Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Châu Á-Thái Bình Dương đứng đầu thế giới về số nhà báo bị giết khi tác nghiệp

Journalist-Ukrain

Ngày càng nhiều nữ nhà báo bị hành hung lúc tác nghiệp, như trường hợp trong ảnh của nhà báo trẻ Ukraina Tetyana Chornovil, khiến dân chúng tức giận biểu tình ngày 26/12/2013.
Reuters


Trong một báo cáo công bố hôm nay, 31/12/2013, Liên đoàn Nhà báo Quốc tế FIJ ghi nhận là đã có ít nhất 108 nhà báo và nhân viên truyền thông bị thiệt mạng trong năm 2013 trên thế giới khi đang tác nghiệp.

Syria là nước nguy hiểm nhất đối với báo giới, kế đến là Irak và Pakistan. Nhưng nhìn chung, Châu Á-Thái Bình Dương là vùng có nhiều phóng viên bị hạ sát nhất.

Bản tổng kết thường niên năm 2013 của FIJ – trụ sở tại Bruxelles – trước hết nêu lên một tin tích cực : Số lượng nhà báo bị sát hại trong năm 2013 đã giảm 10% so với năm 2012.

Tuy nhiên, tình trạng 108 người bị giết khi đang thực hiện nhiệm vụ thông tin là một điều không thể chấp nhận được.

Liên đoàn Nhà báo Quốc tế do đó đã « khẩn thiết » yêu cầu các chính phủ có biện pháp nghiêm khắc để « chấm dứt tình trạng bạo hành nhắm vào nhà báo và người trong ngành truyền thông mà không bị trừng phạt ».

Một cách cụ thể, FIJ đã kêu gọi chính quyền tại các nước như Philippines, Pakistan và Irak, là phải có « ngay lập tức các biện pháp nghiêm ngặt để cho máu của giới truyền thông ngừng đổ ».

Trên bản xếp hạng từng nước về số nhà báo bị chết khi tác nghiệp, đứng đầu dĩ nhiên là Syria, với 15 người bị giết, theo sau là Irak với 13 trường hợp, kế đến là Pakistan, Philippines, Ấn Độ đồng hạng ba với 10 người chết.

Đứng trên bình diện khu vực, Châu Á-Thái Bình Dương đã nổi lên thành vùng nguy hiểm nhất đối với sinh mạng các phóng viên, ký giả.

Theo FIJ, khu vực này tập hợp đến 29% số nhà báo bị sát hại trong năm 2013, hơn cả vùng Trung Cận Đông và Thế giới Ả Rập, chiếm 27%.

Một xu hướng đáng lo ngại khác cũng được Liên đoàn Nhà báo Quốc tế nêu bật : Ngày càng có nhiều nữ phóng viên và ký giả bị bạo hành khi đi tác nghiệp.

Trong năm 2013, FIJ ghi nhận 6 trường hợp nhà báo nữ bị sát hại, bên cạnh rất nhiều trường hợp bị bạo hành như bị cưỡng hiếp, hù dọa hay bị phân biệt đối xử.

Trong báo cáo thường niên công bố ngày 18/12, tổ chức Phóng viên không Biên giới – trụ sở tại Pháp - đã nêu lên con số 71 nhà báo bị sát hại từ đầu năm trong lúc làm nhiệm vụ, đồng thời còn báo động là số phóng viên bị bắt cóc đã tăng gia đáng kể, lên đến 87 người.

Xin nhắc lại là Liên đoàn Nhà báo Quốc tế nằm trong số các tổ chức phi chính phủ chuyên bảo vệ giới truyền thông. Trên trang web của mình, FIJ cho biết là họ đại diện cho khoảng 600.000 nhà báo tại 134 nước trên thế giới.


Switch mode views: