Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vì sao Nga bị cáo buộc « can thiệp » vào Macedonia ?

macedonia-usa

Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev (P), bộ trưởng Quốc Phòng Macedonia Radmila Sekerinska (G) và đồng nhiệm Hoa Kỳ James Mattis, trong cuộc họp báo tại Skopje, ngày 17/09/2018
REUTERS

Ngày thứ Hai 17/09/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đã ghé thăm Skopje để ủng hộ cho phe chủ trương đổi tên nước trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới, đồng thời ngăn chặn điều mà ông gọi là « chiến dịch gây ảnh hưởng » của Nga chống lại cuộc bỏ phiếu này.

Vì sao Nga bị tố cáo can dự vào cuộc bỏ phiếu này ở Macedonia ?

Báo La Croix ngày 18/09/2018 giải mã.
Chuyến thăm Macedonia của ông Jim Mattis diễn ra trong bối cảnh nào ?

Người dân Macedonia, ngày Chủ Nhật 30/9 này, thông qua lá phiếu phải cho biết ý kiến về thỏa thuận ký kết ngày 17/06/2018 với Hy Lạp, theo đó, nước Cộng hòa Nam Tư Macedonia cũ đổi tên thành « Cộng hòa Bắc Macedonia ».

Thỏa thuận này còn mở đường cho quốc gia này gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO và tiến hành đàm phán gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.
Cuộc trưng cầu dân ý mang tính tham vấn này sau đó phải được 2/3 số dân biểu tại Nghị Viện thông qua trong khuôn khổ dự thảo sửa đổi Hiến Pháp.

Kể từ khi quốc gia thuộc Liên Bang Nam Tư cũ này độc lập vào năm 1991, Hy Lạp phản đối việc giữ tên Macedonia, vốn dĩ cũng là tên của tỉnh phía bắc Hy Lạp.
Quyền phủ quyết của Hy Lạp đang gây trở ngại cho Macedonia trong tiến trình gia nhập NATO và Liên Hiệp Châu Âu.

Nga can thiệp như thế nào ?

Chính phủ Nga tiến hành chiến dịch đưa tin giả nhằm khuyến khích cử tri Macedonia tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý.
Nếu như số người đi bỏ phiếu thấp dưới một nửa so với số người đăng ký, thỏa thuận sửa đổi tên nước được ký với Hy Lạp sẽ phải đưa trở về Nghị Viện để phê chuẩn.

Theo nhiều quan chức phương Tây và Macedonia, chính quyền Matxcơva huy động mọi công cụ : hỗ trợ tài chính cho các nhóm và cá nhân thân Nga, phát tán tin giả trên mạng xã hội và trên các trang mạng, lựa chọn hỗ trợ các nhóm cổ động viên bóng đá và các băng đảng mô-tô.
Hành động can thiệp của Nga đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Matxcơva và Athene hồi tháng 7/2018.

Hy Lạp đã trục xuất hai nhà ngoại giao Nga vì bị cáo buộc có ý đồ hối lộ các quan chức có ý định ủng hộ phe chống thỏa thuận ngày 17/6.
Hy Lạp còn cấm hai công dân Nga đặt chân vào lãnh thổ Macedonia trong vòng hai năm.
Tỷ phú Hy Lạp gốc Nga, Ivan Savvidis, chủ nhân câu lạc bộ bóng đá Thessalonique, dường như đã chi ra hàng trăm nghìn euro để tài trợ cho phe chống thỏa thuận ở Skopje.

Điện Kremlin phủ nhận mọi sự can thiệp trong chiến dịch chuẩn bị trưng cầu dân ý, nhưng công khai phản đối việc mở rộng khối NATO đến tận Macedonia.
Trả lời phỏng vấn cho trang mạng thông tin Nova Makedonija của Macedonia vào cuối tháng Tám vừa qua, ông Oleg Shcherbak - đại sứ Nga tại Skopje, đã tố cáo phương Tây đã « gây áp lực truyền thông và tâm lý mạnh mẽ » lên cử tri. Ông cảnh báo : Macedonia « nghiễm nhiên trở thành một mục tiêu » trong trường hợp có xung đột giữa Nga và NATO.

Từ nhiều năm qua, Nga đã hoạt động tích cực nhằm ngăn chận ảnh hưởng của phương Tây tại vùng Balkan.
Nhất là, Matxcơva tạo dựng nhiều mối liên hệ với các lãnh đạo Serbia và Cộng hòa Serbia thuộc Bosnia và Herzegovina, và đầu tư xây dựng nhiều cơ sở năng lượng cũng như là truyền thông.

Năm 2017, tại Cộng hòa Montenegro, điện Kremlin đã làm hết sức ủng hộ phe chống việc nước này gia nhập NATO nhưng bất thành.

Phương Tây phản ứng như thế nào ?

Chuyến thăm Skopje của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Jim Mattis, được cho là một sự ủng hộ đối với thủ tướng Zoran Zaev, người ủng hộ thỏa thuận, đồng thời còn gây áp lực với tổng thống Gjorge Ivanov, thân với phe hữu chủ nghĩa dân tộc và công khai phản đối thỏa thuận.

Trước bộ trưởng Mỹ, nhiều lãnh đạo phương Tây khác như thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Federica Mogherini và thủ tướng Áo Sebastian Kurz cũng đã lần lượt đến Skopje để kêu gọi người dân Macedonia nắm lấy « cơ hội lịch sử ».
 Hoa Kỳ đã viện trợ khoảng 750 triệu đô la cho Macedonia từ năm 1991, trong đó có 5 triệu hỗ trợ quân sự.

Switch mode views: