Mỹ cấm vận vũ khí Nga: Đồng minh và đối tác châu Á bị vạ lây
- Thứ Tư, 25 tháng Tư năm 2018 16:58
- Tác Giả: Mai Vân
Tổ hợp tên lửa S-400 của Nga. Ảnh minh họa.
CC/Vitaly V. Kuzmin
Vào tháng 8 năm 2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một đạo luật (Luật CAATSA -
Chống lại những đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt), quy định rằng bất kỳ một quốc gia nào giao dịch với Nga trong lãnh vực quốc phòng, tình báo đều có thể bị Mỹ trừng phạt.
Khái niệm lãnh vực quốc phòng bao hàm cả những giao dịch mua bán vũ khí.
Đạo luật của Mỹ nhằm trừng phạt tổng thống Nga Vladimir Putin về các hành động sáp nhập Crimée, can thiệp vào cuộc chiến Syria và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Thế nhưng, theo nhận định của nhiều chuyên gia, được hãng tin Anh Reuters ngày 24/04/2018 trích dẫn, thì quyết định của Mỹ đã bất ngờ tác hại đến nhiều đồng minh hay đối tác của Mỹ, đặc biệt là tại châu Á, vốn là khách hàng mua vũ khí và trang thiết bị quân sự của Nga, nước xuất khẩu vũ khí thứ nhì thế giới.
Ví dụ điển hình của nghịch lý vừa nêu là trường hợp của Ấn Độ. Nước này đã phải đình hoãn thương vụ mua vũ khí của Nga trị giá 6 tỷ đô la.
Bên cạnh đó, Indonesia và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Cụ thể, Ấn Độ hiện đang muốn mua 5 hệ thống hỏa tiễn địa đối không tầm xa S-400 của Nga, để quân đội Ấn Độ có thể ngăn chặn hỏa tiễn đạn đạo và chiến đấu cơ tàng hình mà Trung Quốc đang phát triển, đồng thời giúp Ấn Độ chiếm được thế thượng phong, áp đảo được Pakistan, một đối thủ đáng gờm khác của New Delhi.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của hai quan chức tại New Delhi với hãng Reuters, thỏa thuận về S-400 mà tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký cùng với một loạt thỏa thuận liên chính phủ khác vào năm 2016, vấp phải đạo luật của Mỹ trừng phạt Nga.
Không riêng gì Ấn Độ, hai bạn hàng khác của vũ khí Nga là Indonesia và Việt Nam, đồng thời cũng là đối tác của Mỹ, cũng bị tác động.
Jakarta vừa qua đã đúc kết một thỏa thuận trị giá 1,14 tỷ đô la để mua chiến đấu cơ Sukhoi, trong lúc Việt Nam thì đang tìm mua thêm chiến đấu-oạnh tạc cơ của Nga.
Do việc cả hai tập đoàn Almaz-Antey Air And Space Defense Corporation, chế tạo S-400, cùng với Rosoboronexport, chuyên trách xuất khẩu vũ khí của Nhà nước Nga, đều bị đưa vào danh sách đen của Mỹ, những vụ mua bán này đã trở nên rắc rối hơn.
Ông Abhijnan Rej, một chuyên gia về chiến lược quốc phòng thuộc quỹ nghiên cứu Observer Research Foundation tại New Delhi đã nhận định như sau về tình thế tiến thoái lưỡng nan của Ấn Độ:
“Các nước phương Tây thường “khó chịu” khi thấy các thương vụ vũ khí quan trọng với Nga, nhất là trong bối cảnh quan hệ Nga-phương Tây đang ở mức rất thấp. Trong lúc đó Ấn Độ lại đang tìm kiếm sự hội tụ chiến lược với phương Tây, kể cả với Mỹ”.
Chiến dịch oanh kích vào Syria do Mỹ dẫn đầu vào đầu tháng Tư này lại càng làm gia tăng căng thẳng giữa hai cường quốc Nga và Mỹ.
Trong tình hình đó, một nguồn tin Nga biết rõ về thỏa thuận bán hỏa tiễn S-400 cho Ấn Độ đã cho rằng “phần lớn sẽ tùy thuộc vào sự tự tin và sáng suốt của New Delhi”.
Tác động của đạo luật Mỹ sâu rộng hơn dự kiến
Theo bà Cara Abercrombie thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa Bình Quốc Tế (Carnegie Endowment for International Peace), tác động của đạo luật Mỹ sâu rộng hơn là dự kiến.
Việt Nam, nơi mà Không Quân hiện sử dụng chiến đấu cơ Su-30 và hệ thống phòng không S-300, đang muốn tiếp tục hiện đại hóa trang thiết bị của mình.
Theo giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc, một chuyên gia về quân đội Việt Nam, thì ông tin là Nga vẫn tiếp tục thúc đẩy Hà Nội đầu tư vào hỏa tiễn S-400 trong kế hoạch quân sự dài hạn, và đang thúc giục Việt Nam ký kết những thỏa thuận quan trọng.
Một dấu hiệu mà giáo sư Thayer nêu lên là sự kiện bộ trưởng quốc phòng hai bên đã thăm viếng nhau trong năm nay.
Nhưng với việc Mỹ đang vận đông ráo riết để cổ vũ cho việc mua thiết bị của Mỹ, và với biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với cơ quan xuất khẩu vũ khí của Nga, thì kế hoạch của Việt Nam sẽ phải trả giá rất đắt.
Trong lúc đó thì Indonesia cho biết là việc Nga giao 2 chiến đấu cơ Su-35 đầu tiên trên số 11 chiếc đã đặt mua vẫn sẽ diễn ra trong năm nay.
Các quan chức Indonesia khẳng định là trước mắt họ không dự kiến thay đổi gì trong thỏa thuận với Nga.
Một vấn đề gai góc
Câu hỏi đặt ra là làm sao để khỏi bị tác động của luật Mỹ.
Khi được hỏi, các quan chức quốc phòng Indonesia đã từ chối trả lời.
Còn về phía Ấn Độ, theo một quan chức chính phủ, ngoại trưởng Vijay Gokhale và bộ trưởng Quốc Phòng Sanjay Mitra đã qua Washington tháng Ba vừa qua để bàn thảo với chính quyền Mỹ về các giải pháp.
Theo quan chức này, đối với Ấn Độ vấn đề rất quan trọng, vì nếu không được Nga giúp đỡ bảo trì hay cung cấp phụ tùng, thì “tàu của chúng tôi sẽ không ra khơi được, máy bay cũng chẳng cất cánh được.
Và nếu cứ như vậy, chúng tôi sẽ không thể đảm trách vai trò an ninh khu vực như Mỹ muốn chúng tôi gánh vác”.
Theo ông Atman Trivedi, tổng giám đốc công ty Hills & Company, tại Washington, chuyên tư vấn về ngoại thương và đầu tư, thì có một cách để tránh bị trừng phạt thêm là phải làm sao để Mỹ công nhận rằng Ấn Độ đang giảm sự lệ thuộc vào vũ khí Nga.
Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Stockholm (SIPRI) , trong 5 năm gần đây, tỷ lệ vũ khí, thiết bị quân sự Nga chỉ còn là chiếm 62% trong tổng số vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ, so với 79% trong giai đoạn 2008-2012.
Một cách khác là thúc đẩy chính phủ Mỹ ra tuyên bố rằng trừng phạt Ấn Độ, một đối tác quốc phòng lớn, sẽ tác động xấu đến lợi ích an ninh quốc gia Mỹ, cho nên Mỹ có thể “miễn trừ” việc áp dụng luật này đối với Ấn Độ, để New Delhi tiếp tục giao dịch với Nga.
Mỹ hiện là nguồn cung vũ khí số 2 cho Ấn Độ, với số hợp đồng trị giá gần 15 tỉ đô la trong 10 năm qua.
Hiện hai tập đoàn Lockheed Martin và Boeing đang cố giành quyền bán loại chiến đấu-oanh tạc cơ mới cho Ấn Độ.
Theo ông Benjamin Schwartz, trưởng bộ phận không gian-quốc phòng ở Hội Đồng Thương Mại Ấn-Mỹ, “Mục tiêu của luật trừng phạt không hề là phá vỡ quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn, một quan hệ mà Quốc Hội Mỹ cũng liên tục thừa nhận là một ưu tiên chiến lược của Hoa Kỳ”.
Đối với bà Cara Abercrombie, nếu miễn trừ cho Ấn Độ, thì Quốc Hội Mỹ có lẽ cũng nên làm như thế đối với các nước khác như Indonesia và Việt Nam, những quốc gia mà Mỹ đang cố thiết lập các quan hệ quốc phòng mới và quan trọng về chiến lược.
Tin mới
- Pháp-Đức hợp tác sản xuất hệ thống không chiến tương lai - 26/04/2018 19:18
- Thổ Nhĩ Kỳ : 14 nhà báo bị kết án tù vì tội « trợ giúp khủng bố » - 26/04/2018 14:42
- Cộng Hòa Séc muốn dời sứ quán về Jerusalem - 26/04/2018 14:35
- Mỹ đón Tổng Thống Pháp theo nghi thức cao nhất. - 25/04/2018 21:53
- Bakersfield của California đứng đầu danh sách ‘cực kỳ nghèo khổ’ - 25/04/2018 19:10
- Thuyết phục Donald Trump : Thử thách cam go đối với tổng thống Pháp - 25/04/2018 19:00
- RSF: 21 nước đàn áp báo chí nghiêm trọng - 25/04/2018 18:19
- « Hận thù giới làm báo », củi khô đốt nền dân chủ - 25/04/2018 18:11
- Thượng Viện Canada ra nghị quyết lên án Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông - 25/04/2018 18:01
- Tổng thống Mỹ: Bình Nhưỡng phải giải trừ vũ khí hạt nhân - 25/04/2018 17:06
Các tin khác
- Dân Armenia lại biểu tình theo lời kêu gọi của thủ lãnh đối lập - 25/04/2018 16:48
- Pháp : Hội nghị quốc tế nhằm triệt nguồn tài chính của Daech và Al Qaida - 25/04/2018 16:39
- Sứ quán Philippines liều mình giải cứu đồng bào tại Koweit - 25/04/2018 16:29
- Xử lý rác thải hạt nhân : Câu hỏi đã có lời giải đáp ? - 25/04/2018 16:08
- Đi Pháp, mang về Mỹ trái táo, bị quan thuế phạt $500 - 25/04/2018 02:20
- Silicon Valley University bị đóng cửa vì là ‘lò bán văn bằng’ - 25/04/2018 02:11
- Nghi phạm giết người bằng xe tải ở Toronto ra tòa - 24/04/2018 21:04
- Xe buýt rớt cầu ở Bắc Hàn, 32 người Trung Quốc thiệt mạng - 24/04/2018 20:36
- Bình Nhưỡng đồng ý cho truyền hình trực tiếp một phần hội nghị thượng đỉnh - 24/04/2018 20:27
- Macron và Trump có ổn định được vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương ? - 24/04/2018 16:06