Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Quyền tự do báo chí Hồng Kông bị đe dọa

hong kong

Dân Hồng Kông lo ngại trước thực trạng các quyền tự do đang bị xói mòn - REUTERS /Athit Perawongmetha

Bị hành hung và bị tin tặc tấn công, đó là những gì báo chí ở Hồng Kông đang hứng chịu, cho thấy tự do báo chí bị xâm phạm ngày càng nhiều tại một thành phố cho tới nay vẫn tự hào về quyền tự do ngôn luận, tương phản với chế độ kiểm duyệt gắt gao ở Trung Hoa lục địa.

Hôm qua, 16/01/2015, Trung tâm Văn bút Mỹ ( PEN Americain Center ) vừa công bố một báo cáo về tự do báo chí tại Hồng Kông, vào lúc tình hình vẫn còn căng thẳng tại đặc khu hành chính này, hai tháng sau các cuộc biểu tình đòi quyền phổ thông đầu phiếu thật sự để bầu tân lãnh đạo Hồng Kông.

 Các cuộc biểu tình này đã chấm dứt vào tháng 12 vừa qua mà chính quyền Hồng Kông không hề có bất cứ nhượng bộ nào về việc cải tổ bầu cử.

Khi giới thiệu bản báo cáo tại Câu lạc bộ Thông tín viên Ngoại quốc tại Hồng Kông, bà Suzanne Nossel, giám đốc điều hành PEN American Center cho biết :
« Một số nhà báo độc lập và tờ báo ở Hồng Kông hoạt động trong một môi trường ngày càng kém thân thiện, hạn chế khả năng điều tra và tự do đưa tin. »

Bà Nossel cho biết là, các vụ tấn công, tấn công bằng kinh tế, xâm phạm thân thể và tấn công tin tặc nhắm vào báo chí Hồng Kông diễn ra vào lúc tình hình chính trị tại đặc khu này đang gặp xáo trộn, khiến người ta phải nghi ngại cho tương lai của tự do báo chí tại đây.

Trong khuôn khổ « nhất quốc lưỡng chế » ( một quốc gia hai chế độ ), dân Hồng Kông cho tới nay vẫn được hưởng các quyền tự do dân sự rộng rãi hơn nhiều so với người dân ở Hoa lục, trong đó có quyền tự do ngôn luận và quyền biểu tình.

Nhưng người dân Hồng Kông nay ngày càng lo ngại trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh và trước thực trạng các quyền tự do đang bị xói mòn.

Nhiều gương mặt nổi bật trong làng báo chí Hồng Kông đã bị tấn công. Vụ mới nhất vừa xảy ra thứ hai vừa qua, đó là vụ ném bom xăng vào nhà riêng và văn phòng của trùm tập đoàn truyền thông Jimmy Lai và cũng là một người ủng hộ dân chủ.

Lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh gần đây cũng đã gây phẫn nộ khi trong bài diễn văn về chính sách đọc hôm thứ tư vừa qua, ông đã chỉ trích một tờ báo sinh viên ủng hộ dân chủ.

Bản báo cáo của PEN American Center cũng nhấn mạnh đến những đe dọa đối với quyền tự do ngôn luận trên mạng tại Hồng Kông, như vụ tin tặc tấn công vào trang mạng của tờ nhật báo Apple Daily.

PEN American Center cũng nêu lên những mối lo ngại về tình trạng tự kiểm duyệt và sa thải nhân viên vì lý do chính trị trong các tòa soạn ở Hồng Kông hiện nay.
 Ấy là chưa kể những áp lực về kinh tế, trong đó có việc một số ngân hàng lớn ở Hồng Kông đã ngưng đăng quảng cáo trên tờ Apple Daily.

Bản báo cáo của PEN American Center kêu gọi chính quyền Hồng Kông thi hành ngay những biện pháp, chẳng hạn như điều tra nhanh chóng và cặn kẽ mọi vụ tấn công vào báo chí, cũng như huấn luyện cảnh sát về quyền của nhà báo khi hành nghề tại nơi diễn ra các cuộc biểu tình.

 

Switch mode views: