phạt mới chủ yếu sẽ nhắm vào các nguồn tài chính của chế độ. Một danh sách đen các cá nhân và tập đoàn Bắc Triều Tiên sẽ bị đóng băng tài sản và cấm không được cấp visa để đi nước ngoài. Nhất là các mặt hàng xa xỉ vốn rất được giới đặc quyền đặc lợi chế độ rất ưa chuộng.

Bên cạnh đó, nghị quyết 2094 cho phép khám xét tất cả các tàu thuyền vận chuyển nghi ngờ đi hay đến từ Bắc Triều Tiên.

Ngay sau khi Nghi quyết được tất cả 15 thành viên Hội đồng thông qua, Bình Nhưỡng đã có những phản ứng mạnh mẽ chống lại Hàn Quốc và đe dọa một cuộc chiến tranh toàn diện.

Với đề tựa khẳng định « Bình Nhưỡng cắt quan hệ với Hàn Quốc », báo Le Figaro nhận thấy rằng thái độ khiêu khích của lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên lại một lần nữa tiếp tục leo thang. Ngoài việc cắt đường dây điện thoại nóng được thiết lập vào năm 1971, Kim Jong-un tuyên bố « hủy bỏ mọi thỏa thuận không gây hấn giữa hai miền Bắc – Nam », một hiệp ước được ký kết vào năm 1991, cam kết xử lý các bất đồng trong hòa bình và tránh các sự cố đối đầu quân sự.

Le Figaro nhắc lại rằng vào đầu tuần này, Kim Jong-un đã đe dọa từ bỏ Hiệp ước đình chiến, chấm dứt cuộc chiến tương tàn giữa hai miền vào năm 1953.

Hơn thế nữa, ông còn đe dọa một cuộc « chiến tranh nhiệt hạch » khi tự cho rằng có quyền thực thi các đòn « đánh phòng ngừa » nhằm « phá hủy tất cả các điểm ngòng ngự của những kẻ hung hãn », mà ông muốn ám chỉ đến Hoa Kỳ.

Tờ báo mỉa mai cho rằng nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên chỉ khoa tay múa chân hoài công vô ích. Bắc Triều Tiên chưa có đủ khả năng để đánh vào Hoa Kỳ bằng tên lửa đạn đạo. Nhưng ngược lại, Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi đồn trú nhiều đội quân quan trọng của Hoa Kỳ lại rất có thể sẽ bị hứng đạn.

Còn theo phân tích của Liberation, « Tại bán đảo Triều Tiên, Kim Jong-un khiêu khích và còn nữa ». Tờ báo cho biết là trong chuyến vi hành được dàn cảnh một cách khôn khéo đến đảo Mu, Kim Jong-un tuyên bố « sẵn sàng tiến hành cuộc chiến toàn diện ».

Chuyến vi hành đã được đài truyền hình nhà nước phát đi phô bày những cảnh Kim Jong-un được người trên đảo, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em chạy ào đến đón mừng nồng nhiệt.

Tuy nhiên, tờ báo cho rằng việc chọn đảo Mu là điểm vi hành không phải là chuyện ngẫu nhiên. Tại đây cư trú một đơn vị pháo binh, đơn vị đã nã pháo lên hòn đảo Yeonpyong của Hàn Quốc hôm 23/11/2010, làm thiệt mạng 4 người và làm dấy lên nỗi lo xảy ra xung đột giữa hai miền.

Trước đó, Bắc Triều Tiên đã cho bắn thủy lôi vào một tàu chiến Hàn Quốc làm thiệt mạng 46 binh sĩ hồi tháng 5 cùng năm.

Hai sự cố xảy ra đã dẫn đến một cuộc khẩu chiến giữa hai miền và Bình Nhưỡng đã từng tuyên bố đoạn tuyệt với Hiệp định bất tương xâm.

Liberation đặt dấu hỏi liệu lần này kịch bản đó có xảy ra lại hay không. Nhiều chuyên gia cho rằng không nên coi thường các lời đe dọa đó.

Bắc Triều Tiên không chấp nhận các biện pháp trừng phạt trong nghị quyết 2094, được 15 thành viên hội đồng thông qua, trong đó có đồng minh duy nhất của mình là Trung Quốc.

Phía Hoa Kỳ, thông qua lời tuyên bố của bà Susan Rice, nữ đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cho rằng « các lệnh trừng phạt này sẽ đánh mạnh hơn nữa vào chế độ và gia tăng sự cô lập ».

Báo Liberation tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của các lệnh trừng phạt mới, bởi vì kể từ ngay vụ thử đầu tiên, biết bao nghị quyết đã được thông qua, nhưng cũng không ngăn cản được quốc gia khép kín nhất hành tinh này từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Tệ hơn nữa, rất có thể Bình Nhưỡng có thể đã trao đổi các thông tin và công nghệ với Iran và Pakistan.

Liberation cho rằng tất cả mọi thứ giờ đây đều lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, quốc gia có chung đường biên giới dài nhất. Tuy nhiên, quyền lợi kinh tế ngày càng gia tăng rất có thể sẽ cản trở quyết tâm của Bắc Kinh trong việc áp dụng lệnh trừng phạt.

Trong thâm tâm, Trung Quốc cũng không muốn chế độ này sụp đổ, vì như vậy sẽ kéo theo một làn sóng tản cư ồ ạt, đồng thời mở đường cho việc tăng cường quân lính Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

Và dĩ nhiên, Bình Nhưỡng cũng nhìn sự hiện diện của quân đội Mỹ trên bán đảo với con mắt không mấy thiện cảm.

Đối với họ, cuộc tập trận Mỹ-Hàn kéo dài cho đến trung tuần tháng tư là một mối đe dọa. Như vậy thì cuộc khẩu chiến sẽ vẫn còn tiếp diễn dài dài, Liberation kết luận.

Romania và Bulgaria vẫn bị gạt ra khỏi không gian Schengen

Liên quan đến phần thời sự châu Âu, Le Monde cho biết là trước việc Đức đe dọa bỏ phiếu phủ quyết, Bulgaria và Romania đã từ bỏ ý định gia nhập không gian Schengen.

Bucarest và Sofia đã từng hy vọng sẽ đạt được một lá phiếu ủng hộ nhân phiên họp các Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên để được gia nhập vào khu vực Schengen (tức công dân các nước trong khối được tự do đi lại không cần visa). Thế nhưng, vào giờ chót, hai quốc gia trên đã quyết định không nộp hồ sơ xin tham gia khối.

Le Monde cho biết, trên thực tế Nghị viện châu Âu đánh giá cao các tiến bộ đạt được của Romania và Bulgaria trên các lãnh vực hải quan và kiểm soát biên giới. Nghị viện châu Âu cho rằng biên giới khối Schengen có thể mở rộng sang hai quốc gia này.

Tuy nhiên, Berlin lại xem xét sự việc trên một góc cạnh khác. Đức cho rằng Romania và Bulgaria đã không nghiêm túc bài trừ tệ nạn tham nhũng. Bộ máy hành chính nhà nước và cảnh sát cửa khẩu vẫn là những bộ phận tham nhũng nhất. Do đó, khi trả lời phỏng vấn cách đây vài ngày, Bộ trưởng Nội vụ Đức cho biết sẽ bỏ phiếu phủ quyết, nếu hai quốc gia trên nộp đơn xin gia nhập.

Le Monde cho biết không chỉ riêng Đức mới có thái độ thù nghịch với hai quốc gia trên. Hà Lan, Na Uy và một số quốc gia nữa cũng chống lại việc cho gia nhập Bulgaria và Romania. Các quốc gia trên lo ngại sẽ có một « làn sóng di cư người nghèo ».

Trước thái độ cứng rắn của Berlin, thủ tướng Romania Victor Ponta cho biết thà rút lui hơn đối đầu.

Tuy nhiên, Le Monde cũng nhận thấy là tâm trạng hai mặt của thủ tướng Romania. Một mặt, ông cho rằng việc xin gia nhập không còn là ưu tiên hàng đầu nữa. Nhưng mặt khác, ông lại thổ lộ rằng không có chuyện từ bỏ mục tiêu này.

« Cao sư tử cốt » hay là « cao hổ cốt »

Trên lĩnh vực môi trường, báo Le Monde cho biết « các nhà nuôi sư tử phất lên do nhu cầu xương quá cao tại châu Á ».

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, thị trường mới này phát triển nhanh thấy rõ. Xu hướng này cũng được một vị quan chức tỉnh Free State, Nam Phi xác nhận khi cho biết « trong vòng có ba tháng gần đây mà lượng giấy phép xuất khẩu được cấp đã ngang ngửa với mức của một năm ».

Tỉnh Free State tập trung đến hơn 200 nhà nuôi sư tử của cả nước.

Trong năm 2012, hơn 600 con đã bị . Ngược dòng thời gian, cách đây chỉ có ba năm, lượng xương sư tử được phép xuất cảnh chỉ có 92 bộ, chủ yếu sang các nước Lào và Việt Nam. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, xương sư tử chủ yếu được đào bới lên, do các nhà nuôi sư tử không có đầu ra và đã chôn dưới đất khắp nơi.

Le Monde cho rằng, nhu cầu xương cốt sư tử ngày càng lớn tại châu Á bắt đầu vào năm 2008, trùng hợp với việc số lượng loài cọp hoang dã ngày càng suy giảm và có nguy cơ tuyệt chủng.

Nhu cầu về xương cốt hổ tăng cao là vì theo y học cổ truyền Trung Hoa, xương cọp tán nhuyễn ngâm với rượu làm thành « cao hổ cốt » có thể chữa bá bệnh : từ ung thư, chuột rút, thấp khớp, đau lưng, sốt rét… Thậm chí, loại thức uống này còn giúp chữa bệnh vô sinh ở đàn ông.

Bài báo cho rằng, cho đến giờ tuy chưa được khoa học xác minh, nhưng « cao hổ cốt » lại rất phổ biến trong dân chúng. Chính vì vậy, do thiếu nguồn xương cọp, các nhà cung cấp đã dùng sư tử để thay thế vì cho rằng cũng như nhau, mà không hề báo cho khách hàng biết trước.

Le Monde dẫn lời một nhà chuyên nuôi và cung cấp xương sư tử cho biết, nguồn lợi thu được từ nuôi sư tử rất là lớn. Người nuôi có thể thu được khoảng gần 4000 euro cho một bộ xương (tức khoảng 125 euro /kg).

Tuy nhiên, theo lời nhận định của một nhà điều tra thì thị trường chính thống chỉ chiếm khoảng 50% hoạt động. Phân nửa còn lại chủ yếu đến từ hàng gian lận và săn bắn trái phép.

Switch mode views: