Hà Nội 80 ngày, đi hay ở
- Thứ Bảy, 19 tháng Bảy năm 2014 04:41
- Tác Giả: Viên Linh
Ngày ký Hiệp Ðịnh Geneve 21 tháng 7, 1954, tôi còn ở quê nhà Ðồng Văn, và học khóa hè ở trung học Phủ Lý, cả hai nơi đã nằm dưới sự kiểm soát của Việt Minh, chỉ mới vài tuần lễ. Pháp và phía quốc gia có 80 ngày để rút khỏi Hà Nội, 100 ngày để rút khỏi Hải Dương, 300 ngày để rút khỏi Hải Phòng, bờ bến cuối cùng của tự do.
Họ Nguyễn trong có gia đình chúng tôi nhiều người làm việc cho chính quyền, trong có một ông chú rể làm trong Nha Báo Chí của ông Hoàng Nguyên, một ông chú khác làm thư ký tòa soạn tuần báo Cải Tạo của ông Phạm Văn Thụ, ở Hà Nội, một ông chú ruột là “ông tỉnh” Hải Dương, ông là người đứng tên sở đắc có định kỳ ngôi biệt thự hai tầng ở cuối đường Chợ Ðuổi Hà Nội, nơi tôi tá túc những ngảy niên thiếu cho tới lúc này. Như thế việc trở về Hà Nội được hay không cũng không còn bao nhiêu ngày, nhất là theo thời hạn cho phép, bộ đội Việt Minh sẽ vào tiếp thu Hà Nội ngày 9 tháng 10 nếu họ muốn. Ngay lúc này, vấn đề đi hay ở đã rõ ràng với mẹ tôi - có tin rỉ tai bà là người thứ hai trong danh sách 5 địa chủ sẽ bị mang ra đấu tố - tất cả mọi người trong họ đã và đang trên đường ra Hải Phòng. Trước hết, ngay từ bây giờ cả nhà phải đi Hà Nội rồi mới tính chuyện ra hải cảng sau.
Nửa trang nhất tờ New York Times ra ngày 21 tháng 7, 1954 chỉ đi 3 cột về kết quả Hội nghị Geneve chia đôi Việt Nam. (Tài liệu Viên Linh)
Tôi được mẹ khuyến khích cứ đi một mình, không ở nhà ông chú đường Chợ Ðuổi thì còn có ông bác trên phố Hàng Bông, gần Cửa Nam, bác Tổng, hành nghề bói toán. Bác trai và bác gái đã trên 60, không ai tính đi Nam làm gì, nhất là thời thế đã khiến bác đang thu tiền vào như nước. Ðược mẹ cho phép, cậu con trai với “thiết mã” tinh ròng còn đợi gì mà không phóng về thủ đô.
Ðây không phải lần đầu tiên đạp xe từ quê nhà ra thành phố, cùng với Hướng người bạn lớn tuổi ở Phố Ga, hắn và tôi đã từng trốn nhà đi Hà Nội chơi rồi về trong ngày mà không ai biết. Hắn nói, “Cứ con đường Quốc Lộ 1 mà đi, tới tận Ải Nam Quan cũng được. Từ nhà tụi mình lên thủ đô có 47 cây số, từ thủ đô lên biên giới khoảng 160 cây số nữa, có là bao xa. Vào Nam thì xa hơn, cũng cứ Quốc Lộ 1 mà chạy, mệt thì vác xe leo lên tàu hỏa, thiết lộ nằm trên đường cái quan, trừ những quãng băng núi chui hầm, chỉ năm ba ngày là tới. Mày muốn đi với tao không? Phải đi. Con trai như tao với mày, tụi mình cùng đi là được.” Hướng có cái xe đua, ghi-đông vòng xuống như sừng bò rừng, hắn nằm rạp trên xe phóng như một mũi tên.
Ít lâu sau tôi trở lại Hà Nội một mình.
May thay, không phải tất cả họ hàng đã ra Hải Phòng, tôi còn có thì giờ trở về ngôi biệt thự cũ, vác xe leo lên lầu, thấy chú thím Hai tôi ở căn phòng có lan can nhìn xuống đường. Trước đây nguyên căn lầu 4 phòng có ông bà nội, gia đình chú Út, cô tôi, riêng tôi ở căn nhỏ nhất, gần đầu cầu thang. Ngôi biệt thự xây cất khang trang, một tầng có bốn phòng lớn một phòng nhỏ rộng rãi, cửa phòng mở ra một hành lang rộng cả hai thước. Phía mặt tiền trên tầng cao nhất đắp nổi hai chữ bằng xi măng, quét vôi vàng nhạt, góc cạnh mấy chữ đã hơi mòn, song còn đọc thấy: Hotel Shanghai. Mỗi tầng có một nhà tắm, cầu vệ sinh bằng sứ men trăng, phía trên cầu là bồn nước có giây với các khoen sắt nối nhau, và cái tay cầm cũng bằng sứ, để giật cho nước trên bồn dội trong cầu. [Bốn mươi năm sau qua Pháp, vào ăn tại nhà hàng Baie 'Along (Vịnh Hạ Long), tôi ngơ ngẩn khi bước vào phòng vệ sinh, thấy đúng cái bồn đó, và tán thán mãi về sự tiến bộ của nước Pháp].
Ông bà nội và con cháu chiếm nguyên tầng trên cùng, nay không còn thấy ai, chắc đã ra Hải Phòng đi Nam, nhưng lại thấy chú thím Hai. Nguyên ông bà nội có bốn trai, ba người đầu, một người út, trên chú Út là cô Tư, thầy tôi là con cả, nhưng đã thất lộc vào tháng 5, 1945. Chú Hai chưa bao giờ ra Hà Nội, bây giờ lại ở đây, nhưng tôi hiểu. Tất cả mọi người đã đi, chú phải lên trông coi ngôi biệt thự nhiều phòng cho thuê của chú Ba, thay thế chú Ba, vậy bây giờ chú Hai là người sở đắc ngôi biệt thự mười bốn phòng... Ông đi thu tiền nhà và sẽ gửi cho chú Ba, chắc chắn còn là “ông tỉnh” Hải Dương. Vừa thấy tôi, ông vẫy lại gần. “Cháu à, chú nghĩ khó khăn lắm rồi. Mấy hôm nay chú xuống bên dưới thu tiền nhà, họ không trả. Trước kia có xảy ra chuyện như thế không?” “Không,” tôi trả lời. Thường là cô Tư hay chú Út xuống thu tiền nhà.
Cô Tư nói cháu cũng từng đi thu tiền nhà?
Có một lần thôi chú, lúc cô Tư ốm đi bệnh viện.
Tao thấy có thằng du côn lắm. Nó trừng mắt nhìn tao. Nó nói hỗn thời thực dân bóc lột hết rồi. Cháu thử đi thu tiền giùm chú xem sao? Họ biết cháu hết mà, cô Tư nói thế.
Vâng, cháu ở đây đã mấy năm, họ biết chứ.
Tôi đạp xe lên phố Hàng Bông, vòng qua Cửa Nam ngắm cảnh một vòng rồi mới đi kiếm số nhà ông Bác bên ngoại. Không thấy số nhà, nhưng thấy cái biển kẻ tay mấy chữ sơn đỏ Quỷ Cốc Tử tôi đoán là nhà ông chứ không thể có hai Quỷ Cốc Tử cùng một dãy phố. Quá thế, hai bác đều đã già, tuy là lần đầu tôi gặp, cả hai đều niềm nở. Cháu ở luôn đây đi, có căn gác xép bên trên chưa cho thuê, cho mày ở đó, rồi đưa cho các bác bao nhiêu thì đưa.
Những ngày sau, tôi chạy quanh thủ đô đi tìm bạn bè, nhất là mấy người bạn văn nghệ tập sự thường mỗi chủ nhật họp sau tại sân tòa án hay kéo nhau lên đồi Yên Thái ở phía Tây Bắc Hà Nội. Chúng tôi khoảng năm người, ba người từng có bài được chọn đăng trên các báo ở thủ đô, trong đó truyện ngắn của tôi được đăng trên nhật báo Tiếng Dân, còn được mời tới tòa báo lãnh nhuận bút. Ðó là sáng tác đầu tiên tôi gửi đi, nó được đăng ngay hai ba ngày sau và được trả tác quyền như một người lớn. Cuộc đi thăm thất bại, không gặp một ai. [Chỉ ba năm sau khi ở Sài Gòn, chúng tôi chỉ còn 3 người, một ở lại miền Bắc, một là Trường Giang bị bắn chết khi năm 1956 Giang bơi qua sông Hiền Lương Bến Hải vào Nam]. Sau khi bộ đội Việt Minh tiến vào thủ đô ngày 10 tháng 10, tôi tới trường cũ trình diện, được gặp Giáo Sư Tạ Quang Bửu ngồi sau chiếc bàn thầy Hiệu Trưởng Vũ Ngô Xán vẫn ngồi các năm trước. “Thưa thầy”... Ông ngắt lời tôi, bảo tôi gọi bằng “Anh.” Tên trường Chu Văn An rút ngắn thành Chu An. Ðây sẽ là chương khác của một cuốn sách.
Cuối cùng tôi phải rời Hà Nội ra Hải Phòng, không phải trong hạn 80 ngày (ngày chót 10 tháng 10, 1954) mà tới mãi cuối tháng 12, và đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất vào đúng Ðêm Giáng Sinh 1954.
Tới nay là 60 năm, chưa có dịp quay về nhìn lại kinh thành cũ. Tôi vẫn nhắn những người có thể nhắn, nếu có về hãy thăm Hà Nội giùm tôi, cố đô Hà Nội của tôi, không phải Hà Nội bây giờ. Lời nhắn là một bài thơ gửi những người trẻ tuổi.
Em Có Về Hà Nội (II)
Em có về Hà Nội
Hãy đến hỏi giùm cảnh vật thâm u
Ðất nước tang thương em hãy hỏi Tháp Rùa
Mười thế kỷ rồi làm sao chưa hiểu?
Tâm cao khiết em hãy vào Văn Miếu
Ðọc văn bia tiến sĩ nhớ người xưa
Hỏi giùm anh, chữ nghĩa có bao giờ
Im lặng mãi như những hàng gạch ngói?
Nghe tiếng véo von, nhớ về Hà Nội
Nơi trâu vàng ngựa đá cõi rồng xanh
Nơi hồ thiêng, sông hiển, nước xây thành
Nơi Hội Nghị Diên Hồng
Nơi Bình Ngô Ðại Cáo
Nơi sớ trảm gian thần
Nơi trả vua mũ áo
Nơi Huyền Trân bỏ nước, nước giầu thêm
Nơi vua Hùng đày xa xứ An Tiêm
Ngày về nước chở về thuyền dưa đỏ.
Anh tự hỏi khi trở về nước cũ
Anh mang gì về lễ tạ hồn xưa?
Anh mang gì về lễ tạ quê hương?
Có nhớ chăng rồng ngủ Vịnh Hạ Long
Sao chưa thấy thành Thăng Long rồng dậy?
Ðời vua Lý nghìn năm xưa ở đấy
Nghìn năm sau ở đấy vẫn Thăng Long
Ðón rồng lên dựng lại nước thanh bình
Chấm dứt một thời thiên hôn địa ám.
(Viên Linh, đoạn chót bài Em Có Về Hà Nội)
[Vào Google, đánh máy “Viên Linh Em Có Về Hà Nội” sẽ nghe được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thành hát ca khúc ông phổ từ bài thơ này].
Tin mới
- Vụ 16 tấn vàng: Vì sao TT Thiệu được minh oan? - 10/01/2015 04:19
- “Chiến khu” Ba Lòng - 11/12/2014 04:21
- Trại tù ‘cải tạo’ Ái Tử-Bình Ðiền, nỗi đau vẫn còn đây! - 01/12/2014 04:42
- Việt Nam Cộng Hòa và dòng họ Ngô-Đình - 27/11/2014 18:45
- Lời tường thuật của Trung Tướng Walt khi ông còn ở Viet Nam - 12/11/2014 04:11
- Chương trình Phát triển Quận 8 – một thể nghiệm của Xã hội Dân sự. - 20/10/2014 03:19
- Hồi Ký: Thiên Thần Mũ Ðỏ Ai Còn Ai Mất - 10/10/2014 00:39
- Trò chuyện với một nhân chứng sống của Cải cách Ruộng đất - 04/10/2014 22:38
- Viết cho những người Pháo Thủ Mũ Xanh - 26/09/2014 21:42
- Trường Sĩ quan Hải Quân và tôi - 12/09/2014 19:48
Các tin khác
- John McCain - Hồi ký Hỏa Lò - 10/06/2014 15:29
- Xử Bắn 12 Chiến Sĩ Biệt Động Quân Anh Hùng: Tội Ác CS - 05/06/2014 19:58
- Bảy ngày tại Tân Cảnh - 26/05/2014 04:35
- Trận Phú Long - 20/05/2014 05:03
- Những ngày cuối của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn - 04/05/2014 05:00
- Trận chiến đấu bi hùng cuối cùng của trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu - 30/04/2014 00:29
- Viết về một tấm hình - 30/04/2014 00:12
- 29-4-1975 : Đêm Dài Nhất Của Sài Gòn - 19/04/2014 13:17
- Chuyện tù cải tạo nhiều người muốn biết - 25/03/2014 04:51
- Đà-nẵng những ngày cuối tháng Ba 1975 - 24/02/2014 02:54