Amsterdam, Bruxelles cũng nằm trong kế hoạch khủng bố 13/11?
- Thứ Năm, 06 tháng Mười năm 2016 18:13
- Tác Giả: RFI
Najim Laachraoui (T), người chuẩn bị vũ khí cho loạt khủng bố ở Paris và Mohamed Abrini (P), kẻ khủng bố duy nhất sống sót sau vụ khủng bố sân bay Bruxelles. Ảnh chụp từ camera theo dõi ngày 22/03/2016.
REUTERS/CCTV/Handout via Reuters
Cuộc điều tra loạt khủng bố tại Paris và vùng ngoại ô ngày 13/11/2015, do tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tiến hành, cho thấy một mạng lưới có tổ chức và tinh vi hơn hình dung ban đầu.
Theo thông tin của nhật báo Le Monde ngày 05/10/2016, dường như Amsterdam, Bruxelles cũng nằm trong danh sách khủng bố ngày 13/11.
Những phát hiện mới đây về các chi nhánh của mạng lưới này cho thấy rõ tại sao Salah Abdeslam lại có thể lẩn trốn được trong suốt 4 tháng và dường như loạt tấn công tại Paris (13/11/2015) và Bruxelles (22/03/2016) đều nằm trong một kế hoạch ban đầu.
Máy tính xách tay biết nói
Cuối tháng 03/2016, một ngày sau loạt khủng bố tại Bruxelles, cảnh sát điều tra tìm thấy một chiếc máy tính xách tay vất trong thùng rác gần một trong những bản doanh cuối cùng của nhóm thánh chiến ở phố Max-Roos, khu Schaerbeek, Bruxelles.
Có rất nhiều dữ liệu được lưu trữ trong máy tính này, như những lời tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, danh sách các mục tiêu khủng bố (khu văn phòng La Défense (ngoại ô Paris), hội chính thống Civitas), những thông tin về chất nổ… Những kẻ khủng bố cẩn thận mã hóa dữ liệu.
Thế nhưng, một hồ sơ đã được sao lại và lưu trên màn hình máy tính.
Tệp tài liệu này cho thấy toàn bộ cấu trúc của mạng lưới này.
Theo cảnh sát, đây là « kế hoạch thật sự các vụ tấn công khủng bố ngày 13/11 », « thậm chí là các cuộc tấn công trong tương lai ». Được lưu dưới tên « 13 tháng Mười Một », tệp tin này gồm rất nhiều hồ sơ nhỏ bên trong, lần lượt được đặt tên « Nhóm Omar », « Nhóm Pháp », « Nhóm Irak », « Nhóm Schiphol » và « Nhóm tầu điện ngầm ».
Những tên hồ sơ này cho thấy cách tiến hành khủng bố của nhóm thánh chiến Pháp-Bỉ. « Omar » là biệt danh của thủ lĩnh Abdelhamid Abaaoud, kẻ tấn công các quán cafe ở Paris.
Nhóm xả súng tại nhà hát Bataclan không chỉ có những kẻ đánh bom tự sát người Pháp (Foued Mohamed-Aggad, Samy Amimour et Ismaël Omar Mostefaï). Hai kẻ kích đai nổ tại sân vận động Stade de France là người Irak.
Hungary : trạm trung chuyển
Các nhà điều tra vẫn chưa có kết quả chắc chắn về hai nhóm cuối.
Liệu « Nhóm tầu điện ngầm » ban đầu định tấn công hệ thống tầu điện ngầm Paris và phải chuyển sang tấn công tầu điện ngầm Bruxelles vào ngày 22/03 hay không ?
Hay « Nhóm Schiphol », liệu đó có phải là kế hoạch tấn công sân bay cùng tên ở Amsterdam hay không ?
Hiện cảnh sát vẫn tiếp tục kiểm tra. Tuy nhiên, những thông tin này cho thấy có khả năng nhóm này định ra tay hành động trong cùng ngày 13/11/2015.
Hai người đàn ông bị tình nghi liên quan đến kế hoạch trên đều bị bắt một cách rất tình cờ trong lúc truy tìm những kẻ chủ chốt trong loạt tấn công đẫm máu ở Paris và Bruxelles.
Kẻ đầu tiên, Sofien A., 23 tuổi, gốc Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị bắt ngày 18/03, tại nơi bắt Salah Abdeslam, phố Quatre-Vents, ở Molenbeek.
Kẻ thứ hai, Ossama K., người Thụy Điển gốc Syria, đã bị bắt ngày 08/04 tại Anderlecht, cùng lúc với Mohamed Abrini, « người đàn ông đội mũ » trong vụ khủng bố ở sân bay Bruxelles.
Có rất ít thông tin về kẻ đầu tiên, Sofien A., ngoại trừ nhân vật này từng sang Syria. Tại đây, hắn lưỡng lự giữa khóa đào tạo pháo binh và bộ binh trong hàng ngũ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Trước khi đến Syria vào đầu năm 2015, hắn từng sống ở khu bình dân Malmo, Thụy Điển.
Cơ quan chống khủng bố Pháp (SDAT) đã phác lại được lịch trình của hai kẻ này. Cả hai dùng giấy tờ tùy thân giả đi xe buýt đường dài Euroline từ ga Bắc Bruxelles để đến Amsterdam, vào ngày 13/11, và họ chỉ mua vé một chiều.
Khi bị thẩm vấn, Ossama K. khai đã đặt một phòng khách sạn ở Amsterdam cho một đêm. Nhưng sau đó, hắn lại khai là đã đi và về ngay trong ngày 13/11.
Vậy tại sao lại không ra tay hành động ? Hắn có nhiều đồng bọn hay không ? Những câu hỏi này hiện vẫn chưa có câu trả lời.
Các cuộc điều tra hiện đang được mở rộng đến tận Hungary.
Theo kết quả phân tích điện thoại di động của Salah Abdeslam và các lần chuyển tiền Western Union, có một người hoặc một chi nhánh trung chuyển hoạt động trong nhiều tháng tại nước Đông Âu này, ít nhất là từ giữa tháng 08 đến đầu tháng 11/2015.
Nhân vật này đến đây theo làn sóng di dân, giống như nhiều thành viên khác của nhóm khủng bố ngày 13/11, sau đó người này Bruxelles và lẩn trốn tại nhiều địa điểm của mạng lưới Pháp-Bỉ.
Hiện các nhà điều tra vẫn chưa nhận dạng được dấu ADN lạ, được tìm thấy tại nhiều địa điểm trên.
Từ lâu, cuộc điều tra đưa ra giả thuyết là có một kẻ khủng bố khác đến châu Âu theo con đường Balkan, song đã không có mặt đúng hẹn để tiến hành vụ 13/11.
Kẻ này được gọi là « Người Áo » đã bị bắt vào tháng 12/2015, tại Salzbourg, trong một trại tạm trú cho người xin tị nạn.
Tổng cộng, có bốn người đàn ông đã bị bắt tại Áo. Hai trong số họ đã thú tội. Họ khai có nhiệm vụ tiến hành tấn công tại Paris ngày 13/11.
Họ đi cùng thuyền với hai kẻ tấn công tự sát người Irak tại sân vận động Stade de France, thế nhưng họ bị chặn ở Hy Lạp mất 25 ngày vì giấy tờ tùy thân Syria của họ bị phát hiện là giả.
Công tác hậu cần chu đáo
Những kẻ đồng lõa khác, hiện vẫn chưa bị bắt, cũng bị nghi ngờ là đã liên lạc với các thành viên của mạng lới khủng bố Pháp-Bỉ, thế nhưng vẫn chưa thể khẳng định họ có liên quan trực tiếp đến các kế hoạch khủng bố hay không.
Việc những người này vẫn chưa bị sa lưới khiến các nhà điều tra lo ngại, vì sau loạt khủng bố ngày 13/11, những thành viên sống sót của mạng lưới này thề quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, và ra tay hành động ngày 22/03 tại Bruxelles.
Để chuẩn bị cho các cuộc tấn công, công tác hậu cần được chuẩn bị rất bài bản và chu đáo.
Khoảng 10 địa điểm ẩn náu đã dần được phát hiện theo dòng điều tra, chủ yếu ở xung quanh Bruxelles (Auvelais, Charleroi, Schaerbeek, Jette, Forest, Laeken, Etterbeek, Anderlecht…).
Cuộc sống ẩn dật được chuẩn bị rất có tổ chức, mỗi người có một vai trò riêng.
Một số kẻ đồng lõa chỉ phụ trách việc thuê nhà dưới tên giả, đi chợ, lái xe đưa các nhóm từ nơi này đến nơi khác.
Tủ lạnh luôn đầy thực phẩm chào đón nhóm mới đến và họ có một máy tính bảng kết nối internet để « giết thời gian » và theo dõi tin tức.
Tại một trong những nơi trú ẩn này, những kẻ thánh chiến còn có cả đầu máy chơi điện tử PlayStation.
Quá trình lẩn trốn của Salah Abdeslam cũng được tái dựng. Theo lời khai của một trong những kẻ bị truy tố, ngay hôm sau đêm thảm sát ở Paris, Salah Abdeslam đến căn hộ Schaerbeek, ở phố Henri-Bergé, nơi được dùng làm xưởng chế tạo đai thuốc nổ.
Căn hộ này chỉ cách nơi Salah Abdeslam bỏ xe hơi có vài bước chân.
Theo các nhà điều tra, đến tháng 12/2015, Salah Abdeslam được chuyển đến một căn hộ ở tầng 9 của một tòa nhà ở Jette, ngay ngoại vi Bruxelles và sống cùng Mohamed Abrini và Ossama K.
Đầu tháng 01/2016, ba người này được chuyển đến khu Forest, phố Dries. Trong cuộc đột kích ngày 15/03, một nhóm điều tra đã chạm trán với kẻ thánh chiến, dẫn đến một cuộc đấu súng.
Đây chính là động cơ khiến những kẻ khủng bố quyết định khẩn trương tấn công thủ đô Bruxelles. Riêng Salah Abdeslam bị bắt trước đó bốn ngày, vào ngày 18/03.
Tin mới
- Syria : Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp khẩn về tình hình Aleppo - 07/10/2016 23:50
- Truyền thông Mỹ bắt đầu bỏ rơi Donald Trump ? - 07/10/2016 23:25
- Nga : « Từ sau vụ sát hại Anna Politkovskaia, tình hình lại càng tồi tệ hơn » - 07/10/2016 22:51
- Hơn 1000 lá thư tình của cố tổng thống Pháp Mitterrand - 07/10/2016 22:04
- Vụ Formosa thách thức chính quyền Việt Nam và các tập đoàn ngoại quốc - 07/10/2016 17:12
- Vợ ca sĩ nhạc rock Pháp Johnny Hallyday xây trường ở Việt Nam - 07/10/2016 16:25
- Nga trở lại căn cứ quân sự Cam Ranh ? - 07/10/2016 13:21
- Phận đàn ông ở Tây Sumatra, Indonesia - 06/10/2016 23:22
- Joshua Wong bị Thái trục xuất ‘theo yêu cầu Trung Quốc’ - 06/10/2016 19:20
- Lộ diện biệt thự $2.5 triệu của bố Trịnh Xuân Thanh - 06/10/2016 19:02
Các tin khác
- Nga gởi thêm chiến hạm tăng viện cho chiến trường Syria - 06/10/2016 17:59
- Tân tổng thư ký LHQ sẽ là cựu thủ tướng Bồ Đào Nha Guterres? - 06/10/2016 16:00
- Ba Lan : Dự thảo luật cấm phá thai bị bác bỏ - 06/10/2016 15:53
- Việt Nam sắp trang bị chiến xa T-90 của Nga ? - 06/10/2016 15:35
- Thái Lan kỷ niệm 40 năm vụ thảm sát sinh viên đấu tranh dân chủ - 06/10/2016 15:16
- Ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng cao tới mức đáng lo ngại - 05/10/2016 22:35
- Duterte: ‘Obama chết phứt đi cho xong!’ - 05/10/2016 18:46
- Chóp bu CSVN thừa nhận: ‘Trịnh Xuân Thanh đã trốn sang Châu Âu’ - 05/10/2016 18:35
- Nga triển khai tên lửa S-300 tại Syria - 05/10/2016 18:16
- Colombia : Thỏa thuận đình chiến với FARC có hiệu lực đến 31/10 - 05/10/2016 17:46