Việt Nam : Nan giải chuyện huy động vốn trong dân
- Thứ Hai, 24 tháng Chín năm 2018 21:40
- Tác Giả: Thanh Phương
Một nhà máy dệt may ở Hưng Yên. Làm thế nào để thu hút nguồn vốn trong dân vào việc phát triển kinh tế?Reuters
Trước tình hình nợ công vẫn tiếp tục tăng cao và ngày càng lên đến mức báo động, Việt Nam đang tìm cách huy động nguồn vốn mà người dân đang nắm giữ, được ước tính lên tới 60 tỷ đô la.
Nhưng làm cách nào để thu hút được nguồn vốn này vào việc phát triển kinh tế, hôm nay chúng ta hãy nghe ý kiến của chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Sài Gòn.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vay vốn ODA ( viện trợ phát triển chính thức) được công bố gần đây dự báo nợ công của Việt Nam năm 2018 sẽ lên tới 3,5 triệu tỷ đồng (151 tỷ đô la), cao hơn con số 3,1 triệu tỷ đồng của năm 2017.
Tỷ lệ nợ dự kiến của năm 2018 sẽ là gần 64% GDP, tiến gần đến mức trần 65%, mà Quốc Hội Việt Nam đã đề ra.
Tính bình quân, mỗi người dân Việt Nam sẽ "gánh" 35 triệu đồng (1.500 đô la) nợ công, so với mức 31 triệu đồng năm 2017.
Do nhu cầu đầu tư vẫn tăng cao, nhất là đầu tư vào các cơ sở hạ tầng, để duy trì mức tăng trưởng kinh tế, Việt Nam phải tiếp tục vay vốn của quốc tế.
Vấn đề là kể từ khi trở thành quốc gia được xếp vào loại có thu nhập trung bình, Việt Nam không còn tiếp tục được vay với lãi suất ưu đãi nữa, mà nay sẽ phải vay với lãi suất cao hơn.
Nhưng nếu cứ vay như thế thì gánh nặng nợ công sẽ càng tăng thêm, vì số tiền dành để trã lãi sẽ ngày càng cao.
Cho nên, Việt Nam sẽ phải bớt vay vốn nước ngoài và phải tìm cách thu hút nguồn vốn từ ngay chính trong nước, từ người dân.
Tại Diễn đàn về thị trường vốn - tài chính diễn ra ngày 21/08/2018, ông Alatabani Alwaleed Fareed Alatabani, Chuyên gia trưởng thị trường Tài chính Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (World Bank), cho rằng nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, lên tới khoảng 60 tỷ đôla trong tay của người dân mà chưa huy động hết.
Việc huy động nguồn lực, mà cụ thể là vàng và ngoại tệ, trong dân đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng cho tới nay, các chuyên gia tài chính vẫn tranh cãi với nhau về những giải pháp tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt để người dân tin tưởng, sẵn sàng mang vốn từ trong két ra để đầu tư.
Hôm nay mời quý vị nghe ý kiến của chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn:
Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, Sài Gòn 04/09/2018
RFI :Thưa ông Huỳnh Bửu Sơn, theo ông thì huy động vốn trong dân có lợi gì hơn so với vay vốn của nước ngoài ?
Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn :
Một quốc gia khi phát triển thì chắc chắn là có nhu cầu về nguồn vốn rất lớn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Chính phủ thì thường có nhiều chọn lựa : vay vốn nước ngoài, vay trong nước.
Đối với những nước đang phát triển, thì các quốc gia công nghiệp cũng có những chương trình cho vay phát triển kinh tế, gọi là ODA.
Nhưng đối với chính phủ thì vay nguồn vốn trong nước vẫn là ưu tiên hơn, vì nó không đặt ra áp lực về thanh toán.
Nếu vay trong nước, ví dụ như vay bằng tiền đồng, thì khi cần vẫn có thể dùng nguồn thu trong nước, như thu thuế, để trả.
Đối đế lắm thì nhà nước có thể phát hành tiền để trả nợ. Do đó, rủi ro không thanh toán được là hầu như không có.
Ngược lại, nếu vay vốn bằng ngoại tệ của nước ngoài, thì tất nhiên là phải cố gắng cân đối cho được số ngoại tệ, thông qua xuất khẩu, thông qua mở rộng đầu tư nước ngoài, trực tiếp hay gián tiếp, vào trong nước, để có được dự trữ ngoại tệ để thanh toán.
Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển thì thu nhập của người dân cũng không có nhiều, do đó khả năng cho vay của người dân cũng có một mức độ giới hạn nhất định.
Do đó, cuối cùng thì các chính phủ phải đi vay nợ nước ngoài.
Thông thường thì người ta xem tỷ lệ nợ nước ngoài với GDP của nước đó để biết được mức độ vay nợ nước ngoài có đảm bảo an toàn hay không.
RFI :Nếu huy động vốn trong dân, mà chủ yếu là nguồn vàng, thì chúng ta có thể huy động với những hình thức như thế nào : thu hút gởi tiền tiết kiệm ngân hàng, phát hành trái phiếu hay phát triển thị trường chứng khoán ?
Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn :
Thật ra việc thu hút nguồn vàng khá phức tạp hơn là huy động nguồn tiền.
Huy động nguồn tiền thì chính phủ phát hành công trái, với một lãi suất hấp dẫn nào đó, thì người dân sẽ bỏ tiền ra để mua công trái.
Còn huy động vàng lại là một vấn đề khác.
Nếu huy động vàng trên cơ sở là người dân đồng ý bán vàng cho nhà nước và lấy tiền đó gởi vào tiết kiệm ngân hàng hoặc mua công trái là một chuyện, còn nếu huy động vàng rồi sau đó trả lại bằng vàng cho dân, với một lãi suất nào đó, thì vấn đề lại rất là phức tạp.
Tôi không chắc là với số vàng đó, dù là với một thời hạn dài, chính phủ có thể sử dụng hoàn toàn số vàng đó, hay là phải duy trì một số vàng để khi cần có thể trả lại cho người dân. Đồng thời nó cũng đặt ra vấn đề là tăng cường tâm lý thích giữ vàng.
Hiện nay, giữ vàng là tâm lý chung của người dân. Tất nhiên, họ biết là giữ như thế thì sẽ không sinh lãi, còn bây giờ nếu giữ vàng mà còn được sinh lãi nữa bằng cách gởi số vàng đó vào ngân hàng và tới thời hạn thì được trả nguyên số vàng đó lẫn cái lãi, thì điều đó tôi cho là không có lợi gì cho nền kinh tế.
Muốn cho người dân có thể đem số vàng mà họ cất giữ để đầu tư, gởi tiền tiết kiệm hay để mua trái phiếu và mua chứng khoán, phải có một giải pháp lâu dài hơn, căn cơ hơn. Hơn là chỉ tổ chức huy động một số vàng.
Related news items:
Tin mới
- Paris chống lãng phí thực phẩm thời công nghệ số - 25/09/2018 22:37
- Trung Quốc yêu cầu Anh không can dự vào Biển Đông - 25/09/2018 22:09
- Pháp: Báo Le Monde nói về cố chủ tịch Trần Đại Quang - 25/09/2018 22:01
- Chiến tranh thương mại : Bắc Kinh từ chối đàm phán trong thế ''dao kề cổ'' - 25/09/2018 19:04
- Iran : Châu Âu tìm cách « né » trừng phạt Mỹ - 25/09/2018 16:11
- Di dân : Tàu cứu hộ Aquarius muốn cập cảng Pháp - 25/09/2018 16:03
- Nga tăng cường phòng không cho Syria, Israel lo ngại - 25/09/2018 15:33
- Paris mở rộng dự án "Thành phố không xe hơi" - 25/09/2018 00:55
- Ấn Độ hủy cuộc gặp cấp ngoại trưởng với Pakistan - 25/09/2018 00:22
- Hàn Quốc : Cấm cà phê trong trường học để giảm căng thẳng cho học sinh - 24/09/2018 21:48
Các tin khác
- Việt Nam chuẩn bị quốc tang cho cố chủ tịch Trần Đại Quang - 24/09/2018 20:05
- Lần đầu tiên Hồng Kông cấm một đảng đòi độc lập - 24/09/2018 19:29
- Chiến tranh thương mại : Nhật Bản, nạn nhân sắp tới của Washington ? - 24/09/2018 18:54
- Quân đội Miến Điện : LHQ "không được can thiệp" vào hồ sơ Rohingya - 24/09/2018 18:43
- Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc : Mục tiêu đả kích của Trump sẽ là Iran - 24/09/2018 18:35
- Tân chủ tịch Cuba lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ - 24/09/2018 17:54
- Mỹ dọa trừng phạt bất cứ ai cung cấp nhiên liệu cho Bắc Triều Tiên - 24/09/2018 16:59
- Trung Quốc khai trương tuyến đường sắt cao tốc Quảng Châu-Hồng Kông - 24/09/2018 16:41
- Hàn Quốc gây sức ép để Samsung đầu tư vào Bắc Triều Tiên - 21/09/2018 19:08
- Mỹ phạt một cơ quan quân sự Trung Quốc mua vũ khí của Nga - 21/09/2018 18:55