Hệ thống cáp biển và những thách thức địa chính trị
- Thứ Năm, 23 tháng Tám năm 2018 16:04
- Tác Giả: Minh Anh
Xe kéo được dùng để rải các đường cáp biển.CC/Sergio77
Có 99% trao đổi thông tin toàn cầu và hơn 10.000 tỉ đô la giao dịch trên thế giới đều được thông qua các đường cáp quang biển.
Trong bối cảnh bùng nổ xung đột hiện nay, giới quan sát lo ngại những con lộ thông tin thiết yếu này có nguy cơ trở thành mục tiêu dễ bị tấn công.
Khi nói đến tính chất dễ bị tấn công của thế giới số hóa, người ta thường hay nghĩ đến các vụ tấn công tin tặc mà quên đi yếu tố vật chất, vốn dĩ cũng là một « yếu huyệt », dễ bị tổn thương trong cuộc chiến thông tin.
Đây cũng chính là điều quan ngại của tổng tham mưu trưởng quân đội Anh Quốc, đại tướng Stuart Peach trong một cuộc họp với đồng nhiệm các nước thành viên khối NATO hồi cuối năm 2017.
Lời cảnh báo của ông được đưa ra vài ngày sau khi một cơ quan tham vấn của Anh Quốc, nổi tiếng bảo thủ, Policy Exchange báo động các điểm yếu của mạng lưới cáp quang biển. Báo cáo của cơ quan này còn trích dẫn nguồn tin tình báo Hoa Kỳ nghi ngờ phía Nga có mưu toan cắt các đường cáp thông tin chạy ngầm dưới đáy biển Đại Tây Dương, nối liền châu Âu với Hoa Kỳ.
Tiết lộ này đã khiến phương Tây lo ngại, nghi ngờ Nga tiến hành một cuộc chiến tranh lạnh không quy ước.
Trả lời các câu hỏi của đài phát thanh France Culture, bà Camille Morel, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược trường Quân sự, giải thích tầm mức quan trọng của các đường cáp quang biển hiện nay đối với thế giới:
« Hệ thống cáp quang của toàn thế giới hiện nay bao gồm khoảng 300 cáp đặt dưới đáy biển. Hệ thống này rất lớn. Bởi vì, trái với những gì người ta nghĩ về hệ thống vệ tinh, hệ thống cáp quang dưới đáy biển chuyển tải hơn 95% các thông tin viễn thông toàn cầu.
Thông tin viễn thông bao gồm các cuộc gọi điện thoại, vidéo, dữ liệu internet… Và các dữ liệu này, tất cả mọi người đều tạo ra, tất cả mọi người đều truy cập internet, để xem thư điện tử, khai thuế, mua hàng hạ giá trên mạng… Đó là các hoạt động của từng cá nhân.
Nhưng còn có các hoạt động của doanh nghiệp, hệ thống liên lạc giữa các bộ phận trong quy trình sản xuất. Việc chuyển tải dữ liệu cũng đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực tài chính, bởi vì các mệnh lệnh mua bán cổ phiếu của giới trung gian đều được chuyển tải qua hệ thống cáp quang.
Các yêu cầu này được chuyển ngay lập tức tới người nhận. Họ tranh thủ, giành giật từng giây và điều này rất quan trọng trong lĩnh vực tài chính. Tôi nghĩ, hoạt động của hệ thống cáp quang có vai trò quyết định, đó là vì hệ thống này có những tác động đến nền kinh tế và xã hội trên toàn thế giới. »
Hệ thống cáp quang và các thách thức chính trị
Lịch sử hệ thống cáp biển đã có gần hai thế kỷ. Đường cáp trao đổi điện tín xuyên biển đầu tiên, nối liền vùng Pas de Calais (miền bắc nước Pháp) với Douvres của Anh quốc được rải vào năm 1851, nhưng hoạt động không được bao lâu. Đến năm 1858, đường cáp xuyên Đại Tây Dương đầu tiên được thực hiện.
Năm 1865, một đường cáp xuyên Đại Tây Dương khác dành cho trao đổi thương mại đã được lắp đặt. Dự án do các ngân hàng tài trợ nhằm truyền tải các giao dịch chứng khoán giữa Luân Đôn và New York.
Rồi sự ra đời của điện báo vô tuyến đầu thế kỷ XX đã gây ra cuộc cạnh tranh gay gắt cáp biển trong nhiều thập niên, cùng với phát minh vệ tinh vào cuối những năm 1950. Nhưng chính sự xuất hiện của cáp quang kể từ những năm 1980 đã mang lại một lợi thế quyết định cho hệ thống cáp biển.
Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ cho phép cáp quang truyền tải một dung lượng lớn dữ liệu cao gấp hàng triệu lần so với vệ tinh và các loại cáp truyền thống. Vào đầu năm 2018, một đường cáp quang mới - Marea, dài hơn 6.600 km, do Google và Facebook sở hữu, nối liền Virginia Beach, Hoa Kỳ với Bilbao của Tây Ban Nha đã được lắp đặt. Đường cáp này có khả năng truyền tải đến 160 terabit dữ liệu trong một giây.
Với một dung lượng truyền tải thông tin khổng lồ và phải đi qua nhiều vùng lãnh hải thuộc nhiều quốc gia khác nhau, việc kiểm soát các đường cáp biển sẽ là những thách thức chính trị lớn đối với các nước do có liên quan đến các hoạt động tình báo và trừng phạt quốc tế. Bà Camille Morel phân tích tiếp :
« Tôi nghĩ đằng sau hệ thống cáp này, có những thách thức chính trị to lớn, khi mà Nhà nước can thiệp và có vai trò trong tiến trình ra các quyết định. Hệ thống cơ sở hạ tầng này được quyết định và thực hiện bởi các tập đoàn tư nhân. Tuy nhiên, các quốc gia luôn luôn can thiệp ví dụ như cấp giấy phép cho đặt cáp trong vùng lãnh hải.
Như vậy, chính trị là nền tảng quan trọng của loại dự án này. Tiếp đến, còn có những thách thức về quyền lực, mang tính địa chính trị, như việc thu thập, sở hữu, quản lý thông tin. Chúng ta đã thấy vấn đề này trong lĩnh vực tình báo. Các tiết lộ của Edward Snowden cho thấy sự thống trị rõ nét của Hoa Kỳ trong việc thu thập và khai thác thông tin.
Từ lâu nay, thường xuyên xẩy ra các vụ cắt cáp mà thủ phạm là các quốc gia, quân đội hoặc các vụ lấy thông tin của các cơ quan tình báo. Nói tóm lại, hệ thống cáp quang là một không gian tin học, một thách thức chính trị và chúng ta nhận thấy vai trò gần như thống trị của các nước phương Bắc (tức các quốc gia giàu và phát triển), rồi vai trò của các tác nhân đặt cáp, bảo trì…Việc kiểm soát, thống trị hệ thống cáp vẫn theo lô-gích quyền lực truyền thống. »
Cáp quang và các rủi ro tiềm tàng
Nhìn lại lịch sử, các vụ tấn công cáp biển nhằm mục đích quân sự cũng không phải là điều mới mẻ. Năm 1914, Anh Quốc đã cho cắt đường cáp viễn thông xuyên Đại Tây Dương của quân đội Đức trong Đệ Nhất Thế Chiến.
Trong suốt cuộc chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã từng dọ thám một đường cáp viễn thông của Liên Xô tại vùng biển Okhotsk.
Trong thời đại hiện nay, nước Nga được cho có đủ phương tiện cần thiết để có thể thực hiện một chiến dịch tấn công như thế. Giới quan sát nhắc lại, sự hiện diện của chiếc tầu nghiên cứu hải dương Yantar của Nga gần với các đường cáp biển của Mỹ năm 2015 đã làm dấy lên mối nghi ngờ từ Washington.
Bởi vì, ngay trước khi xảy ra xung đột quân sự giữa Nga và Gruzia năm 2008, một vụ cắt cáp ở Biển Đen đã được phát hiện. Tương tự, vào thời điểm Nga triển khai quân ở Crimée năm 2014, bán đảo này đã bị cắt liên lạc với Ukraina.
Bên cạnh rủi ro xung đột, cáp quang biển còn phải đối mặt với những sự cố tai nạn do tầu thuyền gây ra, nạn đánh cắp, ý đồ phá hoại, hay như khủng bố... Trong vấn đề này, bà Camille Morel nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm quản lý của các nước nơi có đường cáp đi qua:
« Đương nhiên, đó là một cơ sở hạ tầng hiện hữu, nhưng người ta ít nói đến. Người ta chủ ý kín đáo, tránh nói đến để bảo vệ hệ thống cáp quang tin học. Như tôi đã nói, đặc biệt trong lĩnh vực tình báo, thu thập thông tin.
Hệ thống cáp đặt dưới đáy biển phải đối mặt với nhiều mối đe dọa. Trước tiên là mối đe dọa truyền thống, cổ điển, vì tai nạn. Hàng năm, hơn 70% trường hợp đứt cáp là do lưới cá, mỏ neo. Đây là một con số rất lớn. Rồi các vụ đứt cáp do thiên tai, như động đất dưới đáy biển, sóng thần, nhất là tại châu Á, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Việc sửa chữa mất rất nhiều thời gian. Để sửa chữa và phục hồi một tuyến cáp, phải mất ít nhất là 15 ngày.
Ngoài các mối đe dọa cổ điển, còn có những mối đe dọa đã có từ lâu và theo tôi, đây là một vấn đề. Đó là việc chủ ý cắt cáp. Nhà nước luôn luôn can thiệp, dính líu vào việc cắt cáp đáy biển. Ngay từ năm 1890, đã xẩy ra vụ một quốc gia chủ ý cắt cáp đáy biển của kẻ thù. Ngày nay, lại còn có sự tham gia của các tác nhân tư nhân.
Đầu năm nay, tôi có viết một bài về vụ cắt hệ thống cáp đáy biển gần Hồng Hải. Đây là một vấn đề thực sự, cho dù không phải là mới lạ. Nếu giả định đó là một vụ chủ ý thì câu hỏi đặt ra là tại sao hệ thống cáp này bị tấn công mà không phải là một hệ thống khác.
Ngược lại, có nhiều vụ gây đứt cáp xẩy ra từ năm 2008 cho thấy là các tác nhân tư nhân đã can thiệp. Có nhiều giả thuyết và khó có thể đưa ra nguyên nhân. Ví dụ vụ làm đứt cáp ở ngoài khơi, gần Việt Nam. Trong những vụ như thế này, các quốc gia cũng phải chịu một phần trách nhiệm là đã không bảo vệ tốt khu vực đặc quyền kinh tế. Trong một số trường hợp, có thể nói là chính quyền đã gián tiếp ủng hộ các vụ cắt cáp đáy biển. »
Giờ đây, vào thời điểm Internet chiếm một vị trí ngày càng lớn trong xã hội, việc tấn công đối thủ bằng cách cắt mạch thông tin có lẽ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vẫn theo nhà nghiên cứu Camille Morel, mặc dù quốc tế đã có một khung pháp lý từ gần 200 năm qua để bảo vệ hệ thống cáp biển, nhưng khi xảy ra xung đột, thì không ai có thể kiểm soát được hành động của những quốc gia có liên quan do vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng trong công ước quốc tế:
« Điều quan trọng là năm 1884, đã có công ước quốc tế đầu tiên, bảo vệ hệ thống cáp dưới đáy biển, tức là 30 năm sau khi tuyến cáp đầu tiên được rải. Như vậy, cộng đồng quốc tế đã có một công ước. Nhưng trong thời đại hiện nay, văn bản này có rất nhiều hạn chế, ví dụ không đề cập đến hệ thống cáp ở ngoài biển khơi.
Vẫn theo công ước này, các quốc gia được quyền tự do hành động trong giai đoạn có xung đột. Vậy giai đoạn có xung đột có nghĩa là gì ?
Cho đến lúc này, các quốc gia muốn làm gì thì làm. Do vậy, cần phải có một câu trả lời cho vấn đề này. »
Related news items:
Tin mới
- Hungary bỏ đói, dồn người xin tị nạn vào đường cùng - 25/08/2018 17:33
- Tổng thống Trump hủy chuyến đi Bắc Triều Tiên của ngoại trưởng - 25/08/2018 15:00
- Chân dung khoa học gia 17 tuổi của NASA - 25/08/2018 05:20
- Trung Quốc : Chiến thuật bạch tuộc và mục tiêu siêu cường năm 2049 - 24/08/2018 22:38
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-08-2018 - 24/08/2018 21:59
- Mỹ rút ngắn thời hạn visa sinh viên Trung Quốc theo học những ngành trọng điểm - 24/08/2018 19:28
- Air France và British Airways ngưng bay đến Iran - 24/08/2018 15:45
- Mỹ bổ nhiệm đặc phái viên về Bắc Triều Tiên - 24/08/2018 12:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-08-2018 - 23/08/2018 19:32
- Silicon Valley bất lực trước đạo quân tin tặc - 23/08/2018 19:12
Các tin khác
- Chiến tranh thương mại : Mỹ - Trung chính thức áp thuế mới - 23/08/2018 15:54
- Việt Nam tuyên án 12 người từ 5 đến 14 năm tù về tội “khủng bố” - 22/08/2018 23:11
- Microsoft : Nhiều trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ bị tin tặc Nga tấn công - 22/08/2018 20:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-08-2018 - 22/08/2018 16:02
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-08-2018 - 22/08/2018 01:49
- Đối đầu về Iran, quan hệ thương mại Mỹ-Trung thêm căng thẳng - 22/08/2018 01:32
- Cảnh quan hùng vĩ Nhà thờ Đức Bà Reims - 21/08/2018 19:15
- Trump bảo hộ mậu dịch, kinh tế Mỹ thấm đòn - 21/08/2018 18:29
- Iran cho ra mắt chiến đấu cơ tự chế tạo đầu tiên - 21/08/2018 16:08
- Bàn tay mật vụ Trung Quốc ở hải ngoại: Trường hợp người Duy Ngô Nhĩ - 20/08/2018 20:18