Nga : « Từ sau vụ sát hại Anna Politkovskaia, tình hình lại càng tồi tệ hơn »
- Thứ Sáu, 07 tháng Mười năm 2016 22:51
- Tác Giả: RFI
Người dân đặt nến và hòa trước chân dung nữ ký giả người Nga, Anna Politkovskaya tại St. Petersburg, 08/10/2006.
Reuters/Alexander Demianchuk
Cách nay 10 năm, ngày 07/10/2006, nhà báo điều tra Nga Anna Politkovskai đã bị sát hại trên đường bà về nhà, ở trung tâm Matxcơva.
Nhân dịp này, báo Le Figaro, số ngày 07/10/2016, đăng bài phỏng vấn bà Hélène Blanc, tác giả của nhiều cuốn sách nói về Nga, về diễn tiến các quyền tự do chính trị và ngôn luận tại Nga.
Le Figaro : Liệu có còn hy vọng là vụ sát hại nhà báo Anna Politkovskaia được làm sáng tỏ, 10 năm sau hay không ?
Hélène Blanc : « Trong vụ này, chỉ có những tay lính quèn bị xét xử. Người ta chưa bao giờ tìm ra được những kẻ chủ mưu.
Các bài viết của Anna Politkovskaia làm cho nhiều người khó xử, cho dù đó là những bài điều tra về tình hình Tchetchenia, về tham nhũng hoặc các vụ khác có dính líu đến điện Kremlin.
Ví dụ, khi bà giải thích chính quyền đã làm sai lệch cuộc bầu cử ra sao, vào lúc kiểm phiếu, bằng cách đe dọa những người phụ trách phòng bỏ phiếu.
Hoặc khi bà đăng bài viết nói về người chỉ đạo những kẻ bắt cóc con tin ở nhà hát Doubrovka, mà bà đã tìm ra ít lâu sau đó, khi tiến hành điều tra, đó là một cộng tác viên ở điện Kremlin. Với những bài viết như vậy, tính mệnh của bà bị đe dọa.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa biết ai là kẻ ra lệnh giết hại bà.
Tôi cũng lưu ý là nhóm sát nhân là người Tchetchenia.
Do biết được tính cách con người tổng thống Tchetchenia, Ramzan Kadirov, một kẻ độc tài mà người cha bị ám sát và kẻ này luôn luôn ám ảnh ý nghĩ là phải trả thù, do biết được mối quan hệ của nhân vật này với điện Kremlin, thì điều có thể xẩy ra là nhân vật này muốn tặng một « món quà » cho Putin, vào sinh nhật của ông ta, mồng 07 tháng 10.
Kadirov cũng có thể muốn chứng minh với Kremlin là ông ta có khả năng hành động tốt hơn là quân đội Nga ».
Le Figaro : Kể từ sau vụ sát hại nữ nhà báo, thì mọi việc có thay đổi tại Nga hay không ?
Hélène Blanc : Có, mọi việc đã thay đổi, nhưng theo hướng xấu hơn.
Nhiều nhà báo đã bị sát hại, trong đó có một người bị giết bằng búa.
Cũng như Anna Politkovskaia, nhiều người đã từng làm việc cho tờ Navaia Gazeta. Thế nhưng, người ta không hề tìm ra được bất kỳ một kẻ chỉ đạo các vụ sát hại này.
Không phải chỉ có người Nga cần phải lo ngại về sự giận dữ của Matxcơva.
Người nước ngoài, bị coi là các vật cản, cũng bị tấn công.
Ngày 30/09, nhà báo Ukraina, Roman Souschenko, thông tín viên tại Paris của Ukrinform (Thông tấn xã chính thức của Ukraina), được bộ Ngoại Giao Pháp chấp thuận, đã bị bắt khi tới Matxcơva thăm gia đình.
Bị cáo buộc làm gián điệp, ông đã bị tống giam ở Lefortovo. Truyền hình Nga phát liên tục các hình ảnh nhà báo này bị còng tay.
Không phải chỉ có các nhà báo bị đe dọa. Các nhà đối lập chính trị cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Năm 2013, ông Boris Berezovsky đã chết tại tư gia, ở Anh, nơi ông ta sống lưu vong. Sau cuộc điều tra, tư pháp Anh kết luận đó là một « cái chết không giải thích được ».
Là người lập ra đảng Nước Nga Thống Nhất của tổng thống Putin, ông ta chắc chắn nắm giữ nhiều bí mật quốc gia.
Xin nêu một ví dụ khác. Năm 2015, Boris Nemtsov, một gương mặt lịch sử của phe đối lập, đã bị bắn chết ngay sát điện Kremlin.
Cơ quan an ninh Nga FSB không thiếu sáng kiến, đã đặt bẫy ông Vladimir Boukovski và sẽ đưa ông ra xét xử với tội danh ấu dâm, đồi trụy, vào tháng 12/2016.
Những người quen biết ông Boukovski từ lâu đều tin rằng ông vô tội : chính quyền muốn bội nhọ danh dự của ông.
Người dân thường cũng là đối tượng bị đe dọa. Từ tháng 12/2011 đến 02/2012, trên toàn nước Nga, đã có nhiều phong trào phản đối tình trạng gian lận trong cuộc bầu cử nghị viện và chống lại chính ông Putin.
Sau khi quay lại làm tổng thống, ông Putin đã liên tục trả thù các phong trào này, cho thông qua các đạo luật bóp nghẹt các quyền tự do của công dân.
Vào năm 2015, ngay sau vụ khủng bố tấn công tòa soạn báo trào phúng Pháp Charlie Hebdo, một thanh niên Nga đi trên đường phố ở Matxcơva, với tấm biển ghi « Tôi là Charlie », đã bị bắt và kết án 5 năm tù.
Le Figaro : Phe đối lập hiện nay ra sao ?
Hélène Blanc : Từ sau vụ sát hại ông Boris Nemtsov, người vốn có tính chính đáng rất lớn, các nhà đối lập Nga lại càng lo sợ hơn trước.
Chẳng còn nhiều người để đấu tranh với chính quyền nữa.
Gary Kasparov sang Mỹ lưu vong. Mikhail kassianov, cựu thủ tướng, thì giữ khoảng cách. Alexei Navalny bị quản thúc tại gia.
Điều mà Vladimir Putin lo ngại nhất, đó là một cuộc cách mạng Nga, giống như ở những gì đã diễn ra ở Gruzia, với cuộc Cách Mạng Hoa Hồng năm 2003, hay tại Ukraina với cuộc Cách Mạng Mầu Cam năm 2004 và các sự kiện xẩy ra gần đây.
Ông ta lo ngại lây lan và đã đè bẹp toàn bộ phe đối lập, do vậy đối lập Nga không còn khả năng hành động nữa.
Le Figaro : Có nên hy vọng tình hình tới đây sẽ được cải thiện hay không ?
Hélène Blanc : « Không. Hiện nay, các cựu nhân viên KGB nắm giữ những vị trí chủ chốt, thì không nên hy vọng họ sẽ sớm buông lơi quyền lực.
Hơn nữa, Putin là một hoàng đế và trong tương lai, muốn chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước cho một nhân vật nào đó thuộc phe của ông ta.
Cần phải thừa nhận là tại Nga, ông Putin có được uy tín nhất định, và uy tín này được duy trì qua việc sùng bái cá nhân mà truyền hình Nga tạo dựng như một « siêu Hoàng đế ».
Ngoài việc tuyên truyền, ông Putin cũng được công nhận là người đã tái lập một sự ổn định nào đó tại Nga.
Khi ông ta lên cầm quyền, sau thời kỳ Boris Elsine, nước Nga lúc đó ở trong tình trạng suy tàn, lương và hưu bổng không được trả.
Ông Putin đã giải quyết được những việc này. Ông cũng ngăn cản được sự tan rã của nước Nga, tái tạo được lòng tự hào cho một quốc gia vốn cảm thấy nhục nhã do sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết.
Tuy nhiên, chỉ có những ai nghĩ rằng ông Putin sẽ thiết lập nền dân chủ thật sự thì quả là ngây thơ.
Hiện nay, tại Nga, không còn đối trọng quyền lực nữa, tư pháp nghe theo mệnh lệnh từ chính quyền và mọi quyết định quan trọng đều phải được chuyển lên điện Kremlin, nhân danh nguyên tắc tôn trọng quyền lãnh đạo từ trên xuống dưới.
Chính người dân Nga coi chế độ hiện nay là « dân chủ độc tài - démocrature », tức là một chế độ độc tài được che giấu dưới dạng dân chủ và như vậy không thể nhận diện được về mặt đạo lý quốc tế.
Khó có thể biết được ông Putin nghĩ gì đối với tương lai : ông ta thường nói một đằng, làm một nẻo.
Tuy nhiên, nhìn vào cuộc bầu cử lập pháp gần đây, tôi tự hỏi phải chăng cuộc bầu cử tổng thống sắp tới cũng sẽ được tổ chức trước thời hạn.
Bình thường ra, cuộc bầu cử này được tổ chức vào năm 2018. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế mà nước Nga hiện nay đang trải qua sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn và người dân sẽ cảm nhận thấy rõ hơn vào thời điểm đó.
Nếu tổ chức bầu cử sớm thì thuận lợi hơn cho ông Putin. Thậm chí, tôi đang tự hỏi phải chăng mục đích tối hậu của ông Putin là được bầu làm tổng thống cả đời ».
Tin mới
- Nobel Hòa bình: Phản ứng ở Colombia và trên thế giới - 08/10/2016 18:24
- Donald Trump lại bị tố ăn nói thô tục với phụ nữ - 08/10/2016 18:17
- Syria : Mỹ tố Nga gây «tội ác chiến tranh» ở Aleppo - 08/10/2016 18:09
- Hoa Kỳ tố cáo Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống - 08/10/2016 17:19
- Ba Lan hủy hợp đồng mua trực thăng Pháp khiến Paris bực tức - 08/10/2016 15:02
- Formosa: Tòa bác đơn kiện của các ngư dân - 08/10/2016 14:56
- Kerry kêu gọi điều tra Nga và Syria về tội ác chiến tranh - 08/10/2016 01:52
- Bão Matthew tạt qua Nam Florida, tiến về hướng Bắc - 08/10/2016 01:44
- Syria : Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp khẩn về tình hình Aleppo - 07/10/2016 23:50
- Truyền thông Mỹ bắt đầu bỏ rơi Donald Trump ? - 07/10/2016 23:25
Các tin khác
- Hơn 1000 lá thư tình của cố tổng thống Pháp Mitterrand - 07/10/2016 22:04
- Vụ Formosa thách thức chính quyền Việt Nam và các tập đoàn ngoại quốc - 07/10/2016 17:12
- Vợ ca sĩ nhạc rock Pháp Johnny Hallyday xây trường ở Việt Nam - 07/10/2016 16:25
- Nga trở lại căn cứ quân sự Cam Ranh ? - 07/10/2016 13:21
- Phận đàn ông ở Tây Sumatra, Indonesia - 06/10/2016 23:22
- Joshua Wong bị Thái trục xuất ‘theo yêu cầu Trung Quốc’ - 06/10/2016 19:20
- Lộ diện biệt thự $2.5 triệu của bố Trịnh Xuân Thanh - 06/10/2016 19:02
- Amsterdam, Bruxelles cũng nằm trong kế hoạch khủng bố 13/11? - 06/10/2016 18:13
- Nga gởi thêm chiến hạm tăng viện cho chiến trường Syria - 06/10/2016 17:59
- Tân tổng thư ký LHQ sẽ là cựu thủ tướng Bồ Đào Nha Guterres? - 06/10/2016 16:00