Kim Jong Un thắng trận đầu trong chiến lược hội nhập quốc tế
- Thứ Ba, 12 tháng Sáu năm 2018 22:16
- Tác Giả: Tú Anh
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (T) và tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại khách sạn Capella, đảo Sentosa, ngày 12/06/2018.
Kevin Lim/The Straits Times via REUTERS
Với cú bắt tay lịch sử với tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore ngày 12/06/2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã thực hiện được bước thứ nhất trong tham vọng của ông nội Kim Nhật Thành : nước Cộng Hoà Nhân Dân Triều Tiên, được thế giới công nhận như là một thành viên thực thụ, 70 năm sau ngày thành lập.
Từ một chế độ bị xem là « côn đồ », giới lãnh đạo bị nước ngoài trêu chọc, Bắc Triều Tiên tuy chưa trở thành một nước được nể trọng, nhưng ít ra đã được xem là « có thể giao thiệp được ».
Được tổng thống siêu cường số một bắt tay, hội kiến ngang hàng trong suốt buổi sáng thứ Sáu 12/06/2018 tại Singapore và khen ngợi là một người thông minh, Kim Jong Un từ nay là một nhà lãnh đạo « đáng quý ».
Để được kết quả này, Bắc Triều Tiên nhờ vào công lao của hai người.
Theo phân tích của nhà báo Pháp Philippe Pons (Le Monde 12/06/2018), trước tiên là tham vọng của Kim Nhật Thành, ước mơ trang bị vũ khí hạt nhân để bảo vệ chủ quyền và sự sinh tồn của chế độ chính trị.
Giấc mơ này vừa được cháu nội Kim Jong Un thực hiện : với khả năng chế tạo bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Bắc Triều Tiên được Mỹ xem là đáng gờm.
Vào năm 2011, mới 27 tuổi, Kim Jong Un lên thay cha là Kim Jong Il từ trần vì bạo bệnh.
Thay vì chấp nhận số phận bù nhìn trong bàn tay của một nhiếp chính vương, « ấu chúa » Kim Jong Un, học trung học tại Thụy Sĩ và trường Võ bị Kim Nhật Thành, nhanh chóng tỏ ra là một người sắt thép, thô bạo : thanh trừng hàng ngũ tướng lãnh, giết chú dượng và anh trai bị nghi là « nội gián » cho Trung Quốc.
Nắm cả quân đội lẫn đảng Lao động trong tay, Kim tập trung vào hai mặt trận : kinh tế và vũ khí hạt nhân.
Thoát ngõ cụt…
Sự kiện Bình Nhưỡng nhẫn nhịn để được Washington chấp nhận thương lượng, theo đề nghị « đánh đổi hạt nhân với bỏ cấm vận kinh tế » chứng tỏ Kim Jong Un đủ tự tin để mở mặt trận thứ ba : mặt trận ngoại giao.
Do vậy, thái độ cởi mở của Bắc Triều Tiên từ đầu năm nay, mà dấu ấn đầu tiên là thông điệp đầu năm dương lịch, tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông, ngưng thử vũ khí, gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hai lần, không phải là những quyết định ngẫu hứng hay do nhu cầu tình thế.
Trong các cuộc diện kiến với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, lãnh đạo Kim Jong Un đã hoàn toàn thay đổi phong cách.
Vóc dáng của một bạo chúa máu lạnh đã biến mất, thay vào đó là hình ảnh một người vui vẻ, lịch thiệp trò chuyện và biết mình muốn gì và hướng đến đâu.
Cho đến giờ phút này, mặt trận ngoại giao của Bắc Triều Tiên được ba yếu tố thuận lợi : tiến bộ về hạt nhân, tên lửa, chủ trương đối thoại của tổng thống Hàn Quốc và nhất là cả Bình Nhưỡng và Seoul đều ý thức nguy cơ chiến tranh toàn diện, nếu Donald Trump đánh thật.
Tuy nhiên, đối với Kim Jong Un, hoà giải được với Mỹ cũng hàm chứa nhiều bất trắc đe dọa chế độ.
Chắc chắn là Kim cũng tiên liệu một số hiểm nguy này : các đợt thanh trừng hàng ngũ chứng tỏ có đối kháng từ bên trong chế độ.
Nguy hiểm thứ hai, đến từ nhân dân Bắc Triều Tiên : từ thập niên 1950 đến nay, Bình Nhưỡng sử dụng mối đe dọa của Mỹ để biện minh cho chính sách cô lập, tước đoạt các quyền tự do, dân chủ.
… chuẩn bị vào ngõ quanh
Với chiến thắng ngoại giao, mối đe dọa từ ngoài không còn nữa, triều đại họ Kim phải tìm một « tính chính đáng mới » trong bối cảnh người dân, sau nhiều thập niên thiếu đói, đang trông chờ những thay đổi thấy được trong cuộc sống.
Để được danh hiệu cường quốc đúng nghĩa, bên cạnh sức mạnh quân sự, Bắc Triều Tiên cần phục hưng kinh tế và buộc phải mở cửa.
Theo phân tích của nhà báo Philippe Pons, giai đoạn chuyển tiếp sẽ làm cho chế độ khép kín mất đi vũ khí lợi hại nhất : đó là bịt mắt dân chúng không cho tiếp cận với thực tế của thế giới bên ngoài.
Chuyển tiếp theo mô hình Trung Quốc, nới lỏng từ từ và có kiểm soát, sẽ là « trận đánh thứ hai » của Kim Jong Un.
Được Mỹ bảo đảm an toàn, nhưng trận chiến sắp tới sẽ gay go hơn nhiều vì đối tác, nếu không khéo sẽ trở thành đối thủ, không phải là một tổng thống Mỹ, mà chính là người dân Bắc Triều Tiên. Một ngõ quanh đang chờ Kim chủ tịch.
Tin mới
- Hoa Kỳ có còn là siêu cường ? - 14/06/2018 20:47
- Bạo lực ở Gaza: Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lên án Israel - 14/06/2018 14:41
- Cúp Bóng Đá Thế Giới: Cơ hội vàng để Nga thoát thế cô lập? - 14/06/2018 14:18
- Trung Quốc nhanh chóng kêu gọi giảm nhẹ cấm vận Bắc Triều Tiên - 13/06/2018 20:17
- Philippines: Tổng thống Duterte bị lên án « phản bội đất nước » - 13/06/2018 19:22
- Bê bối tình dục : « Tảng băng chìm » tại các tổ chức nhân đạo - 13/06/2018 19:04
- Trump bỏ tập trận Mỹ-Hàn: Tokyo lo ngại, Bắc Kinh hớn hở - 13/06/2018 16:50
- Hội nghị Singapore: Bình Nhưỡng và Washington tự đề cao chiến thắng - 13/06/2018 16:36
- Mỹ thành lập văn phòng chuyên điều tra các vụ gian lận để có quốc tịch - 13/06/2018 02:43
- Việt Nam : Luật An ninh mạng khiến ‘‘An toàn mạng" quốc gia lâm nguy - 13/06/2018 01:51
Các tin khác
- Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Nhật Bản thất vọng - 12/06/2018 21:34
- Người Hàn Quốc rất hy vọng vào thượng đỉnh Mỹ-Triều - 12/06/2018 21:25
- Dư luận Trung Quốc mong muốn thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công - 12/06/2018 20:50
- Đặc khu ở Campuchia: Bị biến thành Trung Quốc thu nhỏ - 12/06/2018 16:10
- Toàn văn thỏa thuận "thế kỷ" Kim Jong-un ký với Trump ở Singapore - 12/06/2018 15:39
- TT Trump hứa ‘bảo đảm an ninh’ cho Bắc Hàn sau thượng đỉnh - 12/06/2018 14:02
- Tập Cận Bình đã ''đẩy'' Kim Jong Un vào ''vòng tay'' Donald Trump - 12/06/2018 13:44
- Phi hạt nhân hóa Triều Tiên : Những cơ hội bị bỏ lỡ - 12/06/2018 13:36
- Lo sợ bị trả thù, nhiều luật sư chuyên về ly dị ở Mỹ phải mang súng - 12/06/2018 01:29
- Truyền thông Bắc Triều Tiên rầm rộ loan tin về thượng đỉnh Trump-Kim - 11/06/2018 22:38