Tổng thống Emmanuel Macron : Dấu ấn ngoại giao một năm cầm quyền
- Thứ Hai, 07 tháng Năm năm 2018 22:44
- Tác Giả: RFI
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước lưỡng viện Quốc Hội Mỹ tại Washington, ngày 25/04/2018
REUTERS/Brian Snyder
Ngày 7/5/2017, Emmanuel Macron được bầu làm tổng thống Pháp với cam kết làm biến chuyển mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế và ngoại giao của nước Pháp.
Một năm sau, cùng nhìn lại những gì tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Pháp đương đại đã làm trên mặt trận đối ngoại.
Từ Ấn Độ, tới Bắc Kinh qua Trung Đông, trong một năm tổng thống Macron đã ngược xuôi hàng chục nghìn cây số.
Có thế nói ông Macron cùng lúc đóng vai trò của một du khách, người đại diện và nhà tiếp thị của ngành công nghiệp Pháp trong những chặng công du ngoại quốc như vậy.
Đó là việc đưa tập đoàn công nghệ hạt nhân Areva và hàng không Airbus đến Trung Quốc, các tập đoàn công nghiệp, SAFRAN và năng lượng EDF đến Ấn Độ.
Ở Qatar là nhà công nghiệp quốc phòng hàng đầu DASSAULT và công ty đường sắt SNCF. Kết quả là hàng tỷ euro hợp đồng đã được ký.
Nhưng trọng tâm của chính sách đối ngoại của Pháp vẫn phải là Liên Hiệp Châu Âu. Ngay sau khi đắc cử tổng thống, ông Emmanuel Macron chọn chuyến công du đầu tiên đến Berlin.
Thế nhưng, những bất đồng về vấn đề di dân hay nợ công đã làm phức tạp thêm dự định cải tổ châu Âu.
Tổng thống Pháp đã nhanh chóng gánh vác trách nhiệm thủ lĩnh của Liên Hiệp trước các lãnh đạo cường quốc khác.
Ông Macron mở rộng cánh cửa vàng của cung điện Versailles đón tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi cả một thời gian dài Matxcơva bị phương Tây cô lập do khủng hoảng Ukraina, cuộc chiến Syria hay vấn đề dân chủ, nhân quyền tại Nga.
Trước báo giới cùng với tổng thống Putin, Emmanuel Macron đã công khai nhắc đến những vấn đề ngược đãi người đồng giới ở Tchetnia, tình trạng các tổ chức phi chính phủ ở Nga bị bóp nghẹt mà không ngại làm phật lòng khách.
Khung cảnh tiếp đón tráng lệ để khách được thoải mái, không thấy ngại ngùng khi bị động chạm đến những chủ đề nhạy cảm.
Chiến thuật ngoại giao này còn được áp dụng với tổng thống Mỹ. Ông Donald Trump được mời làm khách danh dự ngày lễ quốc khánh Pháp đầu tiên của ông Macron trên cương vị tổng thống.
Quan hệ Paris - Washington bị trục trặc từ khi ông Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận khí hậu COP21.
Nhưng hồ sơ này cũng như hồ sơ Iran hay việc Donald Trump dựng hàng rào thuế quan với châu Âu, đã không cản trở quan hệ đồng minh gần gũi Pháp – Mỹ.
Điều này đã được thể hiện qua chuyến thăm cấp Nhà nước của tổng thống Emmanuel Macron tới Washington trong không khí vui vẻ thân tình hiếm thấy giữa hai lãnh đạo Pháp - Mỹ.
Trước khi đến Washington, ông Emmanuel Macron đã chứng tỏ vai trò cường quốc của Pháp với hành động phối hợp với Mỹ và Anh tấn công tên lửa trừng phạt Syria vì những nghi ngờ Damas sử dụng vũ khí hóa học sát hại thường dân.
Hành động của Pháp đã không tránh được những phê phán, nhưng trước Nghị Viện Châu Âu, ông Macron đã lớn tiếng bảo vệ đó là hành động chính đáng vì « danh dự của cộng đồng quốc tế ».
Macron, người dò gỡ mìn ở Trung Đông
Trong khi đó, ở Trung Cận Đông, tổng thống Pháp muốn đóng vai trò của người tháo gỡ các vướng mắc trong các hồ sơ nóng.
Ông Macron muốn chứng tỏ vai trò người bảo hộ cho chính phủ Liban trong cơn khủng hoảng. Bằng chứng là ông đã « giải thoát » và đón tiếp tại Paris thủ tướng Liban Saad Hariri bị Ả Rập Xê Út ép từ chức và quản thúc.
Tổng thống Pháp còn muốn là người hàn gắn các mối bất hòa giữa các vương quốc vùng Vịnh, duy trì các mối quan hệ ưu tiên với cả Arập Xê Út cũng như với Qatar, một đối thủ của Ryad.
Tổng thống Macron cũng đã tỏ ra năng nổ, hăng hái muốn trở thành người bảo lãnh cho thỏa thuận hạt nhân Iran trong khi tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng tỏ quyết tâm hủy bỏ văn kiện quốc tế quan trọng này.
Trở lại châu Phi với những hứa hẹn
Với châu Phi, tổng thống Pháp đã thuyết phục được các đối tác tổ chức thành công hội nghị 5 nước vùng Sahel (nam sa mạc Sahara) để phối hợp hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống các nhóm thánh chiến ở châu Phi.
Từ khi lên cầm quyền, ông Macron liên tiếp có các chuyến viếng thăm châu Phi : Maroc, Algeri, Mali, Sénégal và Burkina Faso với những hứa hẹn đầu tư phát triển hơn nữa cho các nước ở lục địa đen, trong quá khứ từng là sân sau của Pháp.
Khép lại một năm ngoại giao của tổng thống Pháp là chuyến thăm Úc 3 ngày với mục tiêu tăng cường hợp tác Paris - Canberra trong đó trọng tâm là quốc phòng.
Mục tiêu kép của chuyến đi là tìm kiếm các hợp đồng trang bị quân sự cho Úc và khẳng định vai trò cường quốc của Pháp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trước đà bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Thành công nhưng chưa thấy rõ thành quả
Giới quan sát đều có chung nhận định, đó là một chính sách đối ngoại thực dụng với tham vọng khơi dậy ảnh hưởng của Pháp trên thế giới.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực đối ngoại, với một nhiệm kỳ 5 năm, người ta không thể đánh giá kết quả bằng một năm hoạt động.
Rõ ràng là các chuyến công du của ông Emmanuel Macron đã thu hút được sự chú ý của cả thế giới không chỉ vì ông là một vị tổng thống trẻ đang chập chững trong lĩnh vực đối ngoại quốc tế.
Ít nhiều ông Macron đã làm cho nước Pháp xuất hiện trở lại trên trường quốc tế với một hình ảnh tích cực.
Emmanuel đã ghi lại dấu ấn cá nhân qua việc thể hiện quyết tâm bảo vệ thỏa thuận quốc tế về khí hậu, gia cố quan hệ cặp đầu tầu châu Âu Pháp - Đức, khơi lại quan hệ với tổng thống Nga Vladimir Putin và làm ấm lại quan hệ đồng minh với nước Mỹ của tổng thống Donald Trump.
Khi Emmanuel Macron mới bước chân vào điện Elysée, giới quan sát e ngại, đối ngoại sẽ là điểm yếu của tân tổng thống Pháp.
Quả thực, hành trình chính trị đưa ông Macron lên lãnh đạo một cường quốc như Pháp chủ yếu qua các con đường quản lý kinh tế, tài chính.
Đối ngoại làm một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với ông. Nhưng trong một năm đầu của nhiệm kỳ, Emmanuel Macron đã nhanh chóng tiếp cận và nắm bắt được các hồ sơ quốc tế lớn, khẳng định đối ngoại là địa hạt đặc quyền của tổng thống.
Chắc chắn vẫn còn những tiếng nói chỉ trích chính sách đối ngoại của tổng thống, nhưng ông Macron đã và đang cho thấy Pháp là một cường quốc trên giới, có thể nói chuyện được với bất kỳ ai cũng như sẵn sàng đóng vai trò là cầu nối hay dung hòa các mối bất hòa quốc tế.
Cũng như trong các lĩnh vực khác, người ta vẫn luôn đòi hỏi kết quả cụ thể.
Nhưng đến giờ mới chỉ là 1/5 của nhiệm kỳ tổng thống. Emmanuel Macron vẫn còn nhiều thời gian để đối mặt với không ít thách thức ngoại giao trong một thế giới đầy biến động và bất ổn như hiện nay.
Tin mới
- Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản, Bắc Triều Tiên bình thường hóa quan hệ. - 08/05/2018 20:48
- Trung Quốc : Tôn Chính Tài lãnh án tù chung thân - 08/05/2018 19:10
- Đài Loan tố cáo WHO chịu thua áp lực của Trung Quốc - 08/05/2018 18:45
- Liên Hoan Phim Quốc Tế Cannes 2018 có gì mới ? - 08/05/2018 15:43
- Người Do Thái thông minh nhất thế giới, bí quyết chính ở phương pháp dạy con - 08/05/2018 01:39
- Người Mỹ muốn bớt di dân - 08/05/2018 00:46
- Đại tiện trong sân trường, giám đốc học khu bị bắt - 08/05/2018 00:35
- Nam California có thể bị ảnh hưởng bởi ‘cuộc chiến mậu dịch Mỹ – Trung’ - 08/05/2018 00:26
- Israel đe dọa ‘thanh toán’ Assad nếu bị Iran tấn công từ Syria - 08/05/2018 00:17
- Tổng thống Nga Putin chính thức nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư - 07/05/2018 22:59
Các tin khác
- Một năm cầm quyền của TT Macron: Xã hội Pháp vẫn “chia đôi” - 07/05/2018 22:34
- Năm đầu của TT Macron : kinh tế Pháp khởi sắc nhưng xã hội căng thẳng - 07/05/2018 19:23
- Pháp phản đối các phát biểu của tổng thống Mỹ về vụ khủng bố 2015 ở Paris - 07/05/2018 18:19
- Cựu cố vấn an ninh Philippines kêu gọi phản đối Trung Quốc đặt tên lửa ở Trường Sa - 07/05/2018 17:06
- Nhiều nhà hoạt động ở Hàn Quốc vẫn tìm cách gửi tài liệu tuyên truyền sang miền Bắc - 07/05/2018 16:52
- Nga : Biểu tình phản đối trước ngày Putin nhậm chức, hơn 1.500 người bị câu lưu - 07/05/2018 16:42
- Báo Hàn Quốc: Singapore sẽ đón thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên? - 07/05/2018 16:31
- Bắc Triều Tiên khẳng định muốn đối thoại không phải vì sức ép của Mỹ - 06/05/2018 20:32
- Pháp : Chủ tịch tập đoàn từ chức, Air France gặp khủng hoảng - 05/05/2018 14:51
- Đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn bế tắc - 05/05/2018 14:29