Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-01-2020

Thỏa thuận hạt nhân Iran bị không kích của Mỹ ở Irak phá tan

iraq usa attacks

 

 

Teheran mất viên tướng Soleimani, Iran được hay thua trong cuộc đọ sức với Mỹ ? WANA (West Asia News Agency)/Nazanin Tabatabaee via REUTERS



Cuộc đối đầu giữa các công đoàn và chính phủ Pháp trên vấn đề cải tổ hưu bổng cùng với nguy cơ thùng thuốc súng Trung Đông bùng nổ sau vụ tên lửa Mỹ tiêu diệt một viên tướng Iran tại Irak là hai đề tài thời sự chia nhau trang nhất các tờ báo Pháp ra ngày 06/01/2020.

Trong lúc các tờ Le Figaro, La Croix, Libération và Les Echos dành tựa lớn cho chủ đề Pháp, thì Le Monde nhấn mạnh đến việc “Iran cam đoan sẽ trả đũa Hoa Kỳ”.


Không hẹn mà gặp, cả Le Monde lẫn Le Figaro đều thấy rằng một trong những nạn nhân của cuộc không kích của Mỹ đã hạ sát tướng Iran Soleimani, chính là Hiệp Định Hạt Nhân Iran JCPOA.

Vụ Soleimani : Phát súng ân huệ cho JCPOA

Trong bài xã luận mang tựa đề “Hiệp định hạt nhân Iran, nạn nhân bị vạ lây của các chiến dịch không kích Mỹ”, Le Monde nhận định :
 “Khi ám sát tướng Iran Qassem Soleimani, Hoa Kỳ có lẽ đã bắn phát súng ân huệ vào thỏa thuận hạt nhân năm 2015, mà chính tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ khước vào năm 2018, nhưng vẫn đóng vai trò là khuôn khổ đối thoại giữa Iran với châu Âu”.

Theo tờ báo uy tín hàng đầu tại Pháp này, hệ quả của vụ Mỹ tiến hành cuộc không kích để tiêu diệt viên tướng quan trọng nhất của Iran hôm 03/01 vừa qua gần Bagdad, sẽ rất nhiều và sâu rộng.

Điểm đáng nói là dù không liên can gì đến chiến dịch của Mỹ, nhưng các nước châu Âu lại bị tác hại nặng nề vì lẽ các nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân đa phương năm 2015 với Iran giờ đây đã tan thành mây khói.

Le Monde nhắc lại vào năm 2018, sau khi Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận với Iran, ba nước châu Âu là Pháp, Anh và Đức đã cố lôi kéo các thành phần sẵn sàng đối thoại trong chính quyền Teheran với hy vọng duy trì được thỏa thuận này ít ra là cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm 2020.

Thế nhưng với vụ Mỹ không kích tiêu diệt tướng Soleimani, rõ ràng là các đối tác ôn hòa của châu Âu tại Iran khó có thể thuyết phục được các thành phần cứng rắn của chế độ Hồi Giáo đồng ý đối thoại.

Theo Le Monde, dù không hoàn hảo, thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 cũng đã tồn tại và tạo ra một không gian để đàm phán tiếp tục.
Không gian đó đã đóng lại hôm thứ Sáu 03/01 vừa qua trên xác bốc khói của chiếc xe chở viên tướng Iran đến Bagdad.
Điều còn lại, đối với Le Monde, sẽ không phải là ngoại giao kiểu châu Âu, hay chiến lược “áp lực tối đa” hoặc trừng phạt, mà chỉ có tình trạng đối đầu.

Cái chết được loan báo của ngoại giao hạt nhân

Cũng một suy nghĩ như Le Monde, tờ Le Figaro cũng thấy rằng chiến dịch tiêu diệt tướng Soleimani là : “Sự cáo chung được loan báo của nền ngoại giao hạt nhân”.

Theo Le Figaro, số phận của các nỗ lực ngoại giao hạt nhân mà châu Âu cố gắng đeo đuổi trong thời gian qua như một sợi chỉ mành treo chuông.
Vụ ám sát tướng Soleimani vừa qua đã cắt đứt sợi chỉ này, phá tan những cơ may còn sót lại về khả năng cứu vãn được thỏa thuận năm 2015 gọi theo tên tắt tiếng Anh là JCPOA.

Đối với Le Figaro, phải công nhận rằng các nỗ lực ngoại giao tiến hành từ sau khi Mỹ xé bỏ thỏa thuận JCPOA đều không có nhiều kết quả, và cái chết của tướng Soleimani chỉ làm cho tiến trình tan biến của thỏa thuận nhanh thêm mà thôi.

Hậu quả kèm theo là khả năng Iran tiến gần hơn đến giai đoạn sở hữu bom hạt nhân. Nếu một cộng hòa Hồi Giáo Shia là Iran có được bom nguyên tử, điều đó chắc chắn sẽ kích động cuộc đuổi bắt để có vũ khi hạt nhân từ phía các cường quốc Hồi Giáo khác, nhưng theo hệ phái Sunni, như Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, hay Ai Cập.

Trump đã châm ngòi cho thùng thuốc súng Trung Đông?

Ngoài các phân tích liên quan đến thỏa thuận hạt nhân 2015, các báo dĩ nhiên đều bày tỏ mối quan ngại trước nguy cơ thùng thuốc súng Trung Đông bùng nổ do căng thẳng Mỹ-Iran.

Tờ báo cảnh báo về nguy hiểm cận kề là nhật báo kinh tế Les Ẹchos, đã không ngần ngại cho rằng : “Trong lịch sử, chiến tranh thường là kết quả của những sự cố hoặc của những quyết định phi lý. Không có gì chắc chắn rằng tổng thống Mỹ Trump sẽ tránh không tạo ra những điều này.”
Mối lo ngại về khả năng ông Trump biến thành người châm ngòi nổ cũng được các báo khác nêu lên.

Le Figaro chẳng hạn ghi nhận : “Theo một số nguồn tin nặc danh được hai tờ báo Mỹ New York Times và Washington Post trích dẫn, tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã một mình, hay gần như là một mình, ra lệnh tiêu diệt tướng Soleimani vào tối thứ Năm (02/01) khi ông còn ở trong tư dinh Mar-a-Lago tại Florida”.

Các cộng tác viên đã đề xuất với tổng thống Mỹ một loạt phương án nhằm đáp trả các hành động hiếu chiến của Iran, và ông đã chọn “phương án cực đoan nhất, nguy hiểm nhất đối với thế cân bằng khu vực, và không cân xứng nhất so với các hành vi thù địch mà Iran thực hiện ngay trước đó : một cuộc pháo kích đã giết chết một nhân viên dân sự Mỹ ngày 27/12/2019 gần Kirkuk, miền bắc Irak, và sau đó là cuộc tấn công dữ dội nhưng không thành của dân quân Shia thân Iran vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad ngày 31/12.”

Riêng Libération phân tích : “Bị vụ luận tội tại Mỹ làm mất ổn định, ông Trump muốn xóa tan những mối nghi ngờ về thẩm quyền của mình, hoặc về sự uy lực của nước Mỹ”.
Tuy nhiên, tờ báo lưu ý: “Đảng Cộng Hòa có thể từ chối đi theo Trump trên con đường chiến tranh. Chỉ có 18% dân chúng, theo một cuộc thăm dò của viện Gallup vào tháng 7 năm ngoái là ủng hộ một cuộc tấn công quân sự chống Iran. Lần này, quyết định bốc đồng, sự thiếu nhất quán về chiến lược của tổng thống Mỹ có thể gây nên phản đối trong chính phe của ông.”

Đối với Libération : “Cuộc khủng hoảng mà ông Trump vừa gây ra khiến cho nhu cầu về một người trưởng thành hơn trong Nhà Trắng càng trở nên rõ ràng hơn.”

Khủng hoảng hưu tại Pháp: Ánh sáng cuối đường hầm?

Cũng trên trang nhất báo Pháp hôm nay là cuộc đấu về hưu bổng giữa chính quyền và các công đoàn tại Pháp, với một tuần lễ được cho là then chốt bắt đầu được mở ra.


Trang nhất Libération chạy tựa lớn “Trận đánh cuối cùng”, ghi nhận rằng trong cuộc đọ sức giữa chính phủ và giới đình công tại Pháp, tuần lễ đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Dương Lịch mở ra vào hôm nay được dự báo là sẽ mang tính quyết định.

Libération lưu ý : “Sau 33 ngày huy động lực lượng, tuần lễ đang mở ra sẽ có ý nghĩa quyết định đối với cả các công đoàn lẫn chính phủ, với các cuộc họp vào ngày mai thứ Ba, các cuộc biểu tình vào thứ Năm và thứ Bảy...
Bên nào cũng tuyên bố quyết tâm, nhưng chính phủ có thể sẽ nhượng bộ trên vấn đề tuổi bản lề.”

Theo báo Le Figaro : “Chủ đề gây tức giận, tuổi bản lề, sẽ không được chính thức đưa lên bàn thảo luận vào ngày mai thứ Ba”.
Nhưng phía công đoàn CFDT khẳng định rằng đề tài đó “sẽ được thảo luận một cách không chính thức”.

Theo Le Figaro, chính phủ muốn duy trì nguyên tắc về tuổi bản lề - đây là vấn đề giữ thể diện - nhưng sẽ sẵn sàng rút ruột khái niệm này bằng cách chấp nhận nhiều khoản miễn trừ…
Tuy nhiên, đối với chính phủ, vấn đề sẽ là làm sao giải thích cho công chúng về tính chất dễ hiểu và công bằng hơn của công cuộc cải tổ mà chính quyền từng phô trương!

Nữ sinh gốc Á học giỏi nhất nước Pháp

Xin kết thúc bài điểm báo hôm nay bằng một thông tin lý thú trên nhật báo Le Figaro: “Nữ sinh gốc châu Á ở Pháp thuộc diện học giỏi nhất, vượt xa các học sinh thuộc các thành phần khác, kể cả học sinh Pháp”.

Theo một công trình nghiên cứu của viện CNAM nơi 30.000 học sinh từ năm 2007 đến 2016, thì các nữ sinh gốc Á đã có kết quả học tập rất tốt, vượt qua các học sinh Pháp và từ bậc tiểu học đến đại học.

Một cách cụ thể, thiếu niên có nguồn gốc châu Á, và đặc biệt là phái nữ, đều hết sức thành công trong học tập: rất ít bị ở lại lớp trong bậc tiểu học, có học lực tốt ở lớp 6 và lớp 9, tỷ lệ đậu tú tài phổ thông kỷ lục, đặc biệt trong các chuyên ngành khoa học.

Các kết quả trên đây được ghi nhận trong công trình nghiên cứu của nhà xã hội họcYaël Brinbaum, thuộc viện CNAM, được công bố tháng 12/2019 trên tạp chí Giáo Dục và Đào Tạo của bộ Quốc Gia Giáo Dục Pháp.

Đây là một công trình về quá trình học tập của các trẻ em nhập cư từ đầu cho đến bậc Tú Tài, trong sự đối chiếu với con em các gia đình mà cha mẹ sinh trưởng tại Pháp.


Switch mode views: