Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

OCDE: Quá trình tự do hóa nền kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại

CHINA-ECONOMY-SURVEY




Một công trường xây dựng nhà ở tại Bắc Kinh, 18/03/2013
REUTERS


Trong một báo cáo của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OCDE) công bố hôm nay 22/03/2013, thì việc tự do hóa nền kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại từ bốn năm qua.
 Tổ chức này kêu gọi đẩy nhanh cải cách tại đất nước đang trên đường trở thành nền kinh tế số một thế giới.

OCDE, tổ chức tư vấn cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhận định : « Việc giảm kích thước của lãnh vực quốc doanh đã chấm dứt vào năm 2008.
Nói chung thì cạnh tranh ngày càng gay gắt, hiệu suất tăng lên, nhưng sở hữu nhà nước cần phải giảm xuống trong một số lãnh vực ».

Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế cũng kêu gọi linh hoạt hóa tỉ giá đồng nhân dân tệ, mở cửa thêm nhiều lãnh vực cho đầu tư tư nhân, và đánh thuế phát thải khí CO2 để bảo vệ môi trường.

OCDE khen ngợi việc « kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng dù bối cảnh quốc tế rất khó khăn ».

 Theo tổ chức này thì sức mua ở Trung Quốc « nay đã vượt quá khu vực đồng euro và đang trên đường trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới vào khoảng năm 2016 ».

 Dự kiến tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc năm 2013 là 8,5% và năm 2014 là 8,9%. Năm ngoái, tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc đã tăng 7,8%, thấp nhất kể từ năm 1999.

Là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, từ 2007 Trung Quốc đã giảm bớt việc mất cân bằng cán cân thương mại với các nước, nhưng sự hiện diện ngày càng ồ ạt của các công ty quốc doanh tại nước ngoài có nguy cơ gây căng thẳng với các nước phương Tây.

Đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng gần 30% vào năm ngoái, với trên 77 tỉ đô la, và tăng gần 150% trong hai tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm ngoái.

 Trong nhiều lãnh vực như năng lượng hay vận tải, đầu tư hầu như hoàn toàn từ các doanh nghiệp quốc doanh.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Tổng thư ký Angel Gurria nhận định: « Nếu trong một đất nước có những công ty không phải đóng thuế, không trả cổ tức, không bị kiểm soát và những công ty này bước vào cạnh tranh » với các nước mà doanh nghiệp phải làm những nghĩa vụ trên, « thì không công bằng ».

Ông nói tiếp : « Tôi thấy đây là vấn đề mà sắp tới phương Tây và Trung Quốc sẽ vấp phải trong các thương lượng quốc tế, cũng như vấn đề hối suất đồng nhân dân tệ cách đây vài năm ».

Switch mode views: