Hồ sơ Rohingya: Các tướng Miến Điện có thể bị toà án quốc tế xử ?
- Thứ Tư, 29 tháng Tám năm 2018 18:41
- Tác Giả: RFI
Tư lệnh quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing (T) trong lần gặp bà Aung San Suu Kyi tại Naypyitaw ngày 02/12/2015.
REUTERS/Soe Zeya Tun
Một năm sau cuộc tấn công của quân đội Miến Điện nhằm vào cộng đồng người thiểu số Hồi Giáo Rohingya, hôm 27/8/2018, Liên Hiệp Quốc kết luận đó là hành động « diệt chủng ».
Các nhà điều tra của tổ chức quốc tế cáo buộc quân đội có ý định tiêu diệt người Rohingya, đồng thời yêu cầu đưa các chỉ huy quân đội Miến Điện ra xét xử trước tòa án quốc tế vì tội « diệt chủng ».
Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc liệt kê một loạt các hành động tàn sát của quân đội Miến Điện nhằm vào người Rohingya ở các bang Shan, Kachin và Arakan.
Đó là các tội ác: Hành quyết thường dân, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá làng mạc và bắt đi mất tích, tra tấn rất nhiều người khác.
Theo Liên Hiệp Quốc, các quân nhân Miến Điện đã phạm phải hàng loạt các tội ác kinh hoàng bị luật pháp quốc tế nghiêm cấm nhằm tiêu diệt cộng đồng thiểu số người Hồi giáo này.
Điều nghiêm trọng, theo báo cáo của tổ chức quốc tế, đó không phải là những hành động đơn lẻ, mà các quân nhân đã hành động theo một kế hoạch có tính toán, đưa ra từ cấp chỉ huy cao nhất và được triển khai theo từng giai đoạn.
Cuộc đàn áp trên quy mô lớn có tổ chức này đã gây ra thảm cảnh cho hơn 700 000 người Rohingya phải chạy lánh nạn sang Bangladesh cách đây đúng một năm.
Cho đến giờ hàng trăm nghìn người Rohingya vẫn đang phải sống leo lắt trong các trại tị nạn tạm bợ bên kia biên giới Bangladesh không biết bao giờ mới có ngày trở về Miến Điện.
Liên Hiệp Quốc, lần đầu tiên nêu đích danh thủ phạm là tổng tư lệnh và 5 tướng lĩnh khác trong quân đội Miến Điện.
Bên cạnh đó, Liên Hiệp Quốc cũng đánh giá cuộc tàn sát trên có sự thông đồng của chính quyền dân sự.
Bà Aung San Su Kyi, giải Nobel Hòa bình, lãnh đạo trên thực tế của chính phủ Miến Điện, nhưng đã không làm gì để ngăn chặn các cuộc thảm sát người Rohingya.
Hôm nay (29/08), chính phủ Miến Điện đã lên tiếng phản bác bản báo cáo điều tra của Liên Hiệp Quốc.
Một ủy ban độc lập chuyên trách hồ sơ Miến Điện yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phải hành động, đồng thời đưa vụ việc ra Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, hoặc thành lập một tòa án đặc biệt để điều tra về tội ác "thanh lọc chủng tộc" nhằm vào người Rohingya.
Tuy nhiên để đưa những quân nhân Miến Điện, chịu trách nhiệm chính trong các vụ thảm sát người Rohingya, ra xét xử, quốc tế cần phải tuân thủ những trình tự luật pháp quốc tế không đơn giản.
AFP đặt ra một số vấn đề xung quanh bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc về hồ sơ người Rohingya.
Đâu là trình tự hợp pháp để có thể mở phiên tòa quốc tế ?
Theo giải thích của AFP, cho đến lúc này, báo cáo của Liên Hiệp Quốc là tài liệu quy kết cụ thể nhất các quan chức Miến Điện phạm các tội ác hãm hiếp, giết người hàng loạt đốt phá làng mạc khiến hơn 700 000 người Rohingya phải chạy sang Bangladesh lánh nạn.
Từng đó tội trạng cũng đủ để đưa ra xét xử ở một tòa án quốc tế.
Giải pháp thứ nhất là đưa ra Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI). Nhưng để Tòa Án La Haye thụ lý hồ sơ thì cần phải được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đề nghị bằng một nghị quyết.
Ngay từ khâu này, người ta đã nhìn thấy trở ngại đầu tiên: Trung Quốc, một trong năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, vẫn đánh giá cuộc khủng hoảng người Rohingya là chuyện nội bộ của Miến Điện, nên chắc là Bắc Kinh sẽ phủ quyết. Nga cũng có thể làm tương tự.
Tuần trước, tướng Min Aung Hlaing vừa đi thăm Nga về.
« Làm thế nào giải quyết vấn đề này ?
Bằng thương lượng và đối thoại », hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã trả lời báo chí như trên về quan điểm của Bắc Kinh xung quanh kết luận của Liên Hiệp Quốc về hồ sơ Rohingya.
Ngoài ra còn có giải pháp lựa chọn nào khác ?
Lựa chọn thứ 2 trong trường hợp ý định đưa hồ sơ lên Tòa Án Hình Sự Quốc Tế CPI bị thất bại do bế tắc ở Hội Đồng Bảo An, đó là có thể thành lập một tòa án quốc tế chuyên biệt cho vụ việc cụ thể, như trường hợp đã làm với các vụ xử tội diệt chủng ở Rwanda và Nam Tư cũ.
Một phương án khác : Hồi tháng Tư vừa qua, bà chưởng lý Tòa CPI Fatou Bénouda, đã bất ngờ đề nghị các thẩm phán liệu họ có chấp thuận mở rộng quyền xét xử đến Miến Điện, cho dù nước này không tham gia Tòa Án Hình Sự Quốc Tế.
Điều này có vẻ khả thi vì thực tế Bangladesh, thành viên của CPI, đồng thời là nước bị liên lụy nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng này.
Nếu các thẩm phán của CPI đồng ý với đề xuất trên, bà chưởng lý của CPI có thể cho mở điều tra sơ khởi từ phía Bangladesh vì nước này là thành viên của CPI.
Điều này có thể dẫn tới việc tòa ra lệnh bắt các nhân vật chịu trách nhiệm của Miến Điện.
Ai có thể bị truy tố ?
Tòa CPI có quyền truy tố các cá nhân nhưng không làm được như vậy đối với các quốc gia ?
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc vừa công bố nêu đích danh 6 sĩ quan cao cấp quân đội Miến Điện, trong đó có tổng tư lệnh, tướng Min Aung Hlaing.
Các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc nêu trách nhiệm của những nhân vật trên trong việc trực tiếp ra lệnh cho các đơn vị thực thi chiến dịch « thanh lọc sắc tộc » tại bang Rakhin, ở tây bắc Miến Điện, nơi khi đó có đa số dân là người Rohingya.
Tuy vậy CPI vẫn bị giới hạn bởi vì Tòa không thể ép buộc Miến Điện hay bất kì nước nào khác phải giao nộp các quan chức phạm tội .
Liên quan đến chính phủ dân sự Miến điện, bà Aung San Suu Kyi có bị liên lụy gì không ?
Rất ít khả năng giải Nobel Hòa Bình, hiện đang thực quyền lãnh đạo chính phủ Miến Điện, bị khởi tố, cho dù trong hồ sơ này, bà liên tục bị quốc tế chỉ trích vì đã không lên tiếng, hành động gì về thảm kịch của người Rohingya.
Thực tế, dù là người đứng đầu chính phủ dân sự Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi không có quyền hành gì đối với các bộ như Quốc Phòng hay Nội Vụ, hai bộ vẫn nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của giới tướng lãnh quân đội.
Tập đoàn quân sự nắm quyền tại Miến Điện qua nhiều thập kỷ dù đã tự giải thể năm 2011, nhưng quân đội vẫn là nhân tố chính trị trọng yếu, đưa ra các quyết định quan trọng nhất là liên quan đến những chiến dịch bình định ở các bang có xung đột sắc tộc.
Nhưng các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh việc bà Aung San Suu Ky đã không sử dụng uy tín, danh tiếng cá nhân có được ở trong nước để ngăn chặn thảm kịch xảy ra.
Chính phủ của bà bị tố cáo đã chối bỏ mọi chuyện, ngăn cản điều tra của Liên Hiệp Quốc và phổ biến các thông tin dối trá.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc có đoạn kết luận :
« Qua cách hành xử và thái độ làm ngơ của mình, chính quyền dân sự đã góp phần vào các tội ác tàn bạo ».
(Tổng hợp từ AFP)
Tin mới
- Duy Ngô Nhĩ: Nghị sĩ Mỹ thúc giục trừng phạt Trung Quốc - 30/08/2018 20:06
- Tổng thống Mỹ thông báo luật sư của Nhà Trắng từ chức - 30/08/2018 16:04
- Đức : Dân nước ngoài lại bị tấn công, cực hữu vẫn biểu tình ở Chemnitz - 30/08/2018 15:29
- Iran thông báo bắt giữ hàng chục « gián điệp » - 30/08/2018 15:21
- FIFA Gate : cựu chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ lĩnh án 9 năm tù - 30/08/2018 14:08
- Bắc Triều Tiên : Tổng thống Trump lại đổ lỗi cho Trung Quốc - 30/08/2018 14:01
- Giám Mục McGrath tại San Jose, California phải đối phó với truyền thông Hoa Kỳ. - 30/08/2018 01:37
- VN chính thức sử dụng đồng nhân dân tệ của TQ ở khu vực biên giới - 30/08/2018 01:16
- Căng thẳng với Bắc Triều Tiên : Mỹ-Hàn Quốc nối lại tập trận - 29/08/2018 21:00
- Miến Điện bác bỏ cáo buộc của Liên Hiệp Quốc về tội «diệt chủng» - 29/08/2018 19:19
Các tin khác
- Nga biểu dương lực lượng với cuộc tập trận « Vostok 2018 » - 29/08/2018 17:52
- Đức: Phe cực hữu lại biểu tình bài ngoại - 29/08/2018 17:13
- Sau McCain, đảng Cộng Hòa sẽ mất nhiều tiếng nói chống Trump - 29/08/2018 16:52
- Brazil điều quân đội tới biên giới giáp Venezuela - 29/08/2018 16:44
- Syria: Hội Đồng Bảo An lo ngại nguy cơ thảm họa tại Idleb - 29/08/2018 16:34
- Bộ trưởng Môi Trường Pháp Nicolas Hulot bất ngờ thông báo từ chức - 28/08/2018 18:46
- Trung Quốc dùng vũ khí du lịch ép đảo Palau ở TBD bỏ Đài Loan - 28/08/2018 18:32
- Tập Cận Bình trấn an về « Một vành đai, một con đường » - 28/08/2018 16:23
- Biểu tình rầm rộ sau vụ một người Đức bị đâm chết - 28/08/2018 16:15
- Tổng thống Rohani, nhân vật bung xung trong cuộc đấu đá chính trị nội bộ Iran - 28/08/2018 16:08