Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Kiện vụ Tư Chính: Việt Nam phải tính toán thiệt hơn

VN TQ 2


Biểu tình phản đối tầu khảo sát của Trung Quốc thâm nhập Bãi Tư Chính của Việt Nam trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, ngày 06/08/2019.REUTERS/Kham

 

Ngày 6/10/2019, một cuộc tọa đàm về đề tài « Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật Pháp Quốc tế », quy tụ nhiều nhân sĩ trí thức tên tuổi ở Việt Nam, đã diễn ra tại Hà Nội, sau hơn 3 tháng Trung Quốc đưa nhiều tàu vào vùng biển của Việt Nam, bất chấp những phản đối về mặt ngoại giao của chính phủ Hà Nội.

Các nhân sĩ, trí thức tham gia một buổi tọa đàm đều cho rằng đã đến lúc chính quyền Việt Nam phải kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.  


Tuy Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để tin tưởng vào khả năng thắng kiện, nhưng giới lãnh đạo Hà Nội có thể sẽ rất do dự, bởi vì chắc chắc là phía Trung Quốc sẽ có những phản ứng dư dội, nếu Việt Nam đưa vấn đề Tư Chính ra tòa quốc tế.

Trong buổi tọa đàm nói trên, Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, đã có bài tham luận "Tại sao Việt Nam nên khởi kiện vụ Bãi Tư Chính".


Nhân đây, chúng tôi xin mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn với ông Hoàng Việt :

RFI : Xin kính chào ông Hoàng Việt.
 Theo ông thì qua việc đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 vào khu vực Bãi Tư Chính, cụ thể Trung Quốc đã vi phạm những điều khoản nào của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 ?

Hoàng Việt :
Công ước này vô cùng quan trọng, được xem như là Hiến pháp về các biển và đại dương.
Tổng cộng đã có trên 170 quốc gia ký kết và là thành viên của Công ước, trong đó có tất cả các quốc gia ASEAN tranh chấp Biển Đông và Trung Quốc.

Đã là thành viên của Công ước về Luật Biển, thì anh phải có nghĩa vụ tuân thủ toàn bộ các điều khoản của Công ước : Điều 309 quy định rằng không một quốc gia nào có quyền bảo lưu bất cứ điều khoản nào.

Trong Công ước, có điều 55 quy định về vùng đặc quyền kinh tế như thế nào, điều 56 quy định quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế, điều 76 quy định về thềm lục địa và điều 77 về quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa.

Cũng phải nói thêm rằng sự xâm phạm của Trung Quốc không chỉ ở Bãi Tư Chính mà còn rộng hơn rất nhiều, cụ thể là ngay ở Lô 06-01, mà Việt Nam gọi là Lan Tây Lan Đỏ và đang khai thác, nằm trên vùng bồn trũng Nam Côn Sơn, chứ không nằm ở Bãi Tư Chính, mà sâu bên trong ( vùng biển của Việt Nam ). Chưa kể những lô khác mà trước đây Trung Quốc từng gọi thầu trái phép.

Riêng Bãi Tư Chính là một bãi ngầm, tức là nó luôn chìm dưới mặt nước biển. Theo luật quốc tế nói chung, và theo Công ước về Luật Biển, không thể đòi hỏi chủ quyền đối với các vùng ngầm như thế.
Và đối với vùng ngầm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, quyền khai thác vùng đó thuộc về quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đó.

Chiếu theo luật pháp quốc tế như vậy thì Việt Nam hoàn toàn có quyền khai thác các tài nguyên cả sinh vật và không sinh vật, tức là cả các loài thủy hải sản, lẫn dầu mỏ và khí đốt trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đó.

Thế mà Trung Quốc lại ngang nhiên đưa các tàu đó vào và còn tuyên bố rằng đây là vùng thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
 Thì đấy chúng ta biết được rằng Trung Quốc đã vi phạm cái gì.

RFI : Tức là theo ông thì chúng ta có đủ cơ sở pháp lý vững chắc để tin rằng nếu chúng ta đưa vụ này ra trước Tòa Trọng tài Thường trực thì có thể giành phần thắng, giống như Philippines trước đây ?

Hoàng Việt :
Không phải riêng tôi, mà rất nhiều chuyên gia về luật cũng nghĩ như vậy. Đã có một án lệ trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, nên khả năng Việt Nam thắng kiện rất cao.

Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, tòa đã phán quyết là dù có nói gì đi chăng nữa, thì các vùng biển được quy định trong Công ước về Luật Biển sẽ phải là ưu tiên hàng đầu.
Cho nên, cá nhân tôi tin chắc rằng nếu Việt Nam đưa vụ kiện này ra Tòa Trọng tài, thì khả năng thắng kiện của Việt Nam rất cao.

RFI : Nhưng Tòa Trọng tài chỉ đưa ra ý kiến của họ, chứ họ không có thẩm quyền để buộc các bên thi hành phán quyết ?

Hoàng Việt : Tất cả các tòa, chứ không chỉ riêng Tòa Trọng tài, đều không có cơ chế để thực hiện phán quyết, trừ Tòa án Công lý Quốc tế ( IJC ), trong một số trường hợp thì đưa ra yêu cầu Hội đồng Bảo an phải thực hiện, nhưng khả năng thì rất ít.

Tuy nhiên, không phải như vậy là tòa không có tác dụng. Trung Quốc là một nước lớn, bất chấp ( luật pháp quốc tế ) như thế, nhưng Trung Quốc cũng phải dè chừng luật pháp quốc tế rất nhiều.
Đó chính là lý do mà Việt Nam cần phải khởi kiện. Và đó cũng là lý do mà nhiều nhân sĩ trí thức trong cuộc tọa đàm ngày 06/10 đã nhất trí là cần phải kiện Trung Quốc ra tòa.

RFI : Nhưng chúng ta cũng thấy là trong vụ kiện của Phippines thì Trung Quốc đã xem thường phán quyết 2016 của Tòa Trọng tài.

 Đối với Việt Nam, Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ có thái độ tương tự. Nếu chúng ta giành phần thắng, thì chiến thắng đó có ý nghĩa gì trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông ?

Hoàng Việt:
 Trở lại vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Ngay cả sau khi Tòa ra phán quyết, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng phát quyến chỉ là một tờ giấy lộn.

Nhưng nếu nhìn kỹ những hành động của Trung Quốc đối với phán quyết, chúng ta sẽ thấy nó không hề đơn giản như thế.
 Thứ nhất là trước khi Tòa ra phán quyết, Trung Quốc đã tốn rất nhiều công sức, huy động các cơ quan ngoại giao của họ đi khắp thế giới để chống lại phiên tòa.
 Sau khi Tòa ra phán quyết,  Trung Quốc cũng đã tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để tuyên truyền chống lại phiên tòa.
Thêm nữa : Mặc dù Trung Quốc to mồm rằng không chấp nhận phán quyết đó, nhưng họ đã xuống thang khá nhiều khi nói chuyện với Philippines.

Trước đó, vào năm 2012, Trung Quốc đã phong tỏa vùng Scarborough và tuyên bố toàn bộ Scarborough và các vùng biển chung quanh là thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Nhưng cho đến bây giờ thì Trung Quốc tỏ ra hòa hoãn với chính phủ tổng thống Duterte, và chấp nhận khai thác chung, mà tuân thủ luật pháp và Hiến pháp của Philippines, tức là công nhận quyền chủ quyền của Philippines trên khu vực đó.
 Như vậy rõ ràng nó có tác dụng, chứ không phải là không có tác dụng.

Nếu Việt Nam khởi kiện mà thắng, thì Trung Quốc có phớt lờ không ?


Đương nhiên về mặt tuyên bố, thì Trung Quốc sẽ tuyên bố phớt lờ, nhưng trong thực tế thì Trung Quốc không thể phớt lờ được.
 Bằng chứng là Trung Quốc đã đe dọa Việt Nam là nếu Việt Nam kiện thì Trung Quốc sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt ghê gớm nhất.

Nếu Trung Quốc không sợ phán quyết thì tại sao Trung Quốc lại phải đe dọa Việt Nam, không muốn Việt Nam kiện ?

Đương nhên tính toán, cân đong, đo đếm tác dụng của phán quyết thì không phải là đơn giản.
Nhưng cũng phải nói thêm : giả dụ Việt Nam kiện Trung Quốc mà chiến thắng, thì không phải một mình Việt Nam có thể yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết đó, mà ngay cả Hoa Kỳ cũng sẽ làm điều đó.

Hoa Kỳ hiện đang đối đầu với Trung Quốc rất nhiều. Chiến thắng của Việt Nam trước Tòa sẽ cung cấp thêm một phương tiện cho Hoa Kỳ để ép Trung Quốc tuân thủ và có trách nhiệm hơn trước cộng đồng quốc tế.

RFI : Trong cuộc tọa đàm vừa qua, cũng có người nêu ý kiến là đưa vụ Bãi Tư Chính ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Theo ông thì việc này có khả thi không và có tác dụng gì hay không ?

 Hoàng Việt:
Phải nói rõ hơn như thế này : Trong cuộc tọa đàm, anh Hoàng Ngọc Giao ( Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển ) có ý kiến là yêu cầu là Tòa án Công lý Quốc tế đưa ra ý kiến về trường hợp này.

 Thủ tục yêu cầu tòa án này ra ý kiến đòi hỏi, một là phải đưa ra Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và phải được Đại Hội Đồng chấp thuận ( với tỷ lệ phiếu ) quá bán.
 Điều này thì rất khó, vì Việt Nam sẽ phải thuyết phục 180 quốc gia, mà Việt Nam không phải là một quốc gia có ảnh hưởng nhiều về kinh tế, về mọi thứ…, nên rất khó thuyết phục.

Nhưng có chọn lựa thứ hai, theo luật pháp quốc tế, là nếu Hội Đồng Bảo An đồng ý đưa ra để yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế ra ý kiến, thì tòa cũng có thể ra ý kiến được.
Anh Hoàng Ngọc Giao cho rằng việc đưa ra Hội Đồng Bảo An, về mặt lý thuyết thì có thể được, dù Trung Quốc có quyền phủ quyết, với tư cách thành viên thường trực.
Có thể Trung Quốc sẽ phủ quyết, nhưng nếu đưa vấn đề ra được Hội Đồng Bảo An, dù không có thành công, nó cũng tạo ra một sức ép, khiến họ phải xuống thang.
Chúng ta phải cho phía Trung Quốc thấy là quyết tâm của người dân Việt Nam trong việc bảo vệ quyền chủ quyền trên biển đảo của mình như thế nào.

RFI : Đó là mong muốn của các nhân sĩ trí thức trong cuộc tọa đàm vừa qua.
 Nhưng về phía chính phủ Việt Nam có thể họ sẽ do dự, sẽ dè dặt, vì không muốn làm tổn hại đến quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, không muốn đẩy Trung Quốc vào thế hoàn toàn đối địch với Việt Nam, ít ra là trên mặt trận pháp lý ?

Nếu chính phủ không khởi kiện, thì ông có thể có được lý do vì sao ?

Hoàng Việt :
Cá nhân tôi thì nghĩ thế này : Không phải là Việt Nam sợ làm ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc đâu.
Nhưng cái quan trọng nhất là họ sợ Trung Quốc sẽ trả đủa mà Việt Nam chưa chuẩn bị tốt để chống đở lại những phản ứng đó, bởi vì Trung Quốc sẽ trả đũa về mọi mặt, cả về kinh tế, chính trị quan hệ kinh tế, cũng như sức ép về quân sự, quốc phòng.

Chẳng hạn như về kinh tế, báo chí cách đây vài ngày có đưa tin là Trung Quốc đã siết chặt việc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, khiến cho nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc, thị trường quan trọng nhất, bị chặn lại ở biên giới và người nông dân rất là hoang mang và thiệt hại rất nhiều.

Trung Quốc chỉ cần trả đủa bằng cách cho kiểm tra và không cho nhập khẩu một số trái cây của Việt Nam, như dưa hấu chẳng hạn, viện những lý do kỹ thuật, thì những đoàn xe dưa hấu hàng trăm tấn chở lên biên giới sẽ phải đổ bỏ, vì không để lâu được, gây thiệt hại rất lớn.
Đó là những vấn đề kinh tế Việt Nam sẽ phải chống trả.

Thứ hai là về mặt chính trị. Trở lại vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Trung Quốc đã trừng phạt Philippines cả về kinh tế, hạn chế số du khách Trung Quốc đến Philippines, ngăn việc nhập khẩu sản phẩm chuối từ Philippines, khiến Philippines gặp khó khăn về kinh tế.

Về chính trị thì Trung Quốc cũng đã gây sức ép lên Philippines, đe dọa Philippines rất nhiều.
 Về quan hệ quốc tế thì Trung Quốc cũng đã phủ đầu Philippines trên mọi diễn đàn.

Việt Nam thì sẽ bị trả đũa ghê gớm hơn, vì Việt Nam nằm sát cạnh Trung Quốc.
Chính vì vậy tôi vẫn nghĩ rằng chính quyền Việt Nam thật sự lo ngại là họ chưa chuẩn bị đầy đủ các biện pháp khi Trung Quốc trả đủa.

 Thậm chí có người nói với tôi Trung Quốc đã tuyên bố là nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc thì chiến tranh ở quần đảo Trường Sa có thể xảy ra. Việt Nam liệu có đủ khả năng để ứng phó với những kịch bản đó hay chưa ?

 Có lẻ là do những vấn đề như vậy cho nên chính quyền Việt Nam còn đang băn khoăn, do dự trong việc khởi kiện.

 

Switch mode views: