Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Sau phong trào Áo Vàng : Pháp cần một khế ước xã hội mới

france-protests 6

Phong trào Áo Vàng biểu tình tại Paris ngày 08/12/2018.
REUTERS/Piroschka van de Wouw

Kinh tế gia người Pháp Jean Tirole, giải Nobel Kinh tế năm 2014, giải thích trên tuần báo Le Journal du Dimanche (JDD ngày 09/12/2018) một số nguyên nhân dẫn đến sự phẫn nộ của người dân Pháp trong phong trào Áo Vàng và khuyến khích người dân ký kết một thỏa thuận Grenelle (1) có trách nhiệm.

RFI tiếng Việt xin giới thiệu bài viết của giáo sư kinh tế Jean Tirole.

Phát sinh từ sự bất mãn chính đáng và thiếu thông tin kinh tế, phong trào Áo Vàng còn cho thấy rõ sự thiếu vắng một khế ước xã hội.
Điều này tương phản với Thụy Điển và Thụy Sĩ, hai nước áp mức thuế carbon cao hơn nhiều so với Pháp.

Phong trào Áo Vàng còn thể hiện một cuộc khủng hoảng sâu sắc của nền dân chủ Pháp : công dân từ chối tính chính đáng của một tổng thống được bầu theo một chương trình mà ông tiến hành, các chính trị gia không có tầm nhìn xa và một Nhà Nước quen che giấu một số sự thật với người dân Pháp.

Lời nói dối thứ nhất : dầu diesel, loại chất đốt gây ô nhiễm môi trường nhưng lại được trợ cấp từ thập niên 1990 (giá dầu rẻ, tiền hỗ trợ khi mua ô tô).

Hiện trạng này đang được điều chỉnh lại và, trong khi chờ ô tô điện được phổ biến, cần phải lập lại sự công bằng về thuế giữa xe chạy bằng dầu diesel và xe chạy bằng xăng.
 Khó khăn ở chỗ người Pháp, bị chính sách của Nhà Nước ủng hộ diesel cám dỗ, lại đổ đi mua xe chạy bằng dầu.

Vậy tại sao lại có sự dối trá này ?

Theo tác giả bài viết, đó là để bảo vệ nền công nghiệp của Pháp trước sự cạnh tranh của xe ô tô chạy bằng xăng của châu Á, trong khi các nhà sản xuất Pháp và châu Âu lại nghĩ rằng dầu diesel sẽ được dùng rộng rãi.
Giáo sư kinh tế người Pháp nhận định thuế carbon là một loại thuế tốt.

Được áp dụng trên quy mô quốc tế, thuế carbon sẽ làm thay đổi hành vi của người dân, định hướng lựa chọn chu trình phân phối ít môi giới, từ bỏ than đá, cách nhiệt nhà cửa, mua ô tô ít gây ô nhiễm môi trường hơn.
Nói tóm lại, thuế carbon sẽ cho phép để lại cho con cháu một hành tinh sống được.

Dù người ta có nói là những biện pháp đó sẽ không mang lại hiệu quả, thì chúng cũng giúp thay đổi thói quen liên quan đến sinh thái của người dân, các doanh nghiệp và chính quyền.

Khi một số chính trị gia ru ngủ người dân về ảo tưởng của tăng trưởng xanh (đấu tranh chống biến đổi khí hậu không tốn kém gì cả !), giờ thì một số chính trị gia khác đưa người dân về thực tế khắc nghiệt.
 Đúng là không ai thích những người thông báo tin xấu cả.

Người dân Pháp bất bình đẳng trước thuế carbon

Luật tài chính liên quan đến khoản đóng góp cho khí hậu-năng lượng được thông qua năm 2014, dưới thời tổng thống François Hollande, đã lập ra một loại thuế carbon.

Theo dự kiến, khoản thuế này sẽ tăng hàng năm cho đến mức phù hợp hơn với các mục tiêu đề ra tại thượng đỉnh khí hậu COP21 (2014).
Thế nhưng, người dân Pháp chỉ phát hiện ra điều này vào năm 2018 và thất vọng khi giá bán lẻ xăng dầu tăng cao hơn.

Về điểm này, theo nhật báo Le Monde (08/12/2018), trong bốn năm qua, do giá xăng dầu trên thị trường quốc tế giảm, nên việc thuế carbon tăng dần đã không bị chú ý. Trong khi đó nhờ vận động tích cực mà giới lái xe đường dài, taxi và nông dân lại được miễn loại thuế carbon này.

Các hãng hàng không cũng được miễn loại thuế này nhờ các thỏa thuận quốc tế.
Hai trường hợp trên là những ví dụ rõ ràng cho thấy sự bất công về thuế đối với công dân.

Tương tự đối với dầu diesel, nhiều chính phủ gần đây gửi đến người dân những tín hiệu không tốt.
 Họ ngầm khuyến khích người dân sưởi bằng dầu mazut, đến sống ở vùng nông thôn hoặc ngoại ô các đô thị lớn.
Chính quyền thúc đẩy mở mang đô thị và thiếu đầu tư vào phương tiện giao thông.

Sống ở thành phố đắt đỏ. Điều này chắc chắn là đúng, nhưng ở điểm này, phải chỉ trích những người từ chối tăng cường môi trường sống, làm tăng giá nhà ở các trung tâm thành phố và như vậy bảo vệ tô tức thổ trạch cho lượng cử tri của họ.

Giải Nobel Kinh Tế Jean Tirole cho rằng những người bị tác động trước tiên chính là những người nghèo khó nhất do thiếu giải thích từ giới chính trị gia và truyền thông.
Họ là những người ít được thông tin nhất và chính họ là những người sống cách trung tâm thành phố từ 30 đến 60 km để tiết kiệm tiền thuê nhà, chi phí nhà cửa và thường đi làm bằng xe chạy diesel.

Nhà Nước có thể làm gì từ thuế carbon ?

Trước hết là bổ sung kho bạc Nhà Nước để giảm bớt các loại thuế ít hiệu quả nhất (như đánh thuế quá mức vào việc làm tại Pháp, nguồn gốc gây thiếu việc làm và mất sức mua).
Đây chính là điểm mà Thụy Điển đã làm trong những năm 1990 khi áp thuế carbon 100 euro cho một tấn khí thải CO2, với thuế suất không đổi.

Thứ hai là để cấp ngân phiếu năng lượng cho mỗi công dân (dĩ nhiên là không căn cứ vào mức tiêu thụ năng lượng của mỗi người nếu muốn khuyến khính họ ít gây ô nhiễm hơn).
 Tấm ngân phiếu này có thể sẽ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn nhất nhiều hơn cả việc họ bị tác động vì tăng giá xăng dầu.

Thứ ba là giúp những người nghèo nhất có thể có tiền mua trang thiết bị phù hợp hơn (lò sưởi…) với sinh thái.
Tuy nhiên, một số biện pháp khác đáng bị chỉ trích hơn.

Thứ nhất là tiền thưởng bán lại xe chạy xăng hoặc diesel để mua xe mới hoặc đã qua sử dụng trong khuôn khổ chuyển đổi sinh thái.
Điều này tạo nguy cơ là các nhà sản xuất xe hơi bù lại khoản trợ cấp trên giá bán của xe (điều này từng xảy ra đối với lò sưởi đốt củi).

Thứ hai, “loại thuế linh hoạt đối với chất đốt” lại có hai hậu quả xấu.
 Theo dự luật được trình vào tuần trước, chính phủ có thể yêu cầu Nghị Viện cứ ba tháng lại sửa đổi thuế carbon tùy theo giá dầu thế giới.
Mục đích là để giảm bớt tác động của việc tăng giá của giá dầu thế giới đối với giá bán lẻ ở cây xăng. Chúng ta có thể dễ dàng đoán được là Nghị Viện sẽ ủng hộ giảm thuế.

Nhưng liệu Nghị Viện có quyết định tăng mạnh loại thuế này nếu như giá xăng dầu giảm ?

Kinh tế gia người Pháp tỏ ra nghi ngờ về điều này. Khi được giải thích rõ ràng hơn, truyền tải rộng rãi trên truyền thông, thuế carbon có thể sẽ giúp người dân đưa ra lựa chọn đúng đắn trong việc mua ô tô, định cư hoặc cách nhiệt nhà cửa.

Thuế linh hoạt đối với chất đốt còn có một nhược điểm lớn khác. Ví dụ các nước giầu có khác theo mô hình của Pháp, giá dầu thế giới sẽ không còn là 80 đô la/thùng mà có lẽ sẽ là 200 hoặc 400 đô la/thùng vì tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEP) có thể tăng giá bán mà không gặp bất kỳ phản ứng nào từ người tiêu dùng vì được bảo vệ về việc tăng giá, họ sẽ vẫn tiếp tục tiêu thụ năng lượng.

Người Pháp muốn “rất nhiều từ Nhà Nước/trả ít thuế”

Phong trào Áo Vàng thể hiện một yêu sách rộng hơn : tăng sức mua. Đối với người lao động bình dân, tăng lương tối thiểu không phải là giải pháp mong muốn, vì điều này có nguy cơ làm nghiêm trọng hơn tình trạng thiếu việc làm. Do vậy, theo kinh tế gia người Pháp, tốt hơn hết là tăng tiền thưởng hoạt động cho họ.

Những người Áo Vàng cũng yêu cầu giảm thuế. Nhưng như vậy, ai sẽ trả chi phí cho trường học, bệnh viện và rộng hơn là toàn bộ lĩnh vực dịch vụ công ? Pháp vẫn chưa lựa chọn giữa “yêu cầu ít từ Nhà nước/ít thuế” và “đòi hỏi nhiều từ Nhà Nước/nhiều thuế” và lại bỏ phiếu cho giải pháp “yêu cầu nhiều từ Nhà Nước/ít thuế”.

Để người dân Pháp duy trì được một hệ thống bảo hiểm xã hội phát triển mà không tăng thêm áp lực thuế khóa (nằm trong top đầu thế giới), họ phải tán đồng cải cách.

Điều tồi tệ nhất có lẽ sẽ là môi trường xã hội hiện nay một lần nữa làm cho nước Pháp không hoạt động. Việc giảm thuế cho dịch vụ công không đổi đòi hỏi bổ sung các biện pháp cải cách còn chưa hoàn thiện về thị trường lao động, về giáo dục và tiến hành cải cách hưu trí, các lỗ hổng thuế và chắc chắn là cải cách cả Nhà Nước để hoạt động hiệu quả hơn.

Cuộc nổi dậy của những người Áo Vàng là cơ hội để tái tạo sự đồng thuận về thuế. Người dân Pháp không hiểu Nhà Nước làm gì từ các khoản thuế bắt buộc. Thông qua một cuộc tranh luận công khai, phải đánh giá dứt khoát hiệu quả của các chính sách công, loại trừ hoặc chỉnh sửa những chính sách chưa mang lại hiệu quả.

Kinh tế gia Jean Tirole không loại trừ khả năng cần một khế ước xã hội mới, tương tự với khế ước đang tồn tại ở Bắc Âu (dù còn mong manh). Đã đến lúc người dân Pháp phải xác định muốn sống trong xã hội nào.

***

(1) Thỏa thuận Grenelle được đàm phán trong hai ngày 25-26/05/1968, đúng cao trào của cuộc Cách Mạng tháng Năm 1968, giữa chính phủ Pompidou, các nghiệp đoàn và các tổ chức giới chủ.

Switch mode views: