Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-04-2017
- Thứ Tư, 19 tháng Tư năm 2017 22:55
- Tác Giả: Thu Hằng
Pháp : Châu Á vắng bóng trong chương trình tranh cử tổng thống
Châu Á gần như vắng mặt trong chương trình tranh cử tổng thống của các ứng viên Pháp. Khu vực châu Á chụp từ vệ tinh. Ảnh minh họa.
CC/NASA
Châu Á, khu vực tập trung đến một phần ba trao đổi thương mại thế giới, lại gần như vắng bóng trong chương trình của các ứng viên tranh cử tổng thống Pháp.
Theo chuyên gia Pháp Valérie Niquet, được nhật báo Libération đăng, trong số ra ngày 19/04/2017, lý do giải thích sự thiếu quan tâm của các ứng viên tổng thống Pháp có lẽ là khoảng cách về địa lý, thiếu phương tiện và vắng tính cấp bách về chiến lược, do nước Pháp đang phải đối phó trước mắt với tình hình tại Trung Đông và đe dọa khủng bố.
Thế nhưng, theo đánh giá của bà Niquet, giám đốc khu vực châu Á thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), việc các ứng viên không chú ý đề cập đến châu Á trong chương trình tranh cử là một điều đáng tiếc.
Thứ nhất, châu Á là điểm trọng yếu đối với tăng trưởng toàn cầu. Chỉ cần tăng trưởng của khu vực này, trong đó có cả Trung Quốc, đột nhiên chững lại sẽ gây ra hiệu ứng đáng kể đối với toàn thế giới, cũng như với nước Pháp.
Thứ hai, cũng tại châu Á là nơi tập trung nhiều cường quốc hạt nhân, dù có thừa nhận hay không, trong đó phải kể đến Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Bắc Triều Tiên vẫn đang theo đuổi chương trình vũ khí nguyên tử.
Cuối cùng, với bề ngoài có vẻ ổn định, châu Á lại cũng là nơi đang diễn ra nhiều cuộc xung đột. Ngoài tình hình nóng bỏng trên bán đảo Triều Tiên, còn phải kể đến tranh chấp trong khu vực Biển Đông, căng thẳng tại eo biển Đài Loan hay tại khu vực biên giới giữa Ấn Độ-Trung Quốc hay Ấn Độ-Pakistan…
Tất cả đều có thể dẫn đến những tính toán sai lầm kéo theo hậu quả nghiêm trọng về chiến lược toàn cầu. Pháp cũng sẽ bị tác động, với những nghĩa vụ bắt buộc với tư cách là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, điều đáng ngại hơn cả, theo chuyên gia Niquet, là một vài ý kiến hiếm hoi trong chương trình tranh cử của một số ứng viên chính lại dựa trên một số « thành kiến » mà không cập nhật tình hình mới nhất tại châu Á.
Ứng viên đảng Những Người Cộng Hòa François Fillon lấy sự thống trị của đồng nhân dân tệ để bảo vệ lập trường một châu Âu thống nhất, trong khi trên thực tế, trào lưu quốc tế hóa đồng tiền Trung Quốc lại thoái lui một cách rõ rệt.
Chính sách đối ngoại với châu Á thu gọn trong hai từ « Trung Quốc »
Khi nhắc đến châu Á trong chương trình tranh cử, hầu hết các ứng viên có xu hướng chỉ nhắc đến Trung Quốc.
Đúng là Trung Quốc đóng vai trò quan trọng tại khu vực nhưng những nguy cơ gây bất ổn do quốc gia này gây nên trong khu vực lại ít được nhắc đến.
Cả François Fillon và Emmanuel Macron đều thể hiện mong muốn hợp tác với Trung Quốc, được đánh giá là « nhân tố cơ bản », trên ba phương diện : an ninh, trao đổi mậu dịch và môi trường, song với ứng viên thuộc phong trào Tiến Bước, Emmanuel Macron, quá trình hợp tác được dựa trên mong muốn tái cân bằng, còn với ông François Fillon là thiết lập « đối tác chiến lược ».
Thế nhưng, Trung Quốc cũng là một « nhân vật xấu ». Trong diễn văn của ứng viên cực hữu, bà Marine Le Pen lên án tình trạng sản xuất thừa của nền kinh tế Trung Quốc.
Quốc gia Đông Á này còn phải chịu trách nhiệm về việc nhiều doanh nghiệp Pháp chuyển nhà máy sang nước này, cũng như sự « đổ vỡ xã hội » tại Pháp.
Đối với ứng viên phong trào Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon, quan điểm về Trung Quốc hoàn toàn mâu thuẫn.
Ông tỏ ra thù nghịch với tiến trình toàn cầu hóa hiện nay, trong đó Trung Quốc là nước đầu tiên được hưởng lợi, song lại ủng hộ định hướng chống khối Đại Tây Dương của chính quyền Bắc Kinh và kêu gọi nước Pháp « dựa vào sự lãnh đạo Trung Quốc ».
Ứng viên đảng Xã Hội Benoit Hammon thì lên án « tính tàn nhẫn của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình » và yêu cầu tôn trọng nhân quyền.
Ngoài Trung Quốc, dường như là « đại diện » cho châu Á trong chính sách đối ngoại của các ứng viên, những đối tác khác trong khu vực chỉ được nhắc đến rất ngắn gọn. Ông Emmanuel Macron sẽ tiếp tục duy trì thị trường vũ khí tại châu Á của bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, mà Ấn Độ là « đối tác chiến lược hàng đầu ».
Trung Quốc dường như ám ảnh François Fillon khiến ứng viên đảng Những Người Cộng Hòa quên luôn Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, quốc gia được Pháp đầu tư nhiều nhất tại châu Á.
Hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức chiến lược, Tokyo trông đợi nhiều vào Pháp và theo dõi sát sao cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vài ngày sắp tới.
Pháp : Khủng bố đe dọa những ngày cuối tranh cử tổng thống
Vẫn liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp, một âm mưu khủng bố được cảnh sát điều tra phá vỡ tại thành phố Marseille là sự kiện chính của các nhật báo. Hai thanh niên người Pháp, 23 và 29 tuổi, bị bắt chỉ vài ngày trước vòng một cuộc bầu cử tổng thống khiến vấn đề đảm bảo an ninh lại được đưa ra « mổ xẻ ».
Trang nhất của Libération là hàng tựa lớn « Những ngày cuối chiến dịch tranh cử dưới đe dọa khủng bố ». Được báo động từ tuần trước, một số ứng viên tổng thống nhận thấy các cuộc mit-tinh của họ được tăng gấp bốn lần lực lượng cảnh sát đảm bảo an ninh.
Còn bài xã luận của Libération cho rằng đây là một « thất bại mới » của chính quyềntrong việc chống khủng bố, trong khi người dân vẫn giữ được bình tĩnh trong mọi trường hợp.
Le Figaro cũng đưa trên trang nhất hàng tựa : « Đe dọa khủng bố trong kỳ bầu cử tổng thống ». Không ai dám nói ra nhưng mối đe dọa này ám ảnh mọi người từ nhiều tháng nay.
Phải chăng François Fillon có thể là mục tiêu ?
Vì theo bài xã luận của Le Figaro, ứng viên cánh hữu và trung từng cho phát hành cuốn sách với tựa đề Chiến thắng chế độ cực quyền Hồi Giáo cực đoan vào tháng 09/2016. Trong cuốn sách, ông Fillon chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa toàn thủ Hồi Giáo.
Ông cũng là một trong những người không sợ bảo vệ nguồn gốc Do Thái-Cơ Đốc của nước Pháp.
Với những kẻ căm ghét nền dân chủ và văn minh phương Tây, một cuộc bầu cử trở thành mục tiêu rõ ràng. Đánh vào biểu tượng của lòng độ lượng, vào tranh luận và tự do, chắc chắn sẽ gây ra hỗn loạn để áp đặt luật lệ của chúng.
Gây bất ổn tại Pháp là một trong những mục tiêu ưu tiên. Vì những kẻ thánh chiến muốn trả thù những trận đánh mà quân đội Pháp tham gia tại Trung Đông và châu Phi.
Sự kiện phá vỡ âm mưu khủng bố tại Marseille hẳn sẽ đưa cuộc chiến chống chủ nghĩa thánh chiến trở lại tâm điểm trong giai đoạn cuối vận động tranh cử của các ứng viên.
Pháp : 10 điểm chưa từng có của đợt vận động tranh cử tổng thống
Bốn ngày trước kỳ bầu cử tổng thống Pháp vòng một, nhật báo kinh tế Les Echos điểm lại 10 điểm đặc biệt trong đợt vận động tranh cử khác thường.
Cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng cử viên tranh cử tổng thống Pháp được đánh giá là « điên rồ » nhất từ trước đến nay.
Les Echos bắt đầu từ sự kiện tổng thống đương nhiệm François Hollande thông báo không ra tái tranh cử. Chiến dịch vận động tranh cử diễn ra trong tình trạng khẩn cấp, vì báo động khủng bố vẫn còn hiệu lực.
Lần đầu tiên công nghệ hình ảnh ảo được sử dụng để tổ chức mit-tinh ở nhiều nơi, mà người dùng nhiều là ứng viên Jean-Luc Mélenchon của phong trào Nước Pháp bất khuất.
Không có ứng viên của đảng Xanh tham gia tranh cử. Ứng viên được cho là sáng giá François Fillon thì bị truy tố.
Lần đầu tiên các ứng viên tranh luận trên truyền hình trước vòng bỏ phiếu thứ nhất. Cả hai đảng chính trong hệ thống cầm quyền đều gặp khó khăn. Ứng viên Emmanuel Macron, người vừa mới đặt chân vào chính trường, có thể thắng cuộc.
Diễn biến tranh cử chưa bao giờ mù mờ đến như vậy.
Anh bầu lại Nghị Viện để mạnh tay thúc đẩy Brexit
Tận dụng sự suy yếu của Công Đảng, thủ tướng Anh Theresa May bất ngờ đòi tổ chức bầu cử Quốc Hội sớm, vào ngày 08/06. Bà hy vọng sẽ củng cố đa số, hiện chỉ nhỉnh hơn một chút, tại Nghị Viện để tiến hành « Brexit cứng ».
Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định trên trang nhất : « Theresa May muốn thương lượng Brexit trên vị thế mạnh ».
Giải thích về quyết định trên, bản thông cáo được thủ tướng Anh đọc trước số 10 phố Downing nhấn mạnh : Sự « chia rẽ » trong Nghị Viện là một mối đe dọa đối với sự ổn định mà Anh Quốc cần có trong đợt đàm phán với 27 nước Liên Hiệp Châu Âu, trong khi quá trình đàm phán có thể kéo dài ít nhất 2 năm.
Le Figaro cho rằng « Theresa May đặt cược nhiệm kỳ của mình vào canh bài mang tên Brexit ».
Nhật báo La Croix cũng có chung nhận định khi cho rằng thông báo gây bất ngờ ngày 18/03 là « Ván bài poker của Theresa May ».
Theo La Croix, nếu thủ tướng Anh thắng cược, tiếng nói của những người phản đối Brexit sẽ không được chú ý và cuối cùng bà Theresa May được rảnh tay hành động.
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh « dùng hàng Mỹ »
Khẩu hiệu « Nước Mỹ trước đã » được tổng thống Donald Trump biến thành hiện thực khi ông ký sắc lệnh khuyến khích « mua hàng Mỹ và tuyển dụng người Mỹ ». Sắc lệnh được công bố ngày 17/04/2017 nhằm hạn chế số lượng visa lao động nước ngoài.
Theo nhật báo Le Figaro, được áp dụng từ khoảng 30 năm nay, hàng năm có khoảng 85.000 người nước ngoài được nhận thị thực theo chương trình visa H-1B.
Loại thị thực này có giá trị trong vòng 3 năm, được gia hạn một lần, chủ yếu dành cho lao động có trình độ cao như nhà khoa học, toán học, kỹ sư và lập trình viên và được sử dụng nhiều tại thung lũng Valley.
Nhà Trắng cho rằng chương trình visa H-1B được « áp dụng một cách có hại cho người lao động Mỹ » và chỉ tạo điều kiện cho nhân công trình độ thấp với mức thù lao thấp đến Mỹ khiến mức lương của các kỹ sư và lập trình viên Hoa Kỳ bị giảm theo.
Về phần mình, nhật báo kinh tế Les Echos đánh giá sắc lệnh trên của tổng thống Donald Trump hiện mới chỉ mang tính tượng trưng và chưa có các biện pháp cụ thể ngay lập tức.
Pháp : 14.000 hộ gia đình tự sản xuất điện
Nhờ hệ thống tấm pin mặt trời, khoảng 14.000 hộ gia đình Pháp tiêu thụ điện do chính họ tự sản xuất. « Đây là một hiện tượng xã hội thực sự » theo đánh giá với nhật báo Le Figaro của giám đốc chiến lược của Enedis, nhà quản lý mạng lưới phân phối điện.
Trong bối cảnh chuyển tiếp năng lượng, ngày càng có nhiều khách hàng là các hộ gia đình, cũng như nhiều nhà công nghiệp và khối văn phòng, muốn tự cung tự cấp điện năng.
Hiện có hơn 350.000 gia đình được lắp hệ thống pin mặt trời và kết nối với mạng lưới phân phối. Khối lượng điện do họ sản xuất không được trực tiếp tiêu thụ mà được đưa vào lưới điện của Enedis.
Cơ quan điện lực này ký hợp đồng mua lại điện do các hộ gia đình trên sản xuất. Hợp đồng có hiệu lực trong vòng 20 năm và sau thời hạn này, các gia đình được toàn quyền tiêu thụ điện mà họ sản xuất được.
Tin mới
- Nga: Nổ súng ngay trong trụ sở FSB, 3 người chết - 22/04/2017 16:10
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-04-2017 - 22/04/2017 14:45
- Donald Trump ra lệnh mở điều tra về thép nhập khẩu - 21/04/2017 22:10
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-04-2017 - 21/04/2017 21:49
- Chào theo kiểu Pháp : “Hôn má” bao nhiêu thì đủ ? - 21/04/2017 20:47
- Mỹ Đức : Chủ tịch Hà Nội kêu gọi thả con tin, hứa thanh tra toàn diện đất Đồng Tâm - 21/04/2017 19:18
- Khủng bố tại Paris : cảnh sát thẩm vấn thân nhân hung thủ - 21/04/2017 15:47
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-04-2017 - 20/04/2017 20:17
- Bầu cử TT Pháp 2017: Cú sốc 2002 sẽ tái diễn? - 20/04/2017 19:15
- Indonesia : Đô trưởng Jakarta mãn nhiệm thất cử - 20/04/2017 18:42
Các tin khác
- Hàn Quốc : Giới trẻ không muốn hy sinh vì việc làm nữa - 19/04/2017 17:11
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-04-2017 - 19/04/2017 02:32
- Nghi can giết người ‘đưa lên Facebook’ bị dí ở Pennsylvania, rút súng tự sát - 18/04/2017 22:51
- Từ bỏ đồng euro, Pháp bị thiệt hại nặng - 18/04/2017 22:04
- Trung Quốc : Phương Tây tẩy chay thượng đỉnh về Con Đường Tơ Lụa - 18/04/2017 21:34
- Bắc Triều Tiên thử nghiệm mô hình kinh tế tự do - 18/04/2017 21:23
- Việt Nam : Dân Mỹ Đức thả 15 cảnh sát, đòi chính quyền đối thoại - 18/04/2017 17:35
- Bà Hạnh Nhơn, ân nhân của thương phế binh và quả phụ VNCH, qua đời - 18/04/2017 17:27
- Liệu Kim Jong Un có sợ bom của Donald Trump ? - 17/04/2017 23:05
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-04-2017 - 17/04/2017 20:33