Cúp Bóng Đá Thế Giới: Cơ hội vàng để Nga thoát thế cô lập?
- Thứ Năm, 14 tháng Sáu năm 2018 14:18
- Tác Giả: Thanh Hà
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino (t) và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Đại Hội FIFA lần thứ 68 ở Mátxcơva (Nga), ngày 13/06/2018.
Sputnik/Alexei Nikolsky/Kremlin via REUTERS
Thế Vận Hội Pyeongchang 2018 đã là nhịp cầu để hai miền Nam và Bắc Triều Tiên sưởi ẩm quan hệ, mở đường cho thượng đỉnh lịch sử Singapore giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Nước Nga của Vladimir Putin kỳ vọng cũng sẽ gặt hái được nhiều thành quả ngoại giao ngoạn mục với Cúp Bóng Đá 2018.
Ai cũng biết thành tích của đội tuyển Nga, Sbornaya trên sân cỏ quá khiêm tốn để có thể hy vọng đem về một thắng lợi vẻ vang trên quê hương của huyền thoại Lev Yachine, thủ môn đội tuyển Dimano Matxcơva.
Mục tiêu mà điện Kremlin hướng tới qua việc tổ chức lễ hội bóng đá lần này là đưa nước Nga trở lại vị trí trung tâm trên bản đồ thế giới.
Sau World Cup 2018 liệu sẽ có một thượng đỉnh Donald Trump-Vladimir Putin và liệu rằng phương Tây có giảm bớt lệnh cấm vận với nước Nga ?
Matxcơva có trút bỏ được tai tiếng doping ?
Đành rằng nước Nga của tổng thống Vladimir Putin đã ghi được những bàn thắng quyết định trên mặt trận Syria, mở rộng quan hệ với từ Iran đến Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt là bang giao giữa Matxcơva với Bắc Kinh đang được xem là tốt đẹp hơn bao giờ hết.
Nhưng với Hoa Kỳ, từ sau chiến tranh lạnh, quan hệ song phương trong thời kỳ "băng giá".
Với Liên Hiệp Châu Âu thì việc sáp nhập bán đảo Crimée và can thiệp vào miền đông Ukraina vẫn là cái gai trong bang giao giữa Matxcơva với Bruxelles.
Cũng nước Nga từ 2014 liên tục đối mặt với các đợt trừng phạt kinh tế của Âu, Mỹ.
Từ cuối tháng 3/2018, kênh đối thoại giữa Nga với phương Tây gặp thêm một sự cố sau vụ hai cha con cựu điệp viên Skripal bị đầu độc tại Luân Đôn, Anh Quốc và nhiều nước đồng minh cho rằng điện Kremlin có liên quan đến vụ ám sát hụt này.
Do vậy tổ chức một sự kiện thể thao thu hút hơn 3 tỷ người xem sẽ là cơ hội bằng vàng, để Vladimir Putin đưa ra hình ảnh của một nước Nga vừa năng động, vừa hiếu khách, như ghi nhận của Carole Gomez, chuyên gia thuộc Viện Quan Hệ Chiến Lược IRIS của Pháp về ảnh hưởng của thể thao đối với quan hệ quốc tế.
Chẳng vậy mà điện Kremlin đã không ngần ngại chi ra 680 triệu đô la chỉ để trang bị cho sân vận động ở Saint Petersburg một vòm mái tự động, mở ra đóng vào tùy theo trời mưa hay nắng.
Các trạm xe điện ngầm ở Matxcơva đã được tân trang lại, tên các trạm xe được dịch sang tiếng Anh ...
Với phí tổn lên tới 70 tỷ đô la, Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 đi vào lịch sử như mùa thi đấu tốn kém nhất từ trước tới nay.
Nhưng đó chỉ là một chuyện nhỏ đối với ông Putin. Bởi nguyên thủ Nga muốn chứng minh với công luận trong nước rằng, tổ chức lễ hội lớn nhất của quả bóng tròn là bằng chứng cụ thể cho thấy, chính sách trừng phạt Nga của phương Tây đã thất bại.
Từ năm 2010 khi nước Nga được chọn đăng cai Cúp Bóng Đá Thế Giới cho tới ngày lễ khai mạc hôm nay, hình ảnh của nước Nga trong mắt cộng đồng quốc tế đã xấu đi rõ rệt.
Vì hồ sơ Ukraina nhiều tiếng nói thậm chí đã vận động để Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới rút lại quyền tổ chức World Cup của Nga.
Về mặt đối ngoại, một trí thức Nga phân tích trên tờ báo Sobedednik tại Matxcơva đã nhận định : "Vladimir Putin đang rất cần có được uy tín với quốc tế, và tất cả những gì ông đã làm đều nhằm theo đuổi mục đích ấy".
Chủ nhân điện Kremlin muốn là thế giới phải nể trọng nước Nga như đã từng nể trọng Liên Bang Xô Viết xưa kia, "Người ta có thể không yêu quý nước Nga, nhưng phải nể trọng, phải sợ Nga".
Nhìn từ trung tâm nghiên cứu Carnegie tại Matxcơva, công luận Nga không mấy hy vọng rằng Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 sẽ là chiếc đũa thần, đem lại những "tác động thực sự" cho nước Nga.
Dù vậy, World Cup lần này đáp ứng được một trong số những nhu cầu của chủ nhân điện Kremlin ở vào đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ tư. Mục tiêu đó là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Với ngân sách 70 tỷ đô la cho mùa hội bóng đá 2018 như vừa nói, nước Nga đã trùng tu, xây dựng các sân vận động, hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng tại thủ đô Matxcơva, nâng cấp hệ thống xe lửa ...
Tất cả những động thái đó cho phép Vladimir Putin "để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử", như đánh giá của giáo sư Serguei Medvedev, giảng dậy tại trường Cao Đẳng Kinh Tế Matxcơva.
Tin mới
- Thuyền nhân : Lãnh đạo Pháp-Ý gặp nhau tìm giải pháp - 15/06/2018 19:03
- Paris : Nhà tắm công cộng, từ quên lãng tới thành công - 15/06/2018 18:53
- Mỹ trấn an Nam Hàn và Nhật sau thượng đỉnh Singapore - 15/06/2018 01:15
- Bắt 62 di dân lậu trong căn nhà 2 phòng ở Texas - 15/06/2018 01:07
- Ngoại trưởng Mỹ Pompeo khẳng định: Kim Jong Un phải "phi hạt nhân hóa" - 14/06/2018 22:03
- Cuba: Đối lập Cuba kêu gọi cải cách đa đảng - 14/06/2018 21:52
- Donald Trump chuẩn bị áp thuế lên 1.300 mặt hàng Trung Quốc - 14/06/2018 21:45
- Nicaragua tổng đình công, Hội Đồng Giám Mục tổ chức đối thoại - 14/06/2018 21:32
- Hoa Kỳ có còn là siêu cường ? - 14/06/2018 20:47
- Bạo lực ở Gaza: Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lên án Israel - 14/06/2018 14:41
Các tin khác
- Trung Quốc nhanh chóng kêu gọi giảm nhẹ cấm vận Bắc Triều Tiên - 13/06/2018 20:17
- Philippines: Tổng thống Duterte bị lên án « phản bội đất nước » - 13/06/2018 19:22
- Bê bối tình dục : « Tảng băng chìm » tại các tổ chức nhân đạo - 13/06/2018 19:04
- Trump bỏ tập trận Mỹ-Hàn: Tokyo lo ngại, Bắc Kinh hớn hở - 13/06/2018 16:50
- Hội nghị Singapore: Bình Nhưỡng và Washington tự đề cao chiến thắng - 13/06/2018 16:36
- Mỹ thành lập văn phòng chuyên điều tra các vụ gian lận để có quốc tịch - 13/06/2018 02:43
- Việt Nam : Luật An ninh mạng khiến ‘‘An toàn mạng" quốc gia lâm nguy - 13/06/2018 01:51
- Kim Jong Un thắng trận đầu trong chiến lược hội nhập quốc tế - 12/06/2018 22:16
- Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Nhật Bản thất vọng - 12/06/2018 21:34
- Người Hàn Quốc rất hy vọng vào thượng đỉnh Mỹ-Triều - 12/06/2018 21:25