Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

‘‘Áo Vàng’’ : Pháp hoãn thuế carbone, Trump chế giễu Macron

protests Macron
Một khẩu hiệu chống tổng thống Pháp Macron trong một cuộc biểu tình ở Sainte-Eulalie, gần Bordeaux, ngày 5/12/2018.REUTERS/Regis Duvignau

 Áp lực phong trào Áo Vàng khiến Paris đình chỉ thuế cacbon, tổng thống Mỹ chế giễu đồng nhiệm Pháp.

Chính quyền tại 10.000 địa phương nước Pháp đón nhận yêu sách của Áo Vàng.

Người Áo Vàng bảo vệ ngọn lửa Chiến sĩ Vô danh tại Khải Hoàn Môn.
Lễ hội Ánh Sáng tại Lyon tiếp tục, bất chấp nguy cơ bạo động.

Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Cuộc khủng hoảng Áo Vàng kéo dài ba tuần nay gây nhiều phản ứng trái ngược trong cộng đồng quốc tế. Phấn khởi nhất có lẽ là tổng thống Mỹ.

Đầu tuần này, hôm 3/12/2018, đúng vào lúc chính phủ Pháp thông báo sẽ hoãn sắc thuế cacbon, ông Donald Trump ngay lập tức tung thông điệp mỉa mai trên mạng Twitter : « Tôi rất vui là người bạn Emmanuel Macron của tôi và những người biểu tình đã đi đến cùng kết luận mà tôi đã đưa ra cách nay 2 năm ».
Tổng thống Mỹ muốn nói đến quyết định rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, mà ông cho là một điều hết sức tồi tệ, khiến giá năng lượng tăng vọt.

TT Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh minh họa.
Reuters

Donald Trump rốt cục đã tìm được một cơ hội vàng để trả đũa « người bạn » Pháp, đồng thời bảo vệ cho quan điểm bất hợp tác quốc tế của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

 Về phản ứng của tổng thống Mỹ, trả lời RFI, ông Corentin Sellin, chuyên gia về chính trị Hoa Kỳ nhận xét :
« Đối với ông Trump, đây là một mũi tên nhắm hai đích. Tổng thống Mỹ cho rằng nguyên thủ Pháp – vốn chỉ là lãnh đạo một cường quốc bậc trung, một đồng minh hạng hai của nước Mỹ - nhưng lại dám lập ra một liên minh để đối đầu với Mỹ. Dám coi tổng thống Hoa Kỳ như một kẻ ngớ ngẩn trong cộng đồng quốc tế.

 Chúng ta còn nhớ là tổng thống Pháp sử dụng diễn đạt : Hãy làm cho hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại (Make Our Planet Great Again), để đối lại với tuyên bố của ông Trump : Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại (Make America Great Again) (1).
Một mặt khác, tổng thống Mỹ cũng hoàn toàn không thích thú gì, khi ông Macron đưa ra câu nói này, sau các nỗ lực quyến rũ người đứng đầu Nhà Trắng.

Giờ đây, tổng thống Mỹ cảm thấy rõ vị thế suy yếu của tổng thống Pháp, đang phải đối mặt với cuộc xung đột rất dữ dội trong nội bộ.
Tổng thống Mỹ thấy là có thể sử dụng cuộc khủng hoảng xã hội tại Pháp hiện nay vào một vấn đề chủ yếu trong học thuyết chính trị của ông : Nỗi tức giận của tầng lớp trung lưu người da trắng.

 Đây là một cơ hội quá tốt để ông Trump tự khẳng định mình là lãnh đạo của một trào lưu lớn của thế giới, trào lưu quay trở lại với bản sắc truyền thống và chống lại tiến trình toàn cầu hóa.
Đồng thời khẳng định mối hoài nghi của ông về biến đổi khí hậu. Chính ở đây mà ông Donald Trump đã trả đũa được Emmanuel Macron ».

    Đọc thêm : Macron, mục tiêu tấn công của mọi phẫn uất trong xã hội Pháp

Điện Elysée từ chối bình luận về các thông điệp giễu cợt và chỉ trích từ nước Mỹ.
 Trong những tuần gần đây, quan hệ giữa hai tổng thống vốn thường tự giới thiệu trước công chúng như là hai người bạn tốt, đột ngột trở nên lạnh giá.

gj marie



10.000 địa phương chuẩn bị lắng nghe Áo Vàng

Không chỉ là vấn đề giá cả năng lượng. Nước Pháp đang rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội trầm trọng chưa từng thấy từ nhiều thập niên.

Nhưng các diễn biến tại Pháp không hẳn đã đi theo những gì mà tổng thống Mỹ muốn.
Đối mặt với làn sóng phản kháng Áo Vàng lan rộng trong xã hội, được đông đảo công luận hưởng ứng, chính phủ bắt đầu thừa nhận đã có nhiều sai lầm, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, của chính quyền tại cơ sở.

Ngay sau khi chính phủ nhận lỗi, chính quyền các cơ sở đã chủ động khởi sự một chiến dịch lắng nghe dân chúng trên toàn quốc, chủ yếu là ở các vùng xa trung tâm. Sự nhập cuộc của các dân biểu cơ sở mở ra một cơ hội lớn cho việc tháo gỡ khủng hoảng.

 lights-lyon

Các trụ sở thị trấn và xã mở cửa lắng nghe người Áo Vàng ngày 08/12/2018.
Trong ảnh, biểu tượng "Áo Vàng" treo trên mặt tiền của một tòa thị chính địa phương.
Copy d'ecran

Hôm 6/12, hai hôm trước đợt biểu tình lớn thứ Bảy (8/12) lần thứ tư của phong trào Áo Vàng, hai hiệp hội chủ yếu của những người đứng đầu chính quyền cơ sở trên toàn nước Pháp, một ở các vùng nông thôn (Association des maires ruraux - AMRF) và một của các thị trấn nhỏ (Association des petites villes de France - APVF), đã ra một thông cáo chung (2), kêu gọi 11.000 thị trưởng – xã trưởng dân cử mở cửa trụ sở, để đón nhận các yêu sách của những người Áo Vàng ngay từ ngày thứ Bảy 08/12 này.

Nhưng trước hết là để cho các công dân có cơ hội nói lên những phẫn nộ của mình.
Thông cáo của hai hiệp hội của các thị trưởng – xã trưởng ghi nhận là các lãnh đạo dân cử địa phương là những người được công dân tin cậy.

Cùng với các hội đồng chính quyền cơ sở, họ được kêu gọi tiếp thu trung thành các quan điểm của người dân, không phán xét, không phản biện.
Hiệp hội các thị trưởng – xã trưởng cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp thông tin, để cung cấp cho chính phủ, Quốc Hội và truyền thông.

Người phát ngôn chính phủ Benjamin Griveaux, tối thứ Sáu 7/12, cũng thông báo cụ thể về phương thức sẽ tiến hành cuộc thảo luận toàn quốc – theo đề nghị của tổng thống - khởi sự từ ngày 15/12, dự kiến kéo dài ba tháng.

 Thảo luận sẽ diễn ra tại các trụ sở chính quyền địa phương, đặc biệt ở các xã và thị trấn nhỏ, chứ không phải ở cấp tỉnh. 22 giờ tối hôm thứ Sáu, 7/12, bộ trưởng phụ trách chính quyền địa phương Sébastian Lecornu tiếp một phái đoàn Áo Vàng tại trụ sở xã Vernon (tỉnh Eure, vùng Normandie).

Tiếng nói của lương tri

Một thông điệp được đăng tải trên nhật báo « Le Parisien - Aujourd’hui » hôm thứ Sáu 7/12, kêu gọi những người Áo Vàng và chính quyền đối thoại. Trong thông điệp có đoạn :
« Tiếng nói quyết định cuối cùng luôn thuộc về nhân dân, nhưng luôn luôn cần tôn trọng các định chế mà chúng ta đã xây dựng cho mình.

 Sức mạnh của một nền dân chủ phải dựa trên chất lượng của các thảo luận công cộng, chứ không phải dựa trên tương quan sức mạnh, bắt nguồn từ hỗn loạn, từ bạo động đô thị, từ sự cuồng nhiệt trên các mạng xã hội.

 Thông điệp mà phong trào xã hội chưa từng có của những người Áo Vàng tìm cách thể hiện cần phải được lắng nghe, cũng như chính phong trào này kể từ giờ cần có năng lực bày tỏ ý kiến qua thảo luận.
Đã đến lúc phản kháng bạo lực và thái độ khăng khăng phủ nhận từ cả hai phía cần phải chấm dứt, để nhường chỗ cho thảo luận ».

Vẫn thông điệp nói trên nhấn mạnh đến điều cốt lõi : « sự tôn trọng ». « Tôn trọng đối với những ai đang trong hoàn cảnh khó khăn, tôn trọng chính quyền ở các cơ sở, các dân biểu địa phương, tôn trọng các định chế của nền Cộng Hòa và các giá trị, tôn trọng chúng ta và những người thân thiết của chúng ta.

Chúng ta một lần nữa hãy làm cho thế giới phải ngạc nhiên, khi chứng minh được khả năng của chúng ta chuyển hóa nỗi giận dữ thành tranh luận, các yêu sách thành giải pháp cụ thể ».

Trong cuộc khủng hoảng hiện tại, cho dù lúng túng trước áp lực của người dân, trước nguy cơ bạo động vượt vòng kiểm soát, nhưng chính phủ Pháp cho đến nay vẫn nỗ lực hành động theo các nguyên tắc lớn của nền dân chủ, coi ý nguyện của người dân là quyết định, quyền của người dân biểu tình, bày tỏ quan điểm - cho dù ngược lại với chính quyền - là điều cần được bảo vệ đến cùng.

 Chính phủ đã quyết định không sử dụng quân đội bảo vệ trật tự như một số đòi hỏi, không ban bố tình trạng khẩn cấp (3), cho dù nhiều cuộc biểu tình Áo Vàng không tuân thủ các quy định pháp lý cụ thể, và trong nhiều trường hợp, lực lượng an ninh không vô hiệu hóa được các phần tử cực đoan, phá phách.

gj soldat inconnu

 

Người Áo Vàng bảo vệ ngọn lửa Chiến sĩ Vô danh tại Khải Hoàn Môn

Bạo lực bùng lên tại khu vực Khải Hoàn Môn – Paris - trong ngày thứ Bảy tuần trước 1/12 kéo dài trong nhiều giờ, là các hình ảnh nổi bật nhất được truyền thông loan tải rộng rãi.

Tuy nhiên, báo chí cũng chú ý đến một góc nhìn khác : Dưới Khải Hoàn Môn, nhiều người Áo Vàng ôn hòa tập hợp xung quanh ngôi mộ của người lính vô danh và ngọn lửa vĩnh cửu, để bảo vệ vị trí thiêng liêng này khỏi những kẻ phá phách.

Cảnh một số khu vực bên trong công trình Khải Hoàn Môn bị đập phá tan hoang, nhưng riêng ngọn lửa nơi mộ người lính vô danh được những người Áo Vàng tập trung bảo vệ.

Những người Áo Vàng tập hợp xung quanh mộ người lính vô danh, hát vang bài quốc ca La Marseillaise. Anh Nicolas, một người có mặt tại chỗ, tâm sự trên đài Europe 1 : anh vô cùng phẫn nộ và hổ thẹn khi thấy ngôi mộ bị phủ lấp dưới lon bia, chai rượu và vỏ lựu đạn cay.

Anh Nicolas giải thích : « Đây là linh hồn của chúng ta. Dù là Áo Vàng hay không, hay chống lại Áo Vàng, tất cả mọi người đều phải hiểu điều này.
 Đây là sức mạnh của tinh thần, sức mạnh tâm linh, là linh hồn của chúng ta.
Không thể với bất cứ lý do gì, mà có các nhân nhượng, chối bỏ linh hồn của chúng ta. Mất nó, thì sẽ chẳng còn gì cả ! » (4).

Bạo lực gia tăng : Truyền hình bị công luận chỉ trích

Theo một thăm dò dư luận (cho Téléstar), đa số người Pháp (64%) trả lời phỏng vấn chỉ trích các kênh truyền hình đã có phần trách nhiệm trong việc làm gia tăng mức độ bạo lực của các cuộc biểu tình, khi chọn cách nhấn mạnh đến các đụng độ.

Về cuộc khủng hoảng Áo Vàng hiện nay, công chúng tin tưởng nhiều hơn vào truyền thanh (68%) và báo giấy (67%), hơn là truyền hình (58%) và mạng internet (52%).

Riêng về truyền hình, các kênh France 3, France 2 và Franceinfo được nhiều người Pháp tin tưởng nhất (70%). Tiếp theo đó là các kênh M6, LCI, CNews và TF1 (khoảng 60 %). Kênh tin tức thời sự hàng đầu BFMTV chỉ được 52% tán thưởng.

Nhiều người Áo Vàng vẫn muốn đến Paris

Mọi cặp mắt ngày thứ Bảy 8/12/2018 này đều hướng về Paris, nơi dự kiến sẽ diễn ra nhiều cuộc tuần hành lớn của những người Áo Vàng, bạo động có thể bùng phát.

Lực lượng an ninh được huy động tối đa. Hàng loạt bảo tàng, công trình du lịch nổi tiếng phải đóng cửa. Nhiều cửa hàng trên các đường phố lớn trong khu vực Champs-Elysée cũng được kêu gọi đóng cửa.

Một số người gọi Paris là « thành phố chết ». Báo chí chạy tựa « Biểu tình Áo Vàng, Paris báo động đỏ ». Bộ Nội Vụ kêu gọi người Áo Vàng hãy bày tỏ thái độ tại địa phương, không nên tới Paris.

Trong khi đó, phóng viên RFI có mặt tại một bùng binh gần xã Evreux, tỉnh Eure (vùng Normandie), ghi nhận quan điểm của một số người Áo Vàng, đang chuẩn bị đi Paris biểu tình thứ Bảy. Một phụ nữ cho biết :

« Nếu ta muốn, ta muốn đạt được một mục tiêu nào đó, ta cũng phải bày tỏ điều đó một cách đứng đắn. Điều đó có nghĩa là không thể đi đến chỗ gây ra bạo lực, hay phá phách.

Chúng ta biết rằng, dù gì chăng nữa, các hậu quả của sự phá phách này, rốt cuộc chính những người công nhân sẽ phải trả giá. Họ cũng giống như chúng tôi thôi ».

Một người khác bày tỏ quan điểm :
« Chừng nào mà ông ấy không nghe theo người dân, nhân dân sẽ biểu tình thứ Bảy hàng tuần. Đây sẽ là một cuộc cách mạng 1968 mới. Tôi nghĩ rằng người dân phẫn nộ.
Chúng tôi đủ bức xúc để quyết định bày tỏ quan điểm như vậy. Chúng tôi ở đây chính là vì chúng tôi muốn thể hiện điều này ».

Lyon : Lễ hội Ánh Sáng bất chấp nguy cơ bạo động

Nước Pháp có hai thành phố mang tên Ánh sáng. Cùng với Paris (Ville-Lumière) là Lyon (Ville des Lumières).
Trong lúc, Paris và nhiều thành phố lớn khác nín thở đối phó với phong trào Áo Vàng, thì mọi chuyện dường như vẫn êm ả tại Lyon, thủ phủ của người Gaulois xưa kia.

Lễ hội Ánh sáng (5) diễn ra từ ngày thứ Năm 6/12, kéo dài đến ngày Chủ nhật 9/12, với tâm điểm là ngày thứ Bảy 8/12, ngày mà phong trào Áo Vàng dự kiến biểu tình lớn.

Hội Ánh Sáng Lyon thường được cho là có nguồn gốc từ thế kỷ 17 (có người nói là từ thế kỷ thứ 9), khi dân chúng tri ân Đức mẹ Đồng trinh cứu thành phố thoát khỏi nạn dịch hạch, đã đồng loạt thắp nến trên cửa sổ đúng vào ngày 8/12 hàng năm.

 Phong tục được duy trì từ đấy đến nay. Từ gần 20 năm trở lại đây, Hội Ánh sáng Lyon đã trở thành một sự kiện quốc tế lớn, với hàng triệu du khách viếng thăm, nhờ sự đóng góp của các nghệ sĩ hàng đầu thế giới.

Tác phẩm ''Một quảng trường nhỏ cho những giấc mơ lớn'', câu chuyện 2 người tuyết nhí Anooki - từ Bắc Cực và Nam Cực - đến thăm xã hội chúng ta, Lyon, ngày 6/12/2018.
REUTERS/Emmanuel Foudrot

Năm nay tham gia Hội Ánh sáng Lyon có 80 tác phẩm, từ 12 quốc gia.

Ông Jean-François Zurawik, người xây dựng chương trình Lễ hội Ánh sáng Lyon giải thích lý do vì sao sự kiện này lại thu hút đông đảo du khách :

 « Những chuyên gia đến đây tham quan, để theo dõi các xu thế trong lĩnh vực này, bởi Lễ hội Ánh sáng của chúng tôi gần như chỉ đưa ra các sáng tác độc đáo, những tác phẩm gần như chưa bao giờ được thấy ở nơi khác ».

Hội Ánh sáng Lyon ngày càng trở thành một mô hình được nhiều thành phố lớn trên thế giới học hỏi.
Tiếp theo Lyon, các tác phẩm nghệ thuật ánh sáng sẽ được trình bày tại Melbourne hay Hồng Kông, một thủ phủ nghệ thuật của châu Á.

Cũng tại Lyon ngày 8/12, giống như tại hơn 100 thành phố, thị xã trên khắp cả nước, sẽ diễn ra cuộc tuần hành lớn vì Khí hậu - Môi trường (6), để thúc đẩy cộng đồng quốc tế hành động nhanh chóng hơn.

Lễ hội Ánh sáng, tuần hành chống biến đổi khí hậu và biểu tình của những người Áo Vàng, nếu thành công, sẽ là một thông điệp tốt lành trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.
--------------------------
Ghi chú

1. Xem thêm : « Biến đổi khí hậu : 1000 nhà khoa học muốn sang Pháp làm việc », ngày 22/7/2017.
2. Thông cáo của hai hiệp hội các thị trưởng và xã trưởng Pháp ngày 6/12/2018.
3. « Áo Vàng: Chính phủ Pháp cân nhắc tình trạng khẩn cấp sau bạo động », ngày 2/12/2018.
4. Xem thêm : « Đệ Nhất Thế Chiến: 30.000 gương mặt làm sống lại ''Người lính vô danh'' », ngày 10/11/2018.
5. Trang nhà Lễ hội Ánh sáng Lyon 2018 : fetedeslumieres.lyon.fr
6. Xem thêm : « Phong trào Áo Vàng Pháp : « ''Cuộc bùng nổ xã hội" đầu tiên vì vấn đề sinh thái », ngày 5/12/2018.

Switch mode views: