Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-8-2019
- Thứ Bảy, 17 tháng Tám năm 2019 18:56
- Tác Giả: Thụy My
Thế kỷ 21 vẫn thuộc về các nhà độc tài ?
Bìa tuần báo Le Point số ra ngày 15/08/2019.
DR
« Tất cả các điều kiện đều hội đủ để thế kỷ 21 lại là thế kỷ của các nhà độc tài.
Thứ nhất : các chế độ tự do dân chủ bị yếu đi, thứ hai : các phương tiện kiểm soát bằng kỹ thuật số, thứ ba là biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng.
Các nhà độc tài đều có cùng những khuyết điểm như hoang tưởng và vô cảm ».
Hồ sơ của Courrier International tuần này nói về « Những con đường ma túy mới », L’Obs dành 20 trang để quay lại với thời kỳ « Khi Pháp đô hộ Algérie ».
Trang nhất của L’Express dành cho tân thủ tướng Anh « Boris Johnson, người đàn ông tệ hại (bad boy) của châu Âu ».
Trên trang bìa Le Point là lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đang tươi cười, tờ báo chạy tựa « Những bí mật của các nhà độc tài, họ trị vì và sống như thế nào ».
Cuốn sách mang tựa đề « Thế kỷ của các nhà độc tài » do Olivier Guez chủ biên sẽ ra mắt vào tuần tới, đã vẽ nên chân dung của 26 nhà lãnh đạo độc đoán của thế kỷ 20, từ Hitler, Stalin, Pinochet, Mao Trạch Đông cho đến các nhân vật ít nổi tiếng hơn như Mobutu.
Sự thăng tiến ngoạn mục, những thành công nhất thời, bạo lực trộn lẫn những yếu kém về tinh thần, những sai lầm lớn nhất, và sự sụp đổ - thường là đầy kịch tính của họ, khiến bên cạnh tính chất lịch sử, đây còn là các nhân vật đầy chất tiểu thuyết.
Các chế độ độc tài của thế kỷ 21
Theo giáo sư Alain Chatriot ở Science Po, nếu so sánh tình hình hiện nay với giữa thập niên 70, thì các chế độ cộng sản và độc tài quân sự không còn nữa. Nhưng nếu so với đầu thập niên 90, mà một số nhà bình luận quá lạc quan cho rằng dân chủ đã chiến thắng vĩnh viễn, thì lại khác rất nhiều.
Bức tranh của năm 2019 khiến người ta phải phân vân : các chế độ độc tài thực sự (Bắc Triều Tiên, Syria…) đứng cạnh các chính thể toàn trị (Thổ Nhĩ Kỳ, Nga…) và những nước được điều hành bởi các lãnh đạo dân túy (Ý, Hungary, Mỹ…).
Nhà cựu ngoại giao Bernard Bajolet định nghĩa : « Chế độ độc tài là quyền lực không có đối trọng, không giới hạn và không bị kiểm soát. Đó là một chế độ không có tự do cá nhân, có thể bị tống giam mà không qua xét xử ».
Đọc thêm: Tỉ phú Soros : Tập Cận Bình là kẻ thù nguy hiểm nhất của dân chủ
Tuy nhiên theo giáo sư Chatriot, cần phân biệt Putin, Erdogan, Kim Jong Un với Orban vì tính chất khác nhau, còn nhà sử học Johann Chapoutot muốn dùng từ « dân chủ độc tài » : chính quyền bất chấp Nhà nước pháp quyền và các quyền tự do căn bản của cá nhân.
Riêng Trung Quốc của Tập Cận Bình – hoàng đế đỏ còn quyền lực hơn cả Mao với việc sửa đổi Hiến pháp để cai trị trọn đời - là mô hình dùng tự do kinh tế thay cho tự do cá nhân, cộng với các công cụ mạng xã hội để tuyên truyền và công nghệ mới để kiểm soát người dân.
Chapoutot cho rằng : « Tất cả các điều kiện đều hội đủ để thế kỷ 21 lại là thế kỷ của các nhà độc tài.
Thứ nhất : các chế độ tự do dân chủ bị yếu đi, thứ hai : các phương tiện kiểm soát bằng kỹ thuật số, thứ ba là biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng ».
Nhà văn Olivier Guez nhận xét, tất cả các nhà độc tài đều có cùng những khuyết điểm như hoang tưởng, thiếu vắng sự thương hại và cảm thông…
Từ Lênin đến tượng vàng của nhà độc tài thuộc Liên Xô cũ
Lướt qua một số chân dung các nhà độc tài, Lênin được xếp hàng đầu.
Lãnh tụ cộng sản Liên Xô áp đặt các chính sách nhắm vào cả một tầng lớp xã hội.
Từ việc dẹp bỏ các quyền - kể cả quyền được ăn, theo khẩu hiệu « Ai không lao động thì khỏi ăn » - cho đến tiêu diệt người dân, theo mệnh lệnh hồi tháng 3/1918 « Tử hình bọn kulak ! », tức những nông dân không chịu để bị cướp bóc.
Lênin cho tàn sát tập thể từ đối lập chính trị, quý tộc, địa chủ cho đến các sĩ quan, người Cô-dắc, các nhà tu hành…Mùa thu năm 1918, có trên 15.000 người bị xử bắn.
Đối với lãnh đạo các nước thuộc Liên Xô cũ, thì « sự ngông cuồng của họ không có giới hạn ».
Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, nhân danh chủ quyền quốc gia, các nhà độc tài đỏ này tự giành cho mình tất cả : dinh thự lộng lẫy, những lời ca ngợi, tài nguyên dưới lòng đất và quyền quyết định sinh tử đối với thần dân.
Tại Belarus, Alexandre Loukachenko trị vì đã một phần tư thế kỷ, duy trì hình ảnh một Liên Xô thu nhỏ.
Cơ quan tình báo nước này vẫn giữ tên KGB, và tổng thống đóng vai như một giám đốc nông trang tập thể.
Khi gặp ông Putin tháng 12/2018, ông Loukachenko mang tặng bốn bao khoai tây « quà quê », nhưng với hàm ý « Belarus chỉ là một nước nông nghiệp nhỏ bé nghèo tài nguyên, ông chẳng có lợi gì khi nuốt chửng chúng tôi ».
Đọc thêm: Tổng thống đương nhiệm Turkmenistan tự dựng tượng vàng khổng lồ
Ở Turkmenistan, tổng thống quá cố Saparmourat Niazov cho đặt lại tên 12 tháng trong năm theo tên những người trong gia đình mình, và cho dựng một bức tượng của ông bằng vàng, xoay theo hướng mặt trời.
Người kế nhiệm là Gourbangouly Berdymoukhamedov khi lên thay đã đổi tên các tháng lại như cũ, và bức tượng Niazov được lặng lẽ đưa về một địa điểm hẻo lánh.
Nhưng thay vào đó là một tượng đài cao đến 20 mét, dát những lá vàng 24 cara, có đế bằng cẩm thạch trắng, với tân tổng thống cỡi ngựa, tay cầm chim bồ câu !
Sự ngông cuồng khó tưởng tượng của các nhà độc tài Trung Á
Tại Tajikistan, tổng thống Emomali Rakhmon mỗi khi tiệc tùng thường hào hứng cầm micro hát bài « Tajikistan thuộc về tôi », trước các tướng lãnh đang quỳ gối và cận vệ thì dùng khăn lau mồ hôi trán cho ông.
Con trai ông, Rustam, được thăng cấp tướng ở tuổi 25 và nay là đô trưởng, có biệt danh là « Nacocha » vì nghiện ma túy.
Du học tại Matxcơva nhưng nhanh chóng bị gọi về sau khi đã đốt hàng triệu đô la trong sòng bạc, vị thái tử đỏ sở hữu bốn chiếc xe sang Bentley sau này sẽ lên nối ngôi tại quốc gia Hồi giáo có hơn phân nửa dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó.
Còn vụ tổng thống nước láng giềng Kazakhstan, ông Noursoultan Nazarbaiev từ chức ở tuổi 79 thì không lừa được ai.
Với tư cách « Cha già dân tộc », cả ông và gia đình đều được bảo đảm bất khả xâm phạm vĩnh viễn.
Tiếng là về hưu nhưng con gái lớn của ông làm chủ tịch Thượng viện và nắm truyền thông, hai con gái còn lại ngự trị trong ngành dầu khí và quy hoạch đô thị.
Chẳng có nước phương Tây nào lên tiếng khi ông bỏ tù hoặc xử bắn đối lập. Rất đơn giản : Nazarbaiev giao cho các nhà đầu tư ngoại quốc những hợp đồng hàng chục tỉ đô la, hoặc để khai thác trữ lượng uranium và dầu khí, hoặc xây dựng các công trình hoành tráng.
Thủ đô Astana vừa đổi tên thành Noursoultan có nhiều kiến trúc hiện đại, trong đó có một tòa nhà chọc trời 105 tầng, có dấu tay bằng vàng và bạch kim của « Cha già dân tộc ».
Đọc thêm: Putin sẽ trị vì suốt đời như các nhà độc tài Liên Xô cũ?
Tử tế nhất có lẽ là Chavkat Mirzioiev, vừa lên làm tổng thống Uzbekistan cách đây ba năm.
Ông cho đóng cửa nhà tù lừng danh Jaslik, nơi chỉ có vào mà không có ra, trả tự do cho khoảng 40 nhà đấu tranh nhân quyền. Có điều hai con gái của ông Mirzioiev cũng vừa tham gia chính phủ.
Các loại vũ khí phi quân sự của Trung Quốc để đối phó với Hồng Kông
Ở trang trong các báo, Hồng Kông vẫn là chủ đề chính được quan tâm nhất.
Trong bài « Bắc Kinh quyết định nắm lấy tình hình Hồng Kông » đăng trên South China Morning Post được Courrier International dịch lại, tác giả nhận định chính quyền Trung Quốc đã dùng đến một loạt biện pháp để cố thoát khỏi ngõ cụt hiện nay.
Quan chức Trung Quốc phụ trách Hồng Kông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming) đe dọa sử dụng vũ lực, nhưng theo tờ báo, Bắc Kinh còn nhiều « vũ khí » phi quân sự đầy uy lực.
Hãng hàng không Cathay Pacific là mục tiêu đầu tiên của chiến thuật này. Các nhân viên có tham gia đình công, biểu tình bị cấm bay đến Hoa lục hoặc phục vụ trên các chuyến bay có đi ngang không phận Trung Quốc.
Đây là đòn dằn mặt cho các công ty lớn tại đây.
Bắc Kinh buộc bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và chính quyền của bà phải giải quyết tình hình, để đổi lấy sự « ủng hộ » của trung ương.
Thế nên bà đành phải xuất hiện lại trước truyền thông, ngưng ngang kỳ nghỉ, và tìm cách đền bù cho các công ty bị thiệt hại vì biểu tình.
Không chỉ gây sức ép lên bà Lâm, Bắc Kinh còn huy động tổng lực, mở chiến dịch tố cáo bạo lực ở Hồng Kông, xúi báo chí Hoa lục tố cáo « sự im lặng tập thể » của một số gia tộc giàu có tại đặc khu.
Làm thế nào tránh được một kịch bản « các bên đều thiệt hại » cho Hồng Kông ? Hiện chưa ai có thể nói được điều gì.
« Thế lực thù địch » xúi giục người Hồng Kông ?
Cũng về Hồng Kông, The Economist lý giải vì sao Bắc Kinh cho rằng có « bàn tay đen đúa » của « thế lực thù địch » phía sau.
Thật buồn cười khi cho rằng có một « thế lực » nào đó trả tiền cho hai triệu người đi biểu tình, từ sinh viên cho đến doanh nhân, luật sư, bác sĩ…
Trong khi người dân Hồng Kông bình thường tỏ tình tương trợ khi cung cấp khẩu trang, phiếu ăn McDonald các áo thun cho các thanh niên biểu tình, khi phải thay những chiếc áo dính đầy hơi cay.
Báo chí Hoa lục ban đầu bị kiểm duyệt tin tức về Hồng Kông, nhưng sau thì ngập đầy những hình ảnh « những kẻ ly khai » tấn công vào cảnh sát.
Không ít cư dân mạng ở đại lục đã tin. Nhưng đáng ngại nhất là não trạng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, rằng kẻ lớn hơn đương nhiên phải thống trị kẻ nhỏ hơn.
Không thể chấp nhận việc 7,3 triệu người Hồng Kông cho rằng quyền tự do – dù Hiến định - của họ đứng trên ý muốn của 1,4 tỉ người, nên nếu Hồng Kông nhỏ bé dám đương đầu với mẫu quốc, thì chắc rằng có ai đó đứng sau !
Thế giới Hồi giáo quỳ gối trước Bắc Kinh
Cũng liên quan đến Trung Quốc, tác giả Laurent Alexandre trên L’Express phẫn nộ trước việc « Thế giới Hồi giáo phủ phục dưới chân Bắc Kinh ».
Hôm 17/7, Human Rights Watch đã lấy làm tiếc là mặc dù 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đi cải tạo, bị tẩy não, Hán hóa, thì 14 nước Hồi giáo lại ký vào lá thư ủng hộ chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương.
Khi Pháp ra quy định về loại khăn choàng Hồi giáo trùm kín người ở nơi công cộng, thế giới Hồi giáo đã nhao nhao phản đối. Còn bây giờ, khi Trung Quốc tống giam hàng loạt những người thiểu số theo đạo Hồi, thì nhiều nước Hồi giáo lại ca ngợi sự khôn ngoan của Bắc Kinh.
Bóng ma một cuộc khủng hoảng tiền tệ thế giới
Trên lãnh vực kinh tế, L’Express lo ngại về « Bóng ma một cuộc khủng hoảng thế giới » trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện nay.
Mỹ đánh thuế lên hàng Trung Quốc, Bắc Kinh trả đũa bằng cách để cho đồng nhân dân tệ xuống dưới mức 7 đồng đổi 1 đô la lâu nay.
Nếu hai bên cứ ra đòn qua lại, có nguy cơ xảy ra chiến tranh tiền tệ, mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều bất lực. Đô la và nhân dân tệ thi nhau sụt giá, liệu đồng euro của châu Âu sẽ phải giơ đầu chịu báng ?
Nhưng không chỉ có châu Âu, mà cả châu Á cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là đồng tiền của các nước Đông Nam Á vốn dao động cùng lúc với đồng nhân dân tệ.
Vụ ám sát nhà báo điều tra Malta vì biết quá nhiều
Tại châu Âu, L’Obs trong loạt bài về các tội ác chính trị vẫn chưa được làm rõ, đề cập đến « Nhà báo nữ biết quá nhiều ».
Cho đến nay người ta vẫn chưa biết được ai đứng đằng sau vụ ám sát bà Daphne Caruana Galizia, nhà báo điều tra nổi tiếng nhất Malta, bị giết chết tháng 10/2017.
Và chính phủ Malta, quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu, luôn từ chối tưởng niệm bà.
Hôm 16/10/2017, một khối TNT đã khiến chiếc xe Peugeot mà bà Galizia cầm lái nổ tan tành ở ngay gần nhà.
Con trai bà, cũng là một nhà báo, khi nghe tiếng nổ đã chạy chân trần ra khỏi nhà, trông thấy những mảnh vụn trên đường và trên cánh đồng, đó là mẹ anh !
Daphne Galizia là chủ blog Running Commentary, có những ngày đến 400.000 lượt truy cập trong khi dân số của Malta chỉ có 475.000 người.
Bà là thành viên của liên minh các nhà báo điều tra quốc tế, có hồ sơ của tất cả.
Ngòi bút của bà không chừa một nhân vật tham nhũng nào trong chính phủ, và giới chính khách, doanh nhân Malta cũng trả đòn với 47 vụ kiện vu khống.
Trong tầm ngắm của nhà báo này, có nhiều nhân vật thân cận với thủ tướng Joseph Muscat liên can đến một xì-căng-đan tham nhũng lớn, trong đó có chánh văn phòng Schembri và bộ trưởng Du Lịch Mizzi, hai người có tên trong Panama Papers, và phu nhân thủ tướng.
Bà Daphne cũng tiết lộ bộ trưởng Kinh Tế trong một chuyến công du Đức đã « vui vẻ » với gái mại dâm, có cả video chứng minh.
Ba kẻ thủ ác đều có tiền án, trong đó một tên có ADN tìm thấy trong một mẩu thuốc lá ở hiện trường, số điện thoại dùng để kích hoạt chất nổ, và trước và sau vụ nổ thấy xuất hiện cùng với bộ trưởng Kinh Tế.
Thế mà đã hai năm trôi qua, không có ai bị đưa ra tòa, giám đốc Europol ngạc nhiên trước sự thiếu hợp tác của cảnh sát Malta.
Những người ủng hộ bà Daphne thường mang hoa và nến đến đặt tại bia tưởng niệm bà, nhưng chính quyền cũng thường xuyên cho dọn sạch đi.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-8-2019 - 20/08/2019 21:58
- Thành tích của kinh tế Mỹ : Trump hay giới nghiên cứu đã lầm ? - 20/08/2019 15:57
- Nhà Trắng tố cáo "chiến thuật đe dọa" của Bắc Kinh trên Biển Đông - 20/08/2019 15:39
- Facebook và Twitter vạch trần chiến dịch của Bắc Kinh bôi nhọ người biểu tình Hồng Kông - 20/08/2019 15:22
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-8-2019 - 19/08/2019 17:14
- Afghanistan: Khủng bố ở lễ cưới, 63 người chết, Daech nhận là tác giả - 18/08/2019 21:19
- Syria: Chiến sự ác liệt, thường dân chết hàng loạt - 18/08/2019 20:23
- Biển Đông: Tình hình Bãi Tư Chính tiếp tục căng thẳng - 18/08/2019 19:27
- Hồng Kông: Diễn viên gạo cội bênh Bắc Kinh, dư luận phẫn nộ - 17/08/2019 22:28
- Nga: Đảng Cộng Sản và đối lập biểu tình đòi ''bầu cử trung thực'' - 17/08/2019 19:40
Các tin khác
- Hội Đồng Bảo An : Cachemire là vấn đề riêng giữa Ấn Độ và Pakistan - 17/08/2019 18:33
- Đến lượt hàng ngàn giáo viên Hồng Kông tuần hành đòi dân chủ - 17/08/2019 14:35
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-8-2019 - 16/08/2019 19:47
- Hoa Kỳ ngủ quên, Trung Quốc làm dậy sóng Biển Đông - 16/08/2019 19:19
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-8-2019 - 16/08/2019 17:19
- Cảnh sát vũ trang Trung Quốc biểu dương lực lượng sát Hồng Kông - 16/08/2019 03:43
- Mỹ củng cố mặt trận Nam Thái Bình Dương chống Trung Quốc - 15/08/2019 23:22
- Mỹ đưa vào sổ đen 4 công ty hạt nhân Trung Quốc vì giúp quân đội - 15/08/2019 21:45
- Chính quyền Trump bị kiện vì thúc đẩy phát triển điện than - 15/08/2019 20:57
- Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch ép Việt Nam dừng khai thác Bãi Tư Chính - 15/08/2019 15:23