Trận Phú Long
- Thứ Ba, 20 tháng Năm năm 2014 05:03
- Tác Giả: Mường Giang
*Trưởng đồn Nghĩa Quân Phước Thiện Xuân mà tôi quên tên đã nói rằng: "TIỂU ĐOÀN CHẠY KỆ HỌ, MÌNH PHẢI TỬ THỦ. ĐỨA NÀO CHẠY TAO BẮN BỎ MẸ”.
Thiếu Uý Lê Văn Thắng, Ban 3/TD/249DPQ/BT viết lại trân Phú Long :
Nhớ lại “những ngày tái chiếm và tử thủ Phú Long ” Thiếu Uý Lê văn Thắng, Phụ Tá Trưởng Ban 3/TD249/DPQ, hiện tạm cư tại Úc, cũng viết gần giống sử liệu :
Sau khi xuất viện từ bệnh viện Cà Mau, tôi được sự vụ lệnh thuyền chuyển về Bình Thuận, tháng 12/1974 .Tôi về lại Bình Thuận thân thương, nhìn lại trường cũ, thầy xưa, gặp lại bạn bè năm nào trong vui sướng. Tuy nhiên, về lại Bình Thuận lần này, tôi được đưa về Tiểu Đoàn 249/ ĐPQ của Thiếu Tá Phan Sang.
Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn đóng lưng chừng núi Tà Dôn, cũng như ở Bình An và Bình Lâm, trên Liên Tỉnh Lộ 8 (Phan Thiết-Ma Lâm). Vì vết thương còn nhiều mủ, nên được làm phụ tá Ban 3 của Trung Úy Ba. Tôi chưa quen nhiều người tại Phan Thiết., ngoài những sĩ quan trong tiểu đoàn, như Trung Úy Thời (người Lại An), Đại Uý Tập (Mũi Né), Thiếu Úy Ba (bạn học cũ, PBC 72, Lại An), Thiếu Úy Quận (Y Sĩ Tiểu Đoàn).. Điều tôi thấy sung sướng là cấp số trong đơn vị đầy đủ. Tôi tự hào về Bình Thuận. Theo chỗ tôi biết, mỗi đêm ông anh em về nghỉ, và luân phiên hết người nọ đến người kia. Khi trở lại, có những anh em đem cá, mực lên nhậu chơi. Tinh thần này đã khác biệt hoàn toàn với những đơn vị của tôi tại Bạc Liêu. Tình huynh đệ chi binh, tình chiến hữu thật là đậm đà.
Khi còn đóng quân tại núi Tà Dôn, Trung Úy Ba đề cử tôi đi theo đoàn khai quang của Công Binh vài ngày để tiếp ứng khi cần. Khai quang gần Tùy Hòa.
Ngày khai quang cuối cùng, màn đêm buông xuống. Hai anh Công Binh rủ tôi vào quán nhậu rồi đưa tôi về sau. Tôi không đi. Tôi gọi máy về nhờ Tiểu Đoàn cho người đến rước. Khi tôi được rước về Tiểu Đoàn, vừa bước xuống xe thì hay tin hai anh Công Binh khi nãy đã bị VC bắn lật xe chết rồi. Thế là tôi thoát chết trong gang tất.
Tháng 3/1975, mất Ban Mê Thuộc, “tàn quân” chạy trên quốc lộ 1. Tôi chỉ nghe kể là chết chóc nhiều trên đường chạy loạn. Người giết người để cướp vàng, tiền. Xe hết xăng bị đẩy khỏi đường ..Về đến Phan Thiết, những người này đốt kho xăng, bắn vào các tiệm ở đường Gia Long, đốt chợ Phan Thiết …
Sự thật thì tôi không nắm vững vì luôn luôn có mặt tại trận tuyến. Chúng tôi không lãnh lương trọn hai tháng 3 và 4/1975.
Đến đầu tháng 4/1974, Đại Úy Huỳnh Văn Quý thay thế Thiếu Tá Sang, làm Tiểu Đoàn Trưởng và tái chiếm Phú Long. Thị trấn này đã bị VC chiếm hai bên đường Quốc Lộ 1. Chúng tôi di chuyển lên từ hướng Phước Thiện Xuân, cách VC đang cố thủ tại Quốc Lộ 1 khoảng 50 thước. Nhiệm vụ thật nặng nề, vừa tái chiếm Phú Long, vừa bảo vệ tài sản và nhà cửa dân.
Đối với chiến thuật chiến tranh trong thành phố mà chúng tôi học được qua phim ảnh, gnười Mỹ đã dùng lựu đạn và vũ khí để chiếm lại từng căn nhà. Khi chiếm được khu vực nào thì nhà cửa của khu vực đó coi như thê thảm.
QLVNCH thì nghèo nàn hơn, không thể dùng số lượng đạn dược như vậy cho chiến tranh trong thành phố. Vả lại, chúng ta cần bảo vệ cả tài sản dân.
Lúc này, dân Phú Long đã di tản hết. Tiểu Đoàn chúng tôi tiến từng bước một, chậm, vì VC nằm trong bóng tối đâu đó trong khi mình di chuyển trên hướng quan sát của địch. Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn đóng quân nới nào thì chỉ trong vòng 10 phút, VC pháo tới đó. Có lần, Đại Úy Quý đã đơn thân độc mã ra quan sát chiến trường. VC bắn vào áo giáp của ông mà đầu đạn vẫn còn trong áo.
Sau vài ngày, chúng tôi cũng đã giải tỏa được khu vực bên này Quốc Lộ 1, tiến đến được mặt đường, có chốt đóng ngay cầu Phú Long.
Tin đồn bắt đầu bất lợi là có nhiều đoàn xe VC tiến về Phan Thiết, Đại tá Nghĩa đã dời BCH từ Lầu Ông Hoàng ở Phú Hài, tới Bải Thương Chánh để chỉ huy và sẵn sàng rời bỏ Phan Thiết bất cứ giờ phút nào.
Trong tình trạng khẩn cấp, tôi được lệnh đi với một người xạ thủ súng cối 81ly, đến đồn Nghĩa Quân Phước Thiện Xuân. Tại đây, tôi làm bảng tác xạ, để kịp thời yểm trợ các vị trí khi được thông báothông báo, bằng khẩu súng cối 81 ly, khá chính xác.
Thời gian không còn tác dụng trên chúng tôi hay nói đúng hơn, tôi không còn biết đến ngày tháng nữa. Sau này, tôi chỉ dựa vào sách để biết ngày mất Phan Thiết chứ thật tình tôi không biết là ngày 18, 19 hay 20/4/75.
Trong ngày cuối cùng, Trung Úy Ba gọi tôi lên đài quan sát coi VC đi về hướng nào. Đài quan sát tuy cao nhung tôi không thể thấy được gì. Đêm ấy, tôi được lệnh bắn cối dồn dập nhưng chính xác về các tọa độ được cho. Chúng tôi bắn đến viên đạn cuối cùng. Khi tôi báo cáo hết đạn 81, tôi được lệnh xếp càng súng, bỏ sẵn trên xe và đợi lệnh . Trung Úy Ba vừa cười vừa nói với tôi: ” Thắng, mày đừng có chạy trước nghen”. Tôi trả lời: ” Tôi sẽ chờ Tiểu Đoàn, có di thì cùng đi, có chết thì cùng chết”.
Tôi theo dõi tình hình qua máy truyền tin của tôi. Một lát sau, có báo cáo từ chốt cầu Phú Long là xe tăng VC đến cầu Phú Long. Họ chạm trán nhưng không bên nào nổ súng, xin lệnh từ Tiểu Đoàn. Đại Úy Quý gọi về Tiểu Khu xin lệnh. Lệnh từ Tiểu Khu, Tiểu Đoàn chúng tôi về “Mã Trái Bí” chờ lệnh mới. Xe với súng cối chúng tôi chờ sản trước cổng đồn Nghĩa Quân Phước Thiện Xuân.
Tiểu Đoàn chúng tôi di chuyển gần tới chỗ tôi.
Trưởng đồn Nghĩa Quân Phước Thiện Xuân mà tôi quên tên đã nói rằng: “Tiểu Đoàn chạy kệ họ, mình phải tử thủ. Đứa nào chạy tao bắn bỏ mẹ”.
Chính câu nói này làm tôi vẫn còn thấy nhục nhã từ ngày cuối cùng của Phú Long, của Phan Thiết. Sau ngày mất Phan Thiết, trong thâm tâm tôi, tôi luôn luôn kính phục người trưởng đồn Nghĩa Quân này. Khi cải tạo ra, tôi hỏi thăm tin tức về anh ta và nghe nói anh ấy vào rừng tiếp tục chiến đấu. Tôi theo Tiểu Đoàn di chuyển về Mã Trái Bí (mật mã của Lầu Ông Hoàng), nằm đó chờ lệnh. Khoảng nửa tiếng sau, chúng tôi liên lạc được với Tiểu Khu và được lệnh về tăng phái cho Thiếu Tá Hàng Phong Cao (Hải Long). Tiểu Đoàn di chuyển suốt đêm về Mũi Né. Ai cũng mệt mỏi nhưng không có lệnh nghỉ ngơi. Tới gần sáng, chúng tôi đến cuối Rạng, gặp nhiều người lính bỏ ngủ, họ nói Thiếu Tá Cao (Chi Khu Trưởng Hải Long) đã ra tàu đi rồi. Vì Chi khu đả bỏ ngõ, nên Đại Uý Quý phải tìm thuyền đánh cá, để đưa TD249/DPQ về Vũng Tàu
TỬ CHIẾN TRONG THÀNH PHỐ PHAN THIẾT:
Trong ngày 18-4-75, tình hình Phan Thiết đã bắt đầu hỗn loạn, dù giặc vẫn còn ở rất xa, bên kia phòng tuyến của các Đơn Vị DPQ/BT đang tử thủ tại Tường Phong, Đại Nẳm, Phú Hội, Phú Long và Quận Hải Long. Từ 7 giờ đêm 18-4, sau khi BCH Nhẹ của Đại Tá Nghĩa, đóng trên Lầu Ông Hoàng, rút về Phan Thiết ra biển, thi TrD 6/SD2BB và Thiết Giáp, cùng các TD249/DPQ, TD275/DPQ, DD283 và 290/DPQ biệt lập cũng rút, cùng lúc với Chi Khu Hải Long. Trong Thị Xã Phan Thiết, lúc 9 giờ tối đêm 18-4, xe tăng và bộ binh của Bắc Việt, đã chiếm được Tòa Hành Chánh, nhưng khắp các vị trí, vẫn còn nhiều Đơn Vị DPQ /BT chống trả như DD206 Trinh Sát của Đại Uý Lê Văn Trò, ĐĐ954/DPQ của Đại Uý Mai Xuân Cúc, Tiểu Đoàn 229/DPQ của ThT Tiến, Trung Tâm Yểm Trợ TV của ThT Phạm Minh, Yếu Khu Châu Thành của ThT Cư và Xã Châu Thành Phan Thiết của ThT Hải. Nói chung, khắp thành phố lửa đạn mịt mù, VC tuy vào được trong thành phố nhưng chỉ cố thủ trong các vị trí vừa chiếm được, chứ không dám bung ra trong đêm, vì chỗ nào cũng còn quân ta chiến đấu , chứ không tan hàng như các địa phương khác. Trong lúc đó, máy truyền tin của ba BCH.Bình Thuận vẫn hoạt động liên tục, ra lệnh cũng như hướng dẫn các đơn vị , tới các vị trí an toàn, chờ các chiến hạm của BTL.Vùng 2 Duyên Hải, vào vớt chở tới Vũng Tàu.. Trong đêm 18-4, Đại Tá Nghĩa, sau khi được một tàu đánh cá chở ra chiến hạm, liền được một trực thăng của QD3, chở ngay về Vũng Tàu, cùng với Đại Uý Đặng Vũ Đàng, Trưởng Phòng 2/TK, để chuẩn bị kế hoạch phương tiện, tiếp đón các Đơn Vị DPQ+NQ/BT , đang trên đường di tản tới. Có là nhân chứng sống thực trong giờ thứ 25 của VNCH, mới biết nào là thân phận của người lính Miền Nam.
Gần nửa đêm 18-4-75, Thiếu Tá Nguyễn Cư, Yếu Khu Trưởng YK Châu Thành, nhận lệnh trực tiếp của BCH.TK/BT ban lệnh cho tất cả các Đơn Vị DPQ đang chiến đấu, trong thành phố, cố gắng tập trung về Bến Tàu Kim Hải, phía sau Phi Trường và QYV. Đoàn Mạnh Hoạch Phan Thiết. Do đó, ngay trong đêm, DĐ954/DPQ của DU.Mai Xuân Cúc , chiến đấu tại Ấp Đại Hòa, đã phải vượt sông Cà Ti, tới Quận Đường Hàm Thuận ở Ngả Hai, rồi từ đó băng ngang qua Phú Khánh, đến điểm tập trung Kim Hải.
Kính phục nhất là tại QYV. Đoàn Mạnh Họach, trong lúc giặc gần như đã chiếm trọn thành phố, thì trong bệnh viện, ngoại trừ Chỉ Huy Trưởng, Thiếu Tá Bác Sĩ Võ Đạm (Hiện có phòng mạch tại Boston-Mỹ), khuân vác tất cả đồ đạc và cõng vợ con, trốn về Sài Gòn, để kịp qua Mỹ, trước khi giặc vào. Còn đơn vị, từ các Y,Nha, Dược Sĩ cho tới quân nhân cơ hữu các cấp , dù biết giờ 25, vẫn miệt mài làm việc, cứu sống bao sinh mệnh của thương binh và đồng bào chiến cuộc. Do nhu cầu, Đại Uý Y Sĩ Lê Bá Dũng, khi vào Cục Quân Y tại Sài Gòn lãnh thuốc men và y cụ, đã được Chuẩn Tướng Phạm Hà Thanh, Cục trưởng Cục QY, bổ nhiệm làm Q.Chỉ Huy Trưởng , đồng thời ban báo thị tầm nã, việc đào ngũ của ThT Đạm. Ngày 8-4-75, Đề Đốc Chung Tấn Cang, Tư Lênh Hải Quân có tới Phan Thiết họp với Đại Tá Nghĩa, để soạn thảo kế hoạch di tản đường biển, nếu Bình Thuận bị nguy cấp. Dịp này, TK đã cấp cho QYV một máy truyền tin PRC25, nhờ vậy có thể cập nhật tin tức từng giờ.
Trong ngày 18-4-75, dù Phú Long mịt mù lửa đạn, nhưng mặt trận Nam Phan Thiết vẫn còn an ninh, vì đã có sự phòng thủ của Liên Đoàn DPQ.Hàm Thuận của Thiếu Tá Dụng Văn Đối, Quận Trưởng. Ngoài ra khu vực này còn có nhiều đơn vị khác hiện diện, như Liên Đội Đặc Nhiệm Nông Trường Sao Đỏ và nhất là 2 TD/BDQ di tản từ Quảng Đức về chờ phương tiên vào Nam. Vì vậy QYV.
Đoàn Mạnh Hoạch rất an toàn. Chừng 7 giờ tối, VC đã vào Phan Thiết và ác chiến trong thành phố, QYV nhờ có máy PRC25, nên biết tin tức. Cùng lúc, lại có một đơn vị của Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận, do Thiếu Tá Phạm Minh hướng dẫn, trên đường tới Bến Tàu Kim Hải, có liên lạc với QYV cho biết tin tức chiến sự. Theo Phó Tỉnh Trưởng BT. Phạm Ngọc Cửu, lúc đó còn đang ở Phan Thiết, thì hai chiếc xe thiết giáp tắt đèn chạy ngang qua đó, là của quân ta, chứ VC tới trưa ngày 19-4-1975 mới dám lên khu vực này, sau khi QLVNCH đã di tản hết.
11 giờ 30 khuya cùng ngày, DU Dũng mới nhận được lệnh di tản. Cũng may, địa điểm của bệnh viện nằm sát bờ biển,lại đã làm sẳn con đường, nên việc di chuyển thương bệnh binh ra tàu Hải Quân, cũng không trở ngại. Mặc dù lúc đó chỉ còn một phần quân nhân ở lại, nhưng cũng đã di tản được 200 thương bệnh binh .
Từ sáng ngày 19-4-1975, các đơn vị DPQ /BT đã tập trung rất đông trên bãi biển Kim Hải, để chờ tàu vào rước. Buổi sáng nước thủy triều xuống, nên chiến hạm không thể vào sát bờ, nên phải thả các loại tàu há mồm LCM vào rước các đơn vị. Loại tàu này có thể chở được tới 2 thiết vận xa M113. Công tác hoàn tất lúc 12 giờ trưa nhưng các chiến hạm của Vùng 2 Duyên Hải, vẫn đậu ở ngoài khơi Phan Thiết chờ lệnh, tới 2 giờ trưa mới lên đường và cập bến Vũng Tàu lúc 2 giờ sáng, ngày 20-4-1975. Tại Bến Đình, lúc đó có sự hiện diện của Đại Tá Vũ Huy Tạo, Thị Trưởng Vũng Tàu và Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa, TT.BT chực sẵn, đón các đơn vị, đưa về Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp, tái trang bị và tiếp tục chiến đấu khắp lãnh thổ Phước Tuy, cho tới khi Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, mới rã ngủ. Sau đó, tất cả các Sĩ Quan của TK.Bình Thuận, bị chở về Xuân Lộc và tập trung trong doanh trại củ của Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 43/SD18BB và đi cải tạo chung với Sĩ Quan của SD5BB, khắp các trại tù miền Bắc. Ngoài ra, đêm 18-4-1975, Thiếu Tá Dụng Văn Đối, QT.Hàm Thuận , đã chỉ huy các Tiểu Đoàn DPQ, Liên Đội NQ, Cán Bộ XDNT, Cảnh Sát, Viên Chức Xã Ấp thuộc Chi Khu, cùng với Pháo Binh và một Chi Đội Thiết Giáp V100, di tản bằng đường bộ vào tới Bình Tuy. Sau đó được tàu Hải Quân chở vào Vũng Tàu và tăng phái cho Sư Đoàn 22 Bộ Binh của Tướng Niệm, đang trấn giữ tại Cầu Bến Lức-Long An , cho tới khi tàn cuộc.
20-4-1975, BT coi như đã lọt vào tay Hà Nội, VC lập ra ủy ban quân quản thị xã, do thiếu tá VC Từ quảng Tuyên làm Chủ tịch, khắp nơi lập ra 16 địa điểm để các quân, công,cán,cảnhVNCH tới khai báo trình diện, để cùng nhau vào địa ngục trần gian tại Cà Tót, Huy Khiêm,Sông Mao và mọi nẽo đường tận tuyệt.
Cuộc chiến đã qua nhưng không bao giờ xoá nhòa nổi vết tích trong tâm trí người Việt. Vinh hay nhục thì nay đã được lịch sử xác nhận, nên không cần phải ca ngợi hay biện minh về cái thua hay cái thắng, một công việc thừa thải khi mặt thật của cộng sản Hà Nội được phơi bày suốt 30 năm qua., nên chỉ xin bạn bè ai có dịp về thăm quê hương miền biển măn, đừng quên :
"Có xuống bến qua nghĩa địa
đừng quên mặc niệm những hồn oan
bỏ mình trên biển khi di tản
u uất bao năm nỗi hận hờn
đừng quên thăm lại Quân Y Viện
thắp một nén hương mộ bạn mình
lính trận dân lành chung buổi giổ
tháng Phan Thiết hận đao binh…"
Xóm Cồn
Mường Giang
Tin mới
- Lời tường thuật của Trung Tướng Walt khi ông còn ở Viet Nam - 12/11/2014 04:11
- Chương trình Phát triển Quận 8 – một thể nghiệm của Xã hội Dân sự. - 20/10/2014 03:19
- Hồi Ký: Thiên Thần Mũ Ðỏ Ai Còn Ai Mất - 10/10/2014 00:39
- Trò chuyện với một nhân chứng sống của Cải cách Ruộng đất - 04/10/2014 22:38
- Viết cho những người Pháo Thủ Mũ Xanh - 26/09/2014 21:42
- Trường Sĩ quan Hải Quân và tôi - 12/09/2014 19:48
- Hà Nội 80 ngày, đi hay ở - 19/07/2014 04:41
- John McCain - Hồi ký Hỏa Lò - 10/06/2014 15:29
- Xử Bắn 12 Chiến Sĩ Biệt Động Quân Anh Hùng: Tội Ác CS - 05/06/2014 19:58
- Bảy ngày tại Tân Cảnh - 26/05/2014 04:35
Các tin khác
- Những ngày cuối của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn - 04/05/2014 05:00
- Trận chiến đấu bi hùng cuối cùng của trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu - 30/04/2014 00:29
- Viết về một tấm hình - 30/04/2014 00:12
- 29-4-1975 : Đêm Dài Nhất Của Sài Gòn - 19/04/2014 13:17
- Chuyện tù cải tạo nhiều người muốn biết - 25/03/2014 04:51
- Đà-nẵng những ngày cuối tháng Ba 1975 - 24/02/2014 02:54
- Lịch sử và tờ tạp chí cũ - 08/02/2014 16:54
- Trại cải tạo – địa ngục trần gian ở VN - 02/02/2014 23:50
- Bốn mươi năm – Hoàng Sa, nhớ và nghĩ - chuyện của một hạm phó - 17/01/2014 14:30
- Kẻ sống sót trong trận Hải chiến Hoàng Sa - 11/01/2014 05:54