Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chính quyền Syria muốn đàm phán với đối lập

Omrane al-Zohbi  syria

 

Bộ trưởng Thông tin Syria Omrane al-Zohbi (DR)

 


Tối qua 08/02/2013, bộ trưởng Thông tin Syria tuyên bố sẵn sàng đối thoại với phe nổi dậy, nhưng không chấp nhận « các điều kiện tiên quyết ».

Đây là phản ứng đầu tiên từ phía chính quyền Damas sau khi lãnh đạo đối lập đưa ra đề nghị đàm phán.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình Nhà nước Syria, bộ trưởng truyền thông Omrane al-Zohbi khẳng định : « Cánh cửa đã mở, chúng tôi sẵn sàng đàm phán. Xin chào đón tất cả mọi lực lượng Syria nào muốn đối thoại với chúng tôi ».

Tuy nhiên, đại diện của chính quyền Syria cũng khẳng định, cuộc đối thoại này không loại trừ bất cứ ai và không được đặt ra các điều kiện tiên quyết, nếu không đó sẽ không phải là đối thoại.

Trước đó, người đứng đầu liên minh đối lập Ahmed Moaz al-Khatib đã đề nghị đàm phán trực tiếp với các đại diện của chính quyền Damas nào « có bàn tay không nhuốm máu ». Điều đó có nghĩa là, đàm phán chỉ có thể diễn ra, nếu tổng thống Al-Assad từ chức.

Lãnh đạo đối lập cũng yêu cầu chính quyền trả tự do cho tất cả các tù nhân.

Đề nghị đối thoại của lãnh đạo đối lập Syria đã nhận được sự đồng thuận của Hoa Kỳ và Liên đoàn các nước Ả Rập, đặc biệt là được sự đồng ý của cả Nga và Iran – hai đồng minh của chính quyền Damas-, mà lãnh đạo đối lập lần đầu tiên đã có các tiếp xúc vào tuần trước.

Tuy nhiên, đề nghị đối thoại này đã gây ra mâu thuẫn trong chính nội bộ đối lập. Hội đồng Quốc gia Syria, một lực lượng chủ yếu của Liên minh đối lập, đã bác bỏ đề nghị đàm phán của chính lãnh đạo liên minh và khẳng định tiếp tục con đường « cách mạng ».

Đề xuất đàm phán với chính quyền Damas của ông Khatib được đưa ra sau hơn 22 tháng xung đột đẫm máu, trong bối cảnh hơn 60.000 người bị giết hại, hàng triệu người phải đi sơ tán và đất nước bị tàn phá nặng nề.

Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Syria bị sụt giảm 20% GDP, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 37% và có thể tới 50% vào cuối năm nay. Lạm phát là hơn 50% trong vòng năm qua. Bên cạnh đó, các thiệt hại kinh tế do bạo lực là 55% GDP.

Hôm qua và hôm nay, chiến sự giữa quân chính phủ và phe nổi dậy vẫn tiếp diễn, đặc biệt tại vùng ngoại vi thủ đô Damas.

Trong một cuộc nói chuyện trên đài truyền hình Ả Rập Xê Út, thủ tướng Irak, Nouri al Maliki, một người được coi là rất am hiểu về giới lãnh đạo Syria, thuộc hệ phái Hồi giáo Chia, thì tổng thống Assad còn có thể trụ lại được hai năm, bất chấp các tiên đoán của Mỹ cho rằng chính quyền Assad sẽ sụp đổ trong vòng hai tháng nữa.

Cũng liên quan đến Syria, hôm qua, tân ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hứa hẹn sẽ có một sáng kiến « ngoại giao » mới để ngăn lại cuộc nội chiến tại Syria. Washington cũng loại trừ khả năng cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy. Đây là đề tài gây mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Mỹ.

Trước đó, cựu ngoại trưởng Clinton và bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đề nghị cấp vũ khí và huấn luyện lực lượng nổi dậy Syria. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị tổng thống Obama bác bỏ.

Switch mode views: