Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-03-2013

Phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi

ukraine journne de la femme

 

Các đại biểu nữ được đồng nghiệp nam khen ngợi trong một phiên họp tại Quốc hội Ukraina.
REUTERS/Gleb Garanich


Ít có cơ hội để thăng tiến, bị bạo hành, lạm dụng và sách nhiễu. Đó là nhận định chung của các báo Pháp và châu Á về hoàn cảnh của nữ giới nhân ngày Quốc tế Phụ nữ mồng 8 tháng 3.

Báo Công giáo La Croix chạy tựa trên trang nhất : « Châu Âu thiếu phụ nữ ở cấp lãnh đạo » ở phía dưới là một bức ảnh chụp tại Nghị viện châu Âu, chung quanh 5 ông, chỉ có một bà nghị sĩ duy nhất tham dự một cuộc biểu quyết. Trên lòng bà ôm một đứa con nhỏ.

Tờ L'Humanité mời 8 nhân vật thuộc phái đẹp giữ vai trò tổng biên tập tờ báo nhân ngày mồng 8 tháng 3.
 Le Figaro thì đặt câu hỏi : sao không thấy bóng dáng các bà trong các vòng đua xe F1 ?
Riêng báo Le Monde lần đầu tiên được đặt dưới sự điều hành của một bà.

Nhà báo Natalie Nougayrède, 46 tuổi vừa chính thức được chỉ định làm chủ nhiệm tờ báo lớn nhất và uy tín nhất của Pháp.
 Bà Nougayrède chọn đúng ngày Quốc tế Phụ nữ để viết bài xã luận đầu tiên mang tựa đề « Le Monde, giá trị và tương lai » của tờ báo.
 Là một nhà báo kỳ cựu Natalie Nougayrède từng là thông tín viên thường trực của Le Monde tại Matxcơva.

Phóng sự của bà liên quan đến vụ bắt con tin tại Beslan hồi tháng 9/2004 đã được trao tặng giải thưởng Albert Londres - giải thưởng cao quý nhất của Pháp dành cho các phóng viên.

Cũng Le Monde nhường lời cho hai bà bộ trưởng Anh và Pháp đặc trách về nữ quyền, Lynne Featherstone và Najat Vallaud-Belkacem trong một bài viết mang tựa đề « Hành động chống bạo hành nhắm vào nữ giới ».

Theo hai tác giả, bạo hành nhắm vào phụ nữ là hình thức « vi phạm nhân quyền phổ biến nhất trên thế giới. 70 % phụ nữ trên hành tinh khi được hỏi cho biết họ từng bị hãm hiếp, sách nhiễu hay xâm phạm tình dục ».

Ở châu Á, cô bé 15 tuổi người Pakistan, Malala Yousafzai bị bắn một viên đạn vào đầu chỉ vì muốn được quyền đi học như mọi người ; hay nữ sinh Ấn Độ chết thảm sau khi bị hiếp tập thể là những trường hợp thương tâm gần đây được đưa ra ánh sáng.
Tại Afghanistan, các cơ quan pháp lý còn đóng kín cửa với nữ giới.

Chính sách tự vệ

Thế còn tại Pháp, thì Le Monde tìm đến với một hiệp hội chuyên hướng dẫn các bà các cô tự vệ nhờ môn Krav Maga. Có thể gọi đó là một môn võ để « thoát thân » khi bị hành hung.

Hiện tại trên toàn quốc có 9.000 người ghi danh học môn võ này, trong số đó có tới 15 % phụ nữ.
Số người ghi danh thuộc phái đẹp ngày càng gia tăng với lý do đơn giản : nữ giới không muốn bị là nạn nhân.
Môn học này chỉ dẫn cho các bà các cô thượng sách vẫn là áp dụng châm ngôn « tránh voi chẳng xấu mặt nào ».
Thế nhưng khi bị đẩy vào đường cùng thì người ta nên biết tự vệ, tấn công vào một số chỗ hiểm, để thoát thân.

Trên thực tế, theo các nhà quan sát, môn võ này trong đại đa số các trường hợp giúp ta bình tĩnh và tự tin hơn, cẩn thận hơn.
Theo thống kê 25 % phụ nữ có cảm tưởng là họ không được an toàn kể cả khi họ ở trong nhà. Và đa số nạn nhân bị hãm hiếp thuộc phái nữ.

Về phần mình, Libération gắn liền thời sự quốc tế với ngày 8 tháng 3 qua phóng sự về một cô gái Mali đã « rơi xuống địa ngục » khi bị cưỡng hôn.
Hindou bị bắt về làm vợ cho một tay thủ lĩnh Hồi giáo võ trang tàn nhẫn.

Hindou bị hãm hiếp và đánh đập tàn bạo hàng ngày. Đứa con gái riêng chưa đầy ba tuổi của cô nhận được từ người bố dượng viên đạn lạc 7,62 millimètre và đã trút hơi thở cuối cùng trước mắt Hindou.

Nhìn sang châu Á, báo Thái Lan The Nation ghi nhận : phụ nữ ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn trong các hoạt động kinh tế và xã hội.
Họ hiện diện ở các tầng lớp lãnh đạo và tham gia vào các hoạt động chính trị ngày càng nhiều. Nhưng trong mọi lĩnh vực, nữ giới vẫn bị « lép vế ».
Trong trường hợp của Thái Lan, về số lượng phái đẹp nay đã áp đảo các đấng mày râu, nhưng đến nay vẫn không có mấy người được tham gia các hội đồng quản trị.
Quyền lực ở Bangkok – cho dù Thái Lan có một vị nữ Thủ tướng, vẫn chủ yếu được đặt trong tay các ông.

Trắc nghiệm đối với đảng của bà Aung San Suu Kyi

Nữ chính khách được tờ The Straits Times của Singapore chú ý trong ngày là bà Aung San Suu Kyi vào lúc đảng của bà họp đại hội.
Để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử năm 2015 « Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ cần tìm một hướng đi mới để thích nghi với khát vọng của người dân ».

Thách thức lớn nhất đặt ra cho nhà đối lập Miến Điện là tìm một thế cân bằng giữa một bên là thành phần sáng lập viên, những « đồng chí ban đầu » của bà nhưng đấy là những người nay tuổi đã cao.

Còn bên kia là những thành viên trẻ nôn nóng tham gia vào các hoạt động chính trị của đất nước.
Thách thức thứ nhì theo tờ báo Singapore là đảng của nhà đối lập Aung San Suu Kyi phải đưa ra một chính sách kinh tế đáng tin cậy.

The Straits Times trích lời một nhà ngoại giao tại Rangoon theo đó nếu không nhanh chóng tìm cho mình một hướng đi mới nhân đại hội đảng lần này, Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ có nguy cơ bị xói mòn và mất đi luôn cả uy tín đối với người dân Miến Điện.

Trung Quốc, đòn bẩy kinh tế của Úc

Nhìn sang phần tin kinh tế, báo Les Echos lưu ý độc giả : Úc là một trong những nền công nghiệp phát triển hiếm hoi trên thế giới mà GDP liên tục tăng lên trong 21 năm qua. Một trong những chìa khóa giải thích cho sự thành công đó là các hoạt động không ngừng gia tăng trong ngành công nghiệp khai thác quặng mỏ.

Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Úc.

Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại số 1 của Canberra, thu hút đến 29 % xuất khẩu của Úc. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong tài khóa 2011-2012 tổng kim ngạch xuất khẩu của Úc sang
Trung Quốc tăng thêm 18 % so với một năm trước đó, đạt 76 tỉ đô la Úc (tương đương với 62 tỉ euro).

Tuy nhiên theo một số nhà phân tích, mức độ lệ thuộc của kinh tế Úc vào tiêu thụ Trung Quốc là một trở ngại không nhỏ. Ngân hàng HSBC dự báo đầu tư vào ngành khai thác khoáng sản tại Úc bắt đầu bị « bão hòa ».
 Ngân hàng trung ương Úc như để đề phòng với kịch bản kinh tế bị chựng lại, từ năm ngoái đã hạ lãi suất chỉ đạo để kích cầu.
 Les Echos không quên khen tặng nước Úc là một trong những quốc gia phát triển vẫn còn giữ được điểm tín nhiệm của các cơ quan thẩm định tài chính ở mức cao nhất, và nước Úc cũng là nơi có tỉ lệ thất nghiệp thấp gần như kỷ lục.

Châu Mỹ La Tinh thời hậu Chavez

Tổng thống Venezuela vừa từ trần, Hugo Chavez vẫn là nhân vật được các báo Paris nhắc đến nhiều trong ngày.
 La Croix nói tới « Châu Mỹ La Tinh thời hậu Chavez », Le Figaro đăng ảnh người dân Venezuela khóc thương « người hùng » Chavez và đưa ra nhận xét : dù đã khuất bóng, nhưng ba trên tổng số 4 cột trụ của « chủ nghĩa Chavez » vẫn còn đọng lại.

 Bốn cột trụ đó là quân đội, dầu hỏa, huy động quần chúng trước một mối đe dọa tiềm tàng và cá tính của bản thân ông Hugo Chavez.Cột trụ sau cùng vừa ngã đổ.

Tổng thống Venezuela không còn nữa nhưng quân đội sẽ vẫn trung thành với chính quyền Caracas.
 Vế quan trọng thứ nhì là « dầu hỏa » hay chính xác hơn là tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA.

Với năm tháng, theo đánh giá của Le Figaro, tập đoàn này đã hợp tác tay trong tay với đảng PSUV của ông Chavez.
Thậm chí trong tâm tư người dân Venezuela từ nhiều năm qua khi PDVSA đem tiền đầu tư, mở trường học hay bệnh xá, người ta cứ tưởng rằng đấy là tiền, của mà ông Hugo Chavez đem lại !

Về điểm thứ ba là khả năng thu hút chú ý của dư luận chung quanh một « kẻ thù tiềm ẩn », tác giả bài báo cho rằng, chính quyền Caracas trong tương lai sẽ áp dụng bí quyết ông Chavez để lại.

Khi cần thì tập trung tấn công Washington để biện minh cho những bế tắc mà Caracas không giải quyết nổi ; hay là khi lương thực khan hiếm thì đổ tội cho thành phần « tư sản » trong nước thao túng, làm lũng đoạn thị trường.

Vatican : Cuộc đọ sức giữa các vị Hồng y

Nhìn đến thời sự ở Tòa Thánh Vatican, bức tranh châm biếm trên tờ Le Monde cho các vị Hồng y còn đang họp kín trong lúc các phóng viên quốc tế đứng ngoài tìm đủ mọi cách để săn tin.

La Croix dành hẳn hai trang lớn để nói về « những thách thức chờ đợi tân Giáo hoàng ».

 Nhưng đáng chú ý hơn là bài báo trên tờ Le Figaro mang tựa đề « cuộc đọ sức giữa các vị hồng y ».

 Theo nhận xét của thông tín viên tờ báo có nhiều khả năng Mật nghị Hồng y chỉ mở ra vào cuối tuần sau, nhưng từ nhiều ngày qua, bầu không khí tại Vatican đã trở nên căng thẳng giữa một bên là phe muốn « kéo dài thời gian » không hấp tấp mở cuộc họp kín để bầu ra tân Giáo hoàng và bên kia là những vị Hồng y muốn chóng bắt tay vào công việc để sớm chấm dứt các cuộc tranh cãi giữa các phe phái trong hàng ngũ Vatican.

Switch mode views: