Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Những điểm đáng chú ý trong cuộc khủng hoảng Iran- Ả rập Xê Út

saudi-lebanon-hariri

Quốc vương Ả Rập Xê Út tiếp thủ tướng Liban từ nhiệm Saad Hariri, ngày 06/11/2017, tại Riyad.
Saudi Press Agency/Handout via REUTERS

Khu vực Trung Đông những ngày qua đang nóng lên với cuộc khủng hoảng được nhen nhóm từ vụ thủ tướng Liban, Saad Hariri, từ Ả Rập Xê Út lên án Iran rồi bất ngờ thông báo từ chức.

Liban chỉ là màn mới nhất trong cuộc tranh giành vị thế thống lĩnh giữa hai nước lớn trong vùng Vịnh : Iran và Ả Rập Xê Út .
Sân đấu của cuộc đua tranh này không chỉ là Liban mà còn là Yémen, Irak và Syria.  

Điểm lại 5 câu hỏi chủ chốt trong cuộc tranh giành ảnh hưởng đầy nguy hiểm này.

Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Iran vàẢ Rập Xê Út vẫn âm ỉ từ nhiều thập kỷ nay, tại sao căng thẳng bùng phát trở lại ?

Ả Rập Xê Út,  Vương quốc của Hồi Giáo Wahhabi, một hệ phái hà khắc trong Hồi Giáo Sunni, còn Cộng Hòa Hồi Giáo Iran theo hệ phái Shia.
Hai cường quốc vùng Vịnh này  năm 2016 đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với nhau cũng chỉ vì tranh giành ảnh hưởng. Cả hai cùng ủng hộ các phe đối địch nhau ở Liban, Irak, Syria hay Yémen.

Bắt đầu từ hôm 4/11 vừa qua, căng thẳng giữa hai nước lại dấy lên với vụ thủ tướng Liban, Saad Hariri từ Riyad, thủ đô Ả Rập Xê-út, đã lên tiếng tố cáo Iran can thiệp vào đất nước ông qua bàn tay của Hezbollah, phong trào theo hệ phái Hồi Giáo Shia được Teheran hậu thuẫn.

Căng thẳng được đẩy thêm một nấc mới khi hoàng tử kế vị Ả Rập Xê Út, Mohammed ben Salmane tố cáo Iran đã tấn công Vương quốc ông, quy trách nhiệm cho Teheran trong vụ phe nổi loạn Houthis ở Yémen bắn một tên lửa và đã bị chặn ở gần Riyad.

Téheran đã bác bỏ cáo buộc đồng thời đe dọa Riyad đừng đùa với lửa và hãy coi chừng « sức mạnh » của Iran.

Cuộc đối đầu giữa Ả Rập XêÚt và Iran bắt nguồn từ đâu ?

Ngoài sự thù nghịch ăn vào trong máu giữa người Ba Tư và người Ả Rập, cuộc đua tranh giữa Ryad và Teheran đã trở nên kịch phát bởi cuộc cách mạng Hồi Giáo Iran năm 1979.
Cuộc cách mạng này mang thông điệp giải phóng nhân dân nhưng đồng thời cả tâm lý chống Mỹ kịch liệt.

Vương quốc Ả Rập bảo thủ, một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ nhìn nhận sự kiện trên như là một mối đe doa đối với họ.
Cần phải nhắc lại trong cuộc chiến tranh Iran-Irak từ 1980 đến 1988, Riyad là một trong những  nguồn cung cấp tài chính lớn cho chính phủ của Saddam Husein.

Cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 đã làm Irak bị suy yếu nhiều. « Ả Rập Xê Út và Iran trở thành hai cường quốc chủ chốt trong khu vực và thế là họ lao vào cuộc tranh đua , trước tiên là để giành ảnh hưởng địa chính trị », nhà nghiên cứu Clément Therme, thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược (IISS) nhận định.

Ryad nhìn thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran trong cuộc chiến tranh tại Irak và Syria cũng như việc Teheran theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo như là một mối đe dọa lớn đối với với an ninh của họ.

Trong khi đó Iran luôn cảm thấy bị bao vây bởi các căn cứ quân sự Mỹ cùng kho vũ khí trên lãnh thổ của người láng giềng thù nghịch.
Teheran luôn khẳng định chương trình phát triển tên lửa của họ chỉ mang tính phòng thủ.

Những yếu tố hoàn cảnh nào tạo điều kiện thuận lợi cho căng thẳng gia tăng ?

Chuyên gia Therme, dẫn lại cuộc chiến tại Irak, Syria và Yémen nhận định : « Nguyên nhân gây căng thẳng đầu tiên hiện nay liên quan đến cuộc đối đầu có bàn tay trung gian của Iran và Ả Rập Xê Út».

Còn theo ông Max Abrahms, giáo sư tại đại học Mỹ, Northeastern Boston, đồng thời là một chuyên gia về vấn đề an ninh quốc tế thì, cuộc tranh đua giữa Ả Rập Xê Út  và Iran trở nên rõ nét hơn với  việc nhóm thánh chiến Nhà Nước Hồi Giáo bị suy yếu tại Irak và Syria.

Chuyên gia này cho rằng cuộc tranh giành ảnh hương như vậy nhằm tập hợp các đồng minh ở Trung Đông, chia nhau phe phái.

Trong khi đó chuyên gia Therme nhận định : “việc ông Donald Trump lên lãnh đạo Hoa Kỳ đã giải phóng năng lượng chống Iran trên bán đảo Ả rập, bởi Washington dốc lòng dốc sức vì đồng minh Ả Rập Xê Út và chống Iran ».
Đó là một lập trường dứt khoát khắc hẳn với chủ trương của chính quyền Barack Obama đã được đánh dấu bằng việc ký thỏa thuận lịch sử về hạt nhân Iran.

Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 được Teheran coi là một thắng lợi ngoại giao lớn giúp họ cải thiện quan hệ với phương Tây và Mỹ.
Nhưng các vương quốc Ả Rập lại nhìn nhận nếu quan hệ Teheran và Washington ấm lên thì chắc hẳn mối quan hệ ưu ái của Mỹ giành cho họ sẽ có vấn đề.

Sự chia rẽ giữa hệ phái Hồi Giáo Shia và Sunni đóng vai trò như thế nào ?

Những căng thẳng tôn giáo trong vùng nổi lên là tham số chính của sự đối địch Iran - Ả Rập Xê Út, nhất là kể từ sau cuộc xâm lăng của Mỹ vào Irak năm 2003 dẫn đến việc người theo Shia nắm quyền  ở Bagdad.

 Nhưng vấn đề chia rẽ tôn giáo này đặc biệt nổi cộm từ sau các cuộc nổi dậy mùa xuân Ả rập năm 2011. Nhà nghiên cứu Therme nhận xét : « Các quốc gia Ả Rập trở nên mong manh, suy yếu và Iran thì được xác định như là mối đe dọa chính đến sự ổn định trong vùng ».

Teheran đã tỏ sự ủng hộ các đòi hỏi của những người theo hệ phái Shia trong các vương quốc vùng Vịnh.
Ả Rập Xê Út sẽ cố gắng dùng vụ bắn tên lửa từ Yémen vừa qua để huy động sự ủng  hộ thêm các trừng phạt đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.
Tuy nhiên việc nổ ra xung đột khu vực ở quy mô rộng hơn giờ vẫn còn là điều ít có khả năng xảy, nhà phân tích chính trị Graham Griffith  nhận định.

Theo chuyên gia Therme, nguy cơ leo thang  có vẻ như đã bị giảm bớt hai nước vẫn còn sợ chiến tranh xảy ra. Iran đã từng có những kinh nghiệm đau đớn về cuộc chiến tranh với Irak.
 Ả rập Xê-út thì đã bị sa lầy khi nhảy vào Yémen từ hồi tháng 3 năm 2015 dẫn đầu một liên minh quân sự để ngăn chặn quân nổi dậy Houthis.

Hơn nữa  giới quan sát cũng nhận thấy khẩu khí của Ả Rập Xê Út cho thấy họ không hẳn đã muốn chiến tranh.
Thế nhưng tinh thần dân tộc chủ nghĩa có thể sẽ là một công cụ để hoàng tử kế vị củng cố thêm vị thế.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu cuộc khủng hoảng có dẫn tới một cuộc xung đột mở giữa Iran và Ả Rập Xê Út ?
Quả thực đây là một vùng bị chia rẽ sâu sắc và được vũ trang nhiều nhất. Trung Đông luôn được ví như thùng thuốc súng và tình hình ở đây đang trở nên nguy hại hơn bao giờ.

Tuy vậy, nhìn vào mối tương quan sức mạnh, Iran vẫn ỏ thế yếu hơn Ả Rập Xê Út.
  Iran có quân đội hùng hậu hàng trăm nghìn quân, nhưng không có phương tiện khí tài quân sự công nghệ cao.

Trái với Iran, Ả Rập Xê Útt có những thiết bị quân sự đời mới nhất, nhưng họ chỉ có khả năng triển khai được vài chục nghìn quân.
Ý thức được tình trạng đó, Iran sẽ phải làm tất cả để cố gắng tránh né đối đầu trực diện với Ả Rập Xê Út.

Một cuộc chiến tranh mở giữa nước Cộng  Hòa Hồi Giáo và Vương Quốc  Hồi Giáo Wahhabi đến giai đoạn này vẫn có ít khả năng xảy ra.

(Tổng hợp từ AFP)

Switch mode views: