Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Venezuela : Hàng ngàn người biểu tình chống ông Maduro

VENEZUELA protestMaduro


Hàng nghìn người Venezuela xuống đường phản đối ông Maduro, Caracas, 15/04/2013.
REUTERS/Christian Veron


Nhiều ngàn người phe đối lập tối qua 15/04/2013 đã xuống đường ở thủ đô Caracas để phản đối việc ông Nicolas Maduro tuyên bố đắc cử tổng thống, sau cuộc bầu cử bị đối thủ là ông Henrique Capriles cáo buộc là gian lận.

Theo lời kêu gọi của ông Capriles, vốn đòi hỏi phải kiểm lại số phiếu, đa số người biểu tình đã xuống đường tại nhiều khu phố của thủ đô.

Một số người khua nồi chảo, những người khác đốt các thùng rác hay bánh xe.

 Đám đông giương cờ Venezuela và hô to “Gian lận, gian lận!”.

Tại một số khu vực, cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán biểu tình.

Trước những lời kêu gọi tiếp tục biểu tình hôm nay và ngày mai trước trụ sở Hội đồng Bầu cử Quốc gia (CNE), ông Maduro đã phản ứng cứng rắn, kêu gọi những người ủng hộ ông trên toàn quốc đấu tranh một cách hòa bình và cho rằng đòi hỏi của thủ lãnh đối lập là “những ngông cuồng của bọn tư sản”.

Ông Nicolas Maduro, 50 tuổi, người được cố Tổng thống Hugo Chavez chỉ định làm người kế vị, đạt được tỉ lệ phiếu chính thức là 50,75% so với ông Henrique Capriles là 48,97%.

 Tuyên bố đắc cử tổng thống trong buổi lễ trang trọng tại cơ quan bầu cử ở Caracas, ông Maduro hứa hẹn “theo đuổi trọn vẹn di sản của ông Chavez để bảo vệ người nghèo và nền độc lập”.

Chủ tịch CNE, Tibisay Lucena nhắc nhở phe đối lập là phải “sử dụng con đường hợp pháp”, nêu ra vụ tranh cử tổng thống Mỹ sát nút của hai ông Georges W.Bush và Al Gore năm 2000, cuối cùng đã phải do Tòa án Tối cao quyết định.

Ông Capriles, Thống đốc bang Miranda ở miền bắc, cho rằng ông Maduro được bầu lên “một cách bất hợp pháp”, kêu gọi những người ủng hộ “đừng rơi vào cái bẫy bạo lực”.

Tuy vậy phía chính phủ vẫn xem các cuộc biểu tình của đối lập là một kiểu đảo chính trá hình.

Yêu cầu kiểm phiếu lại của đối lập hôm qua được Nhà Trắng ủng hộ, cho rằng đây là một giai đoạn “quan trọng, thận trọng và cần thiết”.

Tương tự, ông José Miguel Insulza, Tổng thư ký Tổ chức các Nhà nước châu Mỹ (OEA) đề nghị một cuộc “đối thoại quốc gia”.

 Về phần phái bộ quan sát của Liên hiệp các quốc gia Nam Mỹ thì đòi hỏi phải “tôn trọng kết quả” do CNE – “cơ quan thẩm quyền duy nhất về bầu cử” đưa ra.

Nhà chính trị học Ignacio Avalos nói với AFP: “Tình hình hết sức tế nhị, trong một đất nước bị chia rẽ sâu sắc, rất khó giải quyết về mặt chính trị. Quốc gia này đã bị chia hẳn làm hai phe”.

Trong bối cảnh đó, tân tổng thống sẽ phải quan ngại về một cuộc trưng cầu dân ý hủy bỏ kết quả trong ba năm tới, vì chỉ cần hội đủ 20% cử tri trong một kiến nghị bất tín nhiệm là có thể tổ chức cuộc trưng cầu này.

Đối với những người trung thành với chế độ Chavez, việc ông Maduro được bầu lên sẽ đảm bảo duy trì các chương trình xã hội của cố tổng thống, lấy từ nguồn lợi dầu hỏa của Venezuela vốn có trữ lượng dồi dào hạng nhất thế giới.

Tuy vậy điều này khó thể thực hiện trong một nền kinh tế đang khủng hoảng, với nợ công lên đến phân nửa tổng sản phẩm nội địa, và nạn lạm phát trên 20%, thuộc loại kỷ lục tại châu Mỹ la tinh.

Các nước đồng minh truyền thống của Venezuela như Cuba, Brazil, Achentina, Ecuador, Bolivia, Chilê đã hoan nghênh việc ông Maduro đắc cử. Các lãnh tụ có hiềm khích với Mỹ như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko cũng đã lên tiếng chúc mừng.


Switch mode views: