Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan Nhật Bản có dấu hiệu trỗi dậy mạnh mẽ


JAPON NHK MOMIIE
Katsuto Momii, tân lãnh đạoNHK. Ảnh chụp ngày 25/01/2014
Mandatory credit REUTERS/Kyodo


Lỡ lời hay cố ý ? Đó là câu hỏi mà giới quan sát đang đặt ra sau một loạt những biểu hiện công khai của nhiều chính khách Nhật Bản gần đây nhằm giảm nhẹ tội trạng mà quân đội Nhật hoàng đã gây ra tại các nước láng giềng thời Đệ nhị Thế chiến.

Mới đây nhất là tuyên bố của một lãnh đạo đài truyền hình nhà nước NHK được báo chí Nhật Bản tiết lộ vào hôm nay, 04/02/2014.

Theo nhân vật này, vụ Thảm sát Nam Kinh năm 1937 với hàng vạn nạn nhân, chỉ là một sự ngụy tạo.

Lời phủ nhận trên đây được ông Naoki Hyakuta, một thành viên của ban lãnh đạo đài truyền hình NHK đưa ra hôm 02/02/2014 vừa qua khi ông đến một cuộc mít tinh ủng hộ ông Toshio Tamogami, một ứng cử viên cực hữu ra tranh chức đô trưởng Tokyo.

Đối với ông Hyakuta, không có cuộc thảm sát ở Nam Kinh năm 1937 do quân đội Nhật Bản tiến hành, và sự kiện đó là một điều bịa đặt.

Báo chí Nhật Bản đã trích tuyên bố của nhân vật này như sau :
 « Có nhiều quốc gia không thèm quan tâm đến công tác tuyên truyền của lãnh đạo Quốc Dân Đảng Trung Quốc Tưởng Giới Thạch... về vụ thảm sát bị quy cho Nhật Bản ở Nam Kinh. Quý vị có biết tại sao không ? Tại vì sự kiện đó chưa bao giờ tồn tại ».

Lời phủ nhận công khai của quan chức lãnh đạo đài truyền hình quốc gia Nhật Bản nói trên đã đi ngược lại hoàn toàn những gì từng được các sử gia công nhận.

Trung Quốc đã cho rằng có đến 300.000 người chết trong nhân các đợt bắn giết, hãm hiếp và tàn phá do lính Nhật gây ra trong sáu tuần lễ từ khi họ tiến vào Nam Kinh ngày 13/12/1937.

Các nhà nghiên cứu nước ngoài, tuy nhiên, đã giảm bớt đáng kể số liệu kể trên.
 Sử gia Mỹ Jonathan Spence chẳng hạn, ước tính rằng chỉ có 42.000 thường dân và binh sĩ thiệt mạng trong vụ thảm sát, cùng với khoảng 20.000 phụ nữ bị hãm hiếp, nhiều người trong số này đã bị chết sau đó.

Đây không phải là lần đầu tiên mà cấp lãnh đạo đài truyền hình quốc gia Nhật Bản đưa ra những tuyên bố biện minh cho chế độ quân phiệt Nhật trước đây.

Mới hôm 26/01 vừa qua, chính Tân Giám đốc đài NHK Katsuto Momii đã khẳng định rằng việc các phụ nữ bị ép buộc làm gái mãi dâm cho lính Nhật trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai là một chủ trương « phổ biến ở tất cả các nước có chiến tranh. »

Các tuyên bố phủ nhận điều có thể nói là các hành vi tàn bạo của quân đội Thiên hoàng trước đây không phải là mới trong giới theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan Nhật Bản.

 Điểm mới tuy nhiên là chính quyền đương nhiệm của Thủ tướng Shinzo Abe lại có dấu hiệu dung túng cho các lời lẽ trên đây.

Về lời phủ nhận thực tế của vụ thảm sát Nam Kinh của ông Hyakuta, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản đã cho rằng : « Những phát biểu nói trên không hề vi phạm nội quy của đài NHK, do đó chính quyền không cần phải có ý kiến ».

Cũng như vậy, phản ứng của chính phủ Nhật Bản trước các tuyên bố của ông Momii cũng rất nhẹ nhàng, cho đấy chỉ là quan điểm cá nhân, và chính phủ không có lý do để can thiệp vào.

Theo các nhà phân tích, thái độ dễ dãi của chính quyền Nhật Bản hiện nay không xa lạ gì với quan điểm dân tộc chủ nghĩa công khai của người đứng đầu chính phủ tại Tokyo là ông Shinzo Abe.

Mới đây, để đánh dấu một năm ngày trở lại làm Thủ tướng, vào hạ tuần tháng 12 năm ngoái, ông Abe đã không ngần ngại đến cầu nguyện tại đền tử sĩ Yasukuni, nơi có bài vị của 14 tội phạm chiến tranh, bị cho là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật.

Trước đó, ngày 15/08/2013, nhân lễ kỷ niệm ngày đế quốc Nhật đầu hàng vào năm 1945, ông Abe đã xóa bỏ thông lệ thiết lập trong hơn hai mươi năm khi không có một lời hối tiếc nào đối với các nỗi khổ đau quân đội Nhật đã gây ra tại nhiều nước nhiều nước châu Á trước và trong Đệ nhị Thế chiến.

Hành động của Thủ tướng Nhật, thái độ nhẹ nhàng của Chính quyền Tokyo trước các lời lẽ bị coi là « phủ nhận lịch sử » của các chính khách cực đoan chắc chắn sẽ gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản và hai láng giềng Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Trung Quốc.

Điều đó sẽ không có lợi cho Nhật Bản vào lúc mà Thủ tướng Shinzo Abe đang nỗ lực tìm cách đối phó với sức ép đến từ Trung Quốc.


Switch mode views: