Pháp bất công về thuế khóa ?
- Thứ Ba, 15 tháng Giêng năm 2019 22:27
- Tác Giả: Thanh Hà
"Áo Vàng" biểu tình ở Marseille, Pháp, ngày 12/01/2019REUTERS
Thuế và các khoảng đóng góp cho quỹ an sinh xã hội ở Pháp cao nhất trong Liên Hiệp Châu Âu và trong số các 36 thành viên của tổ chức OCDE. Phong trào Áo Vàng kéo dài từ giữa tháng 11/2018 nảy sinh từ phẫn nộ trong một bộ phận công luận cho rằng chính sách thuế của Pháp là "bất công".
Trong cuộc Thảo luận toàn quốc để cải tổ đất nước, thuế và những đóng góp cho xã hội là một trong bốn chủ đề được tham khảo ý kiến của người dân.
Tạp chí của RFI đặt câu hỏi với chuyên gia kinh tế Mathieu Plane thuộc Đài Quan Sát Tình Hình Kinh Tế Pháp, OFCE về chính thuế khóa của Pháp, về nét đặc thù của mô hình xã hội Pháp, về cảm nhận "bất công trong lĩnh vực thuế khóa".
Pháp cần làm gì để chính sách thuế "công bằng hơn" ?
Làm thế nào để thuế - đóng góp của người dân - được sử dụng hiệu quả hơn ?
Liệu dân Pháp có chấp nhận được giảm thuế nhưng bù lại sẽ phải trang trải toàn bộ các phí tổn về y tế, giáo dục hay từ bỏ những phúc lợi xã hội vốn có ?
Vô địch về thu thuế
"Một nửa thu nhập là để nộp cho Nhà nước" là lời than phiền thường nghe thấy qua câu chuyện hàng ngày của không ít người Pháp.
Không chỉ là nhà vô địch thế giới về bóng đá, Pháp còn dẫn đầu bảng trong số các nền kinh tế bắt người lao động và dân chúng đóng góp nhiều nhất.
Theo báo cáo của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE) được công bố hồi tháng 12/2018, với 46,2 % tỷ lệ thuế so với GDP, Pháp dẫn đầu bảng trong số 36 nước thành viên của OCDE "gắt" nhất về mặt thuế.
Tỷ lệ bao gồm cả thuế và các khoản đóng góp bắt buộc cho Nhà nước tại Pháp cao hơn 10 điểm so với mức trung bình của OCDE.
Thống kê của châu Âu, Eurostat, đầu tháng 12/2018 cũng chỉ ra rằng trong số 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Pháp cũng là một "nhà vô địch" về thuế khóa.
GDP của Pháp trong năm 2017 là 2300 tỷ euro, gần một nửa trong số đó, tức khoảng 1000 tỷ euro, về tay Nhà nước.
Đại để, Nhà nước thu khoản tiền khổng lồ này dưới những hình thức như sau :
Thứ nhất là thuế trực tiếp và thuế trị giá gia tăng TVA. Thuế trực tiếp gồm thuế đánh vào mức thu nhập của các hộ gia đình, thuế doanh nghiệp, thổ trạch, quyền sử dụng đất đai ...
Thứ hai là tất cả các khoản đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội từ quỹ lương hưu đến y tế, trợ cấp gia đình ... Khoản này do người lao động và cả giới chủ gánh chịu. Chúng được gọi chung là những khoản đóng góp bắt buộc (prélèvements obligatoires).
Mô hình xã hội Pháp : 1000 tỷ euro
Số tiền 1000 tỷ euro đó được dùng làm vào những việc gì ? Chỉ riêng trong lĩnh vực xã hội, Mathieu Plane, thuộc Đài Quan Sát Tình Hình Kinh Tế Pháp OFCE, lưu ý :
" Tại Pháp, tỷ lệ đánh thuế cao như vậy là nhằm tài trợ cho hệ thống an sinh xã hội của chúng ta.
Ngoài mảng thuế trực tiếp và trị giá gia tăng, người Pháp phải đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội. Khoản đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội tương đương với 16 % GDP.
Đổi lại, từ lương hưu, đến các chi phí về y tế và giáo dục đều do các quỹ của Nhà nước đài thọ. Các quỹ trả lương hưu cho người cao tuổi là quỹ của Nhà nước, chứ không phải là các quỹ tư nhân như ở Mỹ.
Tương tự, trong các lĩnh vực y tế và giáo dục, Nhà nước đài thọ gần như toàn bộ các chi phí này cho dân Pháp.
Nói một cách khác, ở Pháp mọi người phải đóng thuế cao, nhưng khoản tiền đó là nhằm tài trợ cho chính sách bảo hiểm xã hội.
Cần nói thêm, Pháp là một quốc gia năng động về mặt dân số, tức là chúng ta cần phải đầu tư nhiều vào giáo dục. Ở đây có hiệu ứng mà tôi gọi là « bù trừ qua lại » giữa việc chính phủ và các quỹ của Nhà nước thu nhiều thuế nhưng chi tiêu công cộng cũng nhiều".
Công bằng xã hội
Một cách chi tiết hơn, viện thống kê của Pháp cho biết, 67 % các khoản đóng góp bắt buộc được dùng để trả lương hưu, bồi hoàn một số dịch vụ y tế, cấp trợ cấp gia đình, trợ cấp thất nghiệp và cả nhà ở cho những người có thu nhập thấp ...
Chính sách trợ cấp này, theo chuyên gia Mathieu Plane của OFCE, nhằm thu hẹp "bất bình đẳng trong xã hội".
Ông giải thích:
" Khi chúng ta nói chuyện đánh thuế, cần biết là ở đầu bên kia, người dân được hưởng những dịch vụ công cộng.
Đó là một sự chọn lựa về mô hình xã hội. Mọi người đều được hưởng những dịch vụ y tế một cách tương đối đồng đều, tương tự như vậy trong ngành giáo dục. Chính nhờ vậy, giảm được nhiều những bất bình đẳng.
Thêm một điểm nữa là dù đóng góp ít hay nhiều cho các quỹ an sinh xã hội, thì khi đau ốm, một phần tiền bác sĩ hay thuốc men, chi phí bệnh viện... được quỹ bảo hiểm y tế của Nhà nước hoàn lại.
Điều này hoàn toàn khác so với ở Mỹ. Tại Hoa Kỳ, người lao động ít phải đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội, đổi lại, họ phải tự trả tiền khi đi khám bệnh hay mua thuốc.
Người Mỹ nếu có điều kiện phải mua bảo hiểm y tế riêng. Về giáo dục, học phí cho con em của họ cũng rất cao, chính vì thế mà nhiều hộ gia đình phải đi vay ngân hàng để cho con cái đi học.
Theo nghiên cứu của OFCE, nếu không được chính phủ trợ giúp, hàng tháng trung bình một hộ gia đình phải tốn khoảng 1000 euro cho hai khoản y tế và giáo dục.
Tức là 12000 euro mỗi năm. Đó là một món tiền rất lớn trong ngân sách của các hộ gia đình nếu không được Nhà nước trợ cấp".
"Bất công" trong chính sách thuế khóa ?
Có điều, trong 40 năm qua, vì rất nhiều những lý do khác nhau (tăng trưởng chậm lại, hay yếu tố dân số...) các quỹ an sinh xã hội Pháp thường xuyên trong tình trạng bội chi.
Để lấy lại cân bằng, các chính phủ, bất luận tả hay hữu, nâng mức đóng góp bắt buộc. Do vậy, một phần dân Pháp bất bình vì phải đóng thuế quá nhiều, trong lúc các dịch vụ công lại tuột dốc.
Chuyên gia Mathieu Plane, Đài Quan Sát Tình Hình Kinh Tế Pháp cho rằng, cảm thấy bị đối xử bất công trước chính sách thuế khóa, "injustice fiscale", là một trong những động lực thúc đẩy người Áo Vàng xuống đường từ giữa tháng 11/2018 :
"Một mặt người Pháp đòi được xã hội bảo trợ tốt hơn nữa và rõ rệt nhất là công luận thường chống đối mỗi lần chính phủ đòi cắt giảm chi tiêu công cộng để tiết kiệm công quỹ.
Nhưng mặt khác, dân Pháp muốn được giảm các khoản đóng góp cho quỹ y tế, lương hưu, hay thất nghiệp …
Phong trào Áo Vàng xuất phát từ chỗ một phần công luận phẫn uất trước cảnh sưu cao thuế nặng và số này cảm thấy là họ bị thiệt thòi : phải đóng thuế ngày càng nhiều, trong lúc các dịch vụ của Nhà nước lại liên tục xuống cấp.
Đúng là từ năm 2008 khi thế giới lâm vào khủng hoảng tài chính, rồi khủng hoảng kinh tế, Pháp cũng như các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã liên tục phải cắt giảm chi tiêu, để giảm bớt nợ công, trong lúc tăng trưởng thì không có.
Nhà nước đã phải tăng thuế, bắt người lao động và cả những người đã về hưu đóng góp nhiều hơn cho các quỹ an sinh xã hội.
Cùng lúc, một số các trường học, bệnh viện, chi nhánh bưu điện... bị đóng cửa. Các dịch vụ công bị thu hẹp lại, nhất là ở các vùng nông thôn, ở những ngôi làng hẻo lánh…
Từ đó, một phần công luận Pháp thực sự hoài nghi về mô hình của chúng ta và số này phản đối điều mà họ gọi là « bất công về thuế khóa ». Đây sẽ là một chủ đề lớn được đưa ra thảo luận ở cấp quốc gia".
Phương hướng nào cho một chính sách mới về thuế khóa ?
Trong bức thư gửi tới toàn dân trước khi Pháp chính thức mở ra cuộc tham khảo ý kiến trên toàn quốc, tổng thống Emmanuel Macron trực tiếp đặt câu hỏi :
Cần làm thế nào để chính sách về thuế khóa của Pháp công bằng hơn, hiệu quả hơn ?
Chúng ta cần dẹp bỏ hẳn những loại thuế nào ?
Chủ nhân điện Elysée thẳng thắn đặt vấn đề : không thâu thuế của dân, chính phủ không có phương tiện để tài trợ cho các quỹ an sinh xã hội, cho các chương trình trợ cấp cho 66 triệu người Pháp như từ trước tới nay.
Vậy dân Pháp đề nghị cắt giảm chi tiêu ở những khoản nào, có chấp nhận hay không hy sinh một số các dịch vụ công ?
Chuyên gia Mathieu Plane báo trước, sau cuộc thảo luận ở cấp toàn quốc lần này, một mô hình mới về mặt xã hội sẽ mở ra.
Một nghiên cứu gần đây của OFCE nhìn nhận tính chính đáng của làn sóng phẫn nộ vì phải đóng thuế quá nhiều : 2/3 trong số các hộ gia đình tại Pháp đóng góp cho xã hội nhiều hơn là những khoản trợ cấp mà họ thực sự nhận lại được từ các khoản trợ cấp của Nhà nước.
Từ sau khủng hoảng toàn cầu 2008, các hộ gia đình phải đóng thuế nhiều hơn, chia sẻ gánh nặng với các doanh nghiệp, các ngân hàng và cả chính phủ để thu hẹp bội chi ngân sách của Nhà nước.
Pháp muốn mô hình xã hội như thế nào ?
Nếu đóng ít thuế cho chính phủ, cho các quỹ y tế, quỹ thất nghiệp … của Nhà nước, thì sẽ phải đóng học phí cho con cái ngay từ khi chúng còn ở mẫu giáo, và sẽ không còn được bồi hoàn khi đi khám bác sĩ nữa… ?
Trong trường hợp nước Pháp đồng ý dẹp bỏ các khoản trợ cấp xã hội thì có nghĩa là người giàu có điều kiện mua bảo hiểm y tế, người nghèo thì không.
Người giàu có điều kiện đóng tiền học cho con, người có thu nhập thấp thì không, hay phải cho con đi học xa … Ở đây đặt ra một loạt những câu hỏi khác liên quan tới vai trò của Nhà nước, của tư nhân.
Chuyên gia Mathieu Plane, thuộc OFCE, kết luận, tất cả những câu hỏi đó phải " được cân nhắc rất kỹ trong đợt thảo luận ở cấp quốc gia" lần này.
Cốt lõi của vấn đề hiện này là nước Pháp rơi vào vòng luẩn quẩn, bởi không còn khả năng đài thọ mô hình xã hội như xưa, mà người Pháp thì không chấp nhận bị mất những phúc lợi xã hội đã có.
Dù chỉ là một trong bốn chủ để chính được đưa vào cuộc thảo luận ở cấp toàn quốc lần này, nhưng nguyện vọng của người dân về chính sách thuế khóa sẽ phác họa lại mô hình xã hội của nước Pháp trong tương lai.
Related news items:
Tin mới
- Tai nạn máy bay ở Iran khiến 15 người thiệt mạng - 16/01/2019 22:09
- Nghị Viện Anh bác thỏa thuận Brexit - 16/01/2019 21:52
- Brexit: Châu Âu yêu cầu Anh làm rõ lập trường - 16/01/2019 21:42
- Quân báo Mỹ : Trung Quốc có thể dội tên lửa xuống Đài Loan ngay lúc này - 16/01/2019 21:34
- Bắc Triều Tiên tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa - 16/01/2019 21:11
- Tân tổng thống Brazil mở rộng quyền người dân được mua súng - 16/01/2019 18:46
- Vụ Carlos Ghosn : Đại diện của chính phủ Pháp đến Tokyo - 16/01/2019 16:54
- Chiến hạm Mỹ qua Hoàng Sa : Hà Nội tranh thủ nhưng vẫn ngại Bắc Kinh - 15/01/2019 23:17
- Quần đảo Kuril : Nga thẳng thừng bác đòi hỏi của Nhật - 15/01/2019 23:03
- Canada kêu gọi công dân "cẩn trọng" khi tới Trung Quốc - 15/01/2019 22:50
Các tin khác
- Anh Quốc : Tương lai Brexit bất định - 15/01/2019 19:45
- Brexit : Thời hạn 29/03 khó mà được giữ nguyên - 15/01/2019 19:36
- Khủng bố ở Strasbourg : Thủ phạm lên kế hoạch từ nhiều tuần trước - 15/01/2019 17:32
- Mỹ-Thổ nêu khả năng lập "vùng an toàn" tại Syria cho người Kurdistan - 15/01/2019 17:13
- Mưa bão mùa Đông diễn ra khắp nơi trên nước Mỹ, từ California sang tới Virginia - 15/01/2019 03:51
- Áo Vàng Pháp : Phóng Viên Không Biên Giới phản đối nạn hành hung nhà báo - 14/01/2019 22:00
- Y tế Pháp giúp Việt Nam tổ chức chăm sóc người cao tuổi - 14/01/2019 21:47
- Ngoại thương sụt mạnh, khiến Bắc Kinh thêm khó khi đàm phán với Mỹ - 14/01/2019 21:15
- Hoa Vi : Báo đảng Cộng Sản Trung Quốc đòi trừng phạt Ba Lan - 14/01/2019 20:21
- Vụ tổng giám đốc Renault : Vợ doanh nhân nghi can kêu gọi HRW can thiệp - 14/01/2019 19:56