Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thành tích của kinh tế Mỹ : Trump hay giới nghiên cứu đã lầm ?

 usa farmers.jpg



U.S. President Donald Trump stands with U.S. Trade Representative Robert Lighthizer as he delivers remarks on the United States-Mexico-Canada Agreement (USMCA) during a news conference in the Rose Garden of the White House in Washington, U.S., 01/10/2018REUTERS/Kevin Lamarque/File Photo

 

Thành tích kinh tế của Hoa Kỳ là điểm mạnh để tổng thống Trump ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ.
Chỉ số tăng trưởng, thất nghiệp hay chứng khoán Mỹ đều khiến thế giới phải ganh tị.
Donald Trump có chiếc đũa thần đem lại thịnh vượng cho nước Mỹ và qua đó gạt bỏ hết các học thuyết kinh tế từ tư bản tự do, thương mại đến thuyết tiền tệ và thuế khóa ?

Tháng 11/2016, khi Donald Trump bất ngờ đắc cử tổng thống, có mấy ai nghĩ rằng với ông vua địa ốc này ở Nhà Trắng, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969, tăng trưởng của Hoa Kỳ vượt ngoài mong đợi, (đạt 3,2 % trong quý 1/2019), chỉ số chứng khoán tại New York bay bổng từ kỷ lục này đến kỷ lục khác ?

Gần ba năm sau nhìn lại, bức tranh kinh tế màu hồng của Mỹ như chứng minh rằng biện pháp bơm 2.000 tỷ đô la trong 10 năm vào guồng máy kinh tế của chính quyền Trump là đúng ; chủ trương bảo hộ là thượng sách và nền kinh tế số 1 toàn cầu không hề hấn gì vì cuộc đọ sức thương mại Mỹ- Trung.

Trump, cha đẻ của một học thuyết kinh tế mới ?

Trong khi các chuyên gia hàng đầu thế giới, các định chế tài chính và kinh tế đa quốc gia, các viện nghiên cứu, các ngân hàng ngay từ những ngày đầu Donald Trump đắc cử đều mạnh mẽ đả kích chủ trương America First của ông, và nhấn mạnh đến "thời kỳ đầy bất trắc" đang mở ra trước nhiệm kỳ của tổng thống Hoa Kỳ thứ 45.

Tất cả đồng loạt nói đến đến những "rủi ro" khó lường, "bất lợi cho kinh tế Hoa Kỳ" và phê phán hàng loạt các quyết định bị cho là phản "logic" của người tự nhận là một doanh nhân tài ba.

Giới chuyên gia mạnh mẽ chỉ trích quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP, gây sự với hai nước láng giềng sát cạnh là Canada và Mêhicô đòi đàm phán lại thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ, đòi đánh thuế nhôm, thép của thế giới nhập sang Hoa Kỳ.

Cộng đồng quốc tế thực sự hụt hẫng thấy chủ nhân Nhà Trắng không buông tha ngay cả các đồng minh thân thiết nhất của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc tại châu Á, châu Âu, dọa nạt luôn cả những nước nhỏ như Việt Nam.

Về đối nội, ngay khi bước vào phủ tổng thống, ông Trump chủ trương áp dụng các biện pháp kích cầu : tăng ngân sách Nhà nước để tài trợ cho nào là bức tường biên giới với Mêhicô ngăn cản dòng người nhập cư từ Trung và Nam Mỹ đổ sang, nào là hệ thống cơ sở hạ tầng, nào là chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp và tư nhân.

Một lần nữa các giới nghiên cứu lại đồng thanh báo động trước nguy cơ nước Mỹ mang nợ chồng chất, lạm phát gia tăng, kinh tế quá tải.

Trước ngần ấy những chỉ trích, kể cả từ trong nội bộ chính phủ, Donald Trump vẫn giữ vững lập trường.
Bảo vệ công ăn việc làm cho dân Mỹ là kim chỉ nam trong chính sách kinh tế và cả ngoại giao của chủ nhân Nhà Trắng.

Trả lời trên đài truyền hình Pháp, France 24, giám đốc nghiên cứu của ngân hàng Pháp Natexis, Patrick Artus phân tích : thoạt nhìn qua toàn cảnh kinh tế Mỹ hiện tại, Donald Trump có vẻ như không gặp bất kỳ một trở ngại nào về mặt kinh tế và đang ghi điểm với cử tri.

"Theo tôi, Donald Trump tính toán rất giỏi về kinh tế.
Thứ nhất ông hiểu rằng nước Mỹ có thể đi vay ai cũng được và vay bao nhiêu cũng được với lãi suất ngân hàng không quá 2 %.
Mỹ làm được điều đó nhờ vai trò quốc tế của đồng đô la và tổng thống Hoa Kỳ lạm dụng ưu thế đó.
Chúng ta biết là hiện tại Đức đã trở thành chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ, tức là tiền tiết kiệm của người dân Đức đổ vào Mỹ và để tài trợ cho tăng trưởng của Mỹ.
Điều đó chứng tỏ dân Đức tin vào Hoa Kỳ hơn là tin vào kinh tế của châu Âu.

Thứ hai, ông Trump chọn giải pháp tăng chi, chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách của chính quyền liên bang.
Như vậy là Hoa Kỳ dùng chiến thuật kích cầu, bơm sức mua cho người dân, khuyến khích tiêu thụ và đầu tư.

Phải công nhận là biện pháp này hiệu quả. Thất nghiệp ở Mỹ chưa bao giờ thấp như hiện nay.
 Rất nhiều người tìm lại được việc làm. Không những thế năng suất lao động ở Mỹ cũng tăng.

Yếu tố thứ ba là Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang luôn giữ lãi suất chỉ đạo ở mức thấp, điều đó lại càng kích thức tiêu thụ và đầu tư.
Nói cách khác chúng ta thấy Donald Trump không bị một trở ngại nào trong việc thúc đẩy con tàu kinh tế. Đó là thành công của ông ta và những thành quả kinh tế đó mở đường cho ông đắc cử thêm một nhiệm kỳ.

Donald Trump và cử tri của ông không quan tâm vì thâm hụt về ngân sách hay thâm thủng mậu dịch leo thang với những hậu quả tai hại kèm theo sau này.
Với đồng đô la trong tay, Trump muốn làm gì thì làm, kể cả việc huy động vốn tiết kiệm của châu Âu để tài trợ cho chương trình vận động tái tranh cử.

Theo đánh giá của Patrick Artus, liều thuốc kích thích kinh tế Donald Trump đang áp dụng ở Mỹ không một quốc gia nào trên thế giới có thể sử dụng lại được, bởi không một ai có khả năng "in tiền" như nước Mỹ.
Nhưng quan trọng hơn cả là bức tranh kinh tế của Hoa Kỳ không thực sự tươi sáng như Donald Trump mong đợi.

Thực hư về đà tăng trưởng của Mỹ

Trước hết về mục tiêu "bảo vệ công việc làm cho người Mỹ, trên đất Mỹ" : Đúng vào lúc tổng thống Donald Trump khởi động chiến dịch vận động cho năm 2020 nhiều nhà máy ở bang Pennsylvania đóng cửa.

Khi ông Trump tuyên bố công nghệ thép của Hoa Kỳ đang "hồi sinh", thì US Steel một trong những tập đoàn luyện kim nặng ký của Mỹ "đình chỉ" sản xuất tại hai nhà máy cho tới khi nào "thị trường khởi sắc trở lại".

Từ ngành sản xuất than đá, đến xe hơi, sắt, thép - những lĩnh vực mà ông Trump muốn nâng đỡ nhất, các nhà sản xuất dường như lại đang lúng túng hơn cả.
Cổ phiếu của hai tập đoàn nhôm Century Aluminum và Alcoa trên thị trường Wall Street giảm mất 50 % từ năm ngoái.

Về nông nghiệp, các biện pháp bảo hộ của tổng thống Trump nhằm bảo vệ nông gia Mỹ, có điều, trong các cuộc vận động lần này, không thấy ông nhắc đến khoản tiền 12 tỷ rồi thêm 16 tỷ đô la trích từ ngân sách nhằm hỗ trợ các nông gia không bán được ngũ cốc và nông phẩm cho Trung Quốc vì chiến tranh thương mại Mỹ -Trung.

Còn câu hỏi các biện pháp bảo hộ mậu dịch, có cho phép Hoa Kỳ thu hẹp thâm hụt cán cân thương mại hay không, trong trường hợp với Trung Quốc, câu trả lời là không.

Thống kê của bộ Thương Mại Mỹ công bố hồi tháng 3/2019 cho thấy, các biện pháp áp thuế nhập khẩu đánh vào hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ không cho phép giảm nhập siêu của Mỹ với Trung Quốc.
Thặng dư mậu dịch của Bắc Kinh với Mỹ năm 2018 là 621 tỷ đô la thay vì 552 tỷ như hồi năm 2017.

Riêng với Mêhicô và Canada, tổng thống Trump khẳng định hiệp định mới thay thế NAFTA mang tên USMCA có lợi cho kinh tế Hoa Kỳ.
Viện C.D Howe Institut tại Toronto trong một nghiên cứu gần đây so sánh : với hiệp định mới, cả ba cùng bị thiệt thòi.

Mêhicô bị nặng nhất tính theo trọng lượng về kinh tế của nước này, nhưng hiệp định USMCA (tới nay vẫn chưa chính thức có hiệu lực), sẽ rút của các hộ gia đình Mỹ 17,4 tỷ đô la một năm.

Tháng 6/2019, hơn 600 chủ doanh nghiệp Mỹ gửi đến lãnh đạo Nhà Trắng một bức thư ngỏ thúc giục tổng thống Trump chấm dứt xung đột thương mại với Bắc Kinh, 2 triệu người lao động sẽ bị mất việc và 1 điểm tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ sẽ bốc hơi.
Thế nhưng cho tới nay, tổng thống Hoa Kỳ vẫn tin rằng các biện pháp áp thuế là một "công cụ rất hiệu quả để đàm phán, để thu vào hàng tỷ đô la cho ngân sách Hoa Kỳ và nhất là để ép các hãng Mỹ đã di dời cơ sở sản xuất ra nước ngoài trở về".

Vậy nếu tin vào sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ tại sao nguyên thủ Mỹ lại liên tục đốc thúc thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ tiếp tục giữ lãi suất chỉ đạo ở mức thấp tối đa ?

Khả năng kinh tế Mỹ trong những quý sắp tới không được khả quan như Donald Trump mong đợi, vừa được củng cố thêm với thống kê cho thấy GDP của Mỹ trong quý 2/2019 giảm gần một điểm so với ba tháng đầu năm.

Trên thị trường lao động, không thể phủ nhận tính nặng động của Mỹ. Nhưng báo cáo của Fed cho thấy 40% những người có việc làm ở Hoa Kỳ không xoay trở kịp trong trường hợp có một khoản chi tiêu phụ trội 400 đô la, tức là số này, không có tiền mặt hay tiết kiệm để trang trải khoản chi tiêu ngoài dự tính đó.

Bóng bóng nợ

Để tài trợ các biện pháp kích cầu, chính quyền Liên bang chấp nhận đẩy nợ công và nợ của các doanh nghiệp lên cao.
Ngân hàng liên bang Hoa Kỳ lưu ý, nợ của các doanh nghiệp Mỹ đạt ngưỡng 9.400 tỷ đô la, tương đương với 46 % tổng sản lượng của toàn quốc.
Mức nợ này ngang hàng với đỉnh điểm hồi năm 2007, trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong khi đó, cho dù chính phủ giảm thuế cho các doanh nghiệp để khuyến khích đầu tư, nhưng tổng đầu tư của các doanh nghiệp vẫn không tăng trong hai năm qua.

Câu hỏi đặt ra là số tiền đó được dùng vào việc gì và liệu có là mầm mống của một cuộc khủng hoảng tài chính sắp tới hay không ?
Cuối cùng, nợ công của nước Mỹ đã lên tới 22.000 tỷ đô la có vẻ không làm nguyên thủ Hoa Kỳ run tay khi ông ban hành thêm các biện pháp kịch cầu.

Trong vỏn vẹn bốn tháng bốn tháng từ 12/2018 đến hết tháng 03/2019, thâm hụt ngân sách Nhà nước liên bang Hoa Kỳ tăng 77 %.
Có điều, khác với bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới, Mỹ vẫn có thể dễ dàng đi vay và không một chủ nợ nào sợ Mỹ quỵt nợ.


Switch mode views: