Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bầu cử TT Pháp 2017: Cú sốc 2002 sẽ tái diễn?

france-election-flyer

Bích chương cho thấy 11 ửng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp - Ảnh chụp ngày 19/04/2017 tại Enghien-les-Bains, gần ParisREUTERS/Christian Hartmann

 Chỉ còn ba ngày nữa là đến vòng 1 cuộc bầu cử Pháp (23/04/2017), thế nhưng khả năng hai ứng cử viên nào sẽ được cử tri chọn vào vòng 2 vẫn là một ẩn số.

Qua những cuộc thăm dò dư luận, ngoài việc không ai trong số 4 nhân vật chủ chốt (Macron, Le Pen, Fillon và Mélenchon) là đã bứt phá được, còn có một yếu tố quan trọng khác là tỷ lệ người cho biết sẽ không đi bầu hay chưa dứt khoát chọn ai vẫn ở mức cực cao, khiến cho mọi đoán định đều bấp bênh.

Chính tỷ lệ này đã khiến cho mọi người lo ngại trước khả năng một cú sốc theo kiểu cuộc bầu cử tổng thống năm 2002 lại diễn ra, khi trái với mọi dự đoán, ứng cử viên cực hữu Jean-Marie Le Pen đã vượt qua ứng viên đảng Xã Hội Lionel Jospin trong gang tấc để vào vòng 2 tranh chức tổng thống với ứng cử viên cánh hữu Jacques Chirac.

Theo kết quả thăm dò mới nhất của viện Ipsos Sopra-Steria công bố ngày 18/04, vẫn còn 28% những người được hỏi xác định rằng họ sẽ không đi bầu.

 Viện thăm dò Ifop cũng cho một mức tương tự. Tỷ lệ này đã giảm nhiều so với kết quả nhiều cuộc thăm dò trước đó, cụ thể là khảo sát cách nay vài ngày của viện Ifop, cho thấy là một tuần lễ trước cuộc bỏ phiếu, chỉ có 68% người có tên trong danh sách cử tri xác nhận là họ chắc chắn sẽ đi bầu, có nghĩa là có thể có đến 32% người vắng mặt.

Tuy nhiên con số 28% người không đi bầu - tức là chỉ có 72% người đến phòng phiếu - vẫn gây lo ngại vì vẫn ở mức tương đương với tỷ lệ cử tri vắng mặt trong cuộc bầu cử gây chấn động vào năm 2002.

Theo nhận định chung của giới quan sát, bầu tổng thống là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong đời sống chính trị Pháp, với tỷ lệ đi bầu bình thường ở mức 80% tham gia.

Gần đây nhất, vào năm 2012, vẫn có 79,5% cử tri đã đến phòng phiếu vào nhân vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống, và ngoại lệ chính là vào năm 2002, khi số cử tri vắng mặt đạt kỷ lục 28,4%, điều được cho là đã tạo điều kiện để cho ứng cử viên đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia FN, Jean-Marie Le Pen vào được vòng 2.
Bà Marine Le Pen, con gái của ông Jean-Marie Le Pen đang hy vọng lập lại thành tích này vào năm nay cũng trong bối cảnh tương tự.

Cú sốc ngày 21 tháng Tư năm 2002

Ngược dòng lịch sử về năm 2002, trong suốt cuộc vận động tranh cử tổng thống Pháp, hai ứng cử viên dẫn đầu luôn luôn là cựu thủ tướng Lionel Jospin, đảng Xã Hội, và ứng viên cánh hữu Jacques Chirac, đảng Tập Hợp Vì Nền Cộng Hòa RPR.

Một số cuộc thăm dò dư luận đúng là có ghi nhận xu hướng vươn lên của nhân vật thứ ba là Jean-Marie Le Pen, đảng cực hữu Mặt Trận Quốc gia FN, nhưng không phát hiện được cường độ của sự trỗi dậy này.
Theo các cuộc khảo sát ý định bầu của cử tri Pháp lúc đó, ông Chirac dẫn đầu với 20%, theo sau là ông Jospin, 18%, còn ông Le Pen chỉ được 13%, và như thế sẽ bị loại.

Không ngờ kết quả thực sự lại khác đi. Vào tối ngày bầu vòng 1 hôm 21/04/2002, hầu như mọi người Pháp đều choáng váng khi thấy rằng người được vào vòng hai tranh chức tổng thống với ứng cử viên cánh hữu Jacques Chirac, được 19,88% số phiếu – đúng như thăm dò - không phải là ông Jospin, chỉ được 16,18%, mà là ông Le Pen, được 16,88%.

Kết quả chung cuộc ở vòng hai sau đó không có gì đáng ngạc nhiên, tất cả các đảng phái ở Pháp đều liên kết lại kêu gọi cử tri dồn phiếu cho ông Chirac để chặn đường phe cực hữu, và ông Jacques Chirac đã dễ dàng thắng cử.

Giải thích về nguyên nhân của cơn địa chấn chính trị đó, giới quan sát thường nêu lên hai yếu tố, trước tiên hết là tình trạng chia rẽ trong cảnh tả lúc đó, với một ứng cử viên có uy tín là bà Taubira đã chia phiếu của ông Jospin.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất thường được nêu bật là tỷ lệ người không bỏ phiếu cực cao lên đến mức kỷ lục đối với một cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp.

Về nguyên do dẫn đến tình hình vắng mặt đó, giới phân tích cho rằng do kết quả các cuộc thăm dò nhất loạt cho thấy là ông Jospin chắc chắn sẽ vào vòng trong, điều đó đã tạo nên tâm lý ỷ y trong các cử tri cánh tả, không tích cực đi bầu, hoặc là khi bỏ phiếu lại chọn người khác để tỏ thái độ bất bình với ứng cử viên Jospin.
 Trong khi đó thì giới cử tri của Mặt Trận Quốc Gia thì có quyết tâm cao hơn nên đã hăng hái đi bầu.

2017: Cực hữu thuận lợi hơn

Bối cảnh cuộc bầu tổng thống Pháp năm 2017 có phần thuận lợi hơn cho ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, ngay từ đầu đã luôn luôn nằm trong tốp 4 người nhiều triển vọng nhất được vào vòng hai, thậm chí là ứng viên được đánh giá là đã cầm chắc một vé, trong lúc ba người còn lại thì phải giành nhau chiếc vé thứ hai.

Tình trạng chia rẽ nặng nề trong cánh tả, nhất là trong đảng Xã Hội, kèm theo là các tai tiếng tài chánh liên quan đến ứng viên cánh hữu truyền thống cũng là những nhân tố được cho là có lợi cho bà Le Pen.

Ngoài ra, việc hai đối thủ trực tiếp của bà là hai ông Macron và Mélenchon đều không có một đảng cụ thể chống lưng mà chỉ có một « phong trào » ủng hộ, cũng là một tin vui cho ứng cử viên cực hữu.
Trong bối cảnh đó, một số nhà phân tích đã cho rằng sự thờ ơ của các cử tri, ngán ngẩm trước thời cuộc, không sốt sắng đi bầu sẽ là một yếu tố giúp ứng viên cực hữu chiến thắng ở vòng một.

Theo những cuộc điều tra dư luận gần đây nhất, có từ 1/3 đến 40% cử tri của các ông Macron hay Mélenchon cho rằng họ vẫn có thể thay đổi ý kiến. Và như vậy, một tỷ lệ đi bầu thấp có thể tạo điều kiện cho các ứng viên có một khối lượng cử tri chắc chắn như bà Le Pen chiến thắng.

 Khi được thăm dò, bình quân có khoảng 80% cảm tình viên của ứng viên cực hữu cho biết là họ đã chắc chắn về sự chọn lựa của mình.

Tuy vậy, một số chuyên gia đã cho rằng khả năng có quá nhiều cử tri sẽ không đi bỏ phiếu không nhất thiết là có lợi cho đảng FN.
Dĩ nhiên là với hơn 80% cảm tình viên, thậm chí 85% theo một vài cuộc thăm dò, đã tuyên bố là sẽ bầu cho bà, Marine Le Pen có khối cử tri vững chắc.
Tuy nhiên, chính trong khối cử tri này mà hiện tượng không đi bầu từng xẩy ra nhiều nhất.

Tỷ lệ không đi bầu cao không nhất thiết có lợi cho ứng viên Le Pen

Ông Bruno Cautrès, nhà phân tích chính trị tại trung tâm nghiên cứu chính trị Cevipof thuộc trường Khoa Học Chính Trị Sciences-po ở Paris phân tích : « Có môt nhân tố xã hội học chi phối hiện tượng không đi bầu.
Càng ở vị trí cao trên bậc thang xã hội, người ta càng đi bầu nhiều hơn. Giới trẻ, nhất là những thành phần ít học thức, không được ưu đãi trong xã hội, thường ít đi bầu hơn những tầng lớp khác ».

Theo bà Céline Braconnier, giám đốc trường Khoa Học Chính Trị Sciences-po Saint-Germain-en-Laye, đồng tác giả của tập khảo luận « Tính dân chủ của hành động không bỏ phiếu », những thành phần kể trên lại chính là thành phần cử tri của ứng viên cực hữu : « Bà Le Pen được từ 30% đến 35% ý định bầu trong số những người dưới 35 tuổi.
Và những thanh niên không có bằng cấp, chiếm một tỷ lệ cực cao trong số cử tri của đảng FN, lại chính là những người thường không đi bầu nhất.

 Do đó, tình trạng thiếu vắng cử tri ngày 23 tháng Tư tới đây có thể sẽ có hại cho đảng Mặt Trận Quốc Gia ».

Dẫu sao thì các kết quả thăm dò dư luận cho đến hôm nay đều khẳng định là dù có vào được vòng trong, nếu gặp các đối thủ như ông Macron hay Fillon, bà Le Pen chắc chắn sẽ bị thua, vì các cử tri bên tả cũng như bên hữu sẽ liên kết lại để bác bỏ một tổng thống cực hữu.

Kịch bản ác mộng : Le Pen và Mélenchon vào vòng 2 ?

Trong những ngày gần đây, với sự vươn lên ngoạn mục của ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélenchon trong nhiều cuộc thăm dò, một kịch bản đáng ngại đã được một số nhà quan sát nêu lên : khả năng ửng viên cực tả vào được vòng 2 để đấu với ứng viên cực hữu Le Pen.

Đây là một kịch bản đang khiến giới đầu tư ớn lạnh, vì ông Mélenchon cũng như bà Le Pen đều chủ trương Frexit, rút nước Pháp ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, ra khỏi khối sử dụng đồng euro.

 Theo kinh tế gia Marc Touati, đấy là nhũng chủ trương rất tệ hại vì « đồng euro ngăn ngừa lạm phát » và cho phép « duy trì lãi suất ở một mức tương đối thấp ».

Theo kinh tế Touati, nếu một trong hai ứng viên nói trên đắc cử tổng thống, thì « trị giá cổ phiếu trên thị trường Paris CAC40 có thể nhanh chóng mất đi 20% và nhiều hơn nữa trong trung hạn.
 Lãi suất dài hạn có thể tăng lên 8% hay 10%, tác động tiêu cực đến tài chính các hộ gia đình và các công ty, với những khoản lợi bị thu hẹp. Các nhà đầu tư ngoại quốc sẽ rút vốn đi… »

Ngoài tác động tiêu cực của Frexit, giới tài chính sẽ không mấy ưa thích vấn đề dễ dãi về ngân sách trong chương trình của hai ứng viên cực hữu và cực tả, cùng với chính sách bảo hộ mậu dịch của họ. Giới tài chánh tố cáo ý của ông Mélenchon muốn áp đặt một mức thuế mang tính chất « tịch thu tài sản » trên những nguồn thu nhập cao.

Dẫu sao đây có vẻ như là một kịch bản không tưởng.
Nhưng trong thời gian qua, nhiều cuộc bầu cử đã có những kết quả bất ngờ, khiến giới quan sát rất thận trọng khi nói về cuộc bầu cử tổng thống Pháp.


Switch mode views: