Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Iran chờ đợi các nhà đầu tư nước ngoài sau khi bỏ cấm vận

iran-dautu

Hồ sơ hạt nhân được khai thông đang mở ra nhiều cơ hội cho Iran cũng như các nhà đầu tư ngoại quốc.

Iran và các cường quốc cuối cùng đã đạt được thỏa thuận lịch sử để khép lại 12 năm căng thẳng trên hồ sơ hạt nhân, một thỏa hiệp không chỉ mở ra một chương mới trong qua hệ quốc tế mà còn tạo ra những cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Iran sau khi các trừng phạt kinh tế với nước này được gỡ bỏ.

Iran, đất nước rộng lớn với 78 tiệu dân có nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào đang hy vọng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ xô đến làm ăn ngay sau khi lệnh cấm vận quốc tế được gỡ bỏ theo như tinh thần nội dung của thỏa thuận ký hôm 14/7 vừa rồi.

Sau những đánh giá cao về mặt thành công chính trị là những tiếng nói hồ hởi hy vọng vào những hệ quả kinh tế mà thỏa thuận hạt nhân này sẽ mang lại trong thời gian tới.
Phát ngôn viên bộ Kinh tế Đức, hôm qua (15/7) đã ngỏ ý rằng việc bình thường hóa quan hệ với Iran sẽ đem lại lợi ích kinh tế lớn cho nước Đức.

 Phó Thủ tướng và bộ trưởng kinh tế Đức đã cho biết sẽ đến Iran trong thời gian tới. Ngay trong tuần tới, một đoàn doanh nhân nước Đức sẽ có mặt ở Teheran để tìm kiếm cơ hội làm ăn.
Ngoại trưởng Pháp, Laurent Fabius ngay sau khi thỏa thuận được ký cũng thông báo sẽ tới Iran trong thời gian gần nhất.

Các công ty Pháp, đặc biệt trong ngành chế tạo xe hơi, đã cắm chân ở Iran từ nhiều năm nay nhưng bị các trừng phạt quốc tế đối với Iran trói buộc không làm ăn được gì nay đang rất phấn khởi.

Về phần mình, bộ trưởng Phát triển kinh tế Ý, bà Federica Guidi cũng đã thông báo sẵn sàng dẫn đầu một phái đoàn thương mại đến Teheran ngay trong tuần tới.

Theo thỏa thuận hạt nhân Iran vừa ký tại Vienna, các lệnh trừng phạt kinh tế sẽ dần dần được gỡ bỏ đổi lại với việc Teheran cam kết giới hạn tham vọng hạt nhân trong khuôn khổ dân sự.

Giới chuyên gia phân tích đã nhìn thấy ngay sau khi ký thỏa thuận những cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp ngoại quốc, đặc biệt là những công ty đã có mặt tại nước này.
Trong số đó có không ít các tập đoàn lớn của Pháp như : Danone, Airbus, LVMH hay PSA. Nhà chế tạo xe hơi của Pháp PSA Peugeot Citroen cũng như Renaul đang hối hả chuẩn bị trở lại thị trường chiến lược Iran sau thỏa thuận Vienna.

Tại nước Đức, viễn ảnh của việc gỡ bỏ trừng phạt kinh tế đối với Iran cũng đang được các nhà công nghiệp đón đợi tích cực.
Hiệp hội công nghiệp Đức BDI tin tưởng xuất khẩu của Đức sang Iran trong vài năm tới sẽ tăng lên con số 10 tỷ euro thay vì 2,4 tỷ trong năm 2014, chủ yếu nhờ vào nhu cầu hiện đại hóa công nghiệp của Iran, nhất là trong công nghiệp dầu mỏ.

Theo BDI, sẽ có « nhiều cơ hội » cho các doanh nghiệp Đức, đặc biệt trong các lĩnh vực máy công cụ, chế tạo xe hơi và hóa chất.
Hiệp hội các nhà chế tạo máy công cụ Đức đã đưa ra ước tính thị trường máy công cụ Iran sẽ khoảng 8 tỷ euro.

Còn bà Bộ trưởng Ý Federica Guidi thì nhắc lại « Ý đã từng là đối tác thương mại hàng đầu với Iran trước khi có lệnh cấm vận quốc tế.
Bà cũng hy vọng đất nước của bà sẽ trở lại vị trí này.

Trước khi quốc tế trừng phạt Iran, xuất khẩu của Ý sang Iran đạt con số 1,5 tỷ euro. Con số này có thể sẽ đạt mức 4 tỷ euro vào năm 2018.
Bị cấm vận trong một thập kỷ qua, lĩnh vực dầu mỏ của Iran đã trở nên cũ kỹ lạc hậu đang cần được nâng cấp đầu tư lớn.
Hiện tại Iran có trữ lượng dầu mỏ lớn hàng thứ tư thế giới.

Tuy nhiên từ năm 2012, sản xuất dầu của nước này đã giảm xuống dưới 3 triệu thùng mỗi ngày, xuất khẩu dầu mỏ cũng giảm xuống một nửa, khoảng 1,3 triệu thùng mỗi ngày thay vì 2,5 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2011.

Về khí đốt, Iran có trữ lượng hàng đầu thế giới và năm ngoái nước này chiếm vị trí thứ tư về sản lượng khí tự nhiên.
Bộ trưởng Dầu mỏ của Iran, Bijan Zanganeh cho biết ưu tiên hiện tại của Iran là phát triển lĩnh vực dầu khí bằng cách huy động tiềm năng của cả trong và ngoài nước.

Tuy nhiên đến lúc này các nhà đầu tư lớn vẫn chờ đợi Iran được kết nối trở lại với mạng lưới tài chính quốc tế.
Hiện tại do lệnh cấm các doanh nghiệp hoạt động tại Iran vẫn không được phép trực tiếp thanh toán hay chuyển vốn vào nước này.

Theo ghi nhận của văn phòng pháp lý của trung tâm tài chính City tại Luân Đôn, « Vấn đề lớn là đợi xem hệ thống ngân hàng phương tây có cho phép các khách hàng của họ làm ăn với Iran hay không ».

 Một khi các điều khoản cấm vận liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng được tháo gỡ thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ùn ùn đổ vào đất nước này.

Switch mode views: